Áo trắng trên con đường thiện nguyện

  • 08:51 | Chủ Nhật, 16/10/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thượng tá, bác sĩ Nguyễn Xuân Thành, Bệnh viện Quân y 175 TP. Hồ Chí Minh tranh thủ phút nghỉ ngơi giữa hai ca tầm soát bệnh cho đồng bào Bru-Vân Kiều xã Trường Sơn (Quảng Ninh) giới thiệu với tôi ba đồng nghiệp của anh: “Người Quảng Bình hết đó nghe! Biết mình tổ chức các hoạt động khám, cấp phát thuốc miễn phí trên quê hương, cả ba xung phong cùng về”.
 
Áo trắng thứ nhất (thực ra cách gọi này không phải của tác giả viết bài mà là sự yêu thương từ các em nhỏ dân tộc Bru-Vân Kiều, xã Trường Sơn dành tặng), bác sĩ Hoàng Vân Hạnh (SN 1978), quê phường Đồng Phú, TP. Đồng Hới, Phó Chủ nhiệm Khoa Mắt, Bệnh viện Quân y 175.
 
Người thứ hai là Trần Thị Thắm (SN 1994) quê xã Phong Thủy (Lệ Thủy). Tốt nghiệp Trường cao đẳng Y tế Thừa Thiên Huế năm 2015, sau đó Thắm vào công tác tại Bệnh viện Quân y 175 rồi bén duyên với đất phương Nam từ đó.
 
Cuối cùng là kỹ thuật viên khúc xạ Lê Thị Thúy (SN 1986), lớn lên tại xã Dương Thủy (Lệ Thủy). Năm 2007, Lê Thị Thúy “hành” phương Nam, đầu quân cho Khoa Mắt, Bệnh viện Quân y 175.
 
Hành trình tri ân, trao quà, khám bệnh từ thiện trên quê hương Quảng Bình của các y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 tổ chức vào những ngày cuối tháng 9/2022. Trong thời gian 3 ngày, đoàn triển khai các hoạt động khám, tầm soát ung thư, tư vấn sức khỏe, khám mắt, tặng kính điều trị bệnh lý tật khúc xạ mắt cho học sinh, trao học bổng hỗ trợ trẻ em nghèo vượt khó, học giỏi... tại xã An Ninh; các Trường THPT Quảng Ninh và Nguyễn Hữu Cảnh; xã miền núi Trường Sơn. Qua 3 ngày tổ chức, các y bác sĩ trực tiếp khám bệnh, tư vấn sức khỏe, tầm soát ung thư cho hơn 1.200 người dân. Tổng kinh phí huy động cho các hoạt động thiện nguyện trên 650 triệu đồng. 
Bác sĩ Hoàng Vân Hạnh khám mắt cho các em học sinh Trường PTDT bán trú THCS xã Trường Sơn (Quảng Ninh).
Bác sĩ Hoàng Vân Hạnh khám mắt cho các em học sinh Trường PTDT bán trú THCS xã Trường Sơn (Quảng Ninh).
“Quảng Bình đón những đứa con xa quê về bằng những cơn mưa”-Lê Thị Thúy tâm sự-“Cứ sợ mưa kéo dài, nước lớn, lũ tràn, bà con không đến với đoàn được. Nhưng bất ngờ quá anh ạ! Người dân có mặt tại các điểm tổ chức khám bệnh rất sớm, rất đông. Rứa là chúng em bị cuốn vào các hoạt động thiện nguyện lúc nào không hay. Nhiều nơi, người bệnh cuối cùng khám xong, nhìn đồng hồ thì đã quá 14 giờ chiều. Chẳng còn cảm giác mệt mỏi, đói khát..., chỉ thấy niềm vui, hạnh phúc dâng đầy”.
 
Ba chị em Hoàng Vân Hạnh, Trần Thị Thắm, Lê Thị Thúy thuộc chuyên khoa mắt. Thời gian trằn mình khám sàng lọc cho học sinh các Trường THPT Quảng Ninh, Nguyễn Hữu Cảnh và Trường PTDT bán trú THCS xã Trường Sơn, Trần Thị Thắm kể với tôi rằng: “Tỷ lệ học sinh quê mình mắc các bệnh lý tật khúc xạ rất nhiều, nhất là trẻ em miền núi. Chuyến đi này, đoàn huy động hơn 200 chiếc kính hỗ trợ bệnh lý tật khúc xạ mắt nhưng trao vẫn không đủ. Qua 3 ngày tham gia khám bệnh, tư vấn sức khỏe liên quan về mắt, Thắm cứ ước ao sao tiếp tục thêm cơ hội, rất nhiều cơ hội để trở về giúp đỡ bà con mình, nhất là trẻ em trong độ tuổi đến trường... được đôi mắt thực sự khỏe mạnh”.
 
Kết thúc hành trình thiện nguyện, tranh thủ chút thời gian ít ỏi, Hoàng Vân Hạnh ghé lại phường Đồng Phú thăm người chú của mình trước lúc quay vào TP. Hồ Chí Minh. “Lập nghiệp ở phương xa, công việc, gia đình cứ cuốn mình đi, cơ hội về quê vì thế mà ít dần. Nên mỗi lần về quê, thắp nén nhang ở nhà thờ họ, thăm bà con, tìm đến một vài địa danh gắn bó với tuổi thơ mình: Tháp Nước, chứng tích nhà thờ Tam Tòa, công viên Nhật Lệ, tượng đài Mẹ Suốt... để biết rằng trong tim mình vẫn luôn nhớ về nguồn cội”, Hoàng Vân Hạnh chia sẻ.
 
Ba ngày trong hành trình thiện nguyện khám, tư vấn sức khỏe cho người dân ở huyện Quảng Ninh đối với Hoàng Vân Hạnh, Trần Thị Thắm, Lê Thị Thúy là cả một bầu trời kỷ niệm: Dáng các cụ, các mệ đội mưa lam lũ; những cô cậu học trò bất chợt reo lên “sao mắt tớ sáng quá” khi được tặng kính vừa đủ độ; rồi hình ảnh ấn tượng nhất là các chị, các mế phụ nữ Bru-Vân Kiều xã miền núi Trường Sơn xúng xính trong chiếc váy thổ cẩm truyền thống sặc sỡ, điếu thuốc lá sâu kèn nghi ngút khói gắn chặt một bên miệng...
Đoàn y bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 trao quà cho đồng bào xã Trường Sơn (Quảng Ninh).
Đoàn y bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 trao quà cho đồng bào xã Trường Sơn (Quảng Ninh).
“Yêu lắm thôi, người dân quê mình”-trò chuyện với tôi, Lê Thị Thúy mường tượng nhớ đến mùi thuốc lá của đồng bào đang váng vất, bất chợt phì cười-“Lần đầu tiên em đến với bà con dân tộc thiểu số đó anh... thì ra đồng bào dễ mến, dễ gần quá đi. Sự e dè lúc ban đầu gặp gỡ trong em bỗng dưng bay đâu mất!”.
 
Hoàng Vân Hạnh trăn trở trên con đường từ Trường Sơn về xuôi: “Trẻ vùng cao mà chúng em khám bệnh lý tật khúc xạ mắt, tỷ lệ cận thị ít hơn trẻ vùng đồng bằng. Đây thực sự là một tín hiệu vui, vì trẻ miền xuôi tiếp cận nhiều với các phương tiện ti-vi, trò chơi điện tử, máy tính, điện thoại di động... mà ở miền núi, các phương tiện này đang còn rất khiêm tốn. Nhưng ngược lại, trẻ em miền núi, nhất là trẻ em dân tộc Bru-Vân Kiều có tỷ lệ bị nhược thị nhiều hơn. Đây là một bệnh lý khá nặng về mắt do trẻ sinh hoạt, học tập trong môi trường thiếu sáng, nếu không sớm khám, điều trị kịp thời sẽ rất dễ dẫn đến mù lòa. Hy vọng lần trở lại gần đây, Khoa Mắt, Bệnh viện Quân y 175 sẽ có những phương pháp tư vấn, điều trị bệnh lý nhược thị thật sự phù hợp cho trẻ em miền núi Quảng Bình”.
 
Khi tôi chấp bút viết về ba cô gái ngành Y gốc gác Quảng Bình đồng hành cùng tôi trên con đường thiện nguyện, họ đã quay vào TP. Hồ Chí Minh, trở lại với công việc thường nhật. Còn nơi “chôn rau, cắt rốn” của Hoàng Vân Hạnh, Trần Thị Thắm, Lê Thị Thúy tháng 10 đã về, mùa mưa bão đang đến.
 
Cứ đau đáu lời bác sĩ Hoàng Vân Hạnh trước khi chia tay Quảng Bình: “Hãy cho chúng em góp một chút ân tình, như từng hạt muối nhỏ, vẫn hy vọng đến một ngày sẽ có thêm nhiều hạt muối hòa cùng... cho quê hương mặn mòi thêm”.
 
Ngô Thanh Long

tin liên quan

Tôi yêu Tổ quốc tôi…

(QBĐT) - Được triển khai từ năm 2014, phong trào "Tôi yêu Tổ quốc tôi" do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phát động đã được các cấp Hội LHTN Việt Nam tỉnh hưởng ứng, lan tỏa mạnh mẽ bằng nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa.

Chiều con như ông thì tôi cũng chịu!

(QBĐT) - Nhà ông A. sắp có hỷ sự, nhưng trông ông mệt mỏi ra mặt, thấy lạ ông Q. liền thắc mắc:

Dấu ấn thanh niên Quảng Bình với cộng đồng

(QBĐT) - Trải qua 66 năm hình thành và phát triển, Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam nói chung, Hội LHTN Việt Nam tỉnh Quảng Bình nói riêng ngày càng khẳng định vai trò của mình trong việc xung kích, tiên phong, thực hiện có hiệu quả các phong trào, hoạt động, để lại những dấu ấn đẹp trong cộng đồng.