Như một sự tri ân
Rong ruổi khắp mọi miền Tổ quốc để “săn” khoảnh khắc đẹp, song với NSNA Lê Đức Thành, Chi hội trưởng Chi hội NSNA Việt Nam tỉnh, mảnh đất Quảng Bình vẫn là đề tài chính trong hoạt động sáng tác ảnh nghệ thuật của anh.
NSNA Lê Đức Thành chia sẻ: Anh có một “kho” ảnh với hàng nghìn bức ảnh về quê hương, con người Quảng Bình, trong đó có rất nhiều ảnh được triển lãm, đoạt giải thưởng quan trọng tại các cuộc thi ảnh trong nước, quốc tế. Nổi bật là tác phẩm ảnh bộ “Điện gió Quảng Bình” đoạt huy chương vàng liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Bắc Trung bộ (2022) cùng nhiều tác phẩm khác, như: “Sông Gianh huyền thoại”, “Chợ biển Nhân Trạch”, “Tung chài”… Về đề tài du lịch, Lê Đức Thành là một trong những người sớm tiếp cận các hang động mới được phát hiện để cho ra đời nhiều bức ảnh quý, như: Hố sụt Kong, hang Hung Thoòng, hang Chà Lòi, hang Kiều… phục vụ cho việc quảng bá du lịch.
Tiêu biểu như tác phẩm “Hoa lúa” chụp một phụ nữ người dân tộc thiểu số mang con trên lưng khi lao động. Nụ cười của người phụ nữ vùng sơn cước cùng những hạt gạo bung trắng đã tạo nhiều cảm xúc cho người xem. Tác phẩm này đoạt giải đặc biệt cuộc thi ảnh do Liên đoàn nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế FIAP và Liên đoàn nhiếp ảnh Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức. Anh còn có nhiều tác phẩm ảnh về đề tài du lịch Quảng Bình được triển lãm, đoạt giải cao ở các cuộc thi trong nước, quốc tế… và ảnh báo chí được sử dụng ở các báo, tạp chí trong, ngoài tỉnh.
Tiếp bước thế hệ đi trước, NSNA Nguyễn Hải, gương mặt trẻ nhất trong Chi hội NSNA Việt Nam tỉnh Quảng Bình đã khẳng định được lối đi của mình trong lao động nghệ thuật. Ảnh của anh đầy màu sắc tươi mới, gợi cho người xem nhiều cảm xúc, được giới chuyên môn đánh giá cao về bố cục, góc chụp, màu sắc thể hiện… Điển hình là tác phẩm “Hoa miền cát” (ảnh bộ) đoạt huy chương bạc cuộc thi ảnh nghệ thuật về biển đảo quê hương. Anh chụp rất nhiều ảnh về biển ở các địa phương trên địa bàn tỉnh, trong đó tác phẩm “Đá Nhảy về đêm” tạo được nhiều ấn tượng về du lịch Quảng Bình tại một triển lãm ảnh quốc tế tổ chức ở Singapore.
Nhiếp ảnh là loại hình nghệ thuật có sức sức lan tỏa rất lớn, nhất là đối với việc quảng bá du lịch ở thời đại công nghệ số như hiện nay. Với sự đa dạng trong đề tài sáng tác, góc nhìn, cách thể hiện, các NSNA, nhà nhiếp ảnh đã cho ra đời nhiều tác phẩm ảnh về một Quảng Bình với thiên nhiên thơ mộng, giàu bản sắc văn hóa. |
Anh còn có rất nhiều ảnh về hang động và thiên nhiên, du lịch Quảng Bình, nổi bật là bộ ảnh “Khám phá hang Tiên” (giải nhất giải thưởng nhiếp ảnh Heritage-Hành trình di sản 2021). NSNA trẻ này còn thường xuyên cộng tác với tạp chí Heritage của VietNam Airlines, Báo Quảng Bình và các báo, tạp chí, đồng thời sử dụng mạng xã hội để quảng bá du lịch Quảng Bình đến với du khách trong nước, quốc tế.
Đam mê chỉ là điều kiện cần
Quảng Bình qua nhiều thế hệ cầm máy với các thời điểm khác nhau nhưng thiên nhiên, con người của mảnh đất này luôn là đề tài chưa bao giờ vơi cạn của các NSNA. Song để có được những bức ảnh “để đời”, ngoài sự đam mê, đòi hỏi mỗi NSNA phải có sự dấn thân vì nghệ thuật, phải vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đợi từng phút, canh từng giây mới có thể ghi lại những khoảnh khắc “đắt” nhất.
Chia sẻ với chúng tôi về những chuyến đi săn ảnh “nhớ đời”, NSNA Nguyễn Hải và Lê Đức Thành đều cho rằng để được bức ảnh đẹp, nhất là ảnh về hang động Quảng Bình, đòi hỏi người cầm máy không chỉ vững tay mà còn phải vững chí, quyết tâm cao mới có thể chụp được. Đơn cử như chuyến đi đến với một điểm du lịch mạo hiểm là hố sụt Kong được ví như “hố sụt tử thần” trong Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Không chỉ mang theo nhiều máy ảnh, các loại ống kính, máy phát điện…, các NSNA còn phải chuẩn bị tâm lý rất kỹ để băng rừng, leo núi, lội suối và đu dây khoảng 100m để vào lòng hố sụt Kong.
Trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, hồi hộp, lo âu, sợ hãi, rồi vỡ òa niềm vui khi được tác nghiệp trong một môi trường “độc” và “lạ” để có những bức ảnh ấn tượng nhằm quảng bá du lịch.
Trong một lần trò chuyện với chúng tôi, NSNA Hoàng An trải lòng: "Để có “một hình ảnh hơn ngàn câu chữ”, người chụp nhất định phải vượt qua nhiều rào cản từ khách quan, chủ quan để chuyên tâm vào công việc. Với tôi, mỗi lúc “khoác ba lô lên và đi” là tạm quên hết mọi việc liên quan đến cuộc sống riêng tư, chỉ tập trung cho tác phẩm. Có nhiều khi phải đi 5-6 lần với quãng đường trên 100km mới chụp được một tác phẩm ảnh ưng ý. Còn nhớ trong trận lũ lịch sử tháng 10/2020, cả huyện Lệ Thủy chìm trong biển nước, bản thân tôi vì muốn ghi lại hình ảnh con người chống chọi với thiên nhiên nên đã xin đi theo đoàn cứu nạn của lực lượng Công an. Chuyến đi hết sức vất vả, đối mặt với hiểm nguy ấy đã cho tôi nhiều bức ảnh sinh động gửi về Thủ đô Hà Nội để Thành đoàn Hà Nội chiếu trên màn hình lớn ở vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ (phố đi bộ quanh Hồ Gươm) nhằm kêu gọi cả nước hướng về miền Trung và được Truyền hình Nhân Dân trình chiếu. Bộ ảnh đó được trao giải nhì cuộc thi ảnh trên Truyền hình Nhân Dân tháng 11".