Gieo chữ miền biên viễn…

  • 07:26 | Thứ Tư, 16/11/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Buổi sáng ở miền biên viễn Lâm Thủy (Lệ Thủy) vẫn còn những cơn mưa rừng bất chợt. Nhìn vào màn mưa nặng hạt, khoác chiếc áo mưa, leo vội lên chiếc xe máy, bóng thầy giáo Hoàng Kim lao vút vào màn mưa dày thẩm đi về phía bản Eo Bù-Chút Mút. Quãng đường dài gần 20km mấy năm nay đã trở nên quen thuộc với thầy bởi ở đó, có những đứa trẻ đang đợi để được học cái chữ. Nơi miền biên viễn Lâm Thủy, con chữ ngày ngày được ươm mầm, nảy nở bởi tình yêu, trách nhiệm của những người thực hiện sứ mệnh "trồng người"…
 
Miệt mài bám bản…
 
Chúng tôi theo chân thầy Hoàng Kim vượt màn mưa đi về phía bản Eo Bù-Chút Mút. Tuyến đường độc đạo dài khoảng 20km nối trung tâm xã Lâm Thủy với bản Eo Bù-Chút Mút giờ đã được nâng cấp, dễ đi hơn trước. Dọc đường vào bản, lác đác xuất hiện vài ngôi nhà sàn của bà con đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều nằm chênh vênh bên sườn núi. Sau hơn 30 phút, chúng tôi cũng chạm con dốc đầu bản, điểm trường Eo Bù-Chút Mút nằm sát Quốc lộ 9B hiện ra trong tầm mắt.
 
Gần tròn 10 năm gắn bó với núi rừng, gắn bó với biết bao thế hệ học sinh, với những giáo viên cắm bản như thầy Hoàng Kim, khó khăn vất vả không chỉ ở đường sá hiểm trở về mùa mưa, cơ sở vật chất thiếu thốn. Mà cái khó nhất chính là thay đổi tư duy về việc học của học sinh, phụ huynh, để không còn cảnh ngày ngày phải đến từng nhà vận động các em đến lớp.
 
“Ở bản Eo Bù-Chút Mút, cuộc sống của người dân còn khó khăn lắm, bà con chủ yếu phụ thuộc vào rừng, một số gia đình vẫn chưa quan tâm đến việc học của con cái. Học sinh ở đây rất thiệt thòi bởi cuộc sống, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, có nhiều học sinh nhà ở xa điểm trường học nên hàng ngày giáo viên phải đến từng nhà đưa các em đi học. Nói thật với anh, việc duy trì được sĩ số học sinh là niềm vui nhất của chúng tôi trong mỗi ngày đến lớp…”, thầy Kim chia sẻ. 
Một tiết lên lớp của giáo viên tại Trường phổ thông dân tộc bán trú TH và THCS Lâm Thuỷ.
Một tiết lên lớp của giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú TH và THCS Lâm Thủy.
Điểm trường Eo Bù-Chút Mút hiện có 1 lớp ghép với 2 học sinh lớp 1 và 11 học sinh lớp 2. Điểm trường đã được duy trì từ năm 2005 để thực hiện công tác xoá mù chữ và dạy học cho trẻ em của bản.
 
“Mỗi một lứa học sinh trưởng thành chính là niềm hạnh phúc lớn của những người thực hiện sứ mệnh gieo chữ như tôi. Chứng kiến sự đổi thay của mảnh đất, của con người nơi đây, tôi càng có động lực để cống hiến. Dù biết vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả...”, thầy Hoàng Kim cho hay.
 
Đường vào bản Bạch Đàn vẫn khó đi như ngày nào, bởi nhiều con dốc cao dựng đứng và các điểm sạt lở luôn níu chân người vào bản. Nhưng, không vì thế mà những bước chân của các cô giáo Phạm Thị Liên và Hoàng Thị Vân chùn bước. 
 
Theo học tại điểm trường ở bản Bạch Đàn có 18 em học sinh lớp 1. Xác định vừa là nhiệm vụ, trách nhiệm, vừa là tình thương đối với học sinh, các cô giáo cắm bản ở đây đã không quản ngại vất vả,thiếu thốn để bám bản, bám điểm trường, đứng lớp mỗi ngày.
 
Cô giáo Phạm Thị Liên chia sẻ, năm học này tôi được phân công vào bản Bạch Đàn cắm bản. Dù cuộc sống của dân bản còn bao khó khăn nhưng phụ huynh ở đây rất quan tâm đến việc học của các cháu. Hàng ngày, nhìn những ánh mắt hồn nhiên, ngây thơ, những nét chữ, giọng đọc còn ngượng nghịu, chúng tôi phải cố gắng nhiều hơn nữa để thực hiện tốt sứ mệnh gieo chữ với mảnh đất này...
 
“Chúng em ở bản dạy đến cuối tuần mới về xuôi, những khi gặp thời tiết xấu phải ở lại bản. Mọi sinh hoạt hàng ngày chị em cũng phải tự túc. Bữa cơm hàng ngày, đôi khi được các phụ huynh ở bản giúp cho con cá, nắm rau rừng, tình nghĩa của người Bru-Vân Kiều nơi miền biên viễn này lớn lắm, họ muốn cho con cháu mình được học hành tử tế, vì thế trách nhiệm của chúng em ngày càng lớn hơn…”, cô Phạm Thị Liên cho hay.
 
Gian nan gieo chữ vùng cao…
 
Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú TH và THCS Lâm Thuỷ Trương Như Thuần chia sẻ rằng, năm học vừa qua, tỷ lệ huy động học sinh đến tr­ường của đơn vị đạt 99,7% ở cả 2 cấp  học. Để làm được điều đó, đơn vị đã làm tốt công tác tuyên truyền động viên học sinh, vận động phụ huynh và tích cực tham mưu cho chính quyền địa phương, phối hợp với Đồn Biên phòng Làng Ho để học sinh được đến trường…
 
“Biên chế được giao thiếu; điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương cũng như người dân còn nhiều khó khăn; nhận thức của ngư­­­ời dân về việc học của con em chưa thật đầy đủ; giao thông đi lại ở một số bản còn khó khăn, đặc biệt là những ngày mưa gió; năng lực tiếp thu, vận dụng cũng như kỹ năng giao tiếp, hợp tác, tự học của nhiều học sinh còn hạn chế nên khó khăn cho giáo viên trong việc nâng cao chất l­­­ượng và đổi mới phương pháp dạy học theo yêu cầu mới. Hơn nữa, học sinh ở nội trú đông, nhiều em còn nhỏ, chư­a quen sống tập thể nên ít nhiều đã ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học nơi đây…”, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú TH và THCS Lâm Thủy Trương Như Thuần chia sẻ.
“Năm học mới này, nhà trường có 227 học sinh, 18 lớp và học sinh học ở 4 điểm trường (có 3 điểm trường lẻ). Học sinh ở đây chủ yếu là đồng bào Bru-Vân Kiều, cuộc sống gia đình các em còn nhiều khó khăn nên hầu như việc học, phụ huynh đều “khoán trắng” cho nhà trường. Hiện trường có 120 em học sinh ở lại nội trú và được hưởng các chế độ chính sách của Nhà nước…”, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú TH và THCS Lâm Thủy thông tin thêm.
 
Ở miền biên viễn Lâm Thủy, lâu nay, đói nghèo cùng những hủ tục lạc hậu đã làm cho nhận thức của bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, tình trạng học sinh bỏ học vẫn còn diễn ra, nhất là vào những ngày lễ, tết, nghỉ hè. Do vậy, để duy trì sĩ số, các thầy, cô giáo phải đến từng bản, đi từng nhà gặp gỡ và thuyết phục gia đình cho các em trở lại trường. Bởi thế, không phụ lòng thầy cô, các em học sinh nơi đâyrất chịu khó học hành và nhận thức khá rõ ràng về việc học chữ đối với tương lai của mình.
 
Năm học qua, Trường phổ thông dân tộc bán trú TH và THCS Lâm Thủy có chất lượng dạy học tiểu học từ lớp 3 đến lớp 5 hoàn thành tốt các môn học đạt tỷ lệ gần 40%; tỷ lệ học sinh khá giỏi cấp THCS đạt 38,4%; các môn chuyên biệt 100% học sinh hoàn thành và hoàn thành tốt…
 
Gần 11 giờ trưa, tiếng trống tan học vang lên xóa tan không khí vắng lặng của rừng núi. Dưới cái nắng hanh hao, nhìn những đứa trẻ ùa ra khỏi lớp rộn rã tiếng cười ríu rít, giòn tan sau một buổi lên lớp, chúng tôi tin rằng, công tác giáo dục nơi vùng biên viễn Lâm Thủy sẽ sớm đổi thay bởi tình yêu mà những người thực hiện sứ mệnh gieo chữ trên mảnh đất này đã và đang làm để con chữ được ươm mầm, nảy nở…
 
Ngọc Hải

tin liên quan

Gần 800 diễn viên tham gia hội diễn văn nghệ ngành Giáo dục-Đào tạo

(QBĐT) - Ngày 15/11, Sở Giáo dục-Đào tạo tổ chức hội diễn văn nghệ chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam. 

Gặp mặt hội viên nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam

(QBĐT) - Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2022), ngày 14/11, Hội Cựu giáo chức tỉnh tổ chức gặp mặt hội viên và tri ân các thế hệ nhà giáo, cán bộ hội qua các thời kỳ.

Quyết tâm phấn đấu xây dựng trường chất lượng cao

(QBĐT) - Trong suốt hành trình 55 năm xây dựng và phát triển, Trường cao đẳng kỹ thuật Công-Nông nghiệp Quảng Bình (CĐKTC-NNQB) đã từng bước xây dựng được vị thế và thương hiệu, trở thành cơ sở đào tạo nghề hàng đầu của tỉnh.