Chuyển đổi nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao

  • 14:59 | Thứ Bảy, 11/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhằm đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản phù hợp với xu thế phát triển, huyện Bố Trạch đã chú trọng đầu tư các công trình phục vụ hoạt động nuôi trồng thủy sản; đồng thời chỉ đạo các địa phương hướng dẫn bà con chuyển đổi sang những đối tượng con nuôi có giá trị cao, hiệu quả bền vững.
 
Trưởng phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Bố Trạch Nguyễn Văn Long cho biết, để khích lệ, động viên người dân tại các địa phương mạnh dạn mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản, thời gian qua, từ các nguồn vốn Trung ương và địa phương, Bố Trạch đã đầu tư xây dựng và hoàn thiện công trình nâng cấp hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản nam sông Gianh tại các xã: Hạ Trạch, Mỹ Trạch, Bắc Trạch và đầu tư xây dựng các công trình phụ trợ tại các xã: Đồng Trạch, Hải Phú, Mỹ Trạch, TT. Hoàn Lão... Nhờ đó, năm 2021, toàn huyện có diện tích nuôi trồng gần 2.000ha, đạt 123% kế hoạch; trong đó, nuôi trồng thủy sản mặn lợ đạt 954ha, nuôi trồng nước ngọt đạt trên 1.000ha.
 
Bên cạnh đó, người dân ở một số địa phương trên địa bàn huyện đã mạnh dạn chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao, như: Tôm càng xanh, cá chình, cá đối…; đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức bán thâm canh, thâm canh, nuôi sinh học, nuôi 2 giai đoạn trong nhà có mái che… nên sản lượng ngày càng tăng trên cùng một đơn vị diện tích.
Nông dân xã Đại Trạch đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức thâm canh, đạt giá trị kinh tế cao.
Nông dân xã Đại Trạch đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức thâm canh, đạt giá trị kinh tế cao.
Chủ tịch UBND xã Đại Trạch Phan Văn Ngọ cho hay: Để tận dụng tiềm năng và lợi thế của địa phương, xã Đại Trạch đã thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản. Nhờ đó, người nuôi trên địa bàn chú trọng đầu tư nâng cấp hạ tầng vùng nuôi, đưa các đối tượng nuôi có giá trị cao vào thả nuôi, như: Cá bống bớp, cá chẽm, cá hồng mỹ; đồng thời, tăng cường thâm canh cá giống và cá thịt để chủ động nguồn giống phục vụ cho việc nuôi trồng và đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất.
 
Đến nay, toàn xã Đại Trạch có 40 hộ nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích gần 75ha; trong đó hơn 50ha nuôi cá, diện tích còn lại nuôi tôm thẻ chân trắng. Với việc phấn đấu tổng sản lượng thủy sản hàng năm đạt trên 130 tấn, nghề nuôi trồng thủy sản đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của ngành Nông nghiệp địa phương, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân trước tình hình khó khăn do đại dịch Covid-19.
 
Hộ gia đình anh Lê Văn Sơn ở thôn Đông Bắc (xã Đại Trạch) xây dựng mô hình nuôi cá chình thương phẩm gắn với liên kết và tiêu thụ sản phẩm đạt hiệu quả kinh tế cao. Năm 2020, được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, anh Lê Văn Sơn đã thả nuôi 2.000 con cá chình và hàng nghìn cá trê lai, rô đầu vuông. Với giá bán trên thị trường dao động từ 450-500 nghìn đồng/kg, mỗi năm anh Sơn xuất bán 2 vụ từ 18-20 tấn cá thương phẩm các loại, mang lại doanh thu gần 1 tỷ đồng. Sau khi trừ mọi chi phí, gia đình anh Sơn thu lãi khoảng 300 triệu đồng.
 
Anh Lê Văn Sơn chia sẻ, nuôi cá chình trong bể xi măng, nếu chăm sóc cẩn thận thì ít bị bệnh, mà giá lại cao hơn so với các loại cá lóc, cá trê, trong khi đó lượng thức ăn giống nhau. Tuy nhiên, người nuôi cần đầu tư nuôi nhiều loại cá để ít bị phụ thuộc vào thị trường, khi “cung vượt cầu” dù giá có giảm xuống vẫn chủ động bù trừ được. Việc đầu tư nuôi cá trong bể xi măng sẽ đa dạng hóa hình thức nuôi trồng các loại thủy sản, qua đó, không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân mà còn hạn chế được rủi ro trong quá trình sản xuất; đồng thời, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
 
“Với điều kiện thuận lợi là đất đai dồi dào, nguồn thức ăn, đầu ra sản phẩm cũng ổn định, xã Đại Trạch khuyến khích nhân rộng mô hình nuôi cá chình thương phẩm, đến nay trên địa bàn xã có thêm 2 hộ tham gia, dù quy mô chưa bằng hộ anh Sơn nhưng tình hình khả quan…”, ông Phan Văn Ngọ cho biết thêm.   
 
Theo Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch Nguyễn Văn Long, để nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản nuôi trồng, nâng mức thu nhập cho người nuôi, thời gian tới, Bố Trạch tập trung chỉ đạo các địa phương phát triển nuôi trồng thủy sản theo liên kết chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ; chú trọng nuôi nước ngọt, nước mặn lợ theo quy hoạch, nhất là nuôi tôm theo hướng thân thiện với môi trường, tiêu chuẩn VietGAP, đạt hiệu quả và bền vững. Đồng thời, huyện cũng tập trung chuyển đổi những vùng nuôi tôm thường xuyên xảy ra dịch bệnh sang nuôi các đối tượng khác có hiệu quả kinh tế cao hoặc nuôi xen ghép...
 
Sản lượng thu hoạch từ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Bố Trạch trong năm 2021 tăng với 3.252 tấn, đạt 101,6% so với kế hoạch, tăng 2,99% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng từ nuôi mặn lợ 1.640 tấn, đạt 96,45% kế hoạch, tăng 2,68%; nuôi nước ngọt 1.612 tấn, đạt 107,47% kế hoạch, tăng 3,29%.
 
Hương Trà

tin liên quan

"Ngược núi" làm giàu

(QBĐT) - Trong khi bạn bè cùng trang lứa kéo nhau vào miền Nam tìm việc làm thì Đinh Hữu Thiêm (SN 1987) lại quyết định "ngược núi", bám trụ quê hương làm trang trại. Sau gần 10 năm lập nghiệp, quăng quật với mưa rừng, gió núi, vợ chồng anh Thiêm đã biến vùng đất rừng nghèo kiệt ở thôn Kiên Trinh, xã Hóa Phúc (Minh Hóa) thành một khu trang trại tổng hợp rộng gần 10ha, cho thu nhập ngày càng cao và ổn định.

Minh Hóa: Quyết tâm không bỏ đất hoang trong vụ sản xuất đông-xuân 2021-2022

(QBĐT) - Đối với huyện miền núi Minh Hóa, đông-xuân là vụ sản xuất chủ lực, quan trọng nhất trong năm, vì vậy những ngày qua, bà con nông dân trên địa bàn huyện đã ra quân cày ải đất, vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị chu đáo cho vụ sản xuất, quyết tâm không để đất hoang.

Ngư dân gặp khó trước mùa biển động

(QBĐT) - Vượt qua giai đoạn khó khăn của đợt dịchCovid-19, có thể phục hồi đánh bắt thủy hải sản trên biển thì đúng vào mùa biển động, các tàu thuyền, bơ nan ở địa bàn các xã biển huyện Bố Trạch tiếp tục nằm bờ,  bà con ngư dân Bố Trạch vốn đã lao đao, nay còn khó khăn hơn...