Cuộc chạy đua giữa nhà văn và trí tuệ nhân tạo
(QBĐT) - Khi nhà văn tự đặt câu hỏi “vì sao phải viết?”, “viết để làm gì?”, “viết như thế nào?”,… tức là nhà văn đã ý thức được giá trị và tầm quan trọng của sự viết. Nếu không viết, nhà văn sẽ có cảm giác như đánh mất một cái gì đó mà cuộc sống dẫu đủ đầy, dư dả vẫn không bao giờ cảm nhận được. Vì thế, trước hết, viết để được là chính mình. Viết để thỏa mãn nhu cầu của bản thân. Viết là nơi nhà văn hiện hữu một cách tự do nhất, có quyền làm chủ không gian tâm hồn, mở rộng và thênh thang nó theo cách mình muốn. Tuy nhiên, khi trí tuệ nhân tạo-AI (Artificial Intelligence), như một làn sóng mới, đang âm thầm xâm nhập và tác động mạnh mẽ đến mọi khía cạnh của đời sống, thì sự viết của nhà văn cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng và hệ lụy.
Trong tương lai, gần nhất là năm 2024, nhiều người băn khoăn liệu AI có thể độc quyền, lấn lướt sáng tạo của nhà văn-những người có đời sống cảm xúc và thế giới nội tâm phong phú không? Bởi vì, với phiên bản hiện tại, AI có thể là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho nhà văn trong quá trình viết và phát triển tác phẩm. Nhà văn chỉ cần đưa cho AI một ý tưởng nào đó, lập tức AI xuất bản đề cương rất bài bản, hệ thống. Không chỉ vậy, AI còn giúp nhà văn phát triển ý tưởng, xây dựng cốt truyện, xây dựng tuyến nhân vật…
Trên cơ sở các ngữ đoạn mà nhà văn cần triển khai, mở rộng, AI đưa ra những ý tưởng hay, độc đáo, giúp nhà văn giảm tải áp lực về thời gian, áp lực công việc. Đặc biệt, chức năng kiểm tra lỗi chính tả, ngữ pháp, sửa câu của AI đã tạo điều kiện thuận lợi để nhà văn hoàn thiện tác phẩm của mình tốt hơn, nhanh hơn. AI cũng có thể tạo ra những hình ảnh, âm thanh sinh động, hấp dẫn cho tác phẩm của nhà văn, hỗ trợ nhà văn trong việc phân tích thị hiếu, xu hướng, giúp nhà văn sáng tác những tác phẩm phù hợp và thu hút nhiều đối tượng độc giả.
Trước nhịp sống hiện đại, nhiều bạn trẻ vẫn kiên định theo đuổi văn chương, bất chấp những khó khăn, thử thách. Họ thể hiện bản lĩnh, quyết tâm dấn thân bằng cách tiếp cận và xử lý tốt công nghệ, tạo ra nhiều tác phẩm có dấu ấn. Với sự tích hợp của AI, các bạn viết trẻ có thể khai thác sức mạnh của nó trong việc xử lý dữ liệu, đề xuất ý tưởng mới và thậm chí là đưa ra các gợi ý sáng tạo. Nhờ đó, tác phẩm của họ nhanh chóng được lan tỏa rộng rãi, đáp ứng nhu cầu, sở thích của độc giả, mở ra những cơ hội mới trên con đường văn chương, tạo cú hích cho môi trường sáng tạo đa dạng.
AI mang đến cho nhà văn nhiều điều thú vị, hấp dẫn, khiến họ có cảm giác như cả thế giới đang mở ra ngay trước mắt. Nhưng, thực ra, cái mà AI có được, thu về, chính là cái mà nhân loại đã cung cấp. Dựa trên kho tri thức khổng lồ của nhân loại, AI phân tích, xử lý và chiết xuất thành chuỗi dự liệu mới, đa dạng. Vì vậy, nói gì thì nói, AI vẫn phải dựa vào những dữ liệu có sẵn của nhân loại. Thứ nữa, AI không có cảm xúc nội tại, không trải qua những dư chấn trạng thái tâm lý nên không có được những trải nghiệm cảm xúc sâu sắc hiện lên đầy đủ trên mặt giấy như nhà văn.
AI mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng đồng thời đặt ra nhiều thách thức cho nhà văn. Là nhà văn, điều quan trọng là phải giữ được cái nhìn độc đáo và cá tính sáng tạo, không để AI thay thế hoàn toàn vai trò của nhà văn trong quá trình viết. Mặc dù việc sử dụng công nghệ có thể giúp nhà văn tạo ra văn bản nhanh chóng và hiệu quả hơn, nhưng nó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhà văn có thể trở nên ỷ lại vào AI, “lười” viết, đọc, đi, dẫn đến việc đánh mất tư duy sáng tạo, làm mất đi nét độc đáo, riêng biệt của từng tác phẩm. Cho nên, trong bất kỳ trường hợp nào, ba yếu tố: Viết, đọc, đi vẫn là nền tảng quan trọng để nhà văn nuôi dưỡng cảm hứng và làm dày sáng tạo.
Nhà văn cần thấy con đường văn chương là một hành trình gian truân, thử thách nhưng cũng đầy ắp niềm vui và hạnh phúc. Nhà văn phải chấp nhận con đường ấy như một cuộc đày ải, sống chết với con chữ. Cuộc chơi con chữ là một cuộc trở mình đầy giông bão, đòi hỏi nhà văn phải trải qua quá trình “lăn lộn”, “đánh vật” chính mình, sau đó mới có thể thể hiện cá tính sáng tạo của mình trên mỗi trang văn. Khi sự viết trở thành niềm đam mê, hứng thú đối với nhà văn thì đồng thời nó cũng mở ra hành trình sáng tạo vô tận. Lúc này, viết không còn là sở thích đơn thuần mà trở thành nhu cầu thôi thúc từ bên trong. Nhà văn càng ý thức về quá trình này thì càng dễ tiến nhanh đến thành công.
Đối mặt với sự trỗi dậy của AI, nhiều nhà văn thức thời, vượt qua mọi thách thức để tạo nên những tác phẩm phong phú, dày dặn. Nhưng, nhiều nhà văn có thể rơi vào tình trạng lệ thuộc quá nhiều vào công nghệ, trở thành nạn nhân, là công cụ của AI, dần dần đánh mất khả năng sáng tạo. Dù vậy, nhà văn không thể làm ngơ trước những tác động của nền công nghiệp 4.0, nơi mà AI đóng vai trò quan trọng.
Có một điều tất yếu, trong thời đại công nghệ số, nhà văn nào không biết tận dụng công nghệ sẽ bị tụt hậu. Nhà văn cần biết cách tận dụng hiệu quả và giá trị cốt lõi của nghệ thuật viết văn trong thời đại số, vì đây là chìa khóa để nhà văn không chỉ thu về khối kiến thức khổng lồ mà còn khơi dậy tiềm năng sáng tạo, bộc lộ dấu ấn cá nhân trong tác phẩm của mình.
Tương lai, AI có thể thay thế nhà văn hay không còn là câu hỏi bỏ ngỏ, chưa có đáp án. Nhưng trong cuộc đua này, nhà văn tinh nhạy, biết tận dụng những đổi mới của thời đại, sẽ không bao giờ để AI vượt qua, áp đảo. Trong thế giới của AI, có thể xem nhà văn, đặc biệt là các cây bút trẻ, như những chiến binh thầm lặng, mạnh mẽ, kiên trì, không ngừng học hỏi, mở rộng tầm nhìn, khám phá những chân trời mà AI chưa thể chạm tới.
Tuệ Minh