Sẵn sàng sản xuất vụ đông-xuân

  • 07:46 | Thứ Ba, 07/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Vụ đông-xuân 2021-2022, toàn tỉnh có kế hoạch gieo trồng 29.340ha lúa, năng suất dự ước đạt 58 tạ/ha, sản lượng lương thực ước đạt hơn 171.000 tấn. Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành Nông nghiệp, các địa phương và nông dân đang tích cực chuẩn bị đầy đủ giống, vật tư nông nghiệp (VTNN) để bước vào sản xuất vụ đông-xuân.
 
Vụ đông-xuân 2021-2022, Hợp tác xã (HTX) Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lộc Hạ (Lệ Thủy) dự kiến gieo cấy 258ha lúa với các giống chủ lực, như: Lai Nhị Ưu 0838, P6, Hà Phát, QC03… Để sản xuất đúng thời vụ, cũng như định hướng về cơ cấu giống lúa theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, ngay từ đầu vụ, HTX đã chủ động liên hệ với các doanh nghiệp cung ứng giống, VTNN đặt hàng trước.
 
Ông Bùi Văn Phúc, Giám đốc HTX Mỹ Lộc Hạ cho biết: “HTX đã chuẩn bị 14 tấn lúa giống và 50 tấn phân bón để cung ứng cho các thành viên sản xuất vụ đông-xuân. Cùng với việc tích cực áp dụng quy trình canh tác lúa cải tiến SRI, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, HTX tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện mô hình cánh đồng lớn gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm”.
 
Người dân xã Hưng Thủy (Lệ Thủy) làm đất sản xuất vụ đông-xuân.
Người dân xã Hưng Thủy (Lệ Thủy) làm đất sản xuất vụ đông-xuân.
Tại huyện Quảng Ninh, người dân cũng đang tích cực chuẩn bị đầy đủ giống, phân bón sẵn sàng bước vào sản xuất vụ đông-xuân. Ông Trương Văn Lê, Giám đốc HTX Nông nghiệp Minh Trung cho hay: “Vụ đông-xuân năm nay, HTX dự kiến sản xuất 353ha lúa, gồm các giống lúa: TBR1, CT16, ST25… Hiện tại, các thành viên trong HTX đã chuẩn bị hơn 23 tấn lúa giống để đưa vào sản xuất. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá phân bón tăng cao, người dân chỉ mới chuẩn bị hơn 5 tấn phân bón để bón lót giai đoạn đầu”.
 
Vụ đông-xuân 2021-2022, Công ty CP Tổng Công ty Sông Gianh dự kiến cung ứng cho thị trường Quảng Bình gần 3.000 tấn phân bón các loại. Để bảo đảm cung ứng đủ lượng phân bón phục vụ sản xuất cho bà con nông dân trong toàn vụ, cùng với việc duy trì ổn định hoạt động sản xuất, công ty đã chủ động phân phối lượng phân bón đến các đại lý trên địa bàn tỉnh.
 
Theo ông Cao Ngọc Anh, Phó tổng Giám đốc Công ty CP Tổng Công ty Sông Gianh, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 dẫn đến giá nguyên liệu tăng, chi phí vận chuyển tăng… nên giá phân bón các loại đều tăng. Hiện, công ty cung ứng ra thị trường các loại phân bón, như: Phân hữu cơ vi sinh Sông Gianh, phân NPK, phân bón lá…
 
Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, nhu cầu sử dụng lúa giống vụ đông-xuân 2021-2022 ước khoảng 2.800 tấn; với các giống lúa chủ lực, như: P6, HT1, QS88, XT28, HN6, PC6, VN20, Xi23, VNR20... Trong đó, Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình cung ứng hơn 1.500 tấn lúa giống các loại theo đăng ký của các địa phương, lượng giống còn lại được cung ứng bởi các công ty ngoại tỉnh và nguồn giống trong dân.
 
Thời điểm hiện tại, các đơn vị sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trong và ngoài tỉnh đã chủ động chuẩn bị đủ lượng giống bảo đảm chất lượng phục vụ sản xuất. Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 215 đại lý, cửa hàng, cơ sở và điểm kinh doanh VTNN. Phần lớn các doanh nghiệp, đại lý đã chủ động cung ứng kịp thời các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân sản xuất.
 
Ông Nguyễn Hương Liên, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: “Bước vào sản xuất vụ đông-xuân, nông dân trong tỉnh gặp không ít khó khăn do giá giống và giá phân bón đều tăng, đặc biệt giá phân bón tăng 2-2,5 lần so với năm ngoái. Để góp phần giảm chi phí trong sản xuất, người dân cần đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học trong sản xuất theo hướng giảm dần phân hóa học, tăng cường nguồn phân hữu cơ, sử dụng công nghệ mới trong sản xuất”.
 
Vụ đông-xuân 2021-2022, Công ty CP Tổng Công ty Sông Gianh dự kiến cung ứng cho thị trường Quảng Bình gần 3.000 tấn phân bón các loại.
Vụ đông-xuân 2021-2022, Công ty CP Tổng Công ty Sông Gianh dự kiến cung ứng cho thị trường Quảng Bình gần 3.000 tấn phân bón các loại.
Để bảo đảm sản xuất vụ đông-xuân thắng lợi, Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị chuẩn bị đầy đủ nguồn VTNN về số lượng, chất lượng nhằm triển khai sản xuất vụ đông-xuân theo đúng kế hoạch, đúng thời vụ và hiệu quả. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh giống, VTNN phải có kế hoạch cung ứng đầy đủ hàng hóa cho nông dân kịp thời, thuận lợi trong điều kiện dịch Covid-19 còn phức tạp; có phương án chuẩn bị nguồn giống dự phòng đối với một số diện tích phải gieo lại do rét đậm, rét hại, ngập úng...
 
Trên cơ sở hướng dẫn lịch thời vụ của Sở NN-PTNT, các địa phương chủ động bố trí cơ cấu giống và xây dựng lịch thời vụ cụ thể, linh hoạt, phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng loại cây trồng. Đối với cây lúa, bố trí gieo trồng từ ngày 15 đến 25-12-2021, trổ trong khung an toàn từ ngày 10 đến 20-4-2022, bảo đảm thu hoạch trước 20-5-2022 để kịp thời triển khai sản xuất vụ hè-thu.
 
Nhằm bảo đảm chất lượng các loại VTNN phục vụ sản xuất vụ đông-xuân, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra, quản lý chặt chẽ VTNN; phát hiện, xử lý và ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các loại vật tư không bảo đảm chất lượng, hàng giả, hàng không được phép sử dụng trong nông nghiệp; triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh VTNN; đặc biệt là mặt hàng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, lực lượng Thanh tra Sở NN-PTNT tích cực phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh, buôn bán VTNN…
 
Lan Chi

tin liên quan

'Chính phủ ủng hộ chiến lược đầu tư lâu dài của Samsung tại Việt Nam'

Tiếp Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao việc tập đoàn đầu tư các dự án sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt là dự án xây dựng trung tâm R&D quy mô 220 triệu USD.

Trồng rau an toàn kết hợp... du lịch trải nghiệm!

(QBĐT) - Lệ Thủy có diện tích gieo trồng rau các loại hàng năm trên 1.400ha, tập trung chủ yếu ở các xã cụm Quốc lộ 1 và đã hình thành những vùng chuyên canh rau tại thôn Hòa Luật Nam, xã Cam Thủy; thôn 3, 4 Thanh Tân, xã Thanh Thủy; thôn An Định, Thạch Hạ, xã Hồng Thủy; vùng Quyết Thành, xã Hưng Thủy... Hiện Lệ Thủy đang triển khai xây dựng đề án vùng trồng rau tập trung an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP, kết hợp du lịch trải nghiệm.

Hơn 2.000 đại biểu trong nước và quốc tế dự phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0

(QBĐT) - Sáng nay, 6-12, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành tổ chức Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 lần thứ 3 với chủ đề "Phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số".