Đi lấy cát nhang ngày giáp Tết

  • 07:29 | Thứ Ba, 30/01/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cát nhang là cách bố tôi gọi thứ cát bỏ vào những bình nhang trên bàn thờ tổ tiên. Hồi tôi lên mười tuổi, lần đầu tiên tôi được bố cho đi theo lấy cát nhang. Thứ cát này người ta thường bán ở chợ quê trong những ngày giáp Tết. Nhưng bố tôi không mua mà năm nào cũng tự mình đi lấy. Theo bố tôi nói thì cát nhang tự đi lấy sẽ mang đến nhiều may mắn cho gia đình. Năm lên mười, bố tôi cũng được ông nội dẫn đi lấy cát. Và bây giờ, ông cụ có ý bàn giao việc đi lấy cát nhang cho tôi.
 
Hai cha con lên đường từ sáng sớm. Bố tôi đi thong thả nhưng tôi phải sải bước thật nhanh mới theo kịp ông. Băng qua thửa ruộng-chỗ bọn trẻ chúng tôi vẫn thường đi bắt chuồn chuồn-là ra đến đường quan. Người quê tôi gọi quốc lộ là đường quan. Hồi đó, đường quan đang còn hẹp và chưa được nâng cấp như bây giờ. Hai bên đường nhà cửa thưa thớt. Mặt trời nhô lên từ phía biển làm đỏ ửng cả một vùng trời. Đi đã gần ba, bốn cây số mà vẫn chưa đến nơi. Tôi rất sốt ruột. Chốc chốc lại hỏi:
 
- Còn xa nữa không bố?
 
- Gần đến nơi rồi! Bố động viên tôi.
 
Lần đầu tiên đi xa nên chân tôi mỏi rã rời. Đến gần Khe Nước, một cảnh tượng đẹp tuyệt vời hiện ra trước mắt làm tôi hết sức thích thú: Những dãy núi đá chen nhau chạy ra tận biển. Sóng biển ào ào đập vào chân núi tung bọt trắng xóa. Bờ cát vàng phẳng phiu. Ngoài khơi xa những cánh buồm trắng, buồm nâu dọc ngang trên mặt nước xanh biếc... Từ đường quan rẽ vào chừng hơn cây số thì đến một vùng cát trắng. Tôi ngạc nhiên hỏi bố:
 
- Răng chung quanh toàn cát vàng mà ở đây cát lại trắng rứa bố?
 
Bố tôi có vẻ lúng túng trước câu hỏi bất ngờ của tôi. Ông nói cho qua chuyện:                               
- Trời sinh ra thế!
 
Tôi càng lấy làm lạ khi xung quanh những cồn cát vàng đầy rẫy dấu chân trâu bò, rác rưởi mà ở vùng cát trắng này không hề có một dấu chân trâu, bò nào, không có bất cứ một cọng rác nào? Như đoán được thắc mắc của tôi, bố tôi kể rằng: Thời trước từng có một trẻ chăn trâu, không nghe lời can ngăn của bạn, cho trâu vào phóng uế bừa bãi trên vùng Cát Nhang. Tối về, cậu ta bị sốt nặng rồi bỏ ăn mấy ngày liền, thuốc thang gì cũng không khỏi. Bố cậu ta đi xem bói mới biết là cậu ta bị “Ngài ở vùng Cát Nhang quở”. Bố cậu ta phải lập đàn khấn vái xin lỗi, “ngài” mới tha cho. Từ đó, bọn trẻ chăn trâu, chăn bò không đứa nào dám bén mảng đến “thánh địa” Cát Nhang nữa. Trước đây tôi tin là chuyện có thật. Lớn lên tôi mới biết đó chẳng qua là câu chuyện ai đó bịa ra để răn đe bọn trẻ chăn trâu, chăn bò ở quê tôi mà thôi.
 
Bố nói: Mua cát nhang ở chợ thì không thể lựa chọn, còn tự đi lấy như thế này thì có thể chọn được loại cát sạch vừa trắng, vừa mịn. Bố dắt tôi đi mấy vòng. Đến chỗ cát ưng ý nhất mới dừng lại bốc cát vào bao. Trước khi bốc, bố tôi chắp tay lầm rầm khấn vái điều gì đó mà tôi không nghe rõ. Cử chỉ của ông cụ rất trang nghiêm, cung kính. Khi về, thay cát vào bình nhang, bố kiểm tra rất kỹ. Chỉ cần một sợi rác nhỏ dính lẫn vào là ông nhặt ra ngay.
 
- Bàn thờ đón năm mới cái gì cũng phải tinh tươm, sạch sẽ! Ông vẫn căn dặn chúng tôi như vậy.
 
Sau này, một phần vì chiến tranh, một phần vì anh em chúng tôi tản mác mỗi người một nơi, dần dần tục đi lấy cát nhang không còn được duy trì. Đã lâu rồi tôi không có dịp trở lại thăm vùng Cát Nhang. Không biết giờ đây ở quê có gia đình nào còn giữ tục đi lấy cát nhang nữa không? "Thánh địa Cát Nhang" có còn linh thiêng như xưa không? Mỗi lần thay cát nhang trên bàn thờ tổ tiên trong những ngày chuẩn bị đón Tết, hình ảnh bố tôi đứng trang nghiêm, cung kính và lầm rầm khấn vái khi bỏ cát vào bao cứ hiện rõ mồn một trước mắt tôi. Văng vẳng bên tai tôi lời dặn dò của ông cụ: Bàn thờ đón năm mới cái gì cũng phải tinh tươm, sạch sẽ!
                                             Mai Văn Hoan

tin liên quan