KỶ NIỆM 60 NĂM THÀNH LẬP TRƯỜNG THPT LƯƠNG THẾ VINH
Nơi thắp sáng niềm tin và hy vọng
14:25 | Thứ Năm, 17/11/2022
(QBĐT) - Trường THPT Lương Thế Vinh, tiền thân là Trường cấp 3 Quảng Trạch được thành lập theo Quyết định số 405/QĐ-UB, ngày 16/8/1962 của Ủy ban Hành chính tỉnh Quảng Bình. Khi mới thành lập, trường đóng tại thôn Minh Lợi, xã Quảng Thọ. Trải qua 60 năm xây dựng, trưởng thành, với biết bao biến động, thăng trầm của lịch sử, các thế hệ giáo viên (GV), học sinh (HS) của nhà trường đã nỗ lực vượt qua khó khăn để thực hiện sứ mệnh cao cả “trồng người”.
Những ngày đầu thành lập, trường chỉ có 4 lớp với 203 HS, đội ngũ cũng chỉ có 15 cán bộ (CB), GV, nhân viên do thầy giáo Trần Đình Côn làm hiệu trưởng.
Ba năm học đầu tiên (1962-1965), mặc dù quy mô không lớn, cơ sở vật chất hết sức thiếu thốn và chịu nhiều mất mát trong hoàn cảnh chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, nhưng những gì thầy, trò làm được là rất đáng tự hào. Vừa dạy học, vừa chiến đấu, phục vụ chiến đấu nhưng việc dạy, học vẫn được duy trì, phát triển. Nhiều HS của trường đoạt giải tại các kỳ thi HS giỏi, tiêu biểu là cựu HS Nguyễn Bá Trinh với giải nhất môn Toán toàn miền Bắc. Hoàn thành chương trình học, nhiều HS của trường xung phong tòng quân đánh Mỹ, nhiều HS tự nguyện ở lại quê nhà lao động sản xuất, trở thành những nhân tố tiêu biểu của hậu phương XHCN.
Những năm giặc Mỹ “leo thang” bắn phá, trường vẫn vượt lên khó khăn để viết nên "bài ca" Trường cấp 3 Quảng Trạch, hòa cùng bản anh hùng ca đất nước. Năm 1966, khi Trường cấp 3 Nam Quảng Trạch được thành lập, trường đổi tên thành Trường cấp 3 Bắc Quảng Trạch. Trải qua 2 lần chia tách, 2 lần chuyển trường, lăn lộn trong bom rơi, đạn nổ, thầy và trò nhà trường vẫn quyết tâm làm theo lời Bác dạy: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”. Lớp học chia thành 2 “ca” học trong phòng để chống bom bi và hầm sâu ngột ngạt với ánh đèn “phòng không” tù mù trong tiếng rít đạn bom.
Có thể nói, trong giai đoạn này, trường đã minh chứng cho nguyên lý giáo dục đúng đắn của Đảng trong hoàn cảnh khắc nghiệt chiến tranh: “Học đi đôi với hành-Giáo dục kết hợp với lao động sản xuất-Nhà trường gắn liền với xã hội”. Trường không chỉ dạy học đơn thuần mà còn là công trường, chiến trường thu nhỏ: “Thầy, trò là chiến sĩ-Dạy giỏi, học giỏi là thắng Mỹ”.
Ngoài dạy học, trường còn tham gia lao động sản xuất và thành lập một tiểu đoàn tự vệ bao gồm cả thầy và trò để trực chiến bắn máy bay, phục vụ bộ đội chiến đấu, tham gia vận chuyển hàng ra mặt trận. Khoảng thời gian ấy, trường đã làm nên kỳ tích rạng danh sánh vai với các điển hình tiên tiến toàn miền Bắc. Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên đã về thăm trường và nêu gương cả nước.
Thầy giáo Hiệu trưởng Trần Đình Côn đã được Bộ Giáo dục mời ra Hà Nội để báo cáo thành tích điển hình tại hội nghị các trường cấp 3 tiên tiến. Đoàn trường được dự và báo cáo thành tích tại hội nghị bí thư Đoàn các trường cấp 3 xuất sắc toàn miền Bắc. Trường được nhận Cờ lao động XHCN của Hội đồng Chính phủ trao tại Đại hội thi đua yêu nước (1967), được nhận Cờ lao động XHCN của Hội đồng Chính phủ và bằng khen của Tổng Công đoàn trao tại Phù Lưu ngày 4/1/1968. Có thể nói, 10 năm từ 1965-1975 là thời kỳ vàng son rạng rỡ của trường, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, trường chuyển về địa điểm mới tại thị trấn Ba Đồn, trung tâm của huyện Quảng Trạch cũ. Dưới sự lãnh đạo của thầy giáo Hiệu trưởng Đặng Phàn, một lần nữa trường "gồng mình" vượt qua khó khăn thử thách sau chiến tranh và đẩy mạnh phong trào thi đua “Hai tốt”. Từ đó, xuất hiện ngày càng nhiều các tập thể tổ Lao động XHCN và tập thể HS XHCN, là “địa chỉ đỏ” về thành tích giáo dục toàn diện. Quân khu 4 đã mở hội nghị tại trường để tuyên dương và phổ biến kinh nghiệm về công tác giáo dục an ninh-quốc phòng cho các trường cấp 3 ở miền Trung.
Chặng đường từ năm 1982-2004, dưới sự lãnh đạo của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Minh Châu, trường đã vượt qua nhiều khó khăn để duy trì, ổn định việc dạy, từng bước xây dựng nhà trường ngày càng phát triển theo hướng toàn diện, vững chắc, quy mô của trường tăng gấp nhiều lần so với thời kỳ trước. Trường đạt danh hiệu tập thể Lao động tiên tiến (LĐTT) và Lao động xuất sắc (LĐXS) cấp tỉnh, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Giai đoạn 2004-2010, dưới sự dẫn dắt của các hiệu trưởng: Hoàng Đình Bường, Nguyễn Thị Liên, nhà trường có bước tiến vững chắc, ghi dấu ấn lịch sử quan trọng. Với khẩu hiệu chiến lược được đề ra là: “Đổi mới-Kỷ cương-Chất lượng-Hiệu quả”, trường đã tập trung nhiều hoạt động và đạt những thành tích đáng tự hào. Năm 2006, trường được công nhận là trường THPT đạt chuẩn quốc gia. 10 năm liên tục đạt danh hiệu tập thể LĐTT, LĐXS. Năm học 2010-2011, trường là đơn vị lá cờ đầu bậc THPT toàn tỉnh, là “trường chất lượng cao” trong khối THPT của tỉnh.
Từ năm 2012 đến nay, trường có bước chuyển mình vững chắc trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Cơ sở vật chất được đầu tư theo hướng hiện đại, đồng bộ. Kết quả thi chọn HS giỏi văn hóa, HS năng khiếu cấp tỉnh hàng năm luôn duy trì từ 60 giải trở lên. Kết quả tốt nghiệp luôn thuộc nhóm các trường có thứ hạng cao của tỉnh... Nhà trường liên tục được công nhận là tập thể LĐXS, được Bộ Giáo dục-Đào tạo, UBND tỉnh tặng cờ thi đua, bằng khen...
Do điều chỉnh địa giới hành chính huyện Quảng Trạch và thành lập TX. Ba Đồn, ngày 16/4/2014, trường được đổi tên thành Trường THPT Lương Thế Vinh.
Năm 2022, trường được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. Đây là phần thưởng cao quý, khẳng định những thành quả mà các thế hệ thầy giáo, cô giáo, CB, nhân viên và HS nhà trường đã nỗ lực cố gắng trong suốt 60 năm qua.
60 năm phấn đấu và trưởng thành, Trường THPT Lương Thế Vinh đã có những đóng góp quan trọng trong công tác “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” cho quê hương, đất nước. Từ mái trường này, hơn 20 nghìn HS đã tốt nghiệp ra trường. Có người là Ủy viên Trung ương Đảng, CB cấp tướng trong Quân đội. Có nhiều người là giáo sư-tiến sĩ-nhà giáo nhân dân. Hàng trăm người là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ. Nhiều người giữ các cương vị lãnh đạo chủ chốt từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh, huyện...
Có thể kể một vài cựu HS thành đạt tiêu biểu như các đồng chí: Trần Hòa, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Hồng Thanh, Trung tướng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Nguyễn Thế Lực, Trung tướng, nguyên Chánh Văn phòng Quân ủy Trung ương; GS-TS-NGND Trần Nghi, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Nguyễn Thị Nghĩa, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo; Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Xuân Đức, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng GĐ Khách sạn Hoàng Cung nổi tiếng ở TP. Huế; Đặng Xuân Huề, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xuất nhập khẩu Quảng Bình… và nhiều gương mặt tiêu biểu khác đã và đang góp phần tôn vinh truyền thống "Dạy tốt-Học tốt" của nhà trường. Dù ở cương vị nào, lĩnh vực nào, các thế hệ HS của trường đều là những công dân ưu tú, uy tín và đầy trách nhiệm.
Dệt nên bề dày thành tích và truyền thống của nhà trường, công lao trước hết thuộc về sự tâm huyết, sự nỗ lực phấn đấu của các thế hệ CB quản lý, các thầy cô giáo cho sự nghiệp trồng người. Các thế hệ HS của nhà trường ghi nhớ công lao, sự đóng góp to lớn của các thầy cô giáo: Trần Đình Côn, Phạm Ngọc Căng, Đặng Phàn, Nguyễn Minh Châu, Hoàng Đình Bường, Nguyễn Thị Liên và nhiều thầy cô giáo khác. Hình ảnh những người thầy tài hoa, uyên bác về trí tuệ, sáng ngời nhân cách, giàu lòng thương yêu HS mãi không phai mờ ký ức các thế hệ CB, GV, nhân viên và HS của nhà trường.
Bước vào giai đoạn phát triển mới, trong bối cảnh mới với nhiều thời cơ, thách thức đan xen, để đáp ứng kỳ vọng của các cấp ủy đảng, chính quyền và các thế hệ đi trước, tập thể sư phạm nhà trường tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống 60 năm, tiếp tục xây dựng trường thành trường trọng điểm chất lượng cao, địa chỉ tin cậy, điểm sáng của ngành Giáo dục-Đào tạo Quảng Bình.
(QBĐT) - Đứng chân trên vùng đất giàu truyền thống hiếu học, những năm qua, các thế hệ thầy và trò Trường THPT Lương Thế Vinh đã gặt hái được nhiều thành tích đáng tự hào trên tất cả mọi mặt công tác.
(QBĐT) - Trong những năm qua, cùng với sự phát triển trên tất cả các lĩnh vực, TP. Đồng Hới luôn xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu và đã dành sự quan tâm đặc biệt trong việc quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, phát triển đội ngũ nhà giáo và nâng cao chất lượng giáo dục… Từ đó, đưa GD-ĐT thành phố phát triển mạnh mẽ trên tất cả các mặt, trở thành đơn vị tiêu biểu trong toàn tỉnh.
(QBĐT) - Thầy giáo Hồ Thanh Hải, Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo TP. Đồng Hới, cho biết: Để chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022), ngành GD-ĐT thành phố đã đẩy mạnh thực hiện tốt cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" và phong trào thi đua "Hai tốt" trong dạy và học, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động với nội dung ý nghĩa, tạo không khí vui tươi, sôi nổi, tạo động lực để đội ngũ cán bộ, giáo viên nỗ lực phấn đấu vì sự nghiệp "trồng người".