NGÀY QUỐC TẾ THIẾU NHI 1/6

Tổ ấm

  • 07:48 | Thứ Năm, 01/06/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Người phụ nữ luống tuổi ngồi giữa hiên nhà, lật giở cuốn album đã ố màu. Bên cạnh bà, gần chục đứa trẻ ở đủ lứa tuổi ríu rít như đàn chim non. Gần 20 năm trước, bà Phạm Thị Thịnh không nghĩ đến ngày bản thân lại sống giữa ngập tràn tình yêu của con trẻ như thế. Trong một “ngôi làng” đặc biệt, tổ ấm của bà và nhiều gia đình khác cũng đặc biệt không kém khi những số phận bất hạnh, côi cút đã nương tựa vào nhau, sưởi ấm nhau bằng tình mẫu tử chân thành.
 
Những mảnh ghép màu hồng
 
Làng trẻ em SOS Đồng Hới một chiều tháng 5. Những đứa trẻ đã nghỉ hè, khoảng không gian chung vì thế cũng rộn rã tiếng cười. Hôm nay, cô gái Nguyễn Thị Lam, hiện là sinh viên Trường đại học Duy Tân trở về với mẹ và các em sau buổi thi kết thúc môn. Ngôi nhà mang tên Hoa Vạn Thọ chợt rộn tiếng nói cười, những đứa trẻ lên 5, lên 7 cứ ôm lấy Lam không rời.
 
Lam bảo, có lẽ cô là sinh viên thường xuyên về thăm nhà nhất của làng trẻ này. “Nhà” mà cô nhắc đến là người mẹ cùng 9 đứa em thơ không cùng huyết thống nhưng thương nhau như ruột thịt. “Cứ đi xa là lại nhớ mẹ và các em, mong lắm cuối tuần, nghỉ lễ để được trở về nhà”, Lam xúc động nói. Ngồi sát cạnh, bà Phạm Thị Thịnh nhìn cô với đôi mắt lấp lánh hạnh phúc. Dòng ký ức của 18 năm trở về trước hiển hiện sống động như thể ngày hôm qua.
 
Đó là một buổi chiều 27 Tết, Làng trẻ em SOS Đồng Hới đón nhóm trẻ đầu tiên. Lam khi ấy chỉ mới lên 5, cùng 3 chị em ruột khác chập chững bước vào làng trẻ. Đứa lớn nhất mới chỉ lên 8, em út vừa 2 tháng tuổi. Bốn chị em quê ở huyện Thanh Chương (Nghệ An), mồ côi cả cha lẫn mẹ sau một tai nạn đuối nước. Bà Thịnh đón các em về với ngôi nhà Hoa Vạn Thọ, lòng chộn rộn nỗi lo. Chưa 1 lần làm mẹ, nay phải chăm bẵm cùng lúc 4 đứa trẻ, trong đó có một trẻ sơ sinh còn đỏ hỏn, bà hoang mang quá đỗi.
 
Vậy mà, ngày nối đêm trôi đi, bằng tất cả tình yêu, mong mỏi được bù đắp phần nào cho những đứa trẻ bất hạnh, bà đã đồng hành cùng chị em Lam đi qua những tháng ngày khó nhọc nhất với bao bận ốm đau, những lần khát sữa. 18 năm rồi cũng qua đi, Nguyễn Thị Thương-cô bé sơ sinh ngày nào giờ đã là nữ sinh cuối cấp xinh xắn, chuẩn bị thi vào Học viện Cảnh sát nhân dân. Hai người chị khác của em là Nguyễn Thị Hồng và Nguyễn Thị Mơ người đã công việc ổn định, người đang là sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ Huế.
 
Bà Thịnh bảo, hạnh phúc nhất là cả mấy chị em đều chăm ngoan, học giỏi và rất vâng lời mẹ. Các chị em biết thương yêu nhau, thương cả những đứa em cùng nhà, đỡ đần mẹ chăm sóc các em, bày vẽ nhau học hành. Thỉnh thoảng, các anh chị xa nhà lại gửi quà về cho mẹ và các em.
 
Bên trong 12 ngôi nhà mang tên 12 loài hoa dân dã là biết bao câu chuyện buồn vui, đẫm nước mắt nhưng cũng chan chứa yêu thương về những đứa trẻ sinh ra đã mang lấy bất hạnh. Chúng là những đứa trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, không nơi nương tựa nhưng may mắn vẫn mỉm cười khi được lớn lên giữa tình yêu thương. Những người mẹ, người dì ở làng trẻ cũng có hoàn cảnh đặc biệt. Không chồng, không con, họ tự nguyện xin vào làm mẹ ở làng trẻ để được chăm sóc, nuôi dưỡng những đứa trẻ kém may mắn. Mỗi đứa con một tính cách, cá tính, một sở thích riêng.
Bà Phạm Thị Thịnh bên các con của nhà Hoa Vạn Thọ.
Bà Phạm Thị Thịnh bên các con của nhà Hoa Vạn Thọ.
Để những đứa trẻ không cùng huyết thống, cùng lớn lên hòa thuận bên nhau, yêu thương nhau như ruột thịt, những người mẹ, người dì phải thực sự hiểu rõ tính cách của từng trẻ. “Là người làm mẹ, chúng tôi phải chăm sóc, dạy dỗ và thậm chí là cảm hóa con bằng tất cả tình yêu thương. Khi các cháu mắc lỗi, tôi cũng phải nhẹ nhàng khuyên nhủ, chia sẻ, động viên vì các cháu đã thiệt thòi quá nhiều rồi”, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, người mẹ của nhà Hoa Thược Dược chia sẻ. Vì thương bọn trẻ nên dù đến tuổi nghỉ hưu, bà vẫn tình nguyện ở lại làng trẻ để được chăm sóc, dạy dỗ chúng lâu hơn.
 
Mỗi đứa trẻ là mỗi câu chuyện thật buồn. Nhưng những con người với số phận côi cút đã gắn đời mình vào nhau, xây nên một tổ ấm. Những mảnh ghép màu hồng cũng đã được lắp ghép vào để những bức tranh khuyết bớt đi những gam màu u tối.
 
Hạnh phúc cuối con đường
 
Đến giờ, bà Phạm Thị Thịnh vẫn còn giữ cuốn sổ tay nhỏ, ghi chép tỉ mẩn hành trình suốt 18 năm qua với 22 đứa trẻ được lớn lên trong vòng tay của bà. Ngày các con bập bẹ tập nói, ngày đầu tiên đến trường, ngày đậu đại học rồi có việc làm ổn định… bà đều đặn ghi nhớ lại. Mỗi một lần như thế là một lần vun vén thêm niềm hạnh phúc bình dị mà thiêng liêng. Trong hành trình suốt 18 năm gắn đời mình vào những đứa trẻ bất hạnh này, cuối cùng, bà cũng gặt hái được “quả ngọt”.
 
Bằng sự nỗ lực tự thân cùng sự hỗ trợ của làng trẻ, các em được học hành tử tế, có việc làm ổn định, có em đã lập gia đình. “Rộn ràng nhất là mỗi dịp Tết đến, các cháu trở về nhà thăm mẹ và các em. Trước khi kết hôn, có cháu còn mang người yêu về ra mắt mẹ và cô chú ở làng trẻ. Vui nhất là khi các cháu làm đám cưới, tất cả thành viên của làng trẻ trở thành gia đình, người thân của các cháu. Chứng kiến sự trưởng thành của con em mình, người làm mẹ như tôi xúc động lắm”, bà Thịnh bồi hồi kể.
 
6 tuổi, Hoàng Thị An (quê ở Hoàn Lão, Bố Trạch) đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Em được đón về Làng trẻ em SOS Đồng Hới, viết tiếp những trang đời thật khác. Bà Thủy kể, với bà, An là đứa con đặc biệt nhất bởi từ lúc nhỏ, em đau ốm liên miên. Khi lớn lên, An cũng là đứa con hiểu chuyện, chăm ngoan nhất. Được yêu thương, chăm sóc và ăn học tử tế, giờ, An là kỹ thuật viên tại Khoa Vật lý trị liệu-Phục hồi chức năng, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới.
 
“Đến giờ, em vẫn không quên được những ngày mẹ lặn lội đưa em đi khám khắp nơi, tìm đủ loại thuốc để chữa bệnh cho em. Mẹ chăm sóc em, dạy em mọi điều. Em thực sự thấy mình may mắn vì với em, mẹ không khác gì một người mẹ ruột”, An xúc động chia sẻ. Nghĩ đến mẹ, mỗi ngày trôi qua, An lại có thêm động lực sống tốt hơn để đền đáp công ơn của mẹ và các cô chú ở làng trẻ.
 
Như An nói, được đón về làng trẻ và có một mái ấm sau những côi cút, bất hạnh là một may mắn lớn. Trân trọng niềm may mắn ấy, từ ngôi làng đặc biệt này, nhiều đứa trẻ đã nỗ lực, phấn đấu để trở thành người có ích cho xã hội. Nhiều em thi đậu vào Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp, vào các trường cao đẳng, đại học, rồi tốt nghiệp trở thành bác sĩ, kỹ sư... Hiện có 28 em đang theo học các trường cao đẳng, đại học trên cả nước, hơn 20 em đã lập gia đình.
 
Sau bất hạnh, những đứa trẻ đã có một gia đình để yêu thương và được yêu thương, những tổ ấm cũng đã dần vẹn tròn. Với những người làm mẹ như bà Thịnh, bà Thủy..., niềm hạnh phúc dẫu muộn màng nhưng vẫn đong đầy, đủ để bù đắp lại những thiếu thốn, chênh vênh.  
 
Ông Nguyễn Ngọc Ninh, Giám đốc Làng trẻ em SOS Đồng Hới cho biết, đơn vị hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng 156 trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa. Ngoài chăm lo cho việc học văn hóa, làng còn tổ chức giáo dục và định hướng nghề nghiệp cho các em; tạo điều kiện để trẻ tham gia vào các hoạt động, văn hóa, thể thao, trải nghiệm và giải trí hướng tới hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt, trong dịp hè, làng thường xuyên tổ chức cho các em tham gia các lớp học bơi, năng khiếu, trang bị kỹ năng phòng chống bị xâm hại...
Diệu Hương

tin liên quan

Sôi nổi nhiều hoạt động "Tuổi trẻ với biển, đảo quê hương"

(QBĐT) - Đêm 30/5, tại Quảng trường Bảo Ninh (TP. Đồng Hới), Ban Thanh niên Quân đội (Cục Chính trị Quân khu 4), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Tỉnh đoàn và UBND TP. Đồng Hới phối hợp tổ chức chương trình "Tuổi trẻ với biển, đảo quê hương", và phát động "Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè" năm 2023.

Tuyên Hóa: Hỏa hoạn làm cháy rụi một ngôi nhà

(QBĐT) - Sáng 31/5, thông tin lãnh đạo UBND xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa) cho biết, trên địa bàn xã vừa xảy ra vụ hỏa hoạn làm cháy rụi một ngôi nhà tại bản Cà Xen.

135 trẻ được nhận đỡ đầu với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng

(QBĐT) - Tối 30/5, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình tổ chức chương trình giao lưu "Mẹ đỡ đầu-Chắp cánh ước mơ".