Nông dân xã biên giới Hóa Sơn thi đua làm giàu

  • 07:49 | Thứ Ba, 07/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hóa Sơn là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Minh Hóa, nhưng những năm gần đây, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (NDSXKDG) trên địa bàn xã đã có sự phát triển mạnh mẽ. Nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao đang được nhân rộng, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững và nâng cao đời sống cho hội viên nông dân….
 
Những nông dân năng động
 
Theo lời giới thiệu của ông Đinh Hồng Tuyên, Chủ tịch UBND xã Hóa Sơn, chúng tôi đến thăm mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi của gia đình anh Cao Tuyên, người dân tộc Sách, ở bản Hóa Lương. Khu vườn rộng hơn 4ha nằm bên bìa rừng đã được vợ chồng Tuyên quy hoạch bài bản thành khu vườn rừng, khu chăn nuôi lợn, bò, ao nuôi cá trong thật đẹp mắt và tràn đầy sức sống.
 
Anh Tuyên nhớ lại: “Trước đây, gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác trong bản sản xuất không đủ ăn. Mỗi lần có cơ hội đi ra các xã khác, tôi nhận thấy nhiều gia đình nông dân nhờ chăn nuôi mà trở nên khá giả. Trong khi đó, gia đình mình có đất đai rộng rãi, 2 vợ chồng lại còn trẻ, có sức lao động sản xuất mà nghèo mãi... May mắn, Hội Nông dân xã phát động phong trào thi đua NDXSKDG và tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho bà con, nên tôi quyết định đi học…”
 
Mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình anh Cao Tuyên, ở bản Hoá Lương, xã Hóa Sơn mang lại thu nhập ổn định.
Mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình anh Cao Tuyên, ở bản Hoá Lương, xã Hóa Sơn mang lại thu nhập ổn định.
Năm 2018, sau khi có kiến thức, kỹ thuật từ các lớp tập huấn, anh Tuyên được Hội Nông dân xã tạo điều kiện vay vốn ưu đãi từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và Quỹ hỗ trợ nông dân để đầu tư chuồng trại, mua giống chăn nuôi lợn, trâu, bò, đào ao thả cá, trồng rừng. Vừa làm vừa tích lũy, nay vợ chồng anh Tuyên đã trồng được 4ha rừng nguyên liệu, trong chuồng thường xuyên duy trì 5 con lợn nái, 50 con lợn thịt và hơn 10 con trâu bò. Anh Tuyên phấn khởi khoe: “Năm nay, riêng chăn nuôi lợn gia đình đã thu lãi gần 100 triệu đồng”.
 
Không chỉ anh Tuyên, nhiều hộ nông dân khác trên địa bàn xã biên giới Hóa Sơn cũng làm giàu chính đáng từ phong trào NDSXKDG. Trong đó có những nông dân, hội viên năng động, như: Cao Thị Hà, Đinh Văn Tương, Đinh Tới, Đinh Minh Thân, Cao Hóa..., có thu nhập mỗi năm từ 50-200 triệu đồng.
 
Lan tỏa phong trào giúp nhau phát triển kinh tế
 
Bà Cao Thị Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hóa Sơn cho biết, những năm qua, từ phong trào NDSXKDG đã tập hợp được những nông dân trở thành lực lượng nòng cốt đi đầu trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Phong trào đã khích lệ động viên nông dân trong xã đổi mới cách nghĩ, cách làm, khai thác thế mạnh của địa phương để vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
 
Đến nay, toàn xã Hóa Sơn đã có 70 hộ nông dân đạt danh hiệu NDSXKDG các cấp, trong đó, có 1 hộ cấp tỉnh, 8 hộ cấp huyện và 61 hộ cấp cơ sở. Đạt được kết quả này, ngoài nỗ lực của mỗi cá nhân, Hội Nông dân xã đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, xác định giúp hội viên, nông dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác hội và phong trào nông dân tại địa phương. Hội đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng ở huyện để tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản…
 
Cùng với đó, hội đã linh hoạt, sáng tạo triển khai thực hiện các chương trình, tuyên truyền, vận động và định hướng cho hội viên các loại giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao để đưa vào sản xuất, chăn nuôi; vận động hội viên phát huy lợi thế, điều kiện tự nhiên của địa phương và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đưa cây, con giống có giá trị vào nuôi, trồng; chú trọng xây dựng các mô hình kinh tế hộ gia đình cho thu nhập cao, giao chỉ tiêu cho các chi hội đảm nhận các hộ nghèo, cận nghèo để giúp đỡ có địa chỉ.
 
Đồng thời, hội chú trọng xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân, phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tín chấp cho nông dân vay vốn để sản xuất, kinh doanh với tổng dư nợ đến tháng 11-2021 là hơn 8,8 tỷ đồng. Tất cả những việc làm này đã góp phần cùng với Đảng bộ, chính quyền địa phương làm tốt công tác giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế xã hội, đưa xã biên giới Hóa Sơn ngày càng khởi sắc.
 
Phan Phương
 
 

tin liên quan

Sẵn sàng sản xuất vụ đông-xuân

(QBĐT) - Vụ đông-xuân 2021-2022, toàn tỉnh có kế hoạch gieo trồng 29.340ha lúa, năng suất dự ước đạt 58 tạ/ha, sản lượng lương thực ước đạt hơn 171.000 tấn. Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành Nông nghiệp, các địa phương và nông dân đang tích cực chuẩn bị đầy đủ giống, vật tư nông nghiệp (VTNN) để bước vào sản xuất vụ đông-xuân.

Trồng rau an toàn kết hợp... du lịch trải nghiệm!

(QBĐT) - Lệ Thủy có diện tích gieo trồng rau các loại hàng năm trên 1.400ha, tập trung chủ yếu ở các xã cụm Quốc lộ 1 và đã hình thành những vùng chuyên canh rau tại thôn Hòa Luật Nam, xã Cam Thủy; thôn 3, 4 Thanh Tân, xã Thanh Thủy; thôn An Định, Thạch Hạ, xã Hồng Thủy; vùng Quyết Thành, xã Hưng Thủy... Hiện Lệ Thủy đang triển khai xây dựng đề án vùng trồng rau tập trung an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP, kết hợp du lịch trải nghiệm.

Hơn 2.000 đại biểu trong nước và quốc tế dự phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0

(QBĐT) - Sáng nay, 6-12, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành tổ chức Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 lần thứ 3 với chủ đề "Phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số".