Quảng Ninh: Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

  • 08:10 | Thứ Hai, 07/11/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) huyện Quảng Ninh đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp; nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên (GV), nhất là chú trọng đưa các mô hình mới vào giảng dạy, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
 
Huyện Quảng Ninh hiện có 15 trường mầm non, 17 trường tiểu học, 16 trường THCS, 1 trường tiểu học và THCS, với 19.923 học sinh (HS). Đẩy mạnh các phong trào thi đua với nhiều hình thức thiết thực, phong phú như “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, những năm qua, ngành GD-ĐT huyện Quảng Ninh đã nâng cao chất lượng dạy và học.
 
Các nhà trường trên toàn huyện đã nỗ lực xây dựng môi trường học tập thân thiện, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Các trường vùng khó duy trì tốt sĩ số HS, nền nếp học tập được bảo đảm; giáo dục mũi nhọn tại các trường điểm, trường ở khu vực thuận lợi tiếp tục khẳng định vị thế trong các kỳ thi HS giỏi các cấp. Các trường học đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
 
Theo đó, cấp mầm non tập trung đổi mới nội dung; đổi mới, sáng tạo trong xây dựng, cải tạo hệ thống sân vườn, tạo môi trường xanh-sạch-đẹp; thực hiện có hiệu quả chương trình chăm sóc, giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; đổi mới phương pháp giáo dục, tạo cơ hội cho trẻ được hoạt động trải nghiệm, giúp trẻ phát triển toàn diện.
Một tiết học Mỹ thuật ở Trường THCS Võ Ninh.
Một tiết học Mỹ thuật ở Trường THCS Võ Ninh.

Cấp tiểu học tập trung đổi mới phương pháp, linh hoạt hình thức tổ chức dạy học và đánh giá HS theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực; chú trọng các hoạt động trải nghiệm, giáo dục kỹ năng, vận dụng kiến thức vào thực tế. Đối với cấp THCS, trên cơ sở bảo đảm chuẩn kiến thức, kỹ năng theo chương trình giáo dục phổ thông, các nhà trường tập trung xây dựng kế hoạch giáo dục định hướng phát triển năng lực HS phù hợp với điều kiện nhà trường, địa phương và khả năng học tập của HS.

Cùng với đó, các trường tích cực đổi mới sinh hoạt của tổ, nhóm chuyên môn, đa dạng hóa các hình thức dạy học trực tiếp, qua internet, truyền hình; tăng cường tổ chức dạy ngoại ngữ cấp tiểu học và đẩy mạnh các hoạt động giáo dục trải nghiệm, hướng nghiệp, dạy học gắn với sản xuất, kinh doanh và nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho HS trung học.

Trưởng phòng GD-ĐT huyện Quảng Ninh Võ Thái Hòa cho biết, không chỉ tập trung đổi mới phương pháp dạy học, ngành còn chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ GV và cán bộ quản lý giáo dục; tạo điều kiện cho cán bộ quản lý, GV tham gia tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao năng lực thực tế, đặc biệt là đổi mới chương trình, phương pháp dạy học. Hệ thống cơ sở vật chất ngành giáo dục được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Đến nay, toàn huyện có 27/49 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 88,6%.
 
Cô giáo Trần Thị Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Ninh cho biết, những năm qua, nhờ sự quan tâm của huyện và ngành GD-ĐT, cơ sở vật chất tại trường được đầu tư khang trang, trang thiết bị phục vụ tốt công tác dạy và học. Hiện, trường có 4 dãy nhà hai tầng với 20 phòng học kiên cố; các bộ môn, như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Vật lý, Hóa học… đều có phòng học riêng.
 
Năm học 2021-2022, huyện Quảng Ninh có 156 HS đạt giải các kỳ thi HS giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia và 19 HS có điểm bình quân 3 môn thi tốt nghiệp THPT đạt từ 8 điểm trở lên.
Trong quá trình giảng dạy, các thầy cô chủ động đổi mới phương pháp lấy HS làm trung tâm, tăng cường giáo cụ trực quan, ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế bài và giảng dạy. Các giờ học không còn đơn điệu, tạo sự hứng thú và phát huy tính tích cực xây dựng bài, chủ động lĩnh hội kiến thức của HS. Các giải pháp được vận dụng linh hoạt, sát với thực tiễn đã phát huy hiệu quả, nhà trường duy trì tốt nền nếp học tập, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên. Năm học 2021-2022, tỷ lệ HS xếp loại hạnh kiểm tốt và khá đạt trên 99%; HS học lực khá, giỏi đạt trên 70%; toàn trường có 84 HS giỏi đạt giải cấp huyện và 4 giải cấp tỉnh.
 
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Lê Ngọc Huân, với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, năm học 2022-2023, ngành GD-ĐT huyện tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 để bảo đảm an toàn cho việc dạy tốt, học tốt; tập trung sắp xếp, bố trí GV theo lộ trình tinh giản biên chế một cách khoa học, bảo đảm chất lượng dạy học trong năm học mới; quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học, đặc biệt là các vùng khó khăn, miền núi, biên giới với mục tiêu xóa hết các điểm trường mượn, các phòng học tạm, tiến tới hiện đại hóa các hạng mục thiết yếu trong trường học; nâng cao chất lượng đội ngũ GV và quản lý giáo dục.
 
Bên cạnh đó, huyện sẽ tiếp tục quan tâm, động viên, khen thưởng các GV, HS đạt thành tích cao trong hoạt động dạy và học; huy động sự chung tay, góp sức của các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn cùng với ngành GD-ĐT đẩy mạnh công tác xã hội hóa, chú trọng xây dựng cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng dạy và học; bảo đảm trang thiết bị, đồ dùng học tập phục vụ đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới…
Lan Chi

tin liên quan

"Nới" quy định số lượng học sinh dự thi học sinh giỏi quốc gia

Theo dự thảo quy chế mới, các đội tuyển có thể được xét tăng số lượng thí sinh dự thi khi có 80% số thí sinh trở lên đoạt giải trong hai kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia liên tiếp bất kỳ.

Phát động cuộc thi viết nét đẹp thầy trò trong thiếu nhi cả nước

Cuộc thi là hoạt động để thiếu nhi nói riêng và cộng đồng nói chung thể hiện tình cảm tốt đẹp tới các thầy, cô giáo và mái trường, góp phần nâng cao tính giáo dục, khơi gợi niềm tự hào của học sinh.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo lý giải việc thiếu giáo viên, giáo viên bỏ việc

Để bảo đảm duy trì hoạt động dạy và học bình thường, từ nay cho tới năm 2026, số lượng giáo viên thiếu cần phải bù đắp, bổ sung lên đến 107 nghìn giáo viên, thậm chí con số này có thể còn biến động trước tình hình giáo viên nghỉ việc.