"Sức khoẻ tâm thần là quyền của mỗi người" - Bài 2: Cần quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tâm thần

  • 07:20 | Thứ Tư, 11/10/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng rối loạn tâm thần có xu hướng gia tăng. Những áp lực trong cuộc sống, công việc, hậu quả từ dịch Covid-19 cùng nhiều nguyên nhân khác mà ngày càng có nhiều người mắc các chứng bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần (SKTT). Nhiều người trong số đó khi phát hiện thì bệnh đã diễn biến nặng, gây ra mối lo ngại về sức khỏe, ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình và mọi người xung quanh. Vì vậy, SKTT là lĩnh vực sức khỏe cộng đồng cần được quan tâm trước khi quá muộn.
 
 
Nhiều người trẻ mắc rối loạn tâm thần
 
Một buổi sáng đầu tuần, bà Trần Thị Loan (73 tuổi), ở tổ dân phố (TDP) 7, phường Nam Lý (TP. Đồng Hới) dẫn con gái (SN 1979) đi khám lấy thuốc tại Phòng khám đa khoa (PKĐK) Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh. Trong đôi mắt của người mẹ già là bộn bề nỗi lo. Bà kể, vợ chồng ông bà từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị trong những năm chống Mỹ. Cô con gái sinh ra đã bị di chứng chất độc da cam nên thường xuyên bị động kinh, co giật, la hét, lên cơn đập phá.
Bác sĩ Hoàng Thị Hạnh khám, kiểm tra tác dụng phụ của thuốc an thần kinh trên bệnh nhân tâm thần.Bác sĩ Hoàng Thị Hạnh khám, kiểm tra tác dụng phụ của thuốc an thần kinh trên bệnh nhân tâm thần.
Tất cả mọi sinh hoạt đều phụ thuộc hoàn toàn vào người mẹ già yếu. Sau những ngày chật vật đưa con đi nhiều nơi, ba năm trở lại đây bà mang con đến thăm khám tại PKĐK của CDC tỉnh. Tại đây, nhờ được các bác sĩ hướng dẫn kỹ cách chăm sóc và cho uống thuốc đều đặn nên đến nay, bệnh tình của con gái bà đã thuyên giảm rất nhiều.
 
Cũng như bà Loan, thời gian qua, có rất nhiều gia đình mang người thân đến thăm khám, điều trị các chứng bệnh về SKTT tại PKĐK CDC tỉnh. Mỗi người, mỗi hoàn cảnh, mỗi câu chuyện nhưng đều có chung một ước mong là người thân của họ được chữa khỏi bệnh sau những ngày chật vật, tăm tối bởi các chứng rối loạn tâm thần.
 
Trong góc phòng, bà Nguyễn Thị Hoa (64 tuổi) ở thôn Quảng Xá, xã Tân Ninh (Quảng Ninh) đang ngồi chờ đến lượt lấy thuốc cho người con trai út bị tâm thần phân liệt. Bà tâm sự, năm 2010, khi học xong lớp 12 và vừa tìm được việc làm ổn định tại một công ty ở Thừa Thiên-Huế thì con trai bà phát bệnh. Gia đình chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Mấy năm trở lại đây, nhờ chuyển về điều trị tại PKĐK CDC tỉnh, con trai bà mới dần ổn định và tự phục vụ được cho bản thân.
 
“Nhờ các bác sĩ hướng dẫn tận tình, đặc biệt là căn dặn bằng mọi cách phải cho con uống thuốc đúng giờ, không bỏ thuốc ngày nào, luôn theo sát chia sẻ, động viên và không để con bị kích động… tôi làm theo mà bệnh tình con đỡ hẳn, tôi mừng lắm”, bà Hoa bộc bạch.
Cán bộ y tế đo điện não đồ kiểm tra độ hồi phục cho bệnh nhân thần kinh.
Cán bộ y tế đo điện não đồ kiểm tra độ hồi phục cho bệnh nhân tâm thần.
Con trai của bà Hoa chỉ là một trong rất nhiều trường hợp được khám và điều trị về các chứng bệnh liên quan đến SKTT. Hiện, tỷ lệ bệnh nhân ngày càng gia tăng, trong khi đó, rất nhiều người mơ hồ về bệnh, không thăm khám kịp thời nên bệnh ngày càng diễn tiến nặng.
 
Theo bác sĩ Hoàng Thị Hạnh, Phó trưởng PKĐK CDC tỉnh, hiện nay, mô hình bệnh tật đang thay đổi, ngoài các bệnh truyền nhiễm thì các bệnh không lây nhiễm đang là gánh nặng bệnh tật, trong đó vấn đề rối loạn tâm thần là rất phổ biến, đang có chiều hướng gia tăng và là nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe.
 
Bệnh tâm thần được xác định là bệnh do hoạt động não bộ bị rối loạn gây nên những biến đổi bất thường về lời nói, tư duy, hành vi, tác phong, tình cảm... Rối loạn tâm thần nếu không được phát hiện điều trị kịp thời có thể dẫn đến mạn tính, người bệnh trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
 
Quan tâm sức khỏe tâm thần trước khi quá muộn
 
PKĐK CDC tỉnh hiện đang quản lý và điều trị trên 850 bệnh nhân tâm thần, trong đó có gần 500 đối tượng tâm thần phân liệt, còn lại là động kinh, trầm cảm và các rối loạn tâm thần khác. Riêng 9 tháng năm 2023, trong tổng số hơn 4.500 lượt khám đã phát hiện 77 bệnh nhân mới.
Hàng tháng các y bác sĩ CDC Quảng Bình thăm khám và điều chỉnh phác đồ thuốc điều trị cho bệnh nhân tại Trung tâm Chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần (Sở Lao động-Thương binh và xã hội).
Các y bác sĩ CDC tỉnh thăm khám và điều chỉnh phác đồ thuốc điều trị cho bệnh nhân tại Trung tâm Chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần.
“Tại tỉnh ta, thời gian gần đây, bệnh tâm thần đang có chiều hướng gia tăng, nam giới mắc nhiều hơn nữ và đa phần đều trong độ tuổi lao động chính. Đặc biệt, tình trạng rối loạn âu lo, trầm cảm và rối loạn tâm thần liên quan tới sử dụng rượu bia, ma túy và các chất gây nghiện khác… đang trẻ hóa độ tuổi. Nhiều bệnh nhân trong độ tuổi từ 20-30, khi được người nhà đưa đến đây đã ở giai đoạn sa sút nặng, hành vi manh động, nguy hiểm, khó lường”, bác sĩ Hạnh trăn trở.
 
Cũng theo bác sĩ Hạnh, với tình trạng rối loạn âu lo, trầm cảm nếu phát hiện sớm, chủ động đến phòng khám chuyên khoa tâm thần để được tư vấn điều trị thì chỉ cần uống thuốc đều đặn trong vòng 3 đến 6 tháng bệnh sẽ khỏi, ít có trường hợp diễn biến nặng thêm. Còn tâm thần phân liệt phải điều trị thuốc lâu dài và tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sĩ thì bệnh nhân sẽ ổn định bình thường.
 
Vì vậy, việc phát hiện sớm và chữa bệnh kịp thời là trách nhiệm của gia đình, cộng đồng; không giấu bệnh, không để tình trạng bệnh nhân quá sa sút mới đưa đến cơ sở y tế; không kỳ thị phân biệt với người bệnh tâm thần, giúp họ hòa nhập, có việc làm phù hợp, sống có ích thì bệnh sẽ thuyên giảm, đỡ gánh nặng cho gia đình và xã hội.
 
Thời gian qua, cùng với việc quản lý, điều trị bệnh nhân tâm thần tại phòng khám của đơn vị, CDC tỉnh đã triển khai chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng cho 120 xã, phường, phối hợp với các trung tâm y tế tuyến huyện quản lý và điều trị cho hơn 5.500 bệnh nhân tâm thần trên toàn tỉnh.
 
Trong đó, chủ yếu là bệnh nhân tâm thần phân liệt với gần 3.000 đối tượng; còn lại là các bệnh nhân động kinh và các chứng rối loạn tâm thần khác. Chương trình đã góp phần ổn định đời sống lâu dài tại gia đình và cộng đồng cho nhiều bệnh nhân tâm thần không vào được Trung tâm Chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần.
Cán bộ y tế thăm khám cho bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng.
Cán bộ y tế thăm khám cho bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng. 
Tuy nhiên, theo Giám đốc CDC tỉnh Đỗ Quốc Tiệp, hiện nay nhận thức sai lầm và sự kỳ thị của xã hội đối với người mắc rối loạn tâm thần đang là vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn. Đa số người dân coi rối loạn tâm thần chỉ là tâm thần phân liệt (bệnh điên) mà không biết rối loạn tâm thần còn có nhiều loại khác nhau, như: Trầm cảm, lo âu, rối loạn tâm thần do nghiện chất, sa sút trí tuệ, tự kỷ, tăng động giảm chú ý...
 
Bên cạnh đó, việc gia đình, người bệnh không chấp nhận các chẩn đoán rối loạn tâm thần, thậm chí còn tìm đến các phương pháp điều trị cực đoan (như cúng bái, tà thuật) đã làm chậm trễ quá trình điều trị, ảnh hưởng rất lớn đến sự phục hồi của bệnh nhân.
 
“Đặc biệt, trong điều kiện tỉnh ta hiện nay chưa có bệnh viện chuyên khoa tâm thần, nên hầu hết người dân chưa được nhận dịch vụ chăm sóc SKTT, mà chỉ có ở cơ sở chuyên khoa tuyến tỉnh và tuyến trung ương. Tuyến huyện và xã chủ yếu quản lý, điều trị tâm thần phân liệt và động kinh bằng nguồn thuốc được cấp, trong khi đó tình hình rối loạn tâm thần ngày càng gia tăng về số lượng cũng như đa dạng thêm về nhiều mặt bệnh.
 
Vì vậy, cùng với ngành Y tế, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền các cấp trong chăm sóc SKTT; cũng như huy động sự chung tay góp sức của người dân, cộng đồng xã hội trong việc giám sát, phát hiện, hỗ trợ điều trị và phục hồi chức năng cho người rối loạn tâm thần”, bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp nhấn mạnh.
 
Bộ Y tế: - SKTT là trạng thái không những không có rối loạn hay dị tật tâm thần mà còn là một trạng thái tâm thần hoàn toàn thoải mái. Mỗi cá nhân nhận thức rõ khả năng của mình, có thể đối phó với những căng thẳng bình thường trong cuộc sống, làm việc hiệu quả và cân bằng hài hòa các mối quan hệ trong môi trường xã hội.
 
-  10 hành động của mỗi người để dự phòng và nâng cao SKTT: Nhận ra và chia sẻ về cảm xúc của bản thân; tăng cường hoạt động thể chất; ăn uống lành mạnh; nghỉ ngơi đầy đủ; sử dụng đồ uống hợp lý; giữ liên lạc với người xung quanh; làm những công việc mà mình có khả năng; chấp nhận bản thân dù bạn là ai; đề nghị sự trợ giúp khi cần; quan tâm đến những người khác.
Nội Hà

 

tin liên quan

Đồng hành cùng sức khỏe người lao động

(QBĐT) - Phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp, bảo đảm môi trường làm việc an toàn… là những mục tiêu mà ngành Y tế Quảng Bình hướng tới.

Tập trung xử lý ổ dịch sốt xuất huyết tại TP. Đồng Hới

(QBĐT) - Những ngày vừa qua, trên địa bàn TP. Đồng Hới đã xuất hiện một số ổ dịch nhỏ sốt xuất huyết. 

Để trẻ thơ vui Tết Trung thu an toàn

(QBĐT) - Những ngày qua, đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Y tế chủ trì đã vào cuộc quyết liệt nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu 2023 trên địa bàn toàn tỉnh.