Chào mừng Đại hội đại biểu Hội Người mù tỉnh Quảng Bình lần thứ V, nhiệm kỳ 2022-2027:
Vì sự tiến bộ và hạnh phúc của người mù
(QBĐT) - Gần 22 năm hoạt động, Hội Người mù tỉnh đã từng bước khẳng định được vị trí, thực sự là mái nhà chung, nơi gửi gắm tâm tư, tình cảm, chỗ dựa cho người mù trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết: Trong nhiệm kỳ 2017-2022, hội đã kết nạp thêm 178 người mù, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên 1.361 người, chiếm 34% người mù trong tỉnh; có 311 người là thương bệnh binh, gia đình chính sách, cán bộ hưu trí tham gia sinh hoạt hội.
Nhằm thúc đẩy phong trào hoạt động hội có hiệu quả, Ban Thường vụ Hội Người mù tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn hội cơ sở đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Trong nhiệm kỳ qua, hội đã tạo điều kiện cho các hội viên được tham gia các mô hình kinh tế sản xuất tập trung và sản xuất tại gia đình, với các nghề, như: Xoa bóp, tẩm quất, sản xuất các mặt hàng thủ công như: tăm tre, chổi đót... và chăn nuôi, trồng trọt.
Nhiều hội viên người mù đã tận dụng lợi thế về nguyên liệu sẵn có, nghề truyền thống của địa phương, của hội để thành lập các tổ, nhóm sản xuất các mặt hàng thủ công, như: chổi đót, tăm tre... tạo việc làm thường xuyên, mang lại thu nhập cho hội viên. Đặc biệt, nghề xoa bóp được xem là nghề mũi nhọn, phù hợp với người mù hiện đang phát triển mạnh về số lượng cơ sở, các kỹ thuật viên, trình độ tay nghề từng bước được nâng cao, góp phần giải quyết việc làm, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho hội viên.
Hiện Hội Người mù tỉnh đang quản lý 7 cơ sở sản xuất tập trung, trong đó có 4 cơ sở xoa bóp và 3 cơ sở làm tăm tre; ngoài ra còn có 12 cơ sở xoa bóp, tẩm quất do hội viên mở, tạo việc làm ổn định cho hơn 100 hội viên với mức thu nhập bình quân từ 3,2-3,7 triệu đồng/tháng, góp phần giải quyết việc làm cho hội viên trong độ tuổi lao động.
Bên cạnh tạo việc làm cho hội viên, việc tổ chức tiêu thụ sản phẩm do người mù làm ra cũng được các cấp hội đặc biệt quan tâm. Hội đã tranh thủ sự giúp đỡ của các cấp, ngành, các tổ chức đoàn thể…tìm kiếm hình thức tiêu thụ thích hợp, phát huy truyền thống "tương thân, tương ái", coi việc mua sản phẩm do người mù làm ra là việc làm từ thiện, nhân đạo của mọi người. Mỗi năm, các cơ sở sản xuất của hội tổ chức sản xuất và mang đi tiêu thụ hàng trăm nghìn gói tăm, hàng nghìn chổi đót..., giải quyết việc làm cho nhiều hội viên người mù và tạo thêm nguồn quỹ cho các cấp hội hoạt động.
Hội còn đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức cho hội viên vay vốn với lãi suất ưu đãi (0,33%/tháng), tạo điều kiện cho người mù cùng gia đình có điều kiện phát triển kinh tế, đầu tư chăn nuôi trồng trọt, làm các nghề thủ công, dịch vụ nhỏ... giúp hội viên có thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Từ năm 2017 đến nay, hội đã lập được 137 dự án với tổng doanh số cho vay hơn 2,6 tỷ đồng, cho 174 lượt người mù được vay vốn tạo việc làm.
Tuy số tiền được vay chưa nhiều, thời gian vay ngắn, nhưng đây là nguồn vốn rất quan trọng đối với người mù. Nhờ được vay vốn cùng với sự cần cù, sáng tạo, chịu khó, người mù đã biết trân trọng, giữ gìn và phát huy nguồn vốn vay, nhiều hộ đã xóa được đói, giảm được nghèo. Nhiều tấm gương điển hình trong vay vốn đã biết vươn lên làm giàu, như: Anh Võ Văn Bế, Phan Thanh Sơn (Quảng Trạch); bà Đặng Thị Lân (TX. Ba Đồn); anh Trần Đông (Quảng Ninh); anh Thới Công Nghiểm (Bố Trạch); anh Ngô Mậu Hưng, Đinh Như Luận (Lệ Thủy); ông Hoàng Văn Cộc, Đào Khánh (TP. Đồng Hới)… Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong hội viên giảm xuống còn 20,2% (theo chuẩn mới); thu hồi vốn đạt 100%, không có nợ quá hạn.
Đi đôi với những hoạt động trên, hội cũng đã chú trọng đến việc xây mới, sửa chữa nhà ở cho hội viên. Trong 5 năm qua, có 19 nhà "Đại đoàn kết", nhà tình thương được làm mới và 27 nhà ở được tu sửa cho hội viên với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng.
Trong nhiệm kỳ qua, các cấp hội đã kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm, từ thiện trao trực tiếp cho người mù trên 8,3 tỷ đồng và trích từ nguồn quỹ của hội hàng trăm triệu đồng trao hàng nghìn suất quà để thăm hỏi hội viên, góp phần giúp đỡ người mù ổn định cuộc sống.
Nhờ sự nỗ lực của các cấp hội người mù, sự chung tay của các ban, ngành, đoàn thể và của cộng động xã hội nên cuộc sống của người mù trên địa bàn tỉnh ngày càng ổn định, gia đình người mù hết sức phấn khởi, tin tưởng vào tổ chức hội. Nhiều người mù, bằng chính bàn tay, khối óc của mình đã vượt lên số phận, vươn lên làm giàu chính đáng. Vai trò vị thế của người mù và tổ chức hội ngày càng được khẳng định trong xã hội.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết thêm, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hội còn nhiều khó khăn, như: Công tác tuyên truyền về hoạt động hội chưa sâu rộng, các phong trào, hoạt động hội còn nhiều hạn chế, nhất là công tác phát triển, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho hội viên, người mù; nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng xã hội trong việc giúp đỡ người mù chưa cao; một số người mù còn có tâm lý mặc cảm, tự ti, chưa chủ động vươn lên trong cuộc sống.
Nhiệm kỳ mới 2022-2027, Hội Người mù tỉnh mong muốn các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho hội tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để chất lượng hoạt động hội từng bước được nâng lên, góp phần chia sẻ, động viên hội viên người mù nỗ lực vượt qua khó khăn và hòa nhập cộng đồng.
Hiền Phương
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.