"Báo động" bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em

  • 10:16 | Thứ Sáu, 15/09/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hiện nay, bệnh đau mắt đỏ đang bùng phát và lây lan mạnh ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành khác. Tại tỉnh Quảng Bình cũng bắt đầu ghi nhận nhiều trường hợp đau mắt đỏ một số địa phương, có nguy cơ lây lan thành dịch nếu không chủ động phòng, chống.
 
Gia tăng đau mắt đỏ ở trẻ mầm non
 
Theo báo cáo từ ngành Y tế, trong vòng 1 tuần trở lại đây, bệnh đau mắt đỏ đã xuất hiện tại tỉnh ta và lây lan nhanh, nhất là ở trẻ mầm non và tiểu học. Đến sáng nay (15/9/2023), toàn tỉnh ghi nhận trên 6.000 ca mắc, tập trung ở 3 địa phương là Tuyên Hóa, Bố Trạch và TP. Đồng Hới. Đa số các bệnh nhân đều có cùng triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ, như: Mắt đỏ, chảy nước mắt, mắt ngứa, mi mắt sưng… khả năng cao là do vi rút gây ra, nên tính chất bệnh rất dễ lây lan, nhất là ở các trường mầm non, tiểu học… 
Ngành Y tế giám sát, hướng dẫn các trường mầm non phòng chống bệnh đau mắt đỏ tại huyện Tuyên Hóa.Ngành Y tế giám sát, hướng dẫn các trường mầm non phòng, chống bệnh đau mắt đỏ tại huyện Tuyên Hóa.
Hiện tại, Tuyên Hóa là địa phương ghi nhận nhiều ca đau mắt đỏ nhất trên địa bàn tỉnh. Theo bác sĩ Vũ Xuân Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Tuyên Hóa: Ngày 5/9, từ ca mắc đầu tiên tại xã Đức Hóa; sau đó tiếp tục xuất hiện ở xã Tiến Hóa và thị trấn Đồng Lê. Đến 17 giờ ngày 14/9, Tuyên Hóa có 3.959 ca đau mắt đỏ, đối tượng chủ yếu là trẻ mầm non. Một số xã, thị trấn có nhiều ca mắc nhiều, như: Đồng Lê (974 ca), Mai Hóa (453 ca), Tiến Hóa (397 ca), Đức Hóa (256 ca), Thanh Hóa (261 ca), Thanh Thạch (212 ca) và Phong Hóa (252 ca)...
 
“Những ngày vừa qua, TTYT huyện Tuyên Hóa đã phối hợp tổ chức giám sát ca bệnh ở các xã, đặc biệt ở những trường học có số lượng học sinh (HS) mắc nhiều; chỉ đạo các trạm y tế tăng cường giám sát, phát hiện ca bệnh ở các thôn và trường học; hướng dẫn người dân, giáo viên và HS các biện pháp phòng, chống và cho những HS mắc bệnh theo dõi điều trị tại nhà, không đến trường để tránh lây nhiễm cho bạn bè trong lớp. Đồng thời, thực hiện truyền thông các biện pháp phòng, chống, cách xử lý khi khi mắc bệnh đau mắt đỏ cho người dân trên địa bàn huyện. Trung tâm cũng chủ động mua thuốc cấp cho các trạm y tế để cấp cho người dân khi bị bệnh đến khám tại trạm, hạn chế lây lan trong cộng đồng”, bác sĩ Thủy thông tin thêm. 
 
Tại Bố Trạch, từ ca bệnh đầu tiên xuất hiện tại xã Liên Trạch ngày 8/9, đến nay, toàn huyện đã ghi nhận 1.590 ca bệnh ở 14/28 xã, thị trấn của huyện. Trong đó, tập trung nhiều nhất tại xã Liên Trạch (613 ca), Hưng Trạch (269 ca), Thanh Trạch (190 ca)… Bác sĩ Đỗ Xuân Tính, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Kiểm soát bệnh tật-Tư vấn điều trị nghiện chất (TTYT  huyện Bố Trạch) cho biết: Đối tượng đau mắt đỏ trên địa bàn chủ yếu là trẻ mầm non và HS tiểu học, bệnh lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp với dịch tiết từ mắt qua bàn tay nhiễm vi rút hoặc dùng chung đồ dùng, vật dụng bị nhiễm mầm bệnh nên dễ lây lan.
TTYT Bố Trạch hỗ trợ các trường mầm non khử khuẩn phòng chống dịch đau mắt đỏ.
TTYT Bố Trạch hỗ trợ các trường mầm non khử khuẩn phòng, chống dịch đau mắt đỏ.
Để kịp thời kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, TTYT huyện Bố Trạch đã yêu cầu các trạm y tế xã, thị trấn khẩn trương, tăng cường giám sát, phát hiện kịp thời các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn; thực hiện khám, điều trị, cấp phát thuốc cho người dân. Cùng đó, phối hợp với UBND xã, trường học và các đơn vị liên quan trên địa bàn tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp chống lây nhiễm tại nhà trẻ, trường học, cơ quan, đơn vị và cộng đồng. Đặc biệt, đối với các trường học yêu cầu phải bảo đảm công tác vệ sinh lớp học, trường học, vệ sinh sạch sẽ dụng cụ, đồ dùng học tập, nhất là ở các trường mầm non. 
 
TP. Đồng Hới là địa phương thứ 3 xuất hiện dịch đau mắt đỏ, hiện đã ghi nhận 495 ca ở 14/15 xã, phường, tập trung nhiều nhất ở các phường: Nam Lý (132 ca), Bắc Lý (131 ca), Đồng Sơn (118 ca). Trong tổng số 495 ca đau mắt đỏ của TP. Đồng Hới thì có 492 ca là đối tượng HS tại các trường học.
 
Không chủ quan với dịch đau mắt đỏ
 
Theo bác sĩ Trần Ánh Dương, Trưởng khoa Mắt (Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới), đau mắt đỏ là bệnh lành tính, không gây ảnh hưởng thị lực, đa số tự khỏi trong vòng 7-10 ngày. Những ngày gần đây, tại bệnh viện tiếp nhận số bệnh nhân đến khám đau mắt đỏ tăng hơn 30%, không có ca nào biến chứng nặng, bệnh nhân được khám, tư vấn và cho thuốc điều trị ngoại trú, để tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện. 
 Bệnh nhân đau mắt đỏ nên đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Bệnh nhân đau mắt đỏ nên đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
“Tuy chưa có trường hợp biến chứng nặng nhưng việc điều trị đau mắt đỏ cũng cần được lưu ý tại các cơ sở y tế khi bệnh nhân tới khám nhằm làm giảm bệnh tiến triển nặng thêm và phòng ngừa biến chứng cũng như lây lan thành dịch. Đặc biệt, người bệnh không nên tự ý mua thuốc điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế ”, bác sĩ Ánh Dương khuyến cáo. 
 
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong những ngày gần đây, theo số liệu từ các TTYT, bệnh đau mắt đỏ đang có dấu hiệu tăng vọt, đặc biệt là khi trẻ quay lại trường học. Bệnh đau mắt đỏ (tên khoa học là viêm kết mạc cấp) là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường gặp do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt.
 
Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt còn lại. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và thường gia tăng khi thời tiết chuyển mùa. Cho đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh. Vì vậy, ngành Giáo dục-Đào tạo và các bậc phụ huynh cần phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong công tác phòng, chống dịch, kịp thời ngăn chặn sự lây nhiễm của căn bệnh này để bảo vệ sức khỏe cho HS.
Khuyến cáo của ngành Y tế về phòng chống chống dịch đau mắt đỏ.
Khuyến cáo của ngành Y tế về phòng, chống chống dịch đau mắt đỏ.
 
Bác sĩ Nguyễn Việt Phong, Phó Trưởng khoa Sức khoẻ môi trường-Y tế trường học-Bệnh nghề nghiệp (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Những ngày vừa qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cùng với Trung tâm Mắt-Nội tiết tỉnh đã tổ chức giám sát tình hình diễn biến bệnh đau mắt đỏ và kịp thời hỗ trợ tuyến y tế cơ sở triển khai các biện pháp phòng, chống, cách ly, điều trị không để dịch bùng phát, lây lan, nhất là trong trường học.
 
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ, giáo viên, HS thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh đau mắt đỏ, như: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, rửa mặt hàng ngày bằng khăn mặt riêng với nước sạch, không dùng chung vật dụng cá nhân; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường; hạn chế tiếp xúc với người bệnh đau mắt đỏ; lưu ý tăng cường bổ sung chất dinh dưỡng, hoa quả, vitamin và khoáng chất tăng sức đề kháng, đặc biệt đối với trẻ em.
 
Trước tình hình bệnh đau mắt đỏ có nguy cơ gia tăng, để chủ động phòng, chống, không để dịch bùng phát, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, TTYT huyện, thị xã, thành phố giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn, đặc biệt tại các nhà trẻ, trường học; tổ chức hướng dẫn triển khai các biện pháp phòng, chống, cách ly, điều trị kịp thời các trường hợp bị bệnh, không để dịch đau mắt đỏ bùng phát, lây lan; chuẩn bị thuốc, vật tư, hóa chất phòng, chống dịch và hỗ trợ kịp thời cho các địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch. 
 
Các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân; tăng cường công tác kiểm soát lây nhiễm chéo tại bệnh viện. Giao Trung tâm Mắt-Nội tiết tỉnh tăng cường kiểm tra, hỗ trợ tuyến dưới trong việc điều trị, giám sát, xử lý ổ dịch và xác định nguyên nhân đau mắt đỏ tại các địa bàn. 
Nội Hà

tin liên quan

Sở Y tế: Bảo đảm thường trực cấp cứu ngoại viện và sẵn sàng ứng phó khẩn cấp dịp nghỉ lễ 2/9

(QBĐT) - Chiều nay, 31/8, Giám đốc Sở Y tế bác sĩ Dương Thanh Bình cho biết, sở vừa có văn bản gửi Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố về bảo đảm các điều kiện nhân lực, cơ sở vật chất, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế cho công tác khám chữa bệnh dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.
 

MEDLATEC Quảng Bình đón nhận chứng chỉ ISO 15189:2012

(QBĐT) - Chiều 31/8, Hệ thống Y tế MEDLATEC group tổ chức lễ đón nhận chứng chỉ Hệ thống quản lý chất lượng ISO 15189:2012 cho Khoa Xét nghiệm-Phòng khám MEDLATEC Quảng Bình. 

Trẻ sinh non có thể mắc nhiều bệnh mạn tính ở tuổi thanh thiếu niên

Theo nghiên cứu, nguy cơ đa bệnh lý cao nhất được phát hiện ở trẻ sinh ra trước 28 tuần của thai kỳ và nguy cơ này đối với trẻ sinh sớm ở tuần thứ 37-38 cao hơn chút ít so với những trẻ sinh đủ tháng.