Bờ sông mãi nhớ
(QBĐT) - Mấy hôm nay, đơn vị trúng thầu xây dựng công viên Trương Pháp (TP. Đồng Hới), đoạn từ cầu Hải Thành ra cửa biển Nhật Lệ đang tiến hành giải phóng mặt bằng để khởi công công trình. Người ta phải đốn hạ vạt dương cổ thụ mấy chục năm tuổi nơi cửa biển, bứng đi hàng cây dọc bờ sông. Bình thường tôi không thích lắm hình dáng bị cắt tỉa cứng đơ của những cái cây ấy nhưng khi người ta chuyển đi hết lại thấy nhớ. Thế mới biết, câu “Gần nhau thì rất bình thường/ Xa nhau bỗng thấy tình thương dạt dào” thật đúng trong mọi mối quan hệ. Suốt tuần, người dân gần đó râm ran bàn tán về sự hiện hữu một công viên hiện đại trong nay mai. Sẽ tươi đẹp. Sẽ hoành tráng. Sẽ đông vui nhộn nhịp. Sẽ mở ra cơ hội cho các ngành nghề kinh doanh dịch vụ...
Nếu hỏi rằng ở TP. Đồng Hới con đường nào không có nhà số chẵn, thì trong đấy có đường Trương Pháp. Đoạn đường dọc bờ sông chuẩn bị xây công viên không dài, tính theo số nhà thì chỉ từ số 1 đến 115. Nhưng khoảng không gian nơi cuối sông đầu biển ngăn ngắn ấy lại in dấu đậm sâu nếp sống đặc trưng của một làng biển truyền thống giữa lòng thành phố. Tôi không phải típ người mang tư tưởng cổ hủ, lạc hậu, chỉ là tôi thích sống thuận tự nhiên với những mộc và đơn nên chắc là tôi sẽ rất nhớ đoạn bờ sông có phần hoang sơ mà giàu ký ức này.
Sau những ngày đông giá lạnh, mùa khuyếc biển sẽ bắt đầu. Khuyếc tràn vào tận sông, rộ đến độ chỉ cần ra khỏi bờ một quãng ngắn là đã xúc được rất nhiều. Thuyền đi vớt khuyếc của ngư dân Hải Thành, Bảo Ninh nhộn nhịp vào ra. Bờ sông rộn ràng, huyên náo, tất bật từ khi nắng lên đến xế chiều. Khoảng tháng ba trở đi, khi trời yên biển lặng sẽ đến mùa câu mực. Những chiếc thuyền câu thường ra khơi từ tầm 3 giờ chiều và trở về khoảng 5 giờ sáng hôm sau. Chỉ cần nghe tiếng máy nổ giòn vọng vào từ cửa biển là bờ sông bắt đầu nhốn nháo, râm ran. Người bán, kẻ mua và cả những người ra coi đang đợi sẵn.
Vui nhất luôn là các bà vợ. Chỉ cần thấy con thuyền của nhà mình vừa vào đến cửa sông là gương mặt họ giãn ra, tất cả bật dậy ngoắt lấy ngoắt để. Những thuyền vào muộn hơn làm mấy chị vợ đứng ngồi không yên. Chỉ cần đợi ông chồng vừa nhảy xuống thuyền là lao ra nạt nộ rất căng… nhưng đầy yêu thương trách móc. Anh chồng chỉ cười hiền, nói nhỏ: “Cái mụ ni nói chi oang óc rứa hè!”.
Nhiều hôm có chị ra bờ sông ngồi đợi chồng từ 3 giờ sáng. Hỏi biết giờ ấy chưa ai về sao vẫn ra ngồi đây? Trả lời vì không ngủ được. Mà không ngủ được thì lo, thì nghĩ. Là lo không biết ông ấy ra biển có an toàn. Là nghĩ không biết ông ấy câu được bao nhiêu mực. Dăm ba cân còn có chút tiền. Mực không ăn coi như lỗ dầu. Những người đàn bà có chồng đi biển luôn vậy, trăm đêm, nghìn đêm hay mấy nghìn đêm nữa, khi người chồng nổ máy ra khơi là lúc người vợ ngóng chờ và lo lắng. Biển giả, biển thật luôn khó lường!
Mực câu Nhật Lệ là đặc sản tươi ngon khó cưỡng, dù nhanh họp, nhanh tan, cái chợ mực cơ động bên bờ sông này lúc nào cũng đông khách. Giá cả tùy loại, rẻ đắt tùy ngày nhưng không bao giờ ế. Không kể đến những món ngon được chế biến cầu kỳ, bày biện trên các bàn tiệc sang trọng, còn có một món bình dân nhưng những ai đến Đồng Hới mà chưa được thưởng thức thì coi như chuyến đi chỉ còn một nửa, đó là mỳ tôm mực. Mực ăn mỳ không cần to, đâu đó chỉ dài hơn ngón tay cái một chút là đẹp.
Mỗi sáng tôi chỉ cần mua 5 chục nghìn thêm vài cọng quế hái trong vườn là đã có bữa sáng thơm ngon ngọt ngào. Quy trình đơn giản, hạn chế dầu mỡ. Nước phải thật sôi mới thả mực tươi chớp vào. Đợi khi nó căng tròn lên, chùm râu ngắn quăn đều hết ra ngoài như một bông hoa lạ sẽ cho tiếp mỳ tôm rau thơm. Ngon nhức răng, rẻ bất ngờ là đây chứ đâu!
Tôi yêu bờ sông, thân thuộc những con thuyền nhỏ, quen biết mấy chiếc chòi rớ và yêu thương rạn đá bám đầy hàu nổi chìm theo con nước. Tôi cũng gần gũi những con người hiền lành, chân chất sớm chiều mưu sinh ở đó. Mùa mực bán mực. Mùa cá bán cá. Mùa hàu cạy hàu. Ăn to, nói lớn thậm chí suồng sã, bổ bã nhưng thiệt bụng, thiệt dạ. Nhiều sáng, nhiều chiều, tôi lẩn thẩn mãi bên những hàng cá, hàng mực chớp nhoáng ấy cho đến khi vãn người. Hay vẩn vơ đứng đợi xem mấy bác trong làng quay rớ.
Thông thường, họ quay rớ hai lần trong ngày, sáng sớm và xế chiều. Khi chiếc cần quay trên chòi lạch tạch, lạch tạch cất rớ lên, mặt nước đang im lìm được khuấy động. Ban đầu chỉ là những xôn xao nhỏ, rớ càng lên cao tiếng cá quẫy càng mạnh. Cá tỏng trắng bạc. Cá mòi óng vàng. Cá hanh. Cá đối. Cá móm. Tất cả lấp lánh trong làn nước. Ngày nào tôi cũng thấy nhưng chưa bao giờ hết mê tơi. Gặp dịp để mua cá rớ là một may mắn. Nồi cá tươi kho xổi với ớt xanh và đĩa rau sống xanh mướt hay bát canh khế chua chua, thanh thanh, ngọt ngào, sống cùng người miền biển, tôi đã quen với những bữa ăn đơn giản nhưng tinh tế và thanh khiết như thế.
Mỗi sớm mai, khi sương chưa tan, khoác một chiếc áo mỏng bước ra bờ sông thật là tuyệt. Dưới ánh sáng mờ ảo của dãy đèn đường tắt muộn và ánh ngày đang lên, những hạt sương vờn bay theo gió, vướng vít, dùng dằng rồi la đà xuống sát mặt nước. Không quá mù ra mưa, chỉ vừa để cảm nhận được đất trời thanh khiết. Cũng không quá ướt át và lạnh lẽo, chỉ đủ để thấy không gian thật mát mẻ trong lành.
Ngày lại ngày. Tháng lại tháng. Năm lại năm. Bờ sông này đón đưa từng chuyến đi về của những con thuyền nhỏ. Mùa khuyếc áp lộng qua rồi đến mùa mực nổi. Mùa cá bè xước đi lại vào mùa cá dải áo sang… Mùa nào thức ấy. Bờ sông lóc cóc tiếng dao chặt cá, tiếng chào xáo nặng nhẹ của các bà, các chị là thấy bình yên. Điệp khúc mà không nhàm chán. Chỉ có thể ra bờ sông. Ăn mãi mà không ngán. Chỉ là hải sản Quảng Bình. Chắc bởi quá yêu nên tôi nghĩ vậy.
Trương Thu Hiền