Điện, điện tử: Nghề "hot" vẫn... gặp khó

  • 14:16 | Thứ Bảy, 27/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Học sinh, sinh viên (HSSV) tốt nghiệp có việc làm ngay. Nhiều em có nguồn thu nhập ổn định ngay từ khi còn trên giảng đường. So với nhiều ngành, nghề khác, đó là những hấp dẫn mà ngành điện, điện tử mang lại cho HSSV khi quyết tâm theo đuổi nghề này. Thế nhưng, trong khó khăn chung của bài toán tuyển sinh nghề, số lượng HSSV theo học ngành điện, điện tử vẫn chưa thực sự cao, điều này dẫn đến thực tế là cung không đủ cầu.
 
Nghề “hot”
 
Tốt nghiệp THPT, Hoàng Đại Nam (xã Xuân Thủy, Lệ Thủy) không thi đại học mà quyết định rẽ hướng sang học nghề. Sau khi hoàn thành chương trình trung cấp tại khoa Điện, Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình, Nam xin vào làm tại một cơ sở sửa chữa điện tử lớn trên địa bàn huyện Lệ Thủy. Nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, hiện, anh đã tự tin mở riêng một cơ sở sửa chữa nhỏ, tạo việc làm cho vài lao động trẻ ở địa phương.
 
Nam chia sẻ, công việc luôn bận rộn, nhất là mùa nắng nóng cao điểm, thợ của cơ sở hầu như không có thời gian nghỉ ngơi do thường xuyên phải đi sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa cho khách hàng trên địa bàn. “So với nhiều ngành nghề khác, thu nhập từ nghề sửa chữa điện, điện tử khá cao. Đối với những bạn trẻ năng động, có chút năng khiếu với nghề này thì vẫn có thể đi làm ngay từ khi còn đang đi học”, Nam cho biết thêm.
 
Dự báo đến năm 2030, nhu cầu nhân lực ngành điện, điện tử tăng gấp 2,5 lần so với năm 2015. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật cũng là điều kiện thúc đẩy thị trường nhân lực trong ngành này ngày càng trở nên sôi động, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Khoa Điện, Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình hiện đang đào tạo 3 ngành, nghề hệ trung cấp và cao đẳng: Điện công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh điều hòa không khí và điện tử công nghiệp.
 
Những năm qua, số lượng HSSV đăng ký theo học các ngành này luôn đạt tỷ lệ cao. Trong đó, hệ cao đẳng đạt 70-80% chỉ tiêu tuyển sinh, hệ trung cấp luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Sau khi tốt nghiệp, hơn 90% HSSV có việc làm. Nhiều em HSSV mặc dù đang đi học nhưng vẫn xin được việc làm tại các cơ sở sửa chữa điện lạnh, với mức thu nhập trên dưới 10 triệu đồng/tháng.
 
Nhiều doanh nghiệp về kỹ thuật thường xuyên đến trường để tuyển dụng vì các ngành nghề này đang thiếu hụt nguồn nhân lực. Điện tử, điện công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí... là các ngành nghề đang “hot” hiện nay.
 
HSSV sau khi tốt nghiệp không lo lắng đến việc thất nghiệp hay không tìm kiếm được việc làm phù hợp. Nhiều em “Nam tiến”, xin việc làm tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, số còn lại “đầu quân” cho các cơ sở sửa chữa điện tử, điện lạnh trên địa bàn tỉnh. Sau khi vững tay nghề, các em mạnh dạn mở cơ sở sửa chữa riêng, tạo lập chỗ đứng trên thị trường.
 
Theo em Đào Xuân Cường (TX. Ba Đồn), đó cũng là lý do khiến em mạnh dạn lựa chọn theo học ngành điện tại Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình thay vì các ngành, nghề khác. “Em cũng muốn được như các anh chị đi trước là ra trường có thể xin được việc làm ngay”, Cường chia sẻ.
Các chương trình đào tạo nghề điện, điện tử tập trung nhiều vào kỹ năng thực hành.
Các chương trình đào tạo nghề điện, điện tử tập trung nhiều vào kỹ năng thực hành.
Giải bài toán cung-cầu
 
Trưởng khoa Điện, Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình Trương Vĩnh Tuấn cho hay, so với nhiều ngành, nghề khác, ngành điện, điện tử mang tính đặc thù và đòi hỏi cao đối với người học. Phần lớn các em theo học hệ trung cấp tại trường là học sinh vừa tốt nghiệp lớp 9 nên thời gian đầu, việc tiếp thu kiến thức ngành khá khó khăn. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, phần đa các em đều bắt nhịp với chương trình và dần trở nên yêu thích, chủ động hơn khi vừa học, vừa có thể thực tập tại các cơ sở, doanh nghiệp.
 
“Để rèn cho các em kỹ năng nghề, chương trình học chủ yếu là thực hành. Nhà trường cũng phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn để cho các em được thực hành, thực tập thường xuyên. Chương trình đào tạo có sự tham gia góp ý của các doanh nghiệp và cứ 3 năm lại được sửa đổi, cải tiến nhằm đáp ứng với nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động”, anh Tuấn chia sẻ thêm.
 
Trường cao đẳng Kỹ thuật Công-Nông nghiệp Quảng Bình vừa phối hợp với Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh tổ chức lễ bế giảng, trao bằng cho 49 kỹ sư tốt nghiệp ngành công nghệ kỹ thuật điện, điện tử. Đây được coi là chương trình liên kết đào tạo phù hợp với nhu cầu của thị trường, nhất là trong bối cảnh phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
 
Theo ông Dương Thanh Ngọc, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Kỹ thuật Công-Nông nghiệp Quảng Bình, nhận thấy các ngành nghề ngành điện, điện tử đóng góp vai trò trung tâm, quan trọng, tích cực đến sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời cũng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người học, nhà trường nhanh chóng liên kết, mở lớp đào tạo hệ đại học ngành điện, điện tử.
 
“Với đặc thù là hàm lượng khoa học công nghệ cao, công nghệ mới và mang tính tiên phong, dẫn đầu, đây là một trong những ngành có nhu cầu nguồn nhân lực lớn nhất hiện nay và ngày càng thu hút các được nguồn nhân lực tham gia theo học. Điện và điện tử sẽ đóng vai trò là ngành công nghiệp mũi nhọn tạo ra các giá trị mới trong chuỗi sản xuất, phân phối sản phẩm. Thị trường lao động trong tương lai sẽ ngày càng hướng đến nguồn nhân lực chất lượng cao, bên cạnh kiến thức chuyên môn thì các kỹ năng mềm và năng lực sáng tạo rất cần thiết để có thể làm việc trong môi trường số, liên tục đổi mới để đưa ra các sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao với hàm lượng tri thức lớn. Việc tổ chức tuyển sinh và triển khai đào tạo ngành điện, điện tử cho SV là minh chứng cho điều đó”, Phó hiệu trưởng Dương Thanh Ngọc khẳng định.   
 
Thị trường “khát” lao động là thế nhưng vì sao ngành điện, điện tử thời gian qua vẫn chưa thực sự thu hút lượng lớn HSSV, bài toán cung-cầu vẫn chưa thực sự có lời giải thỏa đáng? Trao đổi về điều này, nhiều nhà giáo giáo dục nghề nghiệp (GDNN) thẳng thắn cho biết, không chỉ riêng ngành điện, điện tử mà vấn đề tuyển sinh vẫn là khó khăn chung của công tác đào tạo nghề.
 
Mặc dù lựa chọn học nghề song song với học văn hóa nhưng học sinh tốt nghiệp THCS vẫn chưa có những định hướng nghề nghiệp rõ ràng, những hoạch định cụ thể cho tương lai. Nhiều phụ huynh chưa thay đổi nhận thức về nghề nghiệp nên nhiều HS còn băn khoăn, chưa tập trung trong việc lựa chọn ngành nghề, trình độ đào tạo phù hợp với bản thân.
 
Chuyển đổi số cùng sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật đòi hỏi nhu cầu ngày càng cao về nhân lực ngành điện, điện tử với vô vàn cơ hội nghề nghiệp cùng nguồn thu nhập hấp dẫn. Để ngành, nghề này thực sự thu hút người học, ngoài sự nỗ lực tự thân của mỗi cơ sở GDNN, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của doanh nghiệp, cùng với nhà trường tập trung đi sâu vào hợp tác nghiên cứu, cùng gắn kết để giải quyết các bài toán thực tế theo nhu cầu đặt ra.
Diệu Hương

tin liên quan

Kết nối những vòng tay nhân ái

(QBĐT) - Chúng tôi vừa cùng đoàn công tác của Công an tỉnh và các thành viên thiện nguyện của Quỹ "Sao Sáng" và Quỹ "Cơm trưa cho bé" đến từ Thủ đô Hà Nội có chuyến khảo sát để tiếp tục xây dựng 2 điểm trường học mầm non cho con em đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa biên giới tại xã Trọng Hóa (Minh Hóa) và xã Thượng Trạch (Bố Trạch).
 

Mẹ đỡ đầu: Chắp cánh ước mơ!

(QBĐT) - Đến thời điểm này, chương trình  "Mẹ đỡ đầu-Kết nối yêu thương" đã trở nên quen thuộc với nhiều người. 

Minh Hóa: Một người đàn ông tử vong khi đốt rẫy

(QBĐT) - Vào lúc 19 giờ ngày 25/5, thông tin từ UBND xã Hóa Hợp (Minh Hóa) cho biết, trên địa bàn xã vừa xảy ra một vụ tai nạn trong lúc đi đốt rẫy làm một người đàn ông tử vong.