Quyết tâm phấn đấu xây dựng trường chất lượng cao

  • 09:36 | Thứ Bảy, 12/11/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong suốt hành trình 55 năm xây dựng và phát triển, Trường cao đẳng kỹ thuật Công-Nông nghiệp Quảng Bình (CĐKTC-NNQB) đã từng bước xây dựng được vị thế và thương hiệu, trở thành cơ sở đào tạo nghề hàng đầu của tỉnh.
 
Chặng đường hơn nửa thế kỷ có những khó khăn, thách thức, cơ hội và thuận lợi đan xen... nhưng nhà trường đã thành công bằng sức mạnh ý chí và lòng quyết tâm. Trên hành trình dài phía trước, Trường CĐKTC-NNQB quyết tâm phấn đấu trở thành trường cao đẳng chất lượng cao, góp phần cung cấp nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và cả nước.
 
Được thành lập vào năm 1967, Trường CĐKTC-NNQB tiền thân là Trường cơ giới Nông nghiệp Quảng Bình, là trường kỹ thuật đầu tiên của tỉnh Quảng Bình. Ra đời trong những năm tháng ác liệt nhất của chiến tranh chống Mỹ, Trường cơ giới Nông nghiệp Quảng Bình mang trên mình trọng trách đầy tự hào là đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật vận hành, sửa chữa máy kéo nông nghiệp, cơ khí nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà, góp phần cùng với miền Bắc sản xuất đủ lương thực chi viện cho chiến trường miền Nam.
 
Đi qua khói lửa chiến tranh, 6 lần phải di chuyển địa điểm để tránh sự tàn phá của máy bay Mỹ, nhiều cán bộ, giáo viên và học sinh đã hy sinh tính mạng trong khi đang giảng dạy, học tập và chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Nhiều cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện bị tàn phá, nhưng bom đạn của kẻ thù không hủy diệt được sức vươn mạnh mẽ của một mái trường kỹ thuật non trẻ nơi tuyến lửa Quảng Bình.
Thạc sĩ Đào Hoài Linh, Hiệu trưởng Trường CĐKTC-NNQB trao bằng tốt nghiệp cho HSSV tốt nghiệp khóa 2019-2022.
Thạc sĩ Đào Hoài Linh, Hiệu trưởng Trường CĐKTC-NNQB trao bằng tốt nghiệp cho HSSV tốt nghiệp khóa 2019-2022.
Hòa bình lập lại, đi qua những năm tháng khó khăn của buổi đầu tái lập tỉnh, năm 1991, trường chuyển về trực thuộc Sở Giáo dục-Đào tạo Quảng Bình và đổi tên thành Trường công nhân kỹ thuật Quảng Bình. Lúc này, nhiệm vụ của nhà trường đã được bổ sung theo hướng đa dạng hóa ngành nghề đào tạo. Ghi nhận những đóng góp quan trọng của nhà trường đối với sự nghiệp phát triển giáo dục-đào tạo nói chung và giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nói riêng, năm 2017, nhà trường được nâng cấp thành Trường CĐKTC-NNQB.
 
Ngày 3/3/2020, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) có Quyết định số 244/QĐ-BLĐTBXH về việc sáp nhập Trường trung cấp Kinh tế Quảng Bình vào Trường CĐKTC-NNQB. Với các thế hệ cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên (HS, SV) nhà trường trong suốt chặng đường nỗ lực, phấn đấu xây dựng và phát triển, đây là niềm vinh dự, tự hào nhưng cũng là trách nhiệm lớn lao.
 
Là trường cao đẳng trọng điểm của tỉnh, đào tạo đa ngành nghề và bậc học, Trường CĐKTC-NNQB được Tổng cục GDNN cấp giấy chứng nhận hoạt động với 12 ngành trình độ cao đẳng, 27 ngành trình độ trung cấp và 26 nghề trình độ sơ cấp; trong đó có 1 ngành được công nhận ngành trọng điểm ASEAN và 7 ngành được công nhận là ngành trọng điểm quốc gia. Ngày 5/8/2022, trường được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở GDNN theo quy định của Bộ LĐ-TB và XH.
 
55 năm xây dựng và phát triển là chừng ấy thời gian nhà trường luôn phấn đấu kiên trì, bền bỉ với phương châm “tự chủ, sáng tạo, linh hoạt, đa hình thức, đa đối tượng”. Nhà trường tập trung mọi nguồn lực và giải pháp hiệu quả cho công tác tuyển sinh và nâng cao chất lượng đào tạo; gắn tuyển sinh với chất lượng đào tạo và việc làm tại các doanh nghiệp; tăng cường các giải pháp đổi mới chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy theo hướng ứng dụng kỹ năng nghề; ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số vào đổi mới phương pháp giảng...
 
Trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, nhà trường đã tuyển sinh và đào tạo cho gần 47.900 HS, SV, học viên. Số lượng HS, SV khá, giỏi tăng hàng năm và chiếm tỷ lệ cao. Tỷ lệ HS, SV yếu ngày càng giảm, không có HS xếp loại học lực kém. 85% HS, SV ra trường đều có việc làm, nhiều người là chủ của các doanh nghiệp lớn, nhỏ trong và ngoài tỉnh. Đó chính là minh chứng rõ nhất cho những nỗ lực trong công tác đào tạo nghề của nhà trường, gắn đào tạo với nhu cầu thị trường lao động.
 
Với quyết tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo “thực tâm, thực tài, thực nghề”, thời gian qua, nhà trường có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích cán bộ quản lý, nhà giáo và nhân viên tham gia nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến và chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng đào tạo. Đội ngũ nhà giáo luôn phấn đấu đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích hợp, hiện đại, ứng dụng công nghệ số trong đào tạo, số hóa các tài liệu, chương trình, giáo trình, bài giảng, mô phỏng hóa các trang thiết bị giảng dạy… nhằm đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
 
Để người học rèn luyện, hình thành kỹ năng thực hành, nâng cao tay nghề, bậc thợ, thực tập sản xuất ngay trong xưởng trường, ngoài việc khai thác, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả các nguồn đầu tư từ Trung ương, tỉnh, từ các dự án để mua sắm, tăng trưởng cơ sở vật chất, trang thiết bị, bằng nguồn thu tích lũy hàng năm từ đào tạo, nhà trường đã từng bước bổ sung, tăng trưởng cơ sở vật chất, phương tiện dạy học theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Hội đồng trường, tập thể Hội đồng sư phạm nhà trường luôn đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, hành động, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, khát khao cống hiến, quyết tâm xây dựng nhà trường phát triển. Năm 2022, nhà trường đã tự chủ tài chính 80% chi thường xuyên; năm 2023 là 90% và năm 2024 tự chủ 100% theo lộ trình.
 
Khép lại chặng đường 55 năm, mở ra một hành trình mới với nhiều kỳ vọng cùng những cơ hội, thách thức đan xen, Trường CĐKTC-NNQB đặt mục tiêu trở thành trường cao đẳng chất lượng cao, phấn đấu đến năm 2030 trở thành trường trọng điểm quốc gia, hiện đại hàng đầu của khu vực Bắc miền Trung, tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4. Sản phẩm đào tạo của nhà trường phải là những người có kiến thức chuyên môn sâu rộng, có năng lực sáng tạo, có đạo đức, phẩm chất nghề nghiệp và tay nghề đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. 
Nhà trường chú trọng gắn công tác đào tạo với nhu cầu thị trường lao động (Trong ảnh: Giờ dạy môn Kỹ thuật pha chế đồ uống của Khoa Du lịch).
Nhà trường chú trọng gắn công tác đào tạo với nhu cầu thị trường lao động (Trong ảnh: Giờ dạy môn Kỹ thuật pha chế đồ uống của Khoa Du lịch).
Để đạt mục tiêu trở thành trường cao đẳng chất lượng cao, thời gian tới nhà trường quyết tâm thực hiện một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm:
 
Trước hết, đa dạng hóa ngành, nghề và bậc học theo nhu cầu thị trường, hướng tới dịch vụ công trong các hoạt động đào tạo; phát triển quy mô, ngành nghề, trình độ đào tạo theo nhiều phương thức mở, linh hoạt. Tập trung xây dựng chất lượng uy tín một số nghề trọng điểm, mũi nhọn có khối lượng lớn, giá trị cao để tạo động lực cho sự phát triển.
 
Thứ hai, tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng đào tạo trọng tâm là chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp giảng dạy, chương trình, giáo trình, thiết bị, phương tiện giảng dạy, công tác quản lý đào tạo, đánh giá HS, SV và tăng cường hợp tác chiều sâu, thực chất hơn với doanh nghiệp trong giảng dạy, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ giải quyết việc làm cho HS, SV.
 
Thứ ba, tiếp tục thực hiện việc sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn, tinh giản biên chế; nâng cao năng lực, hiệu quả quản trị nhà trường theo hướng tự chủ; xây dựng đội ngũ nhà giáo bảo đảm về cơ cấu, quy mô, ngành nghề đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng sư phạm và ngoại ngữ cho giáo viên.
 
Thứ tư, đổi mới cơ chế tự chủ tài chính theo hướng đa dạng hóa các nguồn thu dịch vụ đào tạo; khoán doanh thu, chi phí; tăng cường hạch toán kinh doanh, tăng tích lũy đầu tư và nâng cao thu nhập cho cán bộ, viên chức và người lao động.
 
Thứ năm, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, phẩm chất cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và HS, SV. Thực hiện nêu gương và đề cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu.
 
55 năm xây dựng và trưởng thành là 55 năm các thế hệ thầy trò Trường CĐKTC-NNQB cần mẫn lao động và miệt mài sáng tạo để từng bước tìm tòi, khẳng định vị thế, uy tín của một trường kỹ thuật đối với người lao động. Với đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường, phần thưởng lớn nhất cho hơn nửa thế kỷ phấn đấu không ngừng chính là niềm tin của lãnh đạo và nhân dân tỉnh nhà trên hành trình đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cho quê hương. 
 
Những năm gần đây, Trường CĐKTC-NNQB vinh dự nhận được các danh hiệu cao quý, như: Huân chương Lao động hạng Ba năm 1998 và Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2006; Cờ thi đua của Chính phủ năm 2007; Cờ thi đua của UBND tỉnh Quảng Bình năm 2001, 2003, 2004, 2005, 2006, 2010, 2014, 2017, 2020, 2021, 2022; Cờ thi đua của Bộ Giáo dục-Đào tạo năm 1997; 8 lần cờ thi đua của các ban, ngành; hơn 80 bằng khen của tỉnh, bộ và các ban, ngành; trên 200 giấy khen các loại.
 
Thạc sĩ Đào Hoài Linh
Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường cao đẳng kỹ thuật Công-Nông nghiệp Quảng Bình

 

tin liên quan

"Nới" quy định số lượng học sinh dự thi học sinh giỏi quốc gia

Theo dự thảo quy chế mới, các đội tuyển có thể được xét tăng số lượng thí sinh dự thi khi có 80% số thí sinh trở lên đoạt giải trong hai kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia liên tiếp bất kỳ.

Tổ chức chương trình kỹ năng sống giáo dục giới tính cho học sinh

(QBĐT) - Sáng 27/10, Hệ thống giáo dục Chu Văn An (TP. Đồng Hới) phối hợp với Phòng Công tác xã hội, Công ty TNHH Bệnh viện Thủy Minh Tâm tổ chức chương trình kỹ năng sống "Giáo dục giới tính" cho các em học sinh khối 4, 5.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo lý giải việc thiếu giáo viên, giáo viên bỏ việc

Để bảo đảm duy trì hoạt động dạy và học bình thường, từ nay cho tới năm 2026, số lượng giáo viên thiếu cần phải bù đắp, bổ sung lên đến 107 nghìn giáo viên, thậm chí con số này có thể còn biến động trước tình hình giáo viên nghỉ việc.