Ngành Y tế tăng cường phòng dịch bệnh bạch hầu và khuyến cáo tiêm vaccine đầy đủ

  • 13:33 | Thứ Tư, 20/09/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Đại diện Bộ Y tế cho biết, dịch bệnh bạch hầu đang diễn biến phức tạp tại tỉnh Hà Giang và Điện Biên, đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong. Các chuyên gia y tế khuyến cáo nên tiêm vaccine để phòng dịch bệnh.
 
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi do trực khuẩn Corynebacterium diphtheriae. Đây là một trong những căn nguyên gây tử vong hàng đầu trong thế kỷ 19 và những năm đầu thế kỷ 20.
Tiêm chủng vaccine là cách phòng bệnh bạch hầu hiệu quả nhất, tỷ lệ bảo vệ trên 97%.
Tiêm chủng vaccine là cách phòng bệnh bạch hầu hiệu quả nhất, tỷ lệ bảo vệ trên 97%.
Bệnh có thời gian ủ bệnh khoảng 2 - 5 ngày, trong thời gian này người bệnh không có biểu hiện. Bệnh dễ lây trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bệnh.
 
Bệnh có các triệu chứng ban đầu như viêm thanh quản, nổi hạch dưới hàm, đau họng… Bệnh có thể diễn tiến thành viêm phổi, viêm dây thần kinh, suy tim, viêm kết mạc... gây tử vong sau 6 – 10. Bệnh có thể gây tử vong khoảng 5 - 10% và lên đến 20% ở trẻ dưới 5 tuổi, người lớn trên 40 tuổi.
 
Bác sĩ Bạch Thị Chính cho biết, ở Việt Nam thời kỳ chưa thực hiện tiêm vaccine, bệnh bạch hầu thường xảy ra và gây dịch ở hầu hết các tỉnh, đặc biệt ở các địa phương có mật độ dân cư cao. Bệnh xuất hiện nhiều vào các tháng 8, 9, 10 trong năm. Sau khi có vaccine, tỷ lệ mắc bệnh giảm xuống dưới 0,01/100.000 dân.
 
“Khi chương trình tiêm chủng mở rộng chưa tiêm vaccine bạch hầu, tỷ lệ nhiễm bệnh bạch hầu rất cao. Tại các khoa truyền nhiễm, hầu như thời điểm nào cũng có bệnh nhân. Sau khi, vaccine bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, tỷ lệ nhiễm bệnh thấp”, bác sĩ Bạch Thị Chính thông tin.
 
Cũng theo bác sĩ Bạch Thị Chính, khả năng bảo vệ từ vaccine bạch hầu không tồn tại bền vững mà giảm dần. Do đó, nhiều trẻ được tiêm chủng đẩy đủ trong 2 năm đầu đời nhờ chương trình tiêm chủng mở rộng nhưng sau đó, trẻ không tiêm nhắc lại khi lớn hơn đã tạo “khoảng trống miễn dịch”. Cụ thể những năm gần đây, một số tỉnh, thành xuất hiện rải rác ca bạch hầu, đặc biệt người chưa được tiêm nhắc hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng.
 
Mới đây, tại tỉnh Hà Giang ghi nhận có 9 trường hợp mắc bạch hầu, trong đó có 1 ca tử vong. Tại tỉnh Điện Biên, từ ngày 1/5 – 10/9 đã ghi nhận 3 ổ dịch bạch hầu với 6 ca mắc, trong đó có 1 trường hợp tử vong tại xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông.
 
Trước tình hình diễn biến dịch bệnh bạch hầu diễn biến phức tạp, ngày 18/9, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Y tế các Bộ, ngành về việc tăng cường công tác chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu.
 
Theo đó, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu các đơn vị khẩn trương tập huấn nhắc lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu; đồng thời, rà soát quy trình, trang thiết bị, thuốc, vật tư theo hướng dẫn để tổ chức thực hiện việc khám sàng lọc, cách ly, thu dung, điều trị người bệnh bạch hầu theo quy định, hạn chế tới mức thấp nhất tỉ lệ tử vong. Bảo đảm công tác phòng lây nhiễm trong cơ sở khám, chữa bệnh.
 
Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu các ca bệnh lâm sàng nghi ngờ nghĩ tới bạch hầu ưu tiên lựa chọn kháng sinh theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu và triển khai thực hiện ngay việc lấy mẫu làm xét nghiệm nhuộm soi tìm vi khuẩn sớm để định hướng điều trị.
 
Cùng đó, tăng cường theo dõi, phát hiện sớm các biến chứng để kịp thời xử trí, chuyển tuyến khi cần thiết. Tăng cường truyền thông trong bệnh viện để người bệnh, người nhà người bệnh biết được các dấu hiệu của bệnh để đi khám sớm và nắm được các biện pháp phòng bệnh.
 
Tiêm chủng vaccine là cách phòng bệnh bạch hầu hiệu quả nhất, tỷ lệ bảo vệ trên 97%. Cơ thể cần 2 - 3 tuần sau khi tiêm đủ liều để sản sinh miễn dịch với bệnh. Sau khi hoàn tất lịch tiêm chủng cơ bản và tiêm nhắc cho trẻ dưới 2 tuổi (vào lúc 2, 3, 4 và 18 tháng tuổi), người dân cần tiêm nhắc (tiêm bổ sung) thêm một mũi theo nhiều cột mốc khác nhau như: từ 4 đến 7 tuổi; từ 9 đến 15 tuổi; phụ nữ trước hoặc đang mang thai; người già từ 50 tuổi trở lên; người lớn có bệnh mạn tính ở phổi, tim mạch, thận… Thai phụ cần tiêm vaccine bạch hầu trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ, giúp bảo vệ em bé khi ra đời.

Theo Báo Tin tức

tin liên quan

MEDLATEC Quảng Bình đón nhận chứng chỉ ISO 15189:2012

(QBĐT) - Chiều 31/8, Hệ thống Y tế MEDLATEC group tổ chức lễ đón nhận chứng chỉ Hệ thống quản lý chất lượng ISO 15189:2012 cho Khoa Xét nghiệm-Phòng khám MEDLATEC Quảng Bình. 

Sở Y tế: Bảo đảm thường trực cấp cứu ngoại viện và sẵn sàng ứng phó khẩn cấp dịp nghỉ lễ 2/9

(QBĐT) - Chiều nay, 31/8, Giám đốc Sở Y tế bác sĩ Dương Thanh Bình cho biết, sở vừa có văn bản gửi Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố về bảo đảm các điều kiện nhân lực, cơ sở vật chất, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế cho công tác khám chữa bệnh dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.
 

Bộ Y tế yêu cầu đảm bảo đủ thuốc phòng chống các bệnh truyền nhiễm

Theo kết quả giám sát dịch bệnh truyền nhiễm và báo cáo của các địa phương, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng đang có xu hướng tăng cao tại một số tỉnh, thành phố.