Bảo vệ đàn chim hoang dã, di cư

  • 07:56 | Thứ Năm, 12/01/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mùa đông đến, nhiều loại chim thường di cư về phương Nam để tránh rét. Trên hành trình của mình, chim thường sà xuống đồng ruộng kiếm ăn, nghỉ cánh nên bị đánh bắt. Nhằm bảo vệ đàn chim hoang dã, di cư, các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng tỉnh đã có những giải pháp để ngăn chặn.
 
Tận diệt chim hoang dã, di cư
 
Trước đây, tình trạng săn bắt, tiêu thụ các loài chim hoang dã, đặc biệt là các loài chim di cư vẫn đang diễn ra nghiêm trọng tại nhiều địa phương trong tỉnh, ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh học, môi trường, tiềm ẩn nguy cơ về dịch bệnh cho con người và sinh vật. Địa bàn chim di cư, dừng nghỉ và bị đánh bắt tập trung ở vùng đồng ruộng, sông, suối huyện Quảng Trạch, TX. Ba Đồn, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy…
 
Cách bẫy chim phổ biến nhất là dùng những con chim mồi khâu mắt đưa đến những vị trí chim di cư hay đến rồi buộc chặt chân vào cọc, giật dây để chim mồi phát ra tiếng kêu thu hút đồng loại. Nghe tiếng kêu, nhiều loại chim lao xuống và bị dính chặt vào hàng loạt que tre đã tẩm sẵn loại keo siêu dính.
 
Ngoài ra, người bẫy chim còn chế tạo hoặc đặt mua hàng nghìn con cò giả bằng xốp giống cò thật, cắm ở rừng tràm hay trên mặt ruộng xen kẽ với que tre tẩm nhựa. Đây là cách săn cò hiệu quả và mang lại lợi nhuận cao cho các "thợ săn".
 
Tàn độc hơn, một số người dân còn lên mạng xã hội đặt mua các loại thuốc độc tẩm vào cá rồi rải lên mặt ruộng dụ cò đến ăn. Những con cò trúng độc nặng thì chết ngay còn nhẹ cũng không đủ sức cất cánh. Các loại chim săn bắt về không chỉ để phục vụ nhu cầu thực phẩm trong gia đình mà còn được bán cho các nhà hàng, quán ăn và các chợ.
Lực lượng Kiểm lâm huyện Lệ Thủy thu hồi cò giả gần bẫy chim.
Lực lượng Kiểm lâm huyện Lệ Thủy thu hồi cò giả dùng để bẫy chim.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại các chợ trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng mua bán chim hoang dã. Với giá khoảng 50.000 đồng/con cò, 80.000-200.000 đồng/con diệc, đây được người mua xem như là một thứ đặc sản.
 
Theo một người bán chim ở chợ Tréo (Lệ Thủy) cho biết, những con cò, diệc… thường được bắt sống, vặt trụi lông rồi sử dụng bình khò gas trước khi bán cho khách hàng. Dù lo sợ các cơ quan chức năng bắt phạt, nhưng lợi nhuận từ việc mua bán chim hoang dã mang lại không nhỏ nên họ vẫn lén lút bán, buôn…
 
Cho đàn chim trở lại
 
Ngày 17/5/2022, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam. Chỉ thị yêu cầu cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương phải vào cuộc để bảo vệ các loại chim hoang dã, di cư. Riêng lực lượng Kiểm lâm phải phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư, đặc biệt là vào mùa chim di cư (từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau).
 
Ông Nguyễn Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: “Từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện bảo vệ đàn chim hoang dã, di cư. Trong đó, tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động người dân không săn bắt, bẫy, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, tiêu thụ trái phép loại động vật này. Đơn vị cũng đã chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi xâm hại đến đàn chim hoang dã, di cư”.
 
Riêng năm 2022, các lực lượng chức năng của tỉnh ta đã tổ chức trên 1.000 lượt tuyên truyền, 541 đợt kiểm tra, thu về gần 20.000 cái bẫy loại que dính, trên 4.200 con cò giả, 42 con cò mồi, 8.000m lưới bẫy chim. Trong quá trình tháo gỡ bẫy chim, các lực lượng đã lập biên bản 18 vụ vi phạm săn bắt chim hoang dã, di cư trái phép; giải cứu, thả về tự nhiên hàng chục con cò, vạc, diệc và các loại chim khác.
 
Trước đây, trên đường bay về phương Nam tránh rét, đàn chim di cư thường sà xuống đồng ruộng của huyện Quảng Trạch để kiếm mồi, nghỉ cánh. Biết được đặc tính này, nhiều người dân đã dùng lưới, các loại bẫy, súng… để săn bắt khiến các loại chim giảm đáng kể. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quảng Trạch Nguyễn Văn Lâm cho hay: “Những năm trước, thấy chim di cư, hoang dã bị tận diệt, chúng tôi cũng xót lắm nhưng không thể xử phạt được. Nhưng từ khi có các quy định của Chính phủ và các văn bản của cấp trên chỉ đạo, chúng tôi đã tiến hành thu hồi, tiêu huỷ các bẫy chim, xử lý các trường hợp vi phạm”.
 
Huyện Lệ Thủy là vùng chiêm trũng, có đồng ruộng, sông suối nhiều. Đàn chim di cư thường dừng chân tại đây để nghỉ cánh và kiếm thức ăn nên tình trạng săn bắt chim trái phép vẫn còn diễn ra. Để ngăn chặn tình trạng này, các lực lượng chức năng trong huyện đã tổ chức tuyên truyền cho người dân, ra quân truy quét các hoạt động đánh, bẫy, mua bán, vận chuyển chim trái phép.
 
“Trong năm 2022, toàn huyện đã thu được trên 1.400 con chim mồi giả, 17 con chim mồi thật, 2.100m lưới, trên 4.200 que bẫy, 2 máy phát tín hiện, giải cứu thả về tự nhiên hàng chục con chim các loại. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp nên hiện nay, tình trang săn bắt, buôn bán, tiêu thụ chim hoang dã, di cư trên địa bàn đã giảm đáng kể”, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lệ Thủy Phạm Văn Bút chia sẻ.
 
"Bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư chính là bảo vệ sự đa dạng sinh học của tự nhiên, góp phần cân bằng hệ sinh thái môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống. Do vậy, để hạn chế hành vi săn bắt chim, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng thì rất sự chung tay của cộng đồng dân cư. Việc săn, bắt trái quy định của pháp luật chim hoang dã, di cư (trừ một số loài thuộc danh mục do Bộ Nông nghiệp-PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên-Môi trường và các cơ quan liên quan công bố) sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 21 của Nghị định số 35/2019/NĐ-CP và khoản 12, Điều 1 của Nghị định số 07/2022/NĐ-CP. Số tiền phạt từ 1-360 triệu đồng hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự", Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nguyễn Văn Long cho biết thêm.
 
Xuân Vương

tin liên quan

Thăm và tặng quà gia đình cán bộ y tế có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

(QBĐT) - Chiều 12/1, bác sĩ Dương Thanh Bình, Giám đốc Sở Y tế cùng đại diện lãnh đạo Công đoàn ngành Y tế đã đến thăm hỏi, động viên và trao quà cho các gia đình nhân viên y tế có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới

(QBĐT) - Ngày 9/1, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 38/KH-UBND triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới.

Tìm "ánh sáng" từ trong bóng tối

(QBĐT) - Bị mù bẩm sinh từ lúc lọt lòng, tưởng chừng cuộc đời đã khép lại với chị Trần Thị Chung (SN 1983), ở thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh (Quảng Ninh). Nhưng với ý chí và nghị lực vươn lên, chị không những vượt qua nghịch cảnh mà còn trở thành điển hình người khiếm thị làm kinh tế giỏi của huyện.