Tấm gương người cao tuổi làm kinh tế giỏi

  • 11:41 | Thứ Bảy, 31/12/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Phát huy tinh thần “Tuổi cao, gương sáng”, nhiều năm qua, các hội viên người cao tuổi (NCT) trong tỉnh không chỉ gương mẫu, đi đầu thực hiện các hoạt động ở địa phương mà còn tích cực tham gia phong trào NCT làm kinh tế giỏi. Qua phong trào, có nhiều tấm gương điển hình xây dựng các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả cao, là gương sáng cho con cháu học tập, noi theo.

Một ngày cuối năm, chúng tôi đã ghé thăm mô hình kinh tế của ông Nguyễn Văn Dũng, ở thôn Quyết Thắng, xã Trường Xuân (Quảng Ninh). Ông Dũng tâm sự: Ông sinh ra và lớn lên ở xã Hiền Ninh. Năm 1992, vợ chồng ông xung phong lên vùng đất mới-xã Trường Xuân để lập nghiệp theo chương trình trồng rừng 327.
 
Khi mới đặt chân lên vùng đất này, vợ chồng ông gặp rất nhiều khó khăn. Với nguồn vốn hạn hẹp, vợ chồng ông Dũng chỉ nuôi vài con ngan, gà và khoảng chục tổ ong lấy mật. Thời gian đầu, do chưa quen vùng đất cộng với thời tiết thất thường nên việc chăn nuôi không thuận lợi.
 
Cuộc sống khó khăn càng chồng chất khó khăn khi sức khỏe của hai ông bà đi xuống, thường xuyên đau ốm, thu nhập kinh tế gia đình không ổn định. Nhiều năm liền gia đình ông Dũng thuộc diện hộ nghèo của xã. 
Mô hình nuôi ong lấy mật của gia đình ông Nguyễn Văn Dũng, xã trường Xuân (Quảng Ninh) đem lại nguồn thu nhập ổn định.
Mô hình nuôi ong lấy mật của gia đình ông Nguyễn Văn Dũng, xã trường Xuân (Quảng Ninh) đem lại nguồn thu nhập ổn định.

Để cải thiện đời sống, vợ chồng ông Dũng đã mạnh dạn vay vốn từ Câu lạc bộ (CLB) liên thế hệ tự giúp nhau của NCT trong thôn, đồng thời tranh thủ từ nhiều nguồn vay khác nhằm phát triển kinh tế.

Ông Dũng đã tìm tòi, tham khảo qua sách, báo, internet và học hỏi trong thực tế để phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi, nhờ đó mô hình kinh tế trang trại tổng hợp của gia đình ông ra đời. Ban đầu, ông chỉ nuôi vài trăm con gà, ngan và phát triển dần lên. Để chủ động trong việc tái đàn gia cầm, ông Dũng đã đầu tư hệ thống ấp trứng, vừa cung cấp được nguồn giống cho mô hình kinh tế của gia đình, vừa giúp đỡ cho các nông dân trong vùng có nguồn giống để phát triển chăn nuôi.

Ngoài chăn nuôi gia cầm, vợ chồng ông Dũng nuôi thêm heo nái, cứ một năm 3 lứa, mỗi lứa 12 con, mỗi năm gia đình ông nuôi khoảng 36 con; đồng thời nuôi 30-40 đàn ong lấy mật và trồng nhiều loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, như: Mít, bưởi, xoài, vải, nhãn…

Mô hình tổng hợp này đem lại thu nhập cho gia đình ông khoảng 200 triệu đồng/năm. Nhờ có nguồn thu nhập ổn định, vợ chồng ông Dũng lại tiếp tục đầu tư 1ha đất nuôi heo rừng để vừa bán thịt, vừa bán con giống. Ông Dũng còn trồng thêm một số cây ngắn ngày, như: Hành, nén, mướp, tỏi… Nhờ biết làm ăn kinh tế, vợ chồng ông Nguyễn Văn Dũng đã thoát được nghèo. Hiện nay, mỗi năm tổng thu nhập của gia đình ông đạt từ 150-200 triệu đồng.
 
Ông Trần Phúc Duyệt, Chủ nhiệm CLB liên thế hệ tự giúp nhau thôn Quyết Thắng tâm sự: Ông Nguyễn Văn Dũng là một trong 27 thành viên của CLB được hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế. Ngoài phát huy tốt nguồn vốn đầu tư, ông Dũng cũng thường tham gia chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, chăn nuôi giữa các thành viên. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Dũng còn tích cực ủng hộ các khoản đóng góp do chính quyền, đoàn thể phát động, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
 
Ông Đinh Minh Thử, Trưởng ban đại diện Hội NCT tỉnh cho biết: Phong trào NCT làm kinh tế giỏi không chỉ phát huy được tinh thần, ý chí của NCT trong phát triển kinh tế mà còn phát huy vai trò, vị thế của NCT trong việc giáo dục con cháu tính tự lập, cần cù, siêng năng trong lao động sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng... Thông qua phong trào đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của hội viên NCT trên địa bàn tỉnh, góp phần vào công tác giảm nghèo, xây dựng tổ chức hội vững mạnh.
Hiền Phương

tin liên quan

Hướng tới sự hài lòng của người bệnh

(QBĐT) - Bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân, ngành Y tế đã đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở y tế xanh-sạch-đẹp-an toàn.

Thực hiện hiệu quả giải pháp tạo việc làm mới cho lao động

(QBĐT) - Những năm qua, huyện Lệ Thủy đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm tạo việc làm mới cho lao động, từng bước tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống…; trong đó xác định giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động là nhiệm vụ quan trọng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với các khu khai thác khoáng sản, đô thị, du lịch, công nghiệp, di tích lịch sử và công trình

(QBĐT) - Ngày 27/12, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 62/2022/QĐ-UBND về quy định bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng các khu khai thác khoáng sản và khu khai thác tài nguyên thiên nhiên khác; khu đô thị; điểm du lịch, khu du lịch; khu công nghiệp; khu di tích lịch sử; điểm dân cư nông thôn và công trình trên địa bàn tỉnh.