Tuyên Hóa nỗ lực giảm nghèo bền vững

  • 14:16 | Thứ Ba, 03/01/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhờ triển khai hiệu quả các chính sách, giải pháp giảm nghèo bền vững, công tác giảm nghèo ở huyện miền núi Tuyên Hóa đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, đời sống của người dân từng bước được cải thiện, nâng cao.
 
Lâm Hóa là xã đặc biệt khó khăn của huyện Tuyên Hóa với 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, xã đã được thụ hưởng nhiều chương trình, chính sách về xóa đói, giảm nghèo, chủ yếu là các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo, tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, cận nghèo…
 
Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn ở Lâm Hóa đã có nhiều đổi thay. Từ nguồn hỗ trợ cây, con giống, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Năm 2019, gia đình anh Hồ Phình ở bản Kè, xã Lâm Hóa được hỗ trợ 2 con bò cái từ nguồn vốn chương trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, từ tiền bán cây keo của gia đình, anh Hồ Phình mua thêm 3 con bò cái sinh sản để chăn nuôi. Nhờ chăm sóc tốt, đến nay đàn bò của gia đình anh đã phát triển thành 12 con, giá trị ước tính hàng trăm triệu đồng. Gia đình anh Hồ Phình cũng tích cực sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gà, lợn và trồng rừng kinh tế, thu nhập bình quân mỗi năm trên 100 triệu đồng.
 
Anh Hồ Phình phấn khởi chia sẻ: “Nhờ Nhà nước hỗ trợ về vốn, cây, con giống và tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn nên bản thân tôi đã nỗ lực cố gắng lao động sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình; đồng thời vận động bà con trong bản cùng làm để có cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Từ nguồn hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo, gia đình anh Hồ Phình ở bản Kè, xã Lâm Hóa đã phát triển mô hình chăn nuôi, trồng rừng.
Từ nguồn hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo, gia đình anh Hồ Phình ở bản Kè, xã Lâm Hóa đã phát triển mô hình chăn nuôi, trồng rừng.
Chủ tịch UBND xã Lâm Hóa Cao Phương Hướng cho biết: “Xác định việc phát triển kinh tế, nâng mức sống của người dân và giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài. Chính vì vậy, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể đã tập trung tuyên truyền, vận động, tạo mọi điều kiện để bà con vươn lên phát triển kinh tế.
 
Bên cạnh đó, xã đã lồng ghép các chương trình, dự án để hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm mạnh trong những năm qua, riêng năm 2022 giảm trên 5%. Đây là kết quả đáng phấn khởi đối với địa phương còn nhiều khó khăn như Lâm Hóa”.
 
Tại xã Thanh Thạch, với hơn 90% đồng bào theo đạo Công giáo, đất sản xuất ít, ngành nghề chưa phát triển nên trước đây đời sống của người dân còn hết sức khó khăn. Xác định xuất khẩu lao động là khâu đột phá trong công tác giảm nghèo và nâng cao đời sống cho người dân, những năm qua xã Thanh Thạch đã thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi về vốn vay, tập trung tuyên truyền, vận động, tư vấn và kết nối với các doanh nghiệp uy tín, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, qua đó giúp hàng chục hộ gia đình thoát nghèo và vươn lên khá giả.
 
Theo ông Đoàn Xuân Long, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Thạch, hiện toàn xã có gần 300 lao động đang làm việc ở nước ngoài, mang về nguồn thu hơn 50 tỷ đồng/năm. Từ nguồn thu này, nhiều gia đình đã có điều kiện để phát triển sản xuất, mở mang ngành nghề, dịch vụ, xây dựng nhà cửa, mua sắm vật dụng phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm 6,2% trong năm 2022, hiện còn 16,7% trên tổng số hộ, vượt kế hoạch của xã đề ra.
 
Theo kết quả Tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn đa chiều tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP, ngày 27/1/2021 của Chính phủ, áp dụng thực hiện cho giai đoạn 2022-2025, đầu năm 2022 toàn huyện Tuyên Hóa có 2.192 hộ nghèo (chiếm 8,78%) và 1.591 hộ cận nghèo (chiếm 6,37%) tổng số hộ toàn huyện. Huyện phấn đấu đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,9%, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 1,2%; đến năm 2025, giảm ½ số hộ nghèo, hộ cận nghèo so với đầu kỳ.
 
Để hoàn thành được chỉ tiêu này, huyện Tuyên Hóa đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở triển khai đồng bộ các giải pháp và áp dụng chính sách hỗ trợ cho người nghèo, như: Tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế, gắn sản xuất, trồng trọt với đẩy mạnh phát triển chăn nuôi; triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, xây dựng và nhân rộng các mô hình về xóa đói giảm nghèo bền vững; triển khai hiệu quả các biện pháp hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, thực hiện tốt công tác dân tộc và chính sách dân tộc trên địa bàn; tích cực tuyên truyền để người dân tự giác vươn lên thoát nghèo nhanh và bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
 
"Phòng sẽ tiếp tục tham mưu UBND huyện ưu tiên kinh phí cho các hoạt động tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo, cận nghèo, người mới thoát nghèo ở các xã, thị trấn; vận động người dân và đẩy mạnh hoạt động đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đặc biệt là các thị trường có thu nhập cao và ổn định, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…”, ông Lương Công Đức, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Tuyên Hóa cho biết thêm.
 
Với những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, công tác giảm nghèo ở huyện miền núi Tuyên Hóa đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Các chính sách giảm nghèo đi vào cuộc sống đã mở ra cơ hội cho người nghèo, cận nghèo có vốn sản xuất, có việc làm để tăng thu nhập, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Văn Tư

tin liên quan

Hướng tới sự hài lòng của người bệnh

(QBĐT) - Bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân, ngành Y tế đã đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở y tế xanh-sạch-đẹp-an toàn.

Bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với các khu khai thác khoáng sản, đô thị, du lịch, công nghiệp, di tích lịch sử và công trình

(QBĐT) - Ngày 27/12, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 62/2022/QĐ-UBND về quy định bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng các khu khai thác khoáng sản và khu khai thác tài nguyên thiên nhiên khác; khu đô thị; điểm du lịch, khu du lịch; khu công nghiệp; khu di tích lịch sử; điểm dân cư nông thôn và công trình trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện hiệu quả giải pháp tạo việc làm mới cho lao động

(QBĐT) - Những năm qua, huyện Lệ Thủy đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm tạo việc làm mới cho lao động, từng bước tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống…; trong đó xác định giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động là nhiệm vụ quan trọng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.