Có hay không "lợi ích nhóm" trong phân thẻ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu?

  • 07:56 | Thứ Hai, 26/12/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau khi Báo Quảng Bình phản ánh về những bất cập trong phân thẻ khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) ban đầu, ngày 23/12/2022, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Quảng Bình đã tổ chức họp báo, cung cấp thông tin về việc thông tuyến BHYT và những vấn đề liên quan đến việc phân bổ số lượng lớn thẻ KCB BHYT ban đầu cho các phòng khám đa khoa (PKĐK) tư nhân trên địa bàn TP. Đồng Hới. Tuy nhiên, sau cuộc họp báo dư luận vẫn đặt ra nhiều câu hỏi về “lợi ích nhóm” trong việc phân thẻ KCB BHYT ban đầu?
 
Phớt lờ quy định?
 
Ngày 16/11/2015, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 40/2015/TT-BYT quy định đăng ký KCB BHYT ban đầu và chuyển tuyến KCB BHYT. Thông tư này được xem là “kim chỉ nam” để ngành Y tế và BHXH căn cứ phối hợp thực hiện hiệu quả hoạt động KCB BHYT ban đầu. Các nội dung của Thông tư 40 đã khẳng định vai trò chủ trì của Sở Y tế trong việc quy hoạch và phối hợp với BHXH tỉnh thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực phân thẻ KCB BHYT ban đầu cho các cơ sở y tế đủ năng lực theo quy định.  
Ông Phạm Thanh Tùng, Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Bình chủ trì buổi họp báo.
Ông Phạm Thanh Tùng, Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Bình chủ trì buổi họp báo ngày 23/12/2022.
Tại địa bàn TP. Đồng Hới, nơi tập trung các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh, các bệnh viện, phòng khám công lập và ngoài công lập, việc phân thẻ KCB BHYT ban đầu được cập nhật hàng năm nhằm bảo đảm phù hợp với nhu cầu của người tham gia BHYT và đặc điểm tình hình hệ thống y tế trong giai đoạn phát triển mới.  
 
Được biết, trước đó, để chuẩn bị cho việc phân thẻ KCB BHYT ban đầu năm 2022, tháng 12/2021, Sở Y tế đã tổ chức hội nghị phối hợp với BHXH tỉnh để thống nhất các nội dung. Trên cơ sở đặc điểm hệ thống y tế của TP. Đồng Hới và khả năng cung cấp dịch vụ y tế của các cơ sở KCB, Sở Y tế đã quy định cơ cấu đối tượng, số lượng thẻ KCB BHYT ban đầu, trong đó, có 11 cơ sở KCB tại TP. Đồng Hới được phân bổ. 
 
Cụ thể: Bệnh viện (BV) hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới: 10.500 thẻ; Phòng khám Ban Bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh: 1.500 thẻ; Bệnh xá Công an tỉnh: 1.400; BV đa khoa (ĐK) TP. Đồng Hới (bao gồm thẻ BHYT các trạm y tế xã, phường): 90.000 thẻ; BV Y Dược cổ truyền tỉnh: 6.000 thẻ; PKĐK Bắc Lý 5.000 thẻ; PKĐK Tân Phước An: 3.500 thẻ; PKĐK Trí Tâm: 3.500 thẻ; PKĐK Hữu Nghị: 3.500 thẻ; PKĐK Phương Bình: 2.500 thẻ; PKĐK thực hành Trường cao đẳng Y tế Quảng Bình: 2.500 thẻ. 
 
Tuy nhiên, BHXH tỉnh chưa thống nhất với quy định cơ cấu thẻ KCB BHYT ban đầu của Sở Y tế. Để giải quyết vướng mắc, Sở Y tế đã ban hành 4 văn bản liên quan gửi UBND tỉnh và BHXH tỉnh nhằm kịp thời triển khai việc phân thẻ KCB BHYT năm 2022, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT và sự chủ động cho các cơ sở KCB. Nhưng BHXH tỉnh vẫn “phớt lờ” sự chỉ đạo của UBND tỉnh cùng nỗ lực của ngành Y tế và thực hiện việc phân thẻ KCB BHYT ban đầu năm 2022 với những con số gây bất bình mà Báo Quảng Bình đã đề cập trong hai bài viết vừa qua. 
Phóng viên Báo Nhân Dân trao đổi tại buổi họp báo do BHXH tỉnh tổ chức.
Phóng viên Báo Nhân Dân trao đổi tại buổi họp báo do BHXH tỉnh tổ chức.
Điều này đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của BV Y Dược cổ truyền tỉnh, khi từ 3.312 thẻ năm 2021, BV bị cắt giảm xuống còn 158 thẻ (tương ứng với số lượng cán bộ, nhân viên BV) và quyền lợi của những người có nhu cầu tham gia KCB BHYT ban đầu tại đây. Đối lập với việc cắt giảm sâu số thẻ của BV Y Dược cổ truyền tỉnh là những con số tăng rất cao của một số PKĐK tư nhân đã đặt ra những câu hỏi lớn… 
 
Ngày 27/10/2022, đoàn kiểm tra của Bộ Y tế đã kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật BHYT tại Sở Y tế Quảng Bình với sự tham gia của đại diện Sở Y tế, BHXH tỉnh. Nội dung kết luận của đoàn kiểm tra khẳng định: Về phân bổ thẻ BHYT, đề nghị Sở Y tế căn cứ vào năng lực các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn để phân bổ thẻ BHYT cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp.  
 
Tháng 12/2022, thực hiện các quy định tại Thông tư 40 và kết luận của đoàn kiểm tra, Sở Y tế tiếp tục rà soát, đánh giá và công bố năng lực của các cơ sở KCB trên địa bàn toàn tỉnh. Đây là cơ sở quan trọng để Sở Y tế và BHXH tỉnh phối hợp phân thẻ KCB BHYT ban đầu cho năm 2023, bảo đảm phù hợp với năng lực của các cơ sở y tế, đáp ứng tốt nhất công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của người dân.
 
Thế nhưng một lần nữa, BHXH tỉnh lại “phớt lờ” quy định. Tại cuộc họp báo tổ chức vào ngày 23/12, ông Phạm Thanh Tùng, Giám đốc BHXH Quảng Bình khẳng định, việc phân bổ thẻ KCB BHYT ban đầu cơ bản giữ nguyên như năm 2022. BHXH tỉnh chỉ điều chỉnh tăng số thẻ đối với BV Y Dược cổ truyền tỉnh. Giám đốc BHXH Quảng Bình cho rằng, việc tăng thẻ cho BV Y Dược cổ truyền tỉnh là ông đang thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình nhằm đáp ứng nhu cầu KCB y học cổ truyền của một số đối tượng người cao tuổi trên địa bàn TP. Đồng Hới, không để lãng phí nguồn lực của BV này.
 
Có hay không “lợi ích nhóm”?
 
Tại cuộc họp báo do BHXH Quảng Bình chủ trì, phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đã đặt nhiều câu hỏi nhằm làm rõ những bất cập.  
Phóng viên Báo Công an Nhân dân trao đổi tại buổi họp báo.
Phóng viên Báo Công an Nhân dân trao đổi tại buổi họp báo.
Đối với câu hỏi BHXH tỉnh căn cứ quy định nào để phân thẻ KCB BHYT ban đầu cho các cơ sở y tế trên địa bàn với những con số khác xa quy định của Sở Y tế, ông Phạm Thanh Tùng không trả lời cụ thể, chính xác, mà nhấn mạnh việc người dân có quyền lựa chọn các cơ sở KCB chất lượng để đăng ký KCB BHYT ban đầu.
 
Ông cũng khẳng định, với chính sách thông tuyến của tuyến xã và huyện đang được triển khai, quyền lợi của người tham gia KCB BHYT ban đầu được bảo đảm, số lượng thẻ BHYT phân bổ nhiều hay ít cho các cơ sở KCB không phải là yếu tố quan trọng! 
 
Tuy nhiên trên thực tế, việc phân thẻ KCB BHYT ban đầu không phù hợp đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các cơ sở KCB và quyền lợi của người tham gia BHYT. Những con số chuyển tuyến từ các BV, PKĐK tư nhân lên BV hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới đã thể hiện những sự bất thường. 
 
Đơn cử, với trên 2.200 bệnh nhân chuyển viện trong tháng 12/2022, trong 7 BVĐK tuyến huyện, BVĐK huyện Tuyên Hóa thấp nhất với 66 bệnh nhân, BVĐK khu vực Bắc Quảng Bình có số bệnh nhân cao nhất là 182 (vì phải thu dung điều trị cho người dân 2 địa bàn: TX. Ba Đồn, huyện Quảng Trạch và 1 số xã vùng giáp ranh của huyện Tuyên Hóa, Bố Trạch). Trong khi đó, con số chuyển tuyến của các PKĐK tư nhân tại TP. Đồng Hới quá cao, như: PKĐK Trí Tâm 728 bệnh nhân, PKĐK Bắc Lý 225 bệnh nhân, PKĐK Tân Phước An 98 bệnh nhân… 
 
Cùng với nhiều câu hỏi đặt ra từ những con số này, như: Năng lực KCB của các BV, PKĐK tư nhân?, Có hay không việc một số PKĐK tư nhân đang “biến tướng” hoạt động KCB BHYT ban đầu bằng “dịch vụ” chuyển tuyến?... Bên cạnh đó, việc số lượng bệnh nhân chuyển tuyến tăng cao đã gây áp lực lên công tác điều trị cho BV hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới và gây vượt trần chi phí điều trị KCB BHYT tại bệnh viện tuyến trung ương. 
PKĐK chất lượng cao Hữu Nghị, thuộc Công ty TNHH Bệnh viện Hữu Nghị Quảng Bình bị BHXH tỉnh từ chối thanh toán nhiều nhất trong hệ thống PK tư nhân.
PKĐK chất lượng cao Hữu Nghị, thuộc Công ty TNHH Bệnh viện Hữu Nghị Quảng Bình bị BHXH tỉnh từ chối thanh toán nhiều nhất trong hệ thống PK tư nhân.
Trả lời câu hỏi về việc có dư luận cho rằng PKĐK Bắc Lý được hưởng những “đặc quyền, đặc lợi” khi quy hoạch phân bổ thẻ KCB BHYT ban đầu của năm 2022 do Sở Y tế lập, PK này đáp ứng 5.000 thẻ, nhưng BHXH đã phân bổ 7.451, ông Tùng khẳng định không có chuyện “đặc quyền, đặc lợi”, mọi PK đều công bằng như nhau.  
 
Tuy nhiên, theo nguồn tin riêng của Báo Quảng Bình, chỉ tính riêng số liệu hoạt động của 5 PKĐK tư nhân tại địa bàn TP. Đồng Hới đã nói lên nhiều điều. Trong đó, nổi bật là số tiền được BHXH tỉnh thanh toán của PKĐK Bắc Lý luôn cao hơn rất nhiều các PK khác, nhưng số tiền mà BHXH tỉnh từ chối thanh toán lại rất hạn chế.
 
Minh chứng rõ nét, bắt đầu thực hiện KCB BHYT từ tháng 3/2020, năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, PKĐK Bắc Lý đã được thanh toán tổng số tiền hơn 38,2 tỷ đồng, còn tổng số tiền bị từ chối thanh toán chỉ hơn 7 triệu đồng. Trong khi đó, PKĐK chất lượng cao Hữu Nghị (PK tư đầu tiên ra đời tại địa bàn TP. Đồng Hới và có bề dày hoạt động lâu năm nhất) chỉ được phân số lượng thẻ bằng 1/2 của PKĐK Bắc Lý. Đặc biệt, số tiền được thanh toán của các năm 2020, 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 của PK này khoảng hơn 8,3 tỷ đồng, nhưng số tiền mà BHXH tỉnh từ chối thanh toán lên đến gần 190 triệu đồng.
 
Tại buổi họp báo, ông Phạm Thanh Tùng, Giám đốc BHXH tỉnh đã xác nhận con gái ông là dược sĩ làm việc tại PKĐK Bắc Lý trực thuộc Công ty TNHH Ngọc Linh Quảng Bình. PKĐK Bắc Lý là PK tư nhân đầu tiên được BHXH tỉnh chọn để thí điểm triển khai KCB BHYT vào năm 2020.  
Về chi phí bình quân KCB ngoại trú (cho một lần khám), PKĐK Bắc Lý cũng dẫn đầu với con số gấp 2-3 lần so với BV công lập và PK cùng cấp. Cụ thể: Năm 2020: 694.442 đồng, năm 2021: 622.899 đồng; 6 tháng đầu năm 2022 là 574.451 đồng. Tiếp theo là PKĐK Tân Phước An là: 407.880 đồng, 423.112 đồng và 378.424 đồng. Các PKĐK tư nhân còn lại dao động trong mức từ 243.000-305.000 đồng. Trong khi đó, cùng trên địa bàn, BVĐK TP. Đồng Hới lại có mức bình quân KCB ngoại trú thấp nhất, năm 2020: 205.298 đồng, 2021: 212.485 đồng và 6 tháng đầu năm 2022 là 224.928 đồng.
 
Những con số nêu trên đã khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi về sự công bằng, khách quan, minh bạch của BHXH tỉnh Quảng Bình trong việc phân bổ thẻ KCB BHYT ban đầu cũng như năng lực KCB của các PKĐK tư nhân!
 
Về lý do BHXH đột ngột cắt giảm số thẻ KCB BHYT ban đầu của BV Y Dược cổ truyền tỉnh trong năm 2022, ông Tùng viện dẫn những quy định trong Thông tư 40 làm cơ sở mà “bỏ quên” Văn bản số 6358/BYT-BH ngày 23/8/2016, hướng dẫn thực hiện Thông tư 40 đối với KCB y học cổ truyền.
 
Và dư luận tiếp tục đặt câu hỏi có hay không sự trùng hợp khi PKĐK Bắc Lý đầu tư mở hai Khoa Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng với 35 giường bệnh điều trị ngoại trú, thì BV Y Dược cổ truyền tỉnh bị giảm dần số lượng thẻ KCB BHYT ban đầu và năm 2022 đột ngột cắt luôn 3.154 thẻ KCB BHYT ban đầu mà không được thông báo trước!...
 
Năm 2023, căn cứ vào nguyện vọng của người tham gia BHYT và tình hình thực tế tại các địa bàn, Sở Y tế đã điều chỉnh số lượng thẻ KCB BHYT ban đầu bảo đảm phù hợp với năng lực của các cơ sở y tế, trong đó, Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh dự kiến được điều chỉnh từ 158 thẻ lên 4.000 thẻ.
 
Ngọc Mai - Nội Hà

tin liên quan

Chung tay giải quyết việc làm cho người khuyết tật

(QBĐT) - Những năm qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, các hội, đoàn thể và toàn xã hội, nhiều người khuyết tật trên địa bàn tỉnh đã có việc làm để ổn định cuộc sống và hòa nhập cùng cộng đồng.

Cha mẹ sinh con, trời sinh tính

(QBĐT) - Ngày chủ nhật, chị V. đem con sang chơi nhà ông bà nội. Nhưng thấy vẻ mặt của con dâu buồn rầu.

Tai nạn giao thông, hai người bị thương nặng

(QBĐT) - Ngày 25/12, tại km33+800 Quốc lộ 12A đoạn qua địa phận thôn Đồng Lâm, xã Đức Hóa (Tuyên Hóa) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ khiến hai người bị thương, tài sản hư hỏng nặng.