Ngư dân gặp khó trước mùa biển động

  • 08:22 | Thứ Sáu, 10/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Vượt qua giai đoạn khó khăn của đợt dịchCovid-19, có thể phục hồi đánh bắt thủy hải sản trên biển thì đúng vào mùa biển động, các tàu thuyền, bơ nan ở địa bàn các xã biển huyện Bố Trạch tiếp tục nằm bờ,  bà con ngư dân Bố Trạch vốn đã lao đao, nay còn khó khăn hơn...
 
Toàn huyện Bố Trạch có 28 xã, thị trấn thì có 6 xã vùng ven biển: Thanh Trạch, Đức Trạch, Hải Phú, Trung Trạch, Lý Trạch và Nhân Trạch. Người dân ở các địa phương này chủ yếu sống phụ thuộc vào nghề đánh bắt thủy hải sản trên biển và các dịch vụ hậu cần nghề biển.
 
Ngư dân Hoàng Con (SN 1958, ở thôn Đông Đức, xã Đức Trạch) có kinh nghiệm gần 50 năm gắn bó với nghề biển cho hay: Xưa nay, ngư dân chỉ tập trung đánh bắt thủy hải sản vào những tháng có thời tiết thuận lợi trong năm, đến mùa biển động, mưa bão thì đa phần các thuyền lớn, thuyền nhỏ, đều “nằm chờ” trên bờ, nhất là đối với thuyền nhỏ, bơ nan hoạt động vùng lộng, gần bờ, như câu nói quen thuộc “Làm khi lành, để dành khi đau”. Thế nhưng, năm nay, khi thời tiết thuận lợi, thì dịch Covid-19 ập đến, khi vượt qua giai đoạn khó khăn của đợt dịch bệnh, ngư dân có thể phục hồi sản xuất khai thác thủy hải sản trên biển thì lại đúng vào mùa biển động, các tàu thuyền, bơ nan ở địa bàn các xã biển Đức Trạch, Hải Phú... lại tiếp tục “nấp” trên bờ.
 
Trên địa bàn Bố Trạch, dịch Covid-19 bùng phát và tập trung vây quanh các làng biển: Đức Trạch, Hải Phú, Nhân Trạch... bắt đầu từ cuối tháng 7. Toàn huyện Bố Trạch có gần 900 F0 phải điều trị, trên 1.500 F1 cách ly tập trung và hàng nghìn trường hợp phải tự cách ly tại nhà.
 
Theo số liệu thống kê, ngoài 1.120 tàu thuyền lớn có công suất lớn thường xuyên ra khơi bám biển, duy trì sản xuất, toàn huyện Bố Trạch hiện có 54 phương tiện đánh bắt vùng lộng, 758 phương tiện đánh bắt gần bờ với trên 2.100 lao động đang gặp khó khăn do thời gian nghỉ vì dịch Covid-19 quá dài ngày.
 
Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Đăng Chiến, Chủ tịch UBND xã Đức Trạch cho biết: Qua 3 đợt xét hỗ trợ của Chính phủ, xã Đức Trạch có 270 người trong diện được hỗ trợ. Tuy nhiên, toàn xã có 234 chiếc thuyền nhỏ, bơ nan có công suất dưới 20CV đánh bắt vùng lộng và bờ với gần 500 lao động đang gặp khó khăn do không đủ điều kiện để xét vào các đối tượng được trợ cấp của Chính phủ. Khó khăn chung dễ nhận thấy của bà con là do dừng sản xuất dài ngày vì dịch Covid-19 nên không có thu nhập...
 
“Ngay cả khi “trời yên, biển lặng”, tàu thuyền và ngư dân có điều kiện thuận lợi để vươn khơi, song phần lớn ngư dân vẫn có thu nhập thấp, thậm chí thua lỗ do sản phẩm đánh bắt bị ứ đọng, thị trường tiêu thụ bấp bênh, giá bán sụt giảm trong khi chi phí (các loại vật tư, xăng dầu) mỗi chuyến biển tăng lên rất nhiều, nên khó chồng khó, ngư dân không đủ kinh phí để tái đầu tư sản xuất hay kinh doanh với các dịch vụ nghề cá”, Chủ tịch UBND xã Đức Trạch Hồ Đăng Chiến cho hay.
 
Nhiều thuyền, bơ nan của người dân các xã biển nằm phơi trên cát lâu ngày nên bị hư hỏng.
Nhiều thuyền, bơ nan của người dân các xã biển nằm phơi trên cát lâu ngày nên bị hư hỏng.
Theo ngư dân Hoàng Con, bao năm nay, gia đình ông sống nhờ vào đánh bắt cá tôm trên biển với thuyền nan nhỏ công suất 20 CV. Cả nhà ông có 3 người, bản thân ông là lao động chính, vợ và con làm dịch vụ buôn bán theo nghề cá. Mỗi ngày, bình thường gia đình ông có thu nhập từ 500 nghìn đồng-1 triệu đồng, may mắn sẽ được nhiều hơn, đủ trang trải cuộc sống và tích lũy để tái đầu tư. Từ ngày dịch Covid-19 bùng phát, gia đình ông cũng như bà con ngư dân trên địa bàn xã không ra biển, lao động chính giống lao động phụ đều không có thu nhập...
 
“Nhìn những chiếc thuyền, bơ nan nằm phơi trên cát lâu ngày nứt toác, bám đầy rêu mà nản lòng. Thêm vào đó là mưa lũ, tình trạng thuyền, bơ nan để lâu không sử dụng, thân thuyền bị mục nát hết, thiết bị máy móc cũng hư hỏng phải cần kinh phí để sửa chữa...! Vì vậy, bà con mong muốn các cấp, ngành xem xét, có chính sách phù hợp hỗ trợ để giúp ngư dân các xã biển vượt qua khó khăn trước mắt, duy trì và ổn định cuộc sống, tiếp tục bám biển, sinh sống”, ngư dân Hoàng Con chia sẻ thêm.
 
Bà Lê Thị Vinh (thôn Trung Đức, Đức Trạch), chủ một cơ sở chế biến nước mắm cho hay: “Gia đình tôi gắn bó, tâm huyết với nghề đã lâu. Những năm trước đây, mỗi năm, gia đình tôi thu mua trên 20 tấn cá cơm để chế biến hàng chục nghìn lít nước mắm truyền thống, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương. Năm nay, do dịch bệnh và thời tiết không thuận, không có nguồn cá để thu mua, lấy đâu ra việc để làm, nói gì đến tạo việc làm cho người khác…”.
 
“Tạm thời trước mắt, cùng với sự động viên, hỗ trợ giải quyết một phần khó khăn cho bà con, huyện đề nghị các ngân hàng trên địa bàn đồng hành cùng ngư dân và người dân vùng biển, đặc biệt là tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư nâng cấp, sửa chữa các loại tàu thuyền, đáp ứng phục vụ sản xuất và tập trung phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá... Từ đó, tạo động lực phát triển nghề khai thác thủy hải sản gắn với phát triển du lịch trên địa bàn và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc trong thời gian tới”, ông Nguyễn Hữu Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch trao đổi thêm.
 
Hương Trà

tin liên quan

Giữ gìn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới

(QBĐT) - Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia (VQG) Phong Nha-Kẻ Bàng với những giá trị nổi bật toàn cầu là niềm vinh dự, tự hào của nhân dân Quảng Bình. Trải qua 20 năm hình thành và phát triển, với sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, sự phối hợp chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành liên quan cũng như sự hỗ trợ, giúp đỡ của các tổ chức trong nước, quốc tế, các nhà khoa học, đặc biệt, là sự đoàn kết, nỗ lực, cố gắng của tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Ban Quản lý VQG Phong Nha-Kẻ Bàng, vị thế và thương hiệu của VQG ngày càng lan tỏa mạnh mẽ...

Tích cực hưởng ứng "Tháng khuyến mại tập trung quốc gia"

(QBĐT) - Các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Quảng Bình đã chủ động đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, qua đó, đưa đến cho người tiêu dùng những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ bảo đảm chất lượng, giá cả phù hợp, thúc đẩy tăng trưởng doanh số kinh doanh năm 2021.

Đề xuất khôi phục đường bay quốc tế từ 15-12

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản báo cáo về kế hoạch khôi phục các chuyến bay thương mại thường lệ chở khách quốc tế vào Việt Nam từ 15-12-2021.