Trồng rừng gỗ lớn, hướng đi bền vững

  • 07:40 | Thứ Tư, 08/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm qua, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn trồng rừng gỗ lớn. Mặc dù thời gian trồng chưa lâu nhưng rừng gỗ lớn có rất nhiều triển vọng, hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân trong vài năm tới.
 
Từ một đề án
 
Tháng 10-2019, UBND tỉnh đã có quyết định “Về việc phê duyệt đề án phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng gắn với trồng rừng gỗ lớn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2019-2025”. Đề án được thực hiện trên diện tích rừng trồng, đất lâm nghiệp được quy hoạch rừng sản xuất và rừng trồng là rừng sản xuất ngoài quy hoạch lâm nghiệp.
 
Đề án hướng đến mục tiêu góp phần nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh rừng trồng và phát triển lâm nghiệp bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường; gắn kết theo chuỗi từ trồng rừng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm đến nâng cao giá trị lâm sản...
 
Khu rừng gỗ lớn hơn 2 năm tuổi của ông Đinh Văn Công, ở thôn Khai Hóa, xã Thượng Hóa (Minh Hóa) đang phát triển rất tốt.
Khu rừng gỗ lớn hơn 2 năm tuổi của ông Đinh Văn Công, ở thôn Khai Hóa, xã Thượng Hóa (Minh Hóa) đang phát triển rất tốt.
Nếu thực hiện đúng lộ trình của đề án, đến năm 2025, vùng rừng trồng nguyên liệu của tỉnh cơ bản phát triển ổn định với diện tích trên 100.900ha, chiếm 31,7% tổng diện tích rừng sản xuất toàn tỉnh. Trong đó, diện tích rừng trồng gỗ nhỏ có trên 84.700ha và trên 16.200ha rừng gỗ lớn. Năng suất bình quân rừng gỗ lớn trồng mới đạt trên 20m3/ha/năm, khi đưa vào khai thác đạt trữ lượng trên 200m3/ha/10 năm. Năng suất rừng trồng chuyển hóa từ rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn khi đưa vào khai thác đạt trữ lượng trên 150m3/ha/10 năm. Diện tích rừng trồng gỗ lớn được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC đạt khoảng 7.000ha. Các địa phương dự kiến trồng rừng gỗ lớn nhiều, như: Tuyên Hóa trồng trên 3.400ha, Minh Hóa trên 3.300ha, Quảng Ninh gần 3.300ha, Lệ Thủy trên 3.200ha…
 
Để phát triển diện tích, nâng cao năng suất của rừng gỗ lớn, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh, chú trọng đầu tư các khâu, như: Làm đất, bón phân, tăng số lần chăm sóc, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống keo cấy mô vào sản xuất. Tổng nguồn vốn thực hiện đề án là 860.935 triệu đồng. Trong đó, nguồn ngân sách nhà nước là 102.185 triệu đồng, vốn tự có và huy động các nguồn khác 758.750 triệu đồng.
 
Ngoài ra, tỉnh cũng đã tập trung công tác tuyên truyền để người dân hiểu và thực hiện tốt đề án; liên doanh, liên kết để phát triển nguồn nguyên liệu; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tìm thị trường tiêu thụ…
 
Nhiều mô hình triển vọng
 
Có thể thấy, đề án phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng gắn với trồng rừng gỗ lớn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2019-2025 rất đúng đắn, hợp với lòng dân nên được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Nếu như năm 2019, cả tỉnh chỉ trồng được trên 1.200ha rừng gỗ lớn thì đến nay diện tích rừng gỗ lớn đã tăng lên khoảng 3.800ha. Các địa phương có diện tích rừng gỗ lớn nhiều, như: Lệ Thủy có gần 1.100ha, Quảng Ninh có 865ha, Minh Hóa có trên 730ha. Để trồng rừng gỗ lớn, với mỗi ha, bà con được hỗ trợ từ 8-10 triệu đồng.…
 
Người dân huyện Lệ Thủy trồng rừng gỗ lớn.
Người dân huyện Lệ Thủy trồng rừng gỗ lớn.
Huyện Minh Hóa có diện tích rừng trồng trên 10.400ha, trong đó có trên 730ha rừng gỗ lớn. Bà con trồng rừng gỗ lớn cơ bản đều được hỗ trợ kinh phí từ các dự án, ngân sách của tỉnh, huyện. Ông Nguyễn Công Chung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Minh Hóa cho biết: “Để người dân tiếp cận với kỹ thuật, nguồn lực trồng rừng gỗ lớn, huyện đã có nhiều chính sách để hỗ trợ, như: Vận động nhân dân chuyển đổi linh hoạt từ trồng rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn; trích ngân sách mua giống cây keo cấy mô, phân bón, hỗ trợ khoa học kỹ thuật cho bà con trồng rừng...”.
 
Ông Đinh Văn Công, ở thôn Khai Hóa, xã Thượng Hóa (Minh Hóa) trồng 1ha rừng gỗ lớn từ tháng 5-2019. Trước khi trồng, ông đã được hỗ trợ tập huấn khoa học kỹ thuật, mua cây giống, phân bón. Sau đó, ông được cán bộ nông nghiệp đến tận nơi để hướng dẫn cách trồng, chăm sóc.
 
Ông Công tâm sự: “Nhờ được trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật nên rừng nhà tôi phát triển rất nhanh, cây đều, sức chống chọi gió bão tốt hơn rừng trồng thông thường. Hiện có nhiều cây rừng trồng gỗ lớn đã đạt đường kính gốc gần 20cm”.
 
Trước đây, người dân huyện Quảng Ninh chủ yếu trồng rừng nguyên liệu nên giá trị kinh tế thấp, chi phí trồng, chăm sóc cao. Để nâng cao giá trị trên cùng diện tích đất trồng, huyện đã vận động bà con chuyển sang trồng rừng gỗ lớn. Đến nay, toàn huyện đã trồng được 865ha rừng gỗ lớn, riêng xã Trường Xuân có khoảng 500ha.
 
Ông Lê Hữu Nam, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Trường Xuân cho hay: “Để trồng rừng gỗ lớn, bà con được hỗ trợ cách trồng, chăm sóc, phân bón, cây giống mỗi ha từ 8-10 triệu đồng. Nhờ sự hỗ trợ đó nên bà con rất phấn khởi, mạnh dạn chuyển rừng nguyên liệu sang trồng rừng gỗ lớn”.
 
Anh Trần Văn Phương, ở thôn Kim Sen, xã Trường Xuân tâm sự: "Khi đăng ký trồng rừng gỗ lớn, tôi cũng thấy rất lo lắng. Nhưng sau khi tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như nhận được sự hướng dẫn, giải thích tận tình của cán bộ kỹ thuật, tôi mới hiểu được giá trị của rừng gỗ lớn và quyết định đầu tư trồng. Sắp tới, tôi sẽ mở rộng thêm diện tích rừng gỗ lớn sau khi khai thác xong vùng rừng nguyên liệu”.
 
Gia đình anh Phương có trên 50ha đất trồng rừng, trong đó, anh đã trồng được 10ha rừng gỗ lớn. Nhờ trồng đúng kỹ thuật nên rừng của anh đang phát triển rất tốt, hứa hẹn mạng lại giá trị kinh tế cao cho gia đình trong vài năm tới…
 
“Trên cùng một đơn vị diện tích, rừng gỗ lớn cho năng suất vượt trội gấp từ 3-4 lần so với rừng nguyên liệu. Rừng gỗ lớn còn hạn chế được số lần khai thác, giãn tiến độ trồng lại nên giảm thiểu nguy cơ xói mòn và rửa trôi đất. Theo tính toán, khoảng 10 năm, mỗi ha rừng gỗ lớn mang lại lợi nhuận từ 250-300 triệu đồng, trong khi rừng nguyên liệu 6 năm cho thu hoạch chỉ đạt khoảng 60-70 triệu đồng”, ông Phan Thanh Lộc, Phó trưởng Phòng Sử dụng và Phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm cho biết.
 
Xuân Vương
 

tin liên quan

Tỷ giá trung tâm sáng 7-12 tăng 50 đồng

Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) sáng 7-12 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.210 VND/USD, tăng mạnh tới 50 đồng so với hôm qua.

Nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp

(QBĐT) - Sáng nay, 7-12, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18-3-2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 trong lĩnh vực phi nông nghiệp.

Nông dân xã biên giới Hóa Sơn thi đua làm giàu

(QBĐT) - Hóa Sơn là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Minh Hóa, nhưng những năm gần đây, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (NDSXKDG) trên địa bàn xã đã có sự phát triển mạnh mẽ. Nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao đang được nhân rộng, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững và nâng cao đời sống cho hội viên nông dân….