Bảo đảm an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi

  • 15:00 | Thứ Bảy, 11/12/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhằm nâng cao chất lượng tổng đàn, phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị, huyện Bố Trạch đẩy mạnh công tác xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh (CSATDB). Đây được xác định là một trong những giải pháp cơ bản trong phòng, chống dịch và là cơ sở để huyện chuyển dần sang hình thức chăn nuôi an toàn sinh học.
 
Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Bố Trạch, chăn nuôi trên địa bàn huyện có sự chuyển biến từ nông hộ sang trang trại, phát triển xu hướng theo chuỗi giá trị. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sản phẩm chăn nuôi tiêu thụ khó khăn, giá giảm mạnh trong khi chi phí đầu tư cho chăn nuôi ngày càng cao.
 
Với mục tiêu phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung với quy mô công nghiệp, bán công nghiệp gắn liền với an toàn dịch bệnh (ATDB) và bảo vệ môi trường, huyện Bố Trạch chú trọng xây dựng các CSATDB động vật trên địa bàn.
 
Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Tại địa bàn huyện Bố Trạch hiện đã xây dựng được 25 CSATDB, gồm có: Trung tâm giống vật nuôi tỉnh, Công ty chăn nuôi trâu bò Hòa Phát, Công ty chăn nuôi lợn Tân Bình và 22 trang trại chăn nuôi lợn. Riêng tại xã Sơn Lộc hiện có 5 CSATDB đối với lợn.
100% cơ sở chăn nuôi trên địa bàn xã Sơn Lộc được chứng nhận an toàn dịch bệnh.
100% cơ sở chăn nuôi trên địa bàn xã Sơn Lộc được chứng nhận an toàn dịch bệnh.
Các cơ sở chấp hành tốt quy định về ATDB, duy trì và phát triển tổng đàn lợn qua các năm. Đặc biệt, vừa qua, qua quá trình rà soát, xã Sơn Lộc đã được cấp chứng nhận CSATDB cấp xã. Đây là địa phương cấp xã đầu tiên trong tỉnh được cấp chứng nhận CSATDB.
 
Toàn xã Sơn Lộc có 25 cơ sở chăn nuôi trang trại và hơn 80 cơ sở chăn nuôi lợn với quy mô từ 10-150 con ở 5 thôn, tập trung chủ yếu tại 2 thôn Thanh Lộc và Đồng Sơn. Từ năm 2016 đến nay, nhờ áp dụng tốt các biện pháp phòng dịch nên 100% các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn xã đã được chứng nhận ATDB, không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm, góp phần giúp cho tổng đàn lợn trên địa bàn ổn định, bảo đảm chất lượng tốt khi xuất bán so với các địa phương khác.
 
“Kết quả đó là nhờ Ban thú y xã đã tích cực trong việc rà soát, nắm bắt thực tiễn chăn nuôi, giám sát tình hình dịch bệnh, trực tiếp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn. Những năm qua, tình hình dịch bệnh gia súc trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, ngoài các loại dịch bệnh địa phương thường xảy ra, đã phát sinh thêm nhiều dịch bệnh truyền nhiễm mới, như: Dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục trên trâu, bò…
 
Ban thú y xã đã thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng dịch, cộng với sự chủ động trong phòng bệnh cho vật nuôi của các hộ chăn nuôi, nên dịch bệnh trên địa bàn xã đã được kiểm soát tốt, bảo đảm môi trường không bị ô nhiễm, duy trì số lượng và chất lượng tổng đàn, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng... Qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn với bình quân mỗi năm là 120 lao động; thu nhập bình quân đầu người tăng, hiện nay, đạt trên 38 triệu đồng/người/năm”, Chủ tịch UBND xã Sơn Lộc Phan Văn Tiến trao đổi.
 
Công tác thú y, tiêm phòng cho gia súc, gia cầm và vệ sinh, tiêu độc khử trùng phòng, chống dịch bệnh ngày càng được các địa phương và người dân trên địa bàn huyện quan tâm. Vì vậy, năm 2021, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát. Từ tháng 3 đến tháng 7-2021, dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã xảy ra tại 1.195 hộ/186 thôn, bản/25 xã, thị trấn, làm trên 1.800 con trâu, bò mắc bệnh; trong đó có 285 con trâu, bò chết.
 
Huyện đã kịp thời chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và các địa phương có trâu, bò bị bệnh nhanh chóng thực hiện các giải pháp dập dịch, điều trị trâu, bò bị bệnh; đặc biệt đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc-xin, nhờ vậy, đã tiêm phòng được 17.000 liều, điều trị lành cho gần 1.600 con bị bệnh, 25/25 địa phương có trâu, bò bị bệnh đã công bố hết dịch.
 
Đến nay, tổng đàn trâu, bò, lợn, gia cầm trên địa bàn huyện Bố Trạch duy trì và tăng; trong đó, đàn trâu, bò có trên 43.000, đàn lợn 59.000 con, đàn gia cầm 785.000 con. Chất lượng đàn tăng, tỷ lệ đàn bò lai và bò thuần ngoại đạt 75% so với tổng đàn. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2021 đạt 22.559 tấn, tăng 3% so với cùng kỳ và đạt 105% so với kế hoạch.
 
“Trên cơ sở kết quả từ xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch sẽ nhân rộng cho các cơ sở chăn nuôi ATDB cấp xã. Đồng thời, cùng với thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh mới, như: Viêm da nổi cục trên trâu, bò…, Bố Trạch tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại, bảo đảm an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường; hướng dẫn các cơ sở tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAP), liên kết trong chăn nuôi, nâng cao chất lượng, giá thành sản phẩm, góp phần khôi phục sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn”, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Ngọc Tuấn trao đổi thêm.
 
Hương Trà

tin liên quan

Chuyển đổi nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao

(QBĐT) - Nhằm đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản phù hợp với xu thế phát triển, huyện Bố Trạch đã chú trọng đầu tư các công trình phục vụ hoạt động nuôi trồng thủy sản; đồng thời chỉ đạo các địa phương hướng dẫn bà con chuyển đổi sang những đối tượng con nuôi có giá trị cao, hiệu quả bền vững.
 

"Ngược núi" làm giàu

(QBĐT) - Trong khi bạn bè cùng trang lứa kéo nhau vào miền Nam tìm việc làm thì Đinh Hữu Thiêm (SN 1987) lại quyết định "ngược núi", bám trụ quê hương làm trang trại. Sau gần 10 năm lập nghiệp, quăng quật với mưa rừng, gió núi, vợ chồng anh Thiêm đã biến vùng đất rừng nghèo kiệt ở thôn Kiên Trinh, xã Hóa Phúc (Minh Hóa) thành một khu trang trại tổng hợp rộng gần 10ha, cho thu nhập ngày càng cao và ổn định.

Đột phá cùng Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I

(QBĐT) - Được triển khai tại thôn Vịnh Sơn, xã Quảng Đông (Quảng Trạch), dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I là dự án trọng điểm quốc gia về lĩnh vực năng lượng, được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá mới cho sự phát triển của lĩnh vực công nghiệp năng lượng tỉnh Quảng Bình.