Người "đưa đò" tận tụy

  • 08:03 | Thứ Bảy, 19/11/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Suốt hơn 30 năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Hường (SN 1972), Trường tiểu học số 1 Đồng Lê (Tuyên Hóa) không chỉ được biết đến là một giáo viên dạy giỏi, mà còn được ví như người "đưa đò" tận tụy, giàu tình thương yêu với lớp lớp các thế hệ học sinh nơi đây.
 
Như "mẹ hiền"...
 
Năm 1992, sau khi tốt nghiệp Trường trung cấp Sư phạm Quảng Bình, cô Hường được điều động đến công tác tại Trường tiểu học (TH) Thanh Thạch, một ngôi trường vùng rẻo cao, đặc biệt khó khăn của huyện Tuyên Hóa. Và trong quãng thời gian 10 năm, cô lần lượt đến dạy học tại các trường, như: Trường TH Nam Sơn, Trường TH Quảng Hóa, xã Lê Hóa (nay là Trường TH Lê Hóa). Năm 2010, cô đến công tác tại Trường TH số 1 Đồng Lê cho đến nay.
 
Với kinh nghiệm 30 năm theo nghiệp "phấn trắng, bảng đen", cô giáo Nguyễn Thị Hường cho biết: "Nghề giáo, nhất là giáo viên TH như con ong cần mẫn, luôn cố gắng phấn đấu không biết mệt mỏi. Bởi, lứa tuổi học sinh cấp 1 không giống như học sinh THCS và THPT. Các em tuổi còn nhỏ, chỉ là những đứa trẻ hồn nhiên và ý thức tự giác chưa cao. Vì vậy, người giáo viên không chỉ giỏi chuyên môn, biết nắm bắt, dẫn dắt tâm lý cho các em, mà còn đòi hỏi phải có những kỹ năng đặc thù".
Mỗi giờ lên lớp của cô Nguyễn Thị Hường luôn là những giờ học hào hứng của học sinh.
Mỗi giờ lên lớp của cô Nguyễn Thị Hường luôn là những giờ học hào hứng của học sinh.
Kỹ năng đặc thù, theo cô Hường không gì khác, đó chính là "cô giáo như mẹ hiền". Cô giáo phải là người mẹ thứ 2, có khi còn là người bạn bè thân thiết của các em. Cô Hường nhớ lại, năm trước, có một em học sinh lớp 5 do cô chủ nhiệm, luôn đến trường với gương mặt mệt mỏi, rất buồn và thỉnh thoảng không đến lớp. Khi ở trong lớp, em thường không chơi với bạn bè, mà chỉ ngồi một mình. Ra về, em cũng lầm lũi một mình. Thành tích học tập của em bị giảm sút. Tìm hiểu, cô mới biết, hoàn cảnh của em rất khó khăn và đáng thương. Mẹ em bị mù, bố nghiện ma túy.
 
Sau một thời gian quan sát, theo dõi, cô tìm cách tiếp cận, chuyện trò với em. Dường như nhận thấy tình thương, "điểm tựa" tinh thần của cô giáo, em bắt đầu mở lòng chia sẻ. Từ đó, em dần vượt qua mặc cảm, tự ti, tìm lại được sự lạc quan, tự tin trong cuộc sống. Giờ đây, em đang là học sinh cấp 2. "Các em rất dễ tổn thương và mặc cảm nếu như có chuyện không hay xảy ra, nhất là trong gia đình. Là cô giáo, chính bản thân tôi phải là người chủ động kết nối, quan sát, theo dõi và tìm hiểu các em. Lúc đó, các em mới có niềm tin ở mình. Khi có niềm tin các em mới nghe lời dạy bảo của cô giáo", cô Nguyễn Thị Hường tâm sự.
 
Cần mẫn như "con ong" chăm chỉ
 
Tận tụy, cần mẫn, luôn chịu khó tìm tòi, nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy là những đánh giá của đồng nghiệp về cô Nguyễn Thị Hường. Còn với cô, đó chỉ đơn giản là cách để vượt qua giới hạn bản thân và bắt kịp xu hướng, phương pháp giáo dục mới hiện nay. Ở Trường TH số 1 Đồng Lê và đối với ngành Giáo dục-Đào tạo huyện Tuyên Hóa, cô Hường còn được biết đến là "hạt nhân" của chất lượng giáo dục mũi nhọn, đã đào tạo nên nhiều học sinh giỏi trong các kỳ thi cấp huyện, tỉnh và cấp quốc gia. Từ năm 2010 đến nay, cô nhiều lần đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.   
 
Cô Hường cho hay: "Lứa tuổi các em rất tò mò với những điều mới lạ. Nếu chỉ truyền dạy một cách cứng nhắc các kiến thức trong sách giáo khoa, các em khó có thể tiếp nhận và cảm nhận bài học một cách đầy đủ. Và nếu không biết cách dẫn dắt, khơi gợi, mà cưỡng ép, áp đặt thái quá với các em thì sẽ gây phản tác dụng. Người giáo viên qua các bài giảng của mình, phải truyền cho các em được tình yêu tri thức, sự say mê. Làm sao kiến thức đó phải được truyền đạt một cách linh hoạt, hấp dẫn, cuốn hút và dễ hiểu nhất. Như vậy, các em mới có ý thức học tập, khơi gợi trí tưởng tượng, liên tưởng và sáng tạo. Các em như tờ giấy trắng, ngoài gia đình, bố mẹ, thì cô giáo, thầy giáo tiểu học là những người thầy đầu tiên viết lên những "trang giấy trắng" đó".
 
Với nghề giáo, trách nhiệm với nghề nghiệp cũng là trách nhiệm với học sinh. Ý thức được điều này, cô Hường luôn trăn trở, suy nghĩ và làm mới bài giảng của mình. Trong các môn học ở bậc TH, Lịch sử là môn mà nhiều giáo viên cho là khó dạy, nặng nề và đơn điệu. Tình trạng giáo viên dạy Lịch sử như dạy bài tập đọc và chưa truyền cảm, còn học sinh học một cách thụ động, nhàm chán vẫn còn diễn ra.
 
Cô Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường TH số 1 Đồng Lê cho biết, cô Nguyễn Thị Hường là một giáo viên có tinh thần trách nhiệm với công việc rất cao, ý chí vươn lên, ham học hỏi. Nhiều năm qua, cô Hường là nhân tố đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn của nhà trường. Bằng chứng là trường có nhiều em học sinh đoạt nhiều giải học sinh giỏi ở các cấp huyện, tỉnh, quốc gia.

Trước thực tế đó, cô Hường đã dày công nghiên cứu sáng kiến: “Một số biện pháp để dạy tốt môn Lịch sử lớp 5”. Theo cô, nhiệm vụ đầu tiên của bộ môn Lịch sử ở trường TH là tái tạo lịch sử, tức là cho học sinh tiếp cận những thông tin từ sử liệu, tiếp xúc với những chứng cứ vật chất, dấu vết của quá khứ, tạo ra những hình ảnh cụ thể, sinh động, chính xác về các sự kiện, nhân vật, hiện tượng lịch sử, trong bối cảnh thời gian, không gian xác định và điều kiện lịch sử cụ thể.

Trong khi các phương tiện trực quan phục vụ dạy học Lịch sử hiện nay còn rất hạn chế, cô đã tìm tòi, sưu tầm những thông tin, mẩu chuyện liên quan đến lịch sử để tái hiện những sự kiện, nhân vật lịch sử một cách sinh động nhất có thể. Sự hấp dẫn của những bài học lịch sử chính là phải bắt đầu như một câu chuyện kể và phải được kể như một câu chuyện, thì học sinh mới có hứng thú tìm hiểu, nhận thức đúng đắn về lịch sử. Từ đó, mới nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước và lòng tự hào dân tộc trong các thế hệ học sinh.

Ở môn Toán, cô Hường luôn quan tâm đến tổ chức dạy học phân hóa, nghĩa là quá trình dạy, mọi đối tượng học sinh trong lớp đều được quan tâm như nhau. Bằng cách này, trong cùng một tiết dạy, học sinh chậm tiến sẽ không bị quá tải, học sinh năng khiếu vẫn hứng thú và phát huy hết khả năng bản thân.
 
Để thực hiện được điều đó, cô luôn chú trọng phát huy vai trò của các nhóm học tập, khai thác lợi thế của tập thể để phát triển từng cá nhân, đặt học sinh vào môi trường học tập tích cực. "Nếu kết hợp tốt hai phương pháp này thì sẽ phát huy được tối đa tính tích cực học tập của học sinh. Bởi, mỗi cá nhân cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao, tham gia xây dựng bài học, sẽ kích thích niềm say mê của các em", cô Hường cho biết.
 
Dương Công Hợp

tin liên quan

Đội ngũ nhà giáo đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định chất lượng giáo dục

(QBĐT) - Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2022), phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc trò chuyện với ông Đặng Ngọc Tuấn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ An Phong thăm, tặng quà cho các nhà giáo tiêu biểu

(QBĐT) - Ngày 18/11, đồng chí Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT, Hội Cựu giáo chức đã đến thăm, tặng quà các nhà giáo nguyên là cán bộ quản lý giáo dục nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Long trọng kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam

(QBĐT) - Sáng nay, 18/11, tại Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh tỉnh, Sở Giáo dục-Đào tạo long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2022).