Kiểm soát an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản

  • 14:38 | Thứ Ba, 30/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) nói chung và thực phẩm thủy sản nói riêng là vấn đề luôn được quan tâm trong đời sống hàng ngày. Bởi vấn đề này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người mà còn liên quan chặt chẽ đến năng suất, hiệu quả phát triển kinh tế, thương mại, du lịch và an sinh xã hội. Vì vậy, việc bảo đảm ATVSTP trong sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh luôn được các cơ sở thực hiện nghiêm ngặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan chức năng.
 
Trưởng phòng Quản lý chất lượng nông lâm sản, thủy sản (Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn) Lê Kim Hoàng cho biết: Việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, cùng với việc phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của người sản xuất cũng như người tiêu dùng về chất lượng ATVSTP nông, lâm, thủy sản. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh đã đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, sản xuất theo chuỗi và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm (SP) trước khi cung ứng ra thị trường, tạo SP có chất lượng ổn định, bảo đảm ATVSTP.
 
Công ty TNHH vận tải và thương mại Thuận Lợi (đóng tại xã Hải Phú, Bố Trạch) được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 12/2011, chuyên thu mua các mặt hàng thủy hải sản từ các tàu đánh bắt của ngư dân tại địa phương. Đến nay, cơ sở đã có 4 kho lạnh bảo quản và 2 kho cấp đông, 6 xe đông lạnh có thể bảo đảm vận chuyển tới các tỉnh, thành trên cả nước.
 
Đặc biệt, hiện công ty đã đầu tư cơ sở chế biến thủy sản nhằm tạo ra các SP đạt chất lượng ATVSTP để tăng sự cạnh tranh của thị trường. Trong đó, có 5 SP đông lạnh đạt chuẩn OCOP, bao gồm: Mực ống nguyên con, mực ống cắt khoanh, cá thu cắt khúc, cá bơn cắt khúc, cá hố cắt khúc. Các SP của công ty luôn bảo đảm từ quy trình sản xuất đến đóng gói và bảo quản trước khi được chở đi tiêu thụ. 
 
Ông Hoàng Lợi, Giám đốc Công ty TNHH vận tải và thương mại Thuận Lợi chia sẻ: Hiện nay, nguyên liệu công ty thu mua trực tiếp từ các tàu cá bảo đảm điều kiện về ATVSTP trong khai thác thủy sản. Sau đó, qua nhiều công đoạn để loại bỏ những nguyên liệu không bảo đảm chất lượng, kích cỡ, được sơ chế tuân thủ các nguyên tắc bảo đảm ATVSTP và cuối cùng là được cấp đông nhằm duy trì trạng thái chất lượng tốt nhất cho SP. Công ty cũng đã thiết kế nhãn mác có đầy đủ thông tin và bảo đảm truy xuất nguồn gốc của SP.
Các mặt hàng hải sản của Quảng Bình luôn được người tiêu dùng trong cả nước yêu thích và lựa chọn.
Các mặt hàng hải sản của Quảng Bình luôn được người tiêu dùng trong cả nước yêu thích và lựa chọn.
Bên cạnh đó, công ty còn xây dựng kế hoạch kiểm soát chất lượng cho SP đối với các mối nguy gây mất ATVSTP về vi sinh vật, hóa chất, kim loại nặng… và định kỳ thực hiện theo kế hoạch đã xây dựng. “Tiêu chí của chúng tôi là làm thế nào SP được đưa ra thị trường phải sạch, chất lượng, uy tín phục vụ cộng đồng ăn uống sạch hơn và bảo đảm sức khỏe cho cộng đồng”, ông Hoàng Lợi khẳng định.
 
Là một trong những cơ sở sản xuất nước mắm lớn tại xã Thanh Trạch (Bố Trạch), mỗi năm tiêu thụ 50.000-60.000lít nước mắm các loại, những năm qua, nước mắm truyền thống Ngọc Biển của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp Việt Trung Quảng Bình luôn đặt vấn đề ATVSTP lên hàng đầu, đã nỗ lực hoàn thiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và quy trình chế biến… để được xác nhận cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về ATVSTP.
 
Phó Giám đốc Công ty  Việt Trung Nguyễn Hoàng Long cho biết: Tiếp nối nghề làm nước mắm của gia đình hơn 50 năm, từ năm 2019, công ty xây dựng thương hiệu nước mắm truyền thống Ngọc Biển. Hàng năm các ban, ngành, địa phương thường xuyên giám sát, lấy mẫu kiểm tra về chất lượng. Công ty chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước từ khâu sản xuất, kinh doanh ra thị trường vừa ngon và bảo đảm sức khỏe. Đến nay, thương hiệu nước mắm truyền thống Ngọc Biển đã đạt OCOP 4 sao, luôn được nhiều khách hàng ưa chuộng, tin dùng.
 
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, năm 2022, sở đã ban hành 18 văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác quản lý chất lượng ATVSTP nông, lâm, thủy sản; tổ chức 21 hội nghị, lớp tập huấn phổ biến pháp luật về ATVSTP; tổ chức phiên chợ trưng bày, giới thiệu SP OCOP, SP nông sản bảo đảm ATVSTP... Đồng thời, xây dựng mô hình sản xuất an toàn và liên kết theo chuỗi.
 
Cụ thể, đã hỗ trợ chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP cho 11 cơ sở trồng trọt và 1 cơ sở chăn nuôi. Lũy kế toàn tỉnh có 64 cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP, HACCP. Toàn tỉnh có 13 điểm kinh doanh được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn với 20 SP được chứng nhận; đã tiếp nhận hồ sơ tự công bố của 93 cơ sở với 220 SP; tổ chức thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về ATVSTP tại 102 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn, kết quả không phát hiện vi phạm về ATVSTP.
 
Qua kết quả thanh tra, kiểm tra, giám sát cho thấy chất lượng ATVSTP nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tương đối ổn định. Mẫu giám sát không bảo đảm ATVSTP chiếm tỷ lệ thấp so bình quân chung cả nước. Từ năm 2016 đến nay, các vi phạm về ATVSTP, như: Sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc trong sản xuất giá đỗ, chất tăng trọng nhóm beta-agonist trong chăn nuôi, bơm chích agar trong tôm… đã được ngăn chặn và kiểm soát. Rau, củ quả và SP nông, lâm, thủy sản ngoại tỉnh nhập vào địa bàn qua kiểm tra, giám sát chưa phát hiện vi phạm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và các hóa chất độc hại.
 
Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Lê Minh Tiến cho biết: Trong thời gian tới, chi cục và các đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến các kiến thức về ATVSTP, các quy định của Luật ATTP đến các cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Đồng thời, tuyên truyền, cung cấp kiến thức cơ bản, cần thiết để giúp người dân biết cách lựa chọn được những thực phẩm an toàn, góp phần bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, hạn chế nguy cơ ngộ độc do thực phẩm không an toàn, thực phẩm kém chất lượng.
 
“Để nâng cao chất lượng đối với các SP nông, lâm, thuỷ sản, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu các SP nông sản trên địa bàn, Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương chủ động phối hợp hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh cải tiến quy trình công nghệ, sản xuất theo chuỗi, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản để nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh, có khả năng chinh phục thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời triển khai các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng ATVSTP, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm”, ông Lê Kim Hoàng cho biết thêm.
 
Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp: Người tiêu dùng nên chọn mua và sử dụng thực phẩm ở những cơ sở có địa chỉ rõ ràng, uy tín, đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đồng thời, kiểm tra ngày sản xuất, hạn sử dụng; quan sát màu sắc, tình trạng SP, hỏng mốc hoặc có mùi khó chịu. Tuyệt đối không mua những SP không rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn mác hoặc nhãn mác không rõ ràng, không đầy đủ thông tin cần thiết.
 
Thành Trung
(CDC tỉnh)

tin liên quan

Giao lưu "Mẹ đỡ đầu-Chắp cánh ước mơ"

(QBĐT) - Trong khuôn khổ chương trình "Mẹ đỡ đầu-Chắp cánh ước mơ" do Hội LHPN tỉnh phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình tổ chức, sáng 30/5, tại TP. Đồng Hới đã diễn ra các hoạt động giao lưu sôi nổi giữa mẹ đỡ đầu và trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Để người thu nhập thấp được an cư lạc nghiệp

(QBĐT) - Để giúp những hộ nghèo, cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động có mức thu nhập thấp sở hữu được ngôi nhà mới khang trang, vững chãi, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bố Trạch đã tích cực tuyên truyền và giải ngân kịp thời gói vay nhà ở xã hội đến với những đối tượng thụ hưởng. Từ gói vay ưu đãi này, nhiều hộ gia đình đã xây được nhà mới cho mình, qua đó giúp họ yên tâm công tác, sản xuất.

926 hộ nghèo, thu nhập thấp được vay vốn nhà ở xã hội

(QBĐT) - Sau hơn một năm triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, đã có 926 hộ trên địa bàn tỉnh được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi này, qua đó giúp nhiều hộ hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được xây mới nhà cửa để ổn định cuộc sống.