Phát triển người tham gia BHXH tự nguyện ở các xã miền núi, rẻo cao:

Đường xa gập ghềnh!

  • 07:37 | Thứ Hai, 15/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Góp phần giảm bớt khó khăn, bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống khi về già cho người không thuộc diện biên chế nhà nước, không có hợp đồng lao động dài hạn, bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện được ví như “của để dành” cho người tham gia. Để chính sách an sinh xã hội này đến với nhiều người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là với bà con ở vùng sâu, vùng xa, thời gian qua, hệ thống BHXH trong tỉnh đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Tuy nhiên, chặng đường để BHXH tự nguyện đến với bà con các xã miền núi, rẻo cao vẫn còn lắm gian nan, gập ghềnh.
 
Những con số khiêm tốn
 
Xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa) hiện có 298 hộ, 1.251 khẩu với 711 lao động, tuy nhiên, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện của địa phương chỉ vẻn vẹn 18 người. Thời gian qua, mặc dù chính quyền, các đoàn thể và đặc biệt là các đại lý thu trên địa bàn luôn nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để tăng tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện nhưng tình hình không thực sự khả quan.
 
“Khó khăn lớn nhất xuất phát từ điều kiện kinh tế của bà con. Toàn xã hiện có đến 59,4% hộ nghèo. Kinh tế chậm phát triển, thu nhập của người dân bấp bênh, thiếu ổn định nên họ khó có điều kiện tham gia BHXH tự nguyện... Hiện tại, thu nhập bình quân của xã chỉ đạt 21 triệu đồng/người/năm. Với mức thu nhập khiêm tốn như thế, việc hàng tháng bỏ ra một số tiền đóng BHXH tự nguyện là điều khó thực hiện đối với nhiều người dân địa phương”, Chủ tịch UBND xã Lâm Hóa Cao Phương Hướng khẳng định.
 
Lâm Hóa không phải là trường hợp cá biệt, bởi khó khăn trong phát triển người tham gia BHXH tự nguyện là thực trạng chung của rất nhiều địa phương, nhất là các xã miền núi, rẻo cao. Nhiều xã, số người tham gia đạt rất thấp so với tiềm năng.
 
Đơn cử như 3 xã miền núi của huyện Lệ Thủy. Cả 3 xã hiện chỉ có 46 người đóng BHXH tự nguyện, trong đó, xã Ngân Thủy 13 người, Kim Thủy 15 người, Lâm Thủy 18 người. Một số địa phương khác cũng có số người tham gia đạt thấp, như: Xã Thượng Hóa (Minh Hóa) 14 người, Trường Xuân (Quảng Ninh) 22 người, Thanh Hóa (Tuyên Hóa) 26 người…
 
Và cá biệt, có địa phương đến nay chưa vận động được người dân nào tham gia, như: Tân Trạch, Thượng Trạch (Bố Trạch), Trọng Hóa, Dân Hóa (Minh Hóa)… Nguyên nhân của thực trạng này là do đời sống của bà con còn rất khó khăn, công việc và thu nhập bấp bênh. Nhiều người dù rất muốn tham gia, nhưng vì kinh tế gia đình khó khăn nên với họ, đó vẫn luôn là mong muốn khó thực hiện.
 
Mặc dù đã được tuyên truyền, vận động nhiều lần và rất muốn tham gia BHXH tự nguyện để có cái “phòng thân” khi về già nhưng chị Hồ Thị Thư (SN 1972), Trưởng bản Đá Chát, xã Trường Sơn (Quảng Ninh) đành lắc đầu từ chối mỗi lần đại lý thu đề cập đến vấn đề này, chỉ vì tài chính gia đình chị không cho phép.
 
“Vợ chồng tôi chủ yếu làm nương rẫy, đủ sống qua ngày. Vừa rồi, chúng tôi phải vay mượn số tiền lớn cho đứa con trai đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản. Vốn dĩ chuyện chi tiêu trong gia đình khá chật vật, nay phải gánh thêm một số nợ lớn nên việc tham gia BHXH tự nguyện đối với vợ chồng tôi chỉ là… giấc mơ xa”, chị Thư thở dài.
 Kinh tế phát triển, mức thu nhập của người dân tăng lên, Tân Hóa (Minh Hóa) ngày càng có nhiều người dân tham gia đóng BHXH tự nguyện. (Ảnh: Oxalis)
Kinh tế phát triển, mức thu nhập của người dân tăng lên, Tân Hóa (Minh Hóa) ngày càng có nhiều người dân tham gia đóng BHXH tự nguyện. (Ảnh: Oxalis)

Rõ ràng, việc tuyên truyền, vận động để người dân các xã miền núi, rẻo cao hiểu, chủ động trích một phần thu nhập tham gia BHXH tự nguyện khi cuộc sống còn nhiều chật vật, khó khăn luôn là thách thức với cơ quan BHXH và chính quyền các địa phương.

“Đường xa”… có hóa gần?!
 
“Nguyên nhân chính dẫn đến những khó khăn trong công tác vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện ở các xã miền núi, rẻo cao xuất phát từ vấn đề kinh tế, tài chính. Vậy nên, bảo đảm cho bà con có một cuộc sống ổn định, nâng cao thu nhập chính là điều kiện đủ để họ có cơ hội tham gia BHXH tự nguyện. Cứ lấy xã Tân Hóa (Minh Hóa) làm ví dụ sẽ thấy rõ điều này”, Giám đốc BHXH huyện Minh Hóa Đinh Hữu Nam chia sẻ.
 
Nếu như trước đây, khi Tân Hóa vẫn là một vùng “rốn lũ” nghèo khó, gánh bao thấp thỏm, âu lo của người dân về những mùa mưa lũ triền miên mang theo đói rét, cơ cực, BHXH tự nguyện với bà con nơi đây vẫn là “giấc mơ xa xôi” thì bây giờ mọi chuyện đã khác. Sau bao khốn khó, Tân Hóa đang vươn mình trên con đường phát triển kinh tế, nhất là lĩnh vực du lịch. Giờ đây, nói đến Tân Hóa, người ta nghĩ ngay đến một địa chỉ du lịch hút khách và nhờ đó, cuộc sống của nhiều người dân địa phương đã thực sự đổi thay.
 
“Xác định kinh tế phát triển, người dân mới có điều kiện nâng cao thu nhập, từ đó có cơ hội tham gia BHXH tự nguyện nên xã luôn tích cực vận động bà con thay đổi tư duy, phương thức sản xuất, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, nhất là trong lĩnh vực du lịch. Hiện, toàn xã có hơn 100 lao động tham gia vào các hoạt động phục vụ du lịch và có nguồn thu nhập ổn định 6-7 triệu đồng/người/tháng. Kinh tế phát triển hơn, mức thu nhập bình quân của xã nhờ đó được nâng lên đáng kể, hiện đạt 39 triệu đồng/người/năm. Khi thu nhập ổn định hơn, mức sống được nâng cao, bà con đã mạnh dạn tham gia BHXH tự nguyện. Nếu như năm 2021, toàn xã có 171 người tham gia, thì đến năm 2022, tăng lên 175 người và đến tháng 3/2023, tăng lên 184 người”, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa Trương Thanh Duẩn chia sẻ.
 
Nếu kinh tế, tài chính là điều kiện đủ thì công tác tuyên truyền, vận động chính là điều kiện cần để tăng tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện ở các địa phương nói chung và các xã miền núi, rẻo cao nói riêng. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân ở miền núi về lợi ích khi tham gia đóng BHXH tự nguyện còn chưa đồng đều; hiệu quả tuyên truyền ở một số nơi chưa cao. Không ít người dân còn mơ hồ, chưa hiểu rõ về quyền lợi của mình, do đó không mặn mà tham gia…
 
“Để BHXH tự nguyện đến gần hơn với bà con vùng sâu, vùng xa, cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Riêng đối với ngành BHXH, thời gian tới, cần đẩy mạnh, đổi mới hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền; truyền thông phải thường xuyên, liên tục để người dân ghi nhớ quy trình đăng ký cũng như thanh toán BHXH tự nguyện. BHXH các huyện cần chủ động phối hợp với các đơn vị thành viên, đặc biệt là UBND các xã tổ chức hội nghị tuyên truyền tại những địa điểm, thời gian linh hoạt, phù hợp với từng bản địa dân cư. Nội dung truyền thông cần được đơn giản hóa, gần gũi và thiết thực với cuộc sống hàng ngày của bà con.
 
Phong tục, tập quán của người miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số có ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả truyền thông. Vì vậy, cần phát huy vai trò của già làng, trưởng bản hoặc người có uy tín ở địa phương; lựa chọn những cán bộ có khả năng truyền đạt bằng tiếng dân tộc, hiểu được phong tục, tập quán của bà con để tham gia tuyên truyền, vận động.
 
Công tác tuyên truyền không chỉ được thực hiện bằng thuyết trình, pano, áp phích mà cần tiếp tục được “mềm hóa” bằng các hình thức khác, như: Diễn kịch, biểu diễn văn nghệ hoặc các cuộc thi. Và để người dân miền núi có điều kiện tham gia BHXH tự nguyện, thiết nghĩ, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, cũng như của các cấp, ngành...”, Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Thanh Tùng nhấn mạnh.
Tâm An

tin liên quan

Tặng quà cho bà con Vân Kiều ở xã Trường Sơn

(QBĐT) - Trong ngày 13-14/5, chùa Hoa Nghiêm (TP. Hà Nội) phối hợp với các cơ quan, đơn vị ở huyện Quảng Ninh đến thăm hỏi và tặng quà cho bà con Vân Kiều ở xã Trường Sơn (Quảng Ninh).

Đừng đi ngang, làm tắt!

(QBĐT) - Hội bạn thân lên kế hoạch cuối tuần sẽ đi tham quan một số địa điểm. 

Mùa "săn" trứng kiến

(QBĐT) - Hàng năm, từ tháng 3-6 dương lịch, nhiều người dân huyện Minh Hóa lại rủ nhau vào rừng "săn" trứng kiến về làm thức ăn hoặc bán cho các thương lái. Nghề này không quá vất vả nhưng đã mang lại nguồn thu nhập khá cho bà con trong những ngày nông nhàn.