Tòa soạn - Bạn đọc
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Xã Hồng Hóa (Minh Hóa): Cần xem lại quy trình rà soát hộ nghèo

  • 08:25 | Thứ Năm, 16/02/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm 2022, chính quyền xã Hồng Hóa (Minh Hóa) đã thực hiện rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo (RSHN và HCN) ở địa phương. Tuy nhiên, theo phản ánh của bạn đọc gửi đến Báo Quảng Bình, việc làm này của xã Hồng Hóa chưa thực sự công bằng, khách quan, thậm chí còn có dấu hiệu chạy theo "bệnh thành tích"...
 
Anh Đinh Thanh Bằng (SN 1988) có vợ là Cao Thị Hồng Thêu (SN 1990), trú tại thôn Trấu, xã Hồng Hóa cho biết: Vào năm 2010, anh lập gia đình cùng chị Thêu rồi lần lượt sinh được 2 người con là Đinh Minh Tiến (SN 2012) và Đinh Nữ Hiền Dịu (SN 2014).
 
Đến năm 2012, mặc dù đã được phía bố mẹ đẻ của anh cho một miếng đất, tuy nhiên, do khó khăn nên chỉ dựng tạm một căn nhà xập xệ làm bằng ván thưng lợp tấm fibro-ximăng để ở. Do không có công ăn việc làm ổn định, nhiều năm liền gia đình đều thuộc diện hộ nghèo của xã.
 
Vậy nhưng đến năm 2022, khi chính quyền xã Hồng Hóa thực hiện việc RSHN và HCN định kỳ năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, một số hộ ở thôn Trấu, trong đó có gia đình anh "bỗng dưng"... thoát nghèo, lên hộ cận nghèo.
 
Theo đó, trong quá trình thực hiện, Ban RSHN và HCN xã Hồng Hóa đã "làm một đằng và công bố kết quả một nẻo". Đơn cử như đối với gia đình anh, khi Ban RSHN và HCN xã Hồng Hóa đến chấm điểm công khai (có chữ ký xác nhận của vợ chồng anh Bằng) thì gia đình anh đạt 115 điểm, đủ để "duy trì" diện hộ nghèo như các năm gần đây. Thế nhưng, khi niêm yết công khai, Ban RSHN và HCN xã Hồng Hóa đã tự ý lập danh sách, ký giả mạo chữ ký của từng hộ dân trong thôn Trấu rồi đưa các hộ vợ chồng trẻ này vào diện thoát nghèo... 
Ngôi nhà ở của vợ, chồng Đinh Thanh Bằng, trú tại thôn Trấu, xã Hồng Hóa hiện tại.
Ngôi nhà ở của vợ, chồng anh Đinh Thanh Bằng, trú tại thôn Trấu, xã Hồng Hóa hiện tại.
Lý giải việc này, ông Đinh Văn Quê, Trưởng thôn Trấu, xã Hồng Hóa cho biết: Toàn thôn Trấu hiện có 91 hộ, với 372 nhân khẩu, đại đa số đều sống dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Năm 2022, bản thân ông từng là thành viên của Tổ RSHN và HCN thôn Trấu. Vì tham gia việc RSHN và HCN quá nhiều trường hợp ở thôn, hơn nữa toàn bộ danh sách đã gửi hết về Ban RSHN và HCN xã Hồng Hóa nên tại thời điểm này, ông không nhớ cụ thể mức điểm của từng hộ được. Tuy nhiên, ông cam đoan là đã làm đúng theo quy trình hướng dẫn của cấp trên, không có sự chèn ép, thiếu công tâm.
 
Năm 2022, toàn thôn Trấu có tới 48 hộ nghèo và 7 hộ cận nghèo. Đến năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn thôn giảm còn 20 hộ (toàn bộ số hộ thoát nghèo cơ bản đều là vợ chồng trẻ, có sức lao động tốt) và số hộ cận nghèo tăng lên 37 hộ.
 
Riêng đối với trường hợp anh Bằng, xét thấy đây là một đôi vợ chồng trẻ, có sức lao động nhưng vẫn mang nặng tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước, thiếu ý chí vươn lên trong cuộc sống. Qua theo dõi, nhận thấy hàng ngày anh Bằng vẫn đi làm thuê, còn chị Thêu vẫn buôn bán đồ ăn vặt trước cổng trường. Trong năm, cả gia đình anh Bằng không có ai có bệnh án vì đau ốm, không có biến cố lớn về tài chính, nên không thể không... thoát nghèo.
 
Bà Nguyễn Thị Thơ, Chủ tịch UBND xã Hồng Hóa khẳng định: Đầu năm 2022, xã Hồng Hóa đã thực hiện RSHN và HCN đợt 1 theo sự hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên. Kết quả rà soát đợt này tổng số hộ nghèo toàn xã không có chiều hướng giảm mà còn tăng thêm 69 hộ. Xét thấy kết quả nói trên là chưa phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương, bởi những năm gần đây, địa phương đã triển khai thực hiện khá hiệu quả rất nhiều chủ trương, chính sách về công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. 
 
Bởi thế, Ban RSHN và HCN xã Hồng Hóa đã quyết định thực hiện lại lần 2 cho phù hợp hơn. Trên cơ sở xác định việc chấm điểm chỉ là một trong những khía cạnh để đưa vào bình xét, xã Hồng Hóa đã yêu cầu các thôn, tổ RSHN và HCN tiến hành kiểm tra, họp bàn một cách thực chất, kỹ lưỡng hơn, chẳng hạn, như: Xem xét các hộ trong năm có bán nhiều diện tích rừng keo; các hộ vợ chồng trẻ tích lũy đã lâu nhưng chưa đến tuổi xây nhà; các hộ cố ý tách hộ để được bình xét; vận động các hộ gia đình có điều kiện kinh tế khá giả nên quan tâm, hỗ trợ người thân của mình để cùng nhau vươn lên trong cuộc sống; khuyến khích các đôi vợ chồng trẻ có sức lao động cần phải cố gắng vươn lên, nếu gặp khó khăn về việc làm thì xã sẽ tư vấn...
 
Kết quả, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã Hồng Hóa năm 2023 là 11,21% (năm 2022 là 35,62%), hộ cận nghèo chiếm 29,87% (năm 2022 là 10,18%). Riêng đối với trường hợp anh Bằng, khi địa phương thực hiện họp thôn để đọc thông báo về kết quả RSHN và HCN thì gia đình này không tham gia. Mặt khác, trong thời gian thực hiện niêm yết danh sách RSHN và HCN, gia đình anh Bằng vẫn không có ý kiến gửi đến bộ phận tiếp dân của xã. Ngoài ra, trong năm, gia đình này không có bệnh án về đau ốm gửi đến thôn, xã, con cái đều đến tuổi tự đến trường được... nên việc xét chuyển từ nghèo sang cận nghèo là có cơ sở. Thời gian tới, để giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo ở xã có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, xã Hồng Hóa sẽ thực hiện có hiệu quả hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân...
 
"Thời gian qua, công tác RSHN và HCN đã được toàn huyện Minh Hóa triển khai thực hiện nghiêm túc theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và Kế hoạch số 1723/KH-UBND, ngày 20/9/2022 của UBND tỉnh về việc RSHN và HCN định kỳ năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 và xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh. Đối với trường hợp hộ anh Đinh Thanh Bằng (trú tại thôn Trấu, xã Hồng Hóa), chúng tôi sẽ cho kiểm tra, rà soát lại quá trình thực hiện quy trình bình xét có công tâm, khách quan, đúng với tinh thần chỉ đạo của huyện hay không", bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Minh Hóa cho biết.
Văn Minh

tin liên quan

Xử lý nghiêm công trình xây dựng không phép

(QBĐT) - Tại xã Trung Trạch (Bố Trạch), một khu du lịch nghỉ dưỡng chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép nhưng vẫn triển khai xây dựng từ năm 2019 đến cuối tháng 10/2022, trong khi chính quyền sở tại không hề hay biết!

Nhà xe Hoàng Sơn 73 hoàn tiền vé, người có người không?

(QBĐT) - Một số hành khách đã được hoàn tiền vé khi bị nhà xe cho "leo cây" vào những ngày cận Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Thế nhưng một số người đặt cọc vé bị từ chối hoàn vé vì đủ lý do, thậm chí có trường hợp bị nhà xe "bắt bí" do cung cấp thông tin cho báo chí...

Một dự án... không được lòng dân!

(QBĐT) - Tháng 9/2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3322/QĐ-UBND chấp thuận cho ông Hoàng Văn Tiều (SN 1977, thường trú tại phường Dĩ An, TP. Dĩ An, Bình Dương) thực hiện dự án "Khu dịch vụ tổng hợp" ở xã Tây Trạch (Bố Trạch). Quá trình triển khai dự án đã phát sinh rất nhiều bất cập, thiếu sót, không được lòng dân.