Thị trường đồ chơi trẻ em: Hàng ngoại nhập vẫn chiếm ưu thế

  • 07:12 | Thứ Năm, 02/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian gần đây, thị trường đồ chơi trẻ em có nguồn gốc xuất xứ tại Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là việc các doanh nghiệp Việt đã bắt đầu chú trọng đến chất lượng và mẫu mã sản phẩm... Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều người tiêu dùng, sản phẩm đồ chơi trẻ em trong nước vẫn chưa thể đáp ứng thị hiếu của trẻ, hàng Việt Nam vẫn còn yếu thế trên thị trường so với hàng ngoại nhập.
 
Gần đây, các cơ quan chức năng đã đưa ra những khuyến cáo về chất độc hại có trong đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ, gây ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em. Vì vậy, nhiều bậc phụ huynh lo ngại và có xu hướng ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam cho con trẻ. Nhờ đó, đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước đã được bày bán nhiều tại các cửa hàng đồ chơi ở chợ truyền thống, nhà sách hay tại các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn toàn tỉnh. Các sản phẩm đồ chơi của Việt Nam đều có thông tin, xuất xứ rõ ràng và dán nhãn hợp quy do cơ quan chức năng kiểm định nên người tiêu dùng yên tâm hơn về chất lượng.
 
Tại các cửa hàng bán đồ chơi trẻ em, hàng sản xuất trong nước vẫn yếu thế so với hàng ngoại nhập.
Tại các cửa hàng bán đồ chơi trẻ em, hàng sản xuất trong nước vẫn yếu thế so với hàng ngoại nhập.
Đồ chơi sản xuất trong nước được đánh giá là an toàn cho trẻ, mang nhiều giá trị văn hóa dân tộc, ít mang tính bạo lực. Thực tế khảo sát thị trường đồ chơi trên địa bàn TP. Đồng Hới cho thấy, đồ chơi Việt vẫn còn đơn điệu, khó cạnh tranh với các mặt hàng đồ chơi ngoại nhập về mẫu mã, kiểu dáng, công nghệ cũng như giá thành sản phẩm.Tại các cửa hàng bán đồ chơi trẻ em ở chợ Đồng Hới, các nhà sách, siêu thị…, các sản phẩm đồ chơi có nhạc, có đèn nhấp nháy, đồ chơi xếp hình hay các loại ô tô, robot, máy bay điều khiển từ xa… hàng ngoại nhập, mà nhất là hàng Trung Quốc vẫn chiếm số lượng lớn, lấn át so với hàng Việt.
 
Chị Trần Thanh Thủy, chủ cửa hàng đồ chơi trẻ em tại chợ Đồng Hới cho biết: Thời gian gần đây, cửa hàng cũng đã ưu tiên, chọn nhập đồ chơi sản xuất trong nước nhưng sản phẩm không đa dạng, chỉ xoay quanh một số mặt hàng truyền thống quen thuộc, như: Đồ chơi Tết Trung Thu, đồ chơi dân gian... Trong khi đó, đồ chơi nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc lại cực kỳ hấp dẫn về mẫu mã, đa dạng về chủng loại; nhiều đồ chơi công nghệ cao nhưng giá thành lại rẻ nên khách chọn ưa chuộng. Nhiều phụ huynh có xu hướng chọn lựa hàng Việt Nam cho con sử dụng nhưng khi xem thực tế sản phẩm thì vẫn lựa chọn hàng ngoại nhập.
 
Cửa hàng Toy Shop (Vincom Plaza Đồng Hới) chuyên cung cấp những sản phẩm đồ chơi trẻ em, sản phẩm bày bán tại cửa hàng 90% là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo chị Dương Thị Thu Hoài, chủ cửa hàng TOY SHOP, những năm trước đây, cửa hàng cũng ưu tiên bày bán đồ chơi Việt nhưng đồ chơi Việt vẫn chậm cải tiến mẫu mã, chưa cập nhật được xu thế, đồ chơi cùng phân khúc thì không cạnh tranh được giá cả nên hàng bán rất chậm.
 
Mua sắm đồ chơi trẻ em tại cửa hàng đồ chơi TOY SHOP, chị Nguyễn Hải Yến, phường Nam Lý, TP. Đồng Hới cho biết: "Tôi luôn muốn con chơi đồ chơi do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất vì có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, an toàn cho bé. Thế nhưng mẫu mã hàng Việt Nam vẫn không bắt mắt, thiếu đa dạng, nên các cháu vẫn thích chọn đồ chơi hàng xuất xứ Trung Quốc và nước ngoài hơn".
Bên cạnh đó, do tình trạng hàng nhái, hàng giả vẫn chưa được kiểm soát tốt nên nhiều mẫu đồ chơi mới của Việt Nam bị sao chép và bán ra với giá thấp hơn khiến hàng chính hãng khó cạnh tranh. Hiện nay, ngoài những cửa hàng, trung tâm siêu thị bày bán sản phẩm được kiểm định nguồn gốc, nhiều cửa hàng bán lẻ, xe bán rong đồ chơi trẻ em vẫn còn bày bán sản phẩm không bảo đảm chất lượng, xuất xứ không rõ ràng. Thời gian qua, Cục Quản lý thị trường cũng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đồ chơi trẻ em. Theo đó, nhiều vụ vận chuyển kinh doanh, buôn bán hàng đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc đã được cơ quan chức năng xử lý nghiêm.
 
Ông Trần Quốc Việt, Trưởng phòng Quản lý tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng (Sở Khoa học-Công nghệ) cho biết: "Là đơn vị được phân công quản lý về chất lượng mặt hàng đồ chơi trẻ em trên địa bàn tỉnh, chúng tôi khuyến cáo người tiêu dùng nên mua đồ chơi trẻ em đã được chứng nhận hợp quy, gắn dấu hợp quy (CR) và ghi nhãn hàng hóa đầy đủ theo quy định. Đối với đồ chơi nhập khẩu, phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt với đầy đủ thông tin, như: Tên hàng hóa, tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa, xuất xứ hàng hóa; thành phần và thông số kỹ thuật, thông tin cảnh báo, hướng dẫn sử dụng…".
 
Để có thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc và ngoại nhập, các doanh nghiệp trong nước cần phải nhanh nhạy tạo ra những sản phẩm bắt kịp với xu hướng trẻ em hiện nay, bảo đảm đầy đủ các tiêu chí về giá, chất lượng và độ an toàn. Cùng với đó, cần sự đồng hành của các cơ quan chức năng trong việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hàng nhái, hàng giả, hàng nhập lậu giá rẻ nhằm bảo vệ các thương hiệu hàng Việt. Ngoài ra, cần có chính sách đầu tư, hỗ trợ bán hàng để doanh nghiệp sản xuất đồ chơi trẻ em Việt Nam đứng vững, ngày càng chiếm ưu thế trên thị trường, đặc biệt là thị trường trong nước.
 
Thanh Hoa

tin liên quan

Bố Trạch: Phấn đấu trồng thêm 2,12 triệu cây xanh

(QBĐT) - Nhằm duy trì, giữ vững tỷ lệ che phủ rừng, thời gian qua, huyện Bố Trạch đã tích cực thực hiện công tác trồng và bảo vệ rừng trên địa bàn huyện.

Nhìn lại 5 năm thực hiện Pháp lệnh Quản lý thị trường

(QBĐT) - Pháp lệnh Quản lý thị trường (QLTT) được Quốc hội thông qua năm 2016 là cơ sở pháp lý vững chắc của QLTT, khẳng định vai trò của lực lượng QLTT đối với công tác đấu tranh, phòng chống vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại.

Giải pháp phục hồi kinh tế ngắn hạn phải đặt trong tổng thể dài hạn

Sáng 30-11, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc làm việc với Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Nhóm chuyên gia, nhà nghiên cứu về chính sách tài chính, tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.