Đồng hành cùng sức khỏe người lao động

  • 08:17 | Thứ Bảy, 30/09/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp (BNN), bảo đảm môi trường làm việc an toàn… là những mục tiêu mà ngành Y tế Quảng Bình hướng tới nhằm nâng cao trách nhiệm của các đơn vị, doanh nghiệp (DN), người sử dụng lao động trong phòng, chống BNN, bảo đảm sức khỏe cho người lao động (NLĐ) làm việc lâu dài.
 
“Sức khỏe NLĐ là tài sản của DN”
 
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Long, Giám đốc Trung tâm vận hành Cụm trang trại điện gió B&T Quảng Bình với phóng viên khi tại đây đang phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh thực hiện quan trắc môi trường và khám sức khỏe phát hiện BNN cho NLĐ. Ông Long cho biết, tổng giám đốc và tập đoàn luôn quan tâm đến sức khỏe của cán bộ, nhân viên và môi trường làm việc trên tinh thần NLĐ khỏe mạnh, làm việc tốt thì DN mới phát triển bền vững.
CDC tỉnh quan trắc môi trường làm việc của người lao động.
CDC tỉnh quan trắc môi trường làm việc của người lao động.
“Tại các nhà máy của cụm trang trại có cường độ điện trường 220kV, không phát thải khí, rác thải, tiếng ồn ra môi trường. Tuy nhiên, chúng tôi luôn quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), thường xuyên tập huấn cho cán bộ, nhân viên, kiểm tra an toàn môi trường làm việc, trang bị đầy đủ bảo hộ lao động ở mỗi vị trí làm việc. Định kỳ phối hợp với CDC tỉnh thực hiện quan trắc môi trường lao động, khám sức khỏe phát hiện BNN cho cán bộ, NLĐ toàn cụm trang trại mỗi năm 2 lần, trong đó có tầm soát ung thư. Bên cạnh đó, tập đoàn còn chú trọng đầu tư cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, có không gian thư giãn, nghỉ ngơi… tạo cho NLĐ cảm giác thân thiện và muốn đến cơ quan làm việc mỗi ngày”, ông Nguyễn Long chia sẻ.
 
Cùng quan điểm với ông Nguyễn Long, bà Võ Thị Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Công ty CP Dệt may Huế-Chi nhánh Quảng Bình trao đổi: Với đặc thù của nghề may mặc, làm việc trong môi trường bụi vải, nên định kỳ 6 tháng/lần chúng tôi phối hợp với CDC tỉnh tổ chức khám phát hiện sớm BNN liên quan đến môi trường làm việc cho NLĐ. Cùng với đó thì công tác phòng, chống dịch bệnh theo mùa, theo dõi và hướng dẫn an toàn vệ sinh thực phẩm tại bếp ăn tập thể; tổ chức tập huấn sơ cấp cứu cho NLĐ… được công ty thực hiện thường xuyên.
 
Hiện tại công ty có một phòng y tế trực sơ cứu và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn việc chấp hành ATVSLĐ; phối hợp cung cấp đầy đủ bảo hộ lao động, đề xuất các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao sức khỏe cho NLĐ. “NLĐ là tài sản vô giá của DN. Quan tâm đến sức khỏe của NLĐ cũng chính là đang quan tâm đến sức khỏe của DN. NLĐ có khỏe mạnh, vui vẻ thì làm việc mới năng suất, hiệu quả mới cao, DN mới phát triển bền vững và ngược lại”, bà Võ Thị Thanh Nhàn nhấn mạnh.
CDC tỉnh khám, kiểm tra yếu tố tâm sinh lý và Ergonomics cho NLĐ.
CDC tỉnh khám, kiểm tra yếu tố tâm sinh lý và Ergonomics cho NLĐ.
Quan trắc môi trường lao động-điều kiện tiên quyết để bảo vệ sức khỏe NLĐ
 
Là đơn vị duy nhất đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động, khám phát hiện BNN của ngành Y tế, thời gian qua CDC tỉnh đã đồng hành, tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị, DN trên địa bàn triển khai các hoạt động chuyên môn, đưa ra những khuyến cáo kịp thời cho chủ sử dụng lao động về môi trường làm việc, sức khỏe NLĐ để có những điều chỉnh bảo đảm an toàn sức khỏe làm việc lâu dài cho cán bộ, nhân viên, NLĐ tại cơ quan, đơn vị, DN, nhất là những DN có môi trường lao động độc hại.
 
Theo Giám đốc CDC tỉnh Đỗ Quốc Tiệp: BNN là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động tới NLĐ. Bệnh xảy ra cấp tính hoặc từ từ, một số BNN không chữa khỏi và để lại di chứng. Tuy nhiên, BNN có thể phòng tránh được. Vì vậy, NLĐ làm việc có hợp đồng hay không đều có quyền được bảo đảm các điều kiện làm việc ATVSLĐ; được cung cấp thông tin đầy đủ về các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc.
 
Người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện các quy định này tại Điều 18, Luật ATVSLĐ. Theo đó, người sử dụng lao động phải tổ chức đánh giá, kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc để đề ra các biện pháp kỹ thuật ATVSLĐ. Quan trắc môi trường lao động là công cụ giám sát đắc lực nhất để thu thập, phân tính, đánh giá các yếu tố môi trường trong lao động tại nơi làm việc, làm căn cứ đưa ra các biện pháp giảm thiểu tác hại đối với sức khỏe, phòng chống BNN cho NLĐ.
 
Theo chân các cán bộ của CDC tỉnh đến từng trạm biến áp, các tháp tuabin điện gió và khám phát hiện BNN cho toàn bộ NLĐ tại Cụm trang trại điện gió B&T những ngày vừa qua mới thấy hết sự tỉ mẩn trong công việc bảo vệ sức khỏe NLĐ.
CDC tỉnh tổ chức khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho NLĐ.
CDC tỉnh tổ chức khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho NLĐ.

Bác sĩ Hoàng Ái Nhân, Trưởng khoa Sức khỏe môi trường-Y tế trường học-BNN (CDC tỉnh) cho biết: Các yếu tố quan trắc môi trường lao động thông thường bao gồm vi khí hậu, tiếng ồn và rung động, bức xạ và phóng xạ, chiếu sáng không hợp lý, bụi mịn, các hóa chất độc, các yếu tố vi sinh vật có hại, nhóm yếu tố tâm sinh lý lao động và Ergonomics.

Trong đó, được phân thành nhiều nhóm cụ thể, như: Nhóm yếu tố vi khí hậu trong môi trường lao động (bao gồm nhiệt độ, độ ẩm, vận tốc gió, bức xạ nhiệt); nhóm yếu tố vật lý trong môi trường lao động (ánh sáng, tiếng ồn, độ rung chuyển, điện từ trường tần số công nghiệp, điện từ trường tần số cao, bức xạ ion hóa, bức xạ không ion hóa…); nhóm yếu tố bụi trong môi trường lao động (bụi toàn phần, bụi hô hấp, bụi mịn...); nhóm yếu tố hóa học, hơi khí độc, hóa chất độc hại; nhóm yếu tố tâm sinh lý lao động và Ergonomics, các yếu tố kỹ thuật, tổ chức lao động...

“Tất cả các yếu tố này đều phải được kiểm tra, đo đếm cẩn thận để cho ra kết quả chính xác. Kết quả quan trắc môi trường lao động ngoài việc giúp người sử dụng lao động thực hiện trách nhiệm của mình đối với NLĐ, đồng thời giúp NLĐ hiểu biết đầy đủ về môi trường làm việc của mình, tham gia giám sát chất lượng môi trường lao động và đòi hỏi quyền lợi khi bị ảnh hưởng và phòng ngừa nguy cơ mắc BNN”, bác sĩ Nhân cho biết thêm.

Kỹ sư Võ Văn Thành (SN 1982, ở Lệ Thủy), phụ trách vận hành Trạm biến áp BT2&BT3 (Cụm trang trại điện gió B&T) chia sẻ: "Tuy một ca làm việc kéo dài 12 tiếng trong môi trường điện, nhưng chúng tôi luôn cảm thấy thoải mái, không áp lực, vì ở đây đã được tập huấn kỹ quy trình vận hành và ai cũng tuân thủ nghiêm ngặt. Đặc biệt, lãnh đạo đơn vị luôn quan tâm chăm lo sức khỏe cho NLĐ. Ngoài được khám sức khỏe, tầm soát ung thư hàng năm, thì những việc tưởng chừng nhỏ nhặt, như quy định đặt chế độ điều hòa trong phòng làm việc là 26oC, ngoài hành lang là 29-30oC để khi ra xử lý công việc ngoài trời công nhân không bị sốc nhiệt; hay bếp ăn tập thể luôn thực hiện việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm… đã làm chúng tôi yên tâm, gắn bó lâu dài và cống hiến hết sức mình cho công việc".

CDC tỉnh quan trắc môi trường điện từ tại Trạm biến áp BT2&BT3 (Cụm trang trại điện gió B&T).
CDC tỉnh quan trắc môi trường điện từ tại Trạm biến áp BT2&BT3 (Cụm trang trại điện gió B&T).

Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, việc tăng nhanh số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở nhiều lĩnh vực mới, công nghệ cao kéo theo gia tăng yếu tố có hại trong môi trường lao động và rủi ro nghề nghiệp… Theo thống kê từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, chỉ tính từ tháng 4-7/2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra liên tiếp các vụ tai nạn lao động trong sản xuất, tai nạn trong các DN làm chết 6 NLĐ.

Nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn chủ yếu do người sử dụng lao động chưa chủ động, thường xuyên kiểm tra, giám sát sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ; NLĐ chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, ý thức chấp hành pháp luật về ATVSLĐ, còn diễn ra tình trạng vi phạm các quy định về ATVSLĐ; thiếu chủ động trong phòng ngừa tai nạn lao động, BNN... Vì vậy, việc quan trắc môi trường lao động là bắt buộc đối với các đơn vị, DN trong quá trình sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động nhằm phòng, chống BNN, bảo đảm sức khỏe cho NLĐ đã được quy định tại Thông tư liên tịch số 08/1998/TTLT giữa Bộ Y tế và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

“Tuy nhiên, hiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều đơn vị, DN chưa thực sự quan tâm, chú trọng đến vấn đề này; nhiều DN lo ngại về kinh phí nên chỉ tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ. Nhưng trên thực tế cho thấy, việc khám sức khỏe định kỳ là phát hiện, tầm soát một số bệnh thông thường NLĐ mắc phải, còn quan trắc môi trường lao động thường xuyên sẽ giúp phát hiện sớm tiềm ẩn các mối nguy hại ảnh hưởng đến sức khỏe và tránh được những tai nạn thương tích đáng tiếc xảy ra. Từ đó có sự điều chỉnh, cải thiện điều kiện làm việc hoặc trang bị phương tiện phòng hộ cá nhân phù hợp, bảo đảm an toàn sức khỏe lâu dài cho NLĐ”, bác sĩ Hoàng Ái Nhân trao đổi.
 
Từ năm 2022 đến nay CDC tỉnh đã thực hiện quan trắc môi trường lao động cho 36 đơn vị, DN, với tổng số gần 3.300 mẫu đo. Qua xét nghiệm, phân tích cho thấy, có trên 350 mẫu chưa đạt theo tiêu chuẩn quy định về môi trường làm việc. Trong đó, tập trung chủ yếu là chỉ tiêu về ánh sáng, độ ồn... Từ những kết quả này, CDC tỉnh đã kiến nghị đến các đơn vị, DN để có giải pháp khắc phục, nhằm bảo đảm môi trường an toàn làm việc cho NLĐ.
Nội Hà

tin liên quan

Để trẻ thơ vui Tết Trung thu an toàn

(QBĐT) - Những ngày qua, đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Y tế chủ trì đã vào cuộc quyết liệt nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu 2023 trên địa bàn toàn tỉnh.
 

Bộ Y tế đề xuất công bố hết dịch COVID-19 thuộc nhóm A

Bộ Y tế đã có Tờ trình gửi Chính phủ về việc ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch COVID-19 thuộc nhóm A và bãi bỏ một số văn bản phòng chống dịch COVID-19.

Bộ Y tế: Xử lý nghiêm việc lợi dụng dịch đau mắt đỏ để tăng giá thuốc

Bộ Y tế yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh các thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ và xử lý nghiêm các vi phạm.