Công việc lặng thầm

  • 08:40 | Thứ Ba, 16/11/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong những năm qua, các di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư, tôn tạo, gìn giữ và ngày càng phát huy giá trị. Cùng với sự quan tâm của tỉnh, các sở, ngành chức năng và chính quyền địa phương trong việc giữ gìn, phát huy giá trị của di tích, còn có sự đóng góp thầm lặng của những người trông coi, bảo vệ các di tích lịch sử-văn hóa.
 
Lăng Quan Hữu, miếu Lòi Am ở thôn Tân Thịnh, xã Tân Thủy (Lệ Thủy) được công nhận là di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh năm 2015. Ông Lê Gia Trị (SN 1951) cùng vợ là bà Phạm Thị Thu Hằng đã gắn bó với nơi này hơn 40 năm nay. Năm 1980, khu vực miếu Lòi Am còn hoang vu, cây cối um tùm, hệ thống tường bao quanh di tích đều đã nứt nẻ, bong tróc, xuống cấp. Gia đình ông Trị, bà Hằng ở ngay bên cạnh miếu nên ngày ngày ông bà thay nhau quét dọn, giữ gìn con đường vào miếu sạch đẹp. Các ngày mồng 1, rằm hay lễ, tết, ông bà đều dâng hương hoa tại miếu.
 
Hơn 40 năm nay, ông bà hết sức chăm lo, giữ gìn di tích. Mỗi khi có người đến tham quan, ông bà đều nhiệt tình hướng dẫn, giới thiệu. Ông Lê Gia Trị cho biết: "Năm 2020, từ nguồn kinh phí thuộc chương trình quốc gia về bảo tồn di tích và kinh phí của tỉnh, huyện Lệ Thủy đã làm lại đường, mái, xây dựng khuôn viên mới cho miếu Lòi Am, tôi cũng được thôn, xã gửi gắm trông coi di tích. Gắn bó với nơi này đã lâu, tôi cũng quen với công việc này nên tiếp tục chăm nom, góp phần giữ gìn di tích và công đức cho con cháu.”
Hơn 40 năm qua, ông Lê Gia Trị là người gắn bó, trong coi miếu Lòi Am.
Hơn 40 năm qua, ông Lê Gia Trị là người gắn bó, trong coi miếu Lòi Am.
Ông Trần Văn Lương, Chủ tịch UBND xã Tân Thủy cho biết: Bảo vệ di tích là nhiệm vụ quan trọng, nhưng hiện nay, ngân sách địa phương còn hạn chế nên chưa thể cân đối để chi trả cho người trông coi di tích. Thời gian tới, xã sẽ có văn bản đề nghị huyện, tỉnh xem xét về vấn đề này nhằm nâng cao trách nhiệm và giúp người trông coi gắn bó với công việc hơn.
 
Gắn bó với công việc trông coi cụm di tích chùa Phật Bà, miếu Thành Hoàng làng và miếu Cao Các Mạc Sơn ở thôn Phúc Kiều, xã Quảng Tùng (Quảng Trạch) hơn 3 năm nay, hàng ngày, bà Tưởng Thị Bình (1957), thôn Phúc Kiều, cần mẫn dọn dẹp cụm di tích. Những lúc có khách đến tham quan, bà tận tình hướng dẫn, giới thiệu cho khách về nguồn gốc và lịch sử của cụm di tích. Có những ngày khách đông, bà ở lại hướng dẫn khách đến 4-5 giờ chiều mới trở về nhà. Vào các dịp lễ, tết, rằm và đầu tháng, bà thường đến sớm quét dọn, cắm hoa, dâng hương trong cụm di tích.
 
Được biết, cụm di tích lịch sử chùa Phật Bà, miếu Thành Hoàng làng và miếu Cao Các Mạc Sơn không những là nơi thờ tự linh thiêng của làng, mà còn gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
 
Trong đó, khu vực chùa-miếu nằm ở thôn Phúc Kiều có vị trí dễ quan sát, nên các đơn vị bộ đội, trong đó có Đại đội pháo 37 của Quân khu 4 đóng quân làm nhiệm vụ bảo vệ bến phà. Còn chùa Phật Bà được dùng làm kho chứa vũ khí, đạn pháo và xăng dầu của các đơn vị. Năm 2012, cụm di tích chùa Phật Bà, miếu Thành Hoàng làng và miếu Cao Các Mạc Sơn được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.
 
Di tích là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, phục vụ nhu cầu văn hóa, tinh thần, tín ngưỡng của người dân, nên công tác trông coi di tích, bảo vệ là rất cần thiết. Thực tế cho thấy, tại những di tích có người trông coi, dọn dẹp thì cảnh quan ngày càng sạch đẹp, một số di tích không có người trông coi, bảo vệ thì bị xuống cấp.
 
Tuy vậy, vì nhiều nguyên nhân, hầu hết những người trông coi di tích hiện vẫn chưa được hưởng chế độ trợ cấp nào. Theo ông Lê Gia Trị thì hơn 40 năm qua, gia đình ông bỏ tiền túi ra mua sắm hương hoa, vật dụng phục vụ việc chăm sóc, giữ gìn di tích. “Dù chúng tôi tự nguyện, không đòi hỏi gì, nhưng đôi khi vẫn thấy chạnh lòng”, ông Trị tâm sự. Riêng bà Tưởng Thị Bình, thì thôn, xã có hỗ trợ 2 triệu đồng/năm. “Tôi cảm ơn sự quan tâm của thôn, xã. Trường hợp khó khăn quá thì tôi vẫn sẵn lòng, xem như mình làm công đức cho con cháu, lấy phúc đức cho dân làng”, bà Bình chia sẻ.
 
Bà Lê Thị Hoài Hương, Giám đốc Bảo tàng tổng hợp tỉnh cho biết: Quảng Bình hiện có 133 di tích được xếp hạng, trong đó có 55 di tích quốc gia và quốc gia đặc biệt, 78 di tích cấp tỉnh. Hiện nay, các di tích lịch sử-văn hóa đều phân cấp về cho các địa phương quản lý, bảo vệ. Một số địa phương cũng đã có chính sách hỗ trợ kinh phí đối với người trông coi các di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn.
 
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương chưa có nguồn kinh phí hỗ trợ, tỉnh cũng chỉ tham mưu cho huyện, thành phố tùy theo điều kiện để hỗ trợ. Để nâng cao tinh thần trách nhiệm của những người trông coi di tích, góp phần giữ gìn, bảo vệ di tích hiệu quả, đây cũng là một vấn đề cần được các cấp chính quyền quan tâm giải quyết.
 
Phạm Hà

tin liên quan

Kịp thời hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn

(QBĐT) - Với tinh thần khẩn trương, kịp thời triển khai thực hiện công tác hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn bởi dịch Covid-19, huyện Bố Trạch đã sớm ổn định tình hình, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Lan tỏa chương trình "Triệu phần quà san sẻ yêu thương"

(QBĐT) - Xác định công tác phòng, chống dịch Covid-19 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Bình đã và đang tổ chức các hoạt động với nhiều hình thức, cách làm thiết thực nhằm phát huy vai trò của các cấp hội và hội viên, phụ nữ, quyết tâm đẩy lùi đại dịch.

Rà soát hộ nghèo, định hướng giảm nghèo bền vững

(QBĐT) - Nhiều năm qua, TX. Ba Đồn luôn chú trọng triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo, giúp họ có thêm nguồn động lực vươn lên trong cuộc sống.