Thoát nghèo nhờ được học nghề phù hợp

  • 07:52 | Thứ Hai, 29/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm qua, huyện Quảng Trạch luôn chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), đặc biệt là định hướng những ngành nghề phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Nhờ vậy, nhiều hộ gia đình, nhất là các hộ nghèo đã chuyển đổi nghề nghiệp, có việc làm ổn định, vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
 
Hơn 15 năm trước, bà Phan Thị Thủy (xã Quảng Phương, Quảng Trạch) được địa phương hỗ trợ học nghề mây xiên. Khi đó, bà chỉ mong có thêm một phần thu nhập để nuôi con ăn học và chăm lo cuộc sống tốt hơn. Không ngờ sau ngần ấy thời gian, từ nghề mây xiên được học chẳng những đã giúp gia đình bà có cuộc sống khá giả mà còn tạo việc làm cho hàng trăm LĐNT khác ở trong vùng.
 
Đặc biệt, từ khi bà Thủy được chính quyền địa phương và ngành chức năng hỗ trợ thành lập Hợp tác xã (HTX) Sản xuất dịch vụ mây xiên Quảng Phương, nhiều LĐNT tham gia HTX tiếp tục được đào tạo nâng cao tay nghề để tạo ra những sản phẩm thủ công tinh xảo từ mây, được khách hàng trong cả nước ưa chuộng.
 
Theo bà Thủy, hiện mỗi năm HTX sản xuất trên 25.000 sản phẩm, doanh thu của HTX đạt trên 3,1 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 400 triệu đồng. Ngoài giải quyết việc làm cho 15 thành viên, HTX còn tạo việc làm cho hơn 150 hộ gia đình nhận gia công tại nhà với mức thu nhập bình quân từ 3,5-5 triệu đồng/người/tháng.
 
Chị Dương Thị Đào (ở thôn Đông Dương, xã Quảng Phương) cho biết, nhờ được tham gia các lớp đào tạo nghề nên những lúc nông nhàn, chị lại dành thời gian để đan các sản phẩm từ mây xiên, kiếm thêm thu nhập, trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày, đời sống gia đình nhờ đó ngày càng được nâng cao.
Dạy nghề may công nghiệp cho lao động nông thôn ở huyện Quảng Trạch.
Dạy nghề may công nghiệp cho lao động nông thôn ở huyện Quảng Trạch.
Chị Trần Thị Hóa ở xã Quảng Hợp cũng là một trong nhiều người ở huyện Quảng Trạch “đổi đời” nhờ được học nghề từ các chương trình đào tạo nghề cho LĐNT. Được các cấp, các ngành tạo điều kiện cho tham gia lớp đào tạo nghề may công nghiệp, chị đã có việc làm ngay tại địa phương. Hiện, chị Hóa đang làm công nhân tại xưởng may Thái Phương với mức thu nhập hơn 5 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, cuộc sống gia đình chị ổn định, không phải đi làm thuê thời vụ, thu nhập không còn bấp bênh như trước nữa.
 
Phó trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) huyện Quảng Trạch Trần Minh Đông cho biết, để công tác đào tạo nghề cho LĐNT đã phát huy hiệu quả. Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, địa phương khảo sát nhu cầu học nghề của người dân và nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh để gắn công tác đào tạo nghề với nhu cầu việc làm của các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn.
 
Cùng với đó, huyện luôn chú trọng công tác đào tạo nghề gắn với sản xuất nông nghiệp, nghề truyền thống, nghề mới. Qua đó, tạo điều kiện cho LĐNT nâng cao kiến thức, ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế. 
 
Theo ông Trần Minh Đông, từ năm 2020-2022, huyện Quảng Trạch đã phối hợp với các cấp, các ngành, địa phương mở được 43 lớp dạy nghề, thu hút gần 1.400 LĐNT tham gia. Các nhóm nghề được huyện tập trung đào tạo, như: May công nghiệp; kỹ thuật xây dựng; trồng hoa; trồng và sơ chế gừng, nghệ; trồng cây ăn quả, nghiệp vụ nhà hàng, nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng; phòng, trị bệnh cho gia súc, gia cầm...
 
Hầu hết các lớp dạy nghề được tổ chức đã bám sát với điều kiện kinh tế, nhu cầu thực tế của học viên. Cùng với đó, huyện Quảng Trạch cũng đã phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ người lao động sau đào tạo tìm được việc làm phù hợp, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống.
Lâm An

tin liên quan

Tăng cường công tác phối hợp giữa BHXH và Công an tỉnh

(QBĐT) - Thời gian qua, việc triển khai thực hiện chương trình phối hợp giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội và Công an tỉnh bước đầu đạt kết quả quan trọng,

Đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ

(QBĐT) - Triển khai tổ chức thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp.
 

Tập huấn chủ đề "Buôn bán động vật hoang dã: Rủi ro và thách thức"

9QBĐT) - Trong ngày 27-28/5, tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, Trung tâm Thiên nhiên và con người-PanNature (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) tổ chức hội nghị tập huấn chủ đề "Buôn bán động vật hoang dã: Rủi ro và thách thức".