Hơn 35 nghìn ca đau mắt đỏ - các trường học chủ động phòng dịch

  • 20:58 | Thứ Bảy, 23/09/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những ngày vừa qua, bệnh đau mắt đỏ đang có xu hướng gia tăng mạnh tại một số địa phương trong tỉnh với hàng nghìn ca mắc mỗi ngày. Bệnh tuy lành tính, xuất hiện trong thời gian ngắn nhưng lây lan nhanh nên số người mắc bệnh tăng cao, phần lớn là trẻ mầm non và học sinh tiểu học.
 
Hàng nghìn ca bệnh đau mắt đỏ mỗi ngày
 
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Mắt-Nội tiết tỉnh, đến ngày 22/9/2023, Quảng Bình đã ghi nhận 35.084 ca đau mắt đỏ. Trong đó, tập trung nhiều nhất là huyện Lệ Thủy (6.953 ca), tiếp theo là Tuyên Hóa (6.924 ca), Bố Trạch (4.961 ca), Quảng Trạch (4.713 ca), TX. Ba Đồn (4.296 ca), TP. Đồng Hới (3.292 ca); các huyện còn lại đều đã ghi nhận từ trên 1.000 đến 3.000 ca đau mắt đỏ. 
Các nhà trường tăng cường dẫn cho học sinh các bước rửa tay bằng xà phòng để phòng bệnh đau mắt đỏ.
Nhà trường tăng cường dẫn cho học sinh các bước rửa tay bằng xà phòng để phòng bệnh đau mắt đỏ.
Tại các địa phương, số ca tăng nhanh từng ngày, nếu tính từ ngày khai giảng năm học mới xuất hiện ca đau mắt đỏ đầu tiên tại tỉnh ta, đến ngày 18/9/2023, toàn tỉnh ghi nhận hơn 10.000 ca mắc thì chỉ trong vòng chưa đến 1 tuần số ca mắc đã nhảy vọt lên hơn 35.000 ca. Như ngày 21/9 đã ghi nhận gần 4.000 ca, trong đó, tại địa bàn huyện Bố Trạch và Quảng Trạch mỗi địa phương ghi nhận trên 1.000 ca mắc trong ngày và chưa có xu hướng giảm. 
 
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đỗ Quốc Tiệp cho biết: Không ngoài dự đoán, khi trẻ tựu trường là thời điểm giao mùa, thời tiết chuyển mùa diễn biết thất thường là điều kiện cho các loại nấm, vi khuẩn, vi rút… phát triển, trẻ lại tiếp xúc gần nhau trong lớp học nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất cao. Hiện, trên địa bàn tỉnh dịch đau mắt đỏ đang lây lan nhanh trong trường học, nhất là tại các lớp học mầm non và tiểu học. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cùng Trung tâm Mắt-Nội tiết tăng cường giám sát, hướng dẫn, hỗ trợ các trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố chủ động triển công tác phòng, chống dịch theo diễn biến tình hình thực tế tại địa phương. 
 
Các nhà trường chủ động phòng dịch
 
Theo ông  Đỗ Quốc Tiệp, bệnh đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc là một bệnh lý tại mắt với triệu chứng đặc trưng là viêm đỏ quanh vùng kết mạc mắt, kèm chảy dịch gây đau, sưng, ngứa, chảy nước mắt và có thể giảm thị lực tạm thời... Bệnh dễ lây lan và bùng phát thành ổ dịch lớn trong thời gian ngắn. Bất cứ ai cũng có thể mắc đau mắt đỏ và mỗi người cũng có thể bị viêm kết mạc nhiều lần. Nhưng trẻ em là đối tượng dễ mắc đau mắt đỏ nhất vì trẻ hay có thói quen dụi mắt, nên khi trẻ tiếp xúc hay chơi chung với trẻ bị đau mắt đỏ thì khả năng lây nhiễm rất cao và đặc biệt trường học là môi trường rất dễ khiến bệnh lây lan. 
 
Cũng như các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước (Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng...), hiện nay, bệnh đau mắt đỏ đang lây lan mạnh tại hầu hết các địa bàn của tỉnh ta. Y tế cơ sở đang chủ động tích cực phối hợp với các đơn vị trường học để triển khai các hoạt động phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng học tập của học sinh.
Các trường bán trú lưu ý không để trẻ dùng chung vật dụng để phòng chống dịch bệnh lây lan.
Các trường bán trú lưu ý không để trẻ dùng chung vật dụng để phòng, chống dịch bệnh lây lan.

Là trường có số lượng học sinh tương đối đông trên địa bàn TP. Đồng Hới (hơn 1.100 em), Hiệu trưởng Trường tiểu học số 2 Bắc Lý Nguyễn Thị Phương Thảo cho hay, từ 2 ca đau mắt đỏ đầu tiên xuất hiện tại trường ngày 11/9/2023 đến ngày 23/9 đã ghi nhận 342 học sinh đau mắt đỏ, ngày nhiều nhất là 163 em phải nghỉ học. Để phòng, chống dịch bệnh, nhà trường thường xuyên tổng vệ sinh, lau chùi các lớp học, bố trí đầy đủ xà phòng rửa tay ở các khu vực vệ sinh.

Đồng thời, quán triệt đến 30 giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn học sinh cách phòng bệnh, không đưa tay lên dụi mắt và phải rửa tay bằng xà phòng với nước sạch sau khi đi vệ sinh; quan tâm theo dõi sức khỏe của học sinh và yêu cầu phụ huynh nếu con em bị đau mắt đỏ thì không đến trường tránh lây lan cho các bạn trong lớp.

Tại địa bàn TX. Ba Đồn, tuy xuất hiện muộn hơn các địa phương khác, nhưng hiện tại cũng đã ghi nhận hơn 4.000 ca đau mắt đỏ và đối tượng mắc phần nhiều là trẻ em. Tại trường mầm non Ba Đồn, cô Phạm Thị Hải Yến chia sẻ, là trường có 100% trẻ bán trú, nên khi nắm bắt thông tin có dịch đau mắt đỏ, ban giám hiệu đã chỉ đạo bộ phận y tế mua đầy đủ thuốc, vật tư theo hướng dẫn của cơ quan y tế để chủ động phòng bệnh.

Đồng thời, yêu cầu các nhóm lớp thường xuyên lau chùi sạch sẽ sàn nhà, cửa phòng học, tay vịn cầu thang và đồ dùng đồ chơi của trẻ bằng các dung dịch khử khuẩn. Theo dõi và đề nghị phụ huynh không cho trẻ tới lớp khi phát hiện đau mắt đỏ. Đặc biệt, nhà trường lưu ý bếp ăn tuyệt đối không cho trẻ dùng chung đồ dùng trong khi ăn, bảo đảm tất cả vật dụng của trẻ (thìa, bát, đĩa) đều được tiệt trùng bằng nước sôi. Nhờ vậy, tại trường mới chỉ xuất hiện vài ca đau mắt đỏ đầu tiên trong vòng một tuần trở lại đây và ngày nhiều nhất ghi nhận chưa đến 10 trẻ phải nghỉ học ở nhà. 

Khi trẻ bị đau mắt đỏ cha mẹ tuyệt đối không tự mua thuốc điều trị khi không có chỉ định của bác sĩ.
Khi trẻ bị đau mắt đỏ cha mẹ tuyệt đối không tự mua thuốc điều trị khi không có chỉ định của bác sĩ.
Phụ huynh Trần Thị Huyền ở xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) cho biết, chị có con gái đang học tiểu học, cách đây 1 tuần con chị cũng bị đau mắt đỏ. “Sáng ngủ dậy thấy mắt cháu bị bịt kín gỉ, lấy nước muối lau sạch mắt và thông báo cho cô giáo chủ nhiệm xin nghỉ học. Hàng ngày, tôi thường xuyên nhỏ mắt cho cháu bằng nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) 5-7 lần và tăng cường cho ăn thêm các loại trái cây để tăng sức đề kháng. Sau 4 ngày mắt cháu trở lại bình thường và đã đến trường học. Tuy nhiên, trong lớp cũng liên tục có các bạn nghỉ học vì bị đau mắt đỏ. Theo tôi thấy, bệnh đau mắt đỏ cũng không nghiêm trọng lắm, nhưng phụ huynh phải biết cách hướng dẫn cho con để không làm lây cho cả nhà và tuyệt đối không cho con đến lớp để tránh lây lan dịch trong trường học”, chị Huyền chia sẻ thêm.
 
- Bộ Y tế: Tác nhân gây bệnh đau mắt đỏ chủ yếu từ 3 nguyên nhân: Do vi rút, với biểu hiện đỏ ngứa mắt, chảy dịch mắt loãng, trong; do vi khuẩn, làm mắt tăng tiết dịch, dịch mắt thường đặc, có màu vàng hoặc hơi xanh, đục và dính; do dị ứng với phấn hoa, lông động vật, khói thuốc lá, khói bụi,… bệnh thường xuất hiện ở cả hai mắt, ngứa nhiều hơn và mắt có thể sưng tấy. 
 
- Bệnh lây truyền với 2 hình thức tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp: Lây truyền trực tiếp xảy ra khi tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của cơ thể như nước mắt, dịch từ mắt, nước bọt, giọt bắn qua phản xạ ho, hắt hơi của người bệnh. Lây gián tiếp khi tiếp xúc hoặc dùng chung các vật dụng cá nhân với người bị đau mắt đỏ (khăn mặt, khăn  tắm, cốc uống nước hoặc kính áp tròng…). Đau mắt đỏ rất dễ lây lan và bùng phát thành dịch, nhất là khi nguyên nhân gây bệnh đến từ vi khuẩn hoặc vi rút.
 
- Bộ Y tế khuyến cáo: Cha mẹ tuyệt đối không tự điều trị khi trẻ đau mắt đỏ. Đặc biệt, không được tự điều trị theo cách truyền miệng, hoặc theo trên mạng, như: Xông các loại lá trầu không, lá dâu tằm, đắp hành củ, nhỏ sữa mẹ vào mắt trẻ… Không tự mua thuốc điều trị khi không có chỉ định của bác sĩ. Việc điều trị không đúng bệnh, không đúng thuốc sẽ dẫn tới những hậu quả nặng nề, đáng tiếc, như: Mắt trẻ sẽ bị giảm thị lực, viêm loét giác mạc, thậm chí mù lòa...
Nội Hà

tin liên quan

MEDLATEC Quảng Bình đón nhận chứng chỉ ISO 15189:2012

(QBĐT) - Chiều 31/8, Hệ thống Y tế MEDLATEC group tổ chức lễ đón nhận chứng chỉ Hệ thống quản lý chất lượng ISO 15189:2012 cho Khoa Xét nghiệm-Phòng khám MEDLATEC Quảng Bình. 

Bộ Y tế yêu cầu giám sát và không để thiếu thuốc bệnh đau mắt đỏ

Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương, những tuần gần đây ghi nhận trung bình khoảng 700 trường hợp đau mắt đỏ (còn gọi là viêm kết mạc) đến khám.

Bộ Y tế khuyến cáo cộng đồng cách phòng bệnh "vi khuẩn ăn thịt người"

Tại Việt Nam, bệnh Whitmore xuất hiện rải rác qua các năm tại một số địa phương và các ca bệnh gần đây nhất được phát hiện tại Đắk Lắk, Thanh Hóa, trong đó đã có trường hợp tử vong.