Lệ Thủy:

Trồng rau an toàn kết hợp... du lịch trải nghiệm!

  • 07:23 | Thứ Hai, 06/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Lệ Thủy có diện tích gieo trồng rau các loại hàng năm trên 1.400ha, tập trung chủ yếu ở các xã cụm Quốc lộ 1 và đã hình thành những vùng chuyên canh rau tại thôn Hòa Luật Nam, xã Cam Thủy; thôn 3, 4 Thanh Tân, xã Thanh Thủy; thôn An Định, Thạch Hạ, xã Hồng Thủy; vùng Quyết Thành, xã Hưng Thủy... Hiện Lệ Thủy đang triển khai xây dựng đề án vùng trồng rau tập trung an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP, kết hợp du lịch trải nghiệm.
 
Ngày nay, nhận thức của nông dân dần được nâng cao, bà con đã bắt đầu quan tâm đến việc sản xuất và phát triển rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Trên địa bàn huyện hiện có một số mô hình sản xuất rau an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP, như: Cơ sở của anh Ngô Trí Quang ở xã Ngư Thủy Bắc; trang trại Vinh Linh tại xã Hưng Thủy, Tân Thủy; tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Hòa Luật Nam tại xã Cam Thủy. Bên cạnh đó, còn có mô hình củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP, như: Mướp đắng tại HTX KDDVTH Hưng Thủy; dưa chuột, mướp đắng tại cơ sở Nguyễn Thành Tân... 
 
Khi điều kiện nền kinh tế-xã hội càng phát triển, nhu cầu người tiêu dùng sử dụng rau an toàn là rất lớn, do đó, việc đầu tư xây dựng, phát triển các vùng sản xuất rau an toàn tập trung, tạo ra sản phẩm rau sạch sẽ phù hợp với xu thế chung, góp phần nâng giá trị sản xuất, thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững.
 
Tuy nhiên, diện tích, sản lượng rau an toàn trên địa bàn huyện Lệ Thủy chưa nhiều, chưa đa dạng, phong phú về chủng loại, quy mô sản xuất nhỏ lẻ; các sản phẩm rau an toàn chưa có bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, chủ yếu bán cho thương lái hoặc tự tiêu thụ tại các chợ nên giá trị sản phẩm chưa cao.
 
Phấn đấu đến năm 2025, Lệ Thủy có từ 1-2 vùng rau hoạt động kết hợp du lịch trải nghiệm.
Phấn đấu đến năm 2025, Lệ Thủy có từ 1-2 vùng rau hoạt động kết hợp du lịch trải nghiệm.
Hiện nay, sản xuất nông nghiệp sạch kết hợp với du lịch trải nghiệm đang là hướng đi bền vững. Sự kết hợp giữa sản xuất với hoạt động du lịch tạo cho du khách có thêm những trải nghiệm thú vị về cuộc sống, nhờ vậy, bà con nông dân sẽ bán được nông sản nhiều hơn, góp phần gia tăng lợi ích kinh tế. Lệ Thủy là huyện có tiềm năng để phát triển du lịch với các điểm đến thú vị, như: Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chùa An Xá, chùa Hoằng Phúc, lăng mộ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, suối Bang…, nhưng loại hình du lịch trải nghiệm, du lịch nông nghiệp chưa phát triển.
 
Với mục tiêu từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, tiềm năng đất đai hiện có, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất rau, nâng cao năng suất, chất lượng tạo sản phẩm hàng hóa cho thị trường, bảo đảm phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho các hộ sản xuất rau, huyện Lệ Thủy đã hướng đến triển khai thực hiện đề án xây dựng vùng trồng rau tập trung an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP, kết hợp với du lịch trải nghiệm tại các xã cụm Quốc lộ 1.
 
Ông Nguyễn Hữu Hán, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết: "Thời gian tới, UBND huyện Lệ Thủy sẽ chỉ đạo các cấp, ngành quan tâm hơn nữa việc tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, bà con nông dân về kỹ thuật, giống, phân bón hữu cơ để trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, huyện tích cực hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác, HTX trồng rau sạch VietGAP; tìm kiếm đầu ra, nhãn mác, bao bì, kho bảo quản cho sản phẩm; kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào dự án. Bên cạnh đó, cần phát triển các loại hình du lịch trang trại kết hợp hộ gia đình để chào đón khách lưu trú đến tham quan, nghỉ dưỡng và trải nghiệm các hoạt động thực tế”.
 
Với mục tiêu đến năm 2025, Lệ Thủy xây dựng các vùng trồng rau an toàn tập trung đạt tiêu chuẩn VietGAP với quy mô 16,1ha tại 4 xã : Hưng Thủy, Cam Thủy, Thanh Thủy và Hồng Thủy, kết hợp với hoạt động du lịch trải nghiệm. 100% diện tích rau được chứng nhận, công bố sản xuất theo quy trình an toàn VietGAP. Thành lập mới từ 3-4 tổ hợp tác hoặc HTX sản xuất, kinh doanh rau ở vùng quy hoạch. 70% sản phẩm rau an toàn có nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc. Xây dựng từ 3-4 điểm thu mua, sơ chế, bày bán sản phẩm rau an toàn ở các xã hoặc có liên kết bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp, HTX, đại lý. Phấn đấu có từ 1-2 vùng rau hoạt động kết hợp du lịch trải nghiệm.
 
Thanh Hằng-Minh Linh
(Đài TT-TH Lệ Thủy)

tin liên quan

Lệ Thủy: Trăn trở nguồn thu ngân sách bền vững

(QBĐT) - Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 và hậu quả thiên tai, lũ lụt năm 2020, tuy nhiên, bằng nỗ lực cố gắng, đến thời điểm này, Chi cục Thuế Lệ Thủy đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch thu ngân sách được giao năm 2021.

Phát huy các chính sách đúng và trúng, bảo đảm mục tiêu "Phục hồi và phát triển bền vững"

(QBĐT) - Chiều 5-11, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 "Phục hồi và phát triển bền vững" do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức tiếp tục với nội dung tọa đàm.

Quảng Bình giới thiệu các điểm đến tại Ngày hội Du lịch TP. HCM lần thứ 17

(QBĐT) - Tối 4-12, ngày hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh lần thứ 17 với chủ đề "Điểm đến an toàn-Hành trình sống động" đã chính thức khai mạc, được tổ chức trực tiếp và trực tuyến trên nhiều kênh.