Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo lý giải việc thiếu giáo viên, giáo viên bỏ việc

  • 21:16 | Thứ Năm, 27/10/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Để bảo đảm duy trì hoạt động dạy và học bình thường, từ nay cho tới năm 2026, số lượng giáo viên thiếu cần phải bù đắp, bổ sung lên đến 107 nghìn giáo viên, thậm chí con số này có thể còn biến động trước tình hình giáo viên nghỉ việc.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên họp chiều 27/10. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên họp chiều 27/10. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên?
 
Phát biểu làm rõ ý kiến các đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận chiều 27/10, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, nhiều ý kiến đại biểu đề cập tới vấn đề thiếu giáo viên, giáo viên nghỉ việc và trong ngày vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhận được trên 200 ý kiến cử tri gửi tới Bộ bày tỏ băn khoăn, lo lắng trước tình trạng thiếu giáo viên và giáo viên bỏ việc, chuyển việc.
 
Bộ trưởng nêu rõ, thiếu giáo viên và giáo viên nghỉ việc, chuyển việc là 2 vấn đề khác nhau nhưng có mối liên hệ mật thiết với nhau. Riêng về việc thiếu giáo viên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông tin, ngành giáo dục đã phối hợp với ngành nội vụ tính toán và xác định số lượng giáo viên từ nay đến năm 2026 cần phải bù đắp, bổ sung lên đến 107 nghìn giáo viên.
 
 
.... thiếu giáo viên vốn do từ nhiều năm về trước đã không đủ, do số lượng bỏ việc, giảm biên chế, do nhiều năm không tuyển, tuyển nhỏ hơn số cần, do thừa thiếu cục bộ khó điều tiết, hay thiếu do tăng dân số tự nhiên.
 
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn
Theo Bộ trưởng, con số này có thể còn biến động trước tình hình giáo viên nghỉ việc, do đó cần tính toán để bảo đảm vừa duy trì hoạt động dạy và học bình thường và hơn thế nữa, cần tính toán để thực hiện các mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục.
 
Làm rõ nguyên nhân của tình trạng thiếu giáo viên, người đứng đầu ngành giáo dục chỉ rõ, thiếu giáo viên vốn do từ nhiều năm về trước đã không đủ, do số lượng bỏ việc, giảm biên chế, do nhiều năm không tuyển, tuyển nhỏ hơn số cần, do thừa thiếu cục bộ khó điều tiết, hay thiếu do tăng dân số tự nhiên.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu làm rõ ý kiến các đại biểu Quốc hội nêu tại phiên họp. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu làm rõ ý kiến các đại biểu Quốc hội nêu tại phiên họp. Ảnh: ĐĂNG KHOA
“Nếu lấy mốc thời gian từ tháng 9/2015, khi bắt đầu năm học 2015-2016 thì tổng số học sinh là trên 19 triệu, nhưng đến tháng 9/2022 này, khi bắt đầu năm học thì số học sinh là trên 23 triệu. Trong khi đó, số giáo viên vào tháng 9/2015 năm là 1.000.156 giáo viên cho bậc mầm non đến phổ thông, và đến thời điểm tháng 9/2022 có 1.227.000 giáo viên. Số giáo viên như vậy chỉ nhích thêm hơn 100 nghìn, trong khi số học sinh đã tăng trên 3 triệu”, Bộ trưởng phân tích, đồng thời cho rằng đây là tình trạng thiếu do vấn đề tăng số học sinh do tăng dân số tự nhiên.
 
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu giáo viên còn do biến động dồn dịch về dân số ở một số vùng, miền dồn về các thành phố lớn hoặc các khu công nghiệp; do vấn đề dịch bệnh tác động đến các trường mầm non phải đóng cửa, đặc biệt là nhóm trẻ tư thục và thiếu do nhu cầu để thực hiện phổ cập mầm non bậc 5 tuổi; thiếu do việc tăng số buổi học từ 1 buổi lên 2 buổi/ngày và do chuẩn về mặt tỷ lệ giáo viên trên học sinh và số học sinh trên lớp để bảo đảm chuẩn 35 học sinh/lớp ở tiểu học và 45 học sinh/lớp ở bậc trung học.
 
Theo Bộ trưởng, muốn nâng cao chất lượng thì không thể duy trì số lượng học sinh quá lớn trên lớp. Nếu số lượng học sinh trên lớp mà lên tới 60-65 học sinh, thậm chí hơn thế thì rất khó để nâng cao chất lượng dạy và học.
 
Ngoài ra, tình trạng thiếu giáo viên còn do nhiều nguyên nhân như một thời gian dài không tuyển và không tuyển được; nhiều nơi dồn vài ba năm mới tuyển. Mặt khác, còn vấn đề thiếu nguồn tuyển hoặc có nguồn đã được đào tạo nhưng không dự tuyển vì chọn các nghề khác, hay thiếu giáo viên do phải triển khai một số môn học mới trong chương trình giáo dục phổ thông nhằm nâng cao năng lực, phẩm chất, kỹ năng của người học, chẳng hạn như môn Tin học, Ngoại ngữ bắt buộc từ lớp 3 vào năm 2022, còn học sinh trung học phổ thông học môn Mỹ thuật, Âm nhạc. Theo thống kê thì chỉ số giáo viên dành cho các môn học mới đến năm 2025, 2026 thiếu 26.228 giáo viên để bảo đảm cho môn học.
 
Tăng lương - giải pháp quan trọng để giáo viên yên tâm công tác
Các đại biểu dự phiên thảo luận tại Hội trường Diên Hồng chiều 27/10. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Các đại biểu dự phiên thảo luận tại Hội trường Diên Hồng chiều 27/10. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Về giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, vừa qua Bộ Chính trị đã duyệt giao cho ngành giáo dục hơn 65 nghìn chỉ tiêu biên chế giáo viên và sẽ tuyển dần từ nay đến năm 2026. Riêng năm 2022 chỉ tiêu biên chế là hơn 27 nghìn giáo viên. Các Sở Nội vụ các địa phương phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các đơn vị đã bắt đầu công việc tuyển dụng.
 
Bộ trưởng cũng lưu ý, ngoài việc thiếu chỉ tiêu, các địa phương còn tồn đọng hơn 10 nghìn chỉ tiêu chưa tuyển dụng. Do đó, Bộ trưởng đề nghị các địa phương vừa tuyển dụng mới, vừa tuyển dụng số lượng còn tồn đọng này.
 
“Trong số 65 nghìn chỉ tiêu, tuy là rải rác đến năm 2026 nhưng cũng mong ngành nội vụ phối hợp với ngành giáo dục để dồn chỉ tiêu này cho năm 2023 và năm 2024, bởi đây là các năm nhu cầu giáo viên cho các môn học mới rất lớn và nếu như sau năm 2024, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đã xong thì việc tuyển dụng không còn nhiều ý nghĩa. Việc dồn vào tuyển dụng cũng sẽ dẫn đến những khó khăn khác như nguồn tuyển và tăng chỉ tiêu đào tạo trong hệ thống các trường sư phạm. Các địa phương cần tuyển ngay, tránh tình trạng để dồn 2-3 năm mới tuyển”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết.
 
Theo Bộ trưởng, một trong các chính sách rất quan trọng là tăng lương cho giáo viên. Chính sách này đang được Chính phủ tính toán và được kỳ vọng sẽ là giải pháp quan trọng để giải quyết đời sống, tâm lý giáo viên, để giáo viên yên tâm công tác.
Đặc biệt, thực tế cho thấy, giáo viên thiếu nhiều nhất và bỏ việc nhiều nhất là ở bậc mầm non, với số nghỉ việc chiếm trên 40%. Do đó, Bộ trưởng đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên bậc mầm non.
 
“Hiện nay, phụ cấp ưu đãi của giáo viên mầm non đang tính 35%, nên tốt nhất tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non tương tự như phụ cấp ưu đãi của y tế cấp cơ sở, nếu không thì cũng tối thiểu tăng 35% lên 70% - ngang với mức ưu đãi cũ của y tế cơ sở. Về phía ngành giáo dục chúng tôi kiến nghị và rất mong muốn tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu đề xuất.
 
 
Nếu phát sinh vấn đế tiêu cực trong tuyển dụng thì đó là vấn đề rất đáng tiếc và có thể là một trong những lý do khiến nhiều người không muốn ứng tuyển
 
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn
 
Cũng theo Bộ trưởng, một chính sách nữa để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, đó là cân nhắc việc giảm biên chế 10% và số này nên tính vào điều chỉnh với đối tượng giáo viên. Các địa phương cần giám sát, thanh tra, kiểm tra việc tuyển dụng để bảo đảm công khai, công bằng, tránh phát sinh tiêu cực trong tuyển dụng giáo viên.
 
“Nếu phát sinh vấn đế tiêu cực trong tuyển dụng thì đó là vấn đề rất đáng tiếc và có thể là một trong những lý do khiến nhiều người không muốn ứng tuyển. Đây là điều cần hết sức lưu ý, đề phòng”, Bộ trưởng nêu rõ.
 
Ngoài ra, tư lệnh ngành giáo dục cũng đề nghị các địa phương tăng cường dùng ngân sách địa phương để ký các hợp đồng đối với giáo viên mà không thuộc các chỉ tiêu biên chế. Theo Bộ trưởng, hiện còn thiếu căn cứ pháp lý cho việc này và về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang phối hợp với các Bộ, ngành để có cơ chế cho các địa phương chủ động thực hiện việc tuyển dụng này.
Theo Trung Hưng (NDO) 

tin liên quan

Tổ chức chương trình kỹ năng sống giáo dục giới tính cho học sinh

(QBĐT) - Sáng 27/10, Hệ thống giáo dục Chu Văn An (TP. Đồng Hới) phối hợp với Phòng Công tác xã hội, Công ty TNHH Bệnh viện Thủy Minh Tâm tổ chức chương trình kỹ năng sống "Giáo dục giới tính" cho các em học sinh khối 4, 5.

Lan tỏa các phong trào thi đua

(QBĐT) - Thực hiện lời dạy của Bác Hồ "Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt", nhiều năm qua, Công đoàn ngành Giáo dục đã phối hợp chặt chẽ với chuyên môn, triển khai thực hiện hiệu quả nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động.

Phát động cuộc thi viết nét đẹp thầy trò trong thiếu nhi cả nước

Cuộc thi là hoạt động để thiếu nhi nói riêng và cộng đồng nói chung thể hiện tình cảm tốt đẹp tới các thầy, cô giáo và mái trường, góp phần nâng cao tính giáo dục, khơi gợi niềm tự hào của học sinh.