Mùa xuân về sớm với bản làng
(QBĐT) - Cách thị trấn Kiến Giang (Lệ Thủy) 58km, xã biên giới Lâm Thủy (Lệ Thủy) hiện lên như nốt chấm xanh giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Vào những ngày đầu xuân này, mỗi con suối, ngọn núi như ôm lấy bà con người Bru-Vân Kiều cùng câu hát: “Tiếng cồng chiêng trao lời yêu thương/Ta tìm nhau trong ché rượu/Tìm nhau trong chiếc áo chiều say/Chái nhà sàn in bóng lên vách núi”. Dường như, chưa bao giờ Lâm Thủy lại rực rỡ như thế này, những cô gái, chàng trai, các cô cậu học sinh cùng bà con xúng xính trong bộ trang phục của đồng bào mình. Vẻ đẹp đằm thắm, thướt tha nhưng không kém phần mạnh mẽ hiện lên thật ấn tượng, độc đáo.
Đưa trang phục Bru-Vân Kiều vào trường học
Với trăn trở, văn hóa đồng bào Bru-Vân Kiều đang dần bị mai một và có nguy cơ biến mất, Ban Giám hiệu Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học (PTDTBT TH) và THCS Lâm Thủy đã có nhiều cuộc họp bàn bạc với lãnh đạo UBND xã Lâm Thủy. Sau cuộc gặp mặt phụ huynh toàn trường, Ban Giám hiệu đã quyết định, tất cả học sinh sẽ có trang phục đồng bào Bru-Vân Kiều từ nguồn xã hội hóa.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, cho đến giữa tháng 9/2023, lần đầu tiên học sinh Trường PTDTBT TH và THCS Lâm Thủy đã có đồng phục là áo quần truyền thống của người Bru-Vân Kiều. Các thầy cô giáo có quyền tự hào về kết quả đạt được sau nhiều năm ấp ủ, xây dựng kế hoạch. Sự vất vả trong công tác vận động học sinh đến trường hầu như tan biến trên những khuôn mặt rạng ngời khi mọi người đã góp phần lấy lại “sắc màu” núi rừng cho đồng bào miền biên cương xa ngái.
“Trước khi đề xuất ý kiến với lãnh đạo xã Lâm Thủy cùng các già làng, trưởng bản, chúng tôi nhận thấy đa phần người trẻ ở các xã miền núi nơi có người Bru-Vân Kiều sinh sống rất ít khi mặc trang phục truyền thống của mình. Thực tế này đã đặt ra thách thức với vấn đề duy trì, lưu giữ bản sắc văn hóa cho đồng bào người Bru-Vân Kiều”, thầy giáo Trương Như Thuần, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Theo già làng Hồ Tình, bản Bạch Đàn (Lâm Thủy), trang phục của người Bru-Vân Kiều phản ánh đời sống tâm hồn, nhận thức về thế giới tự nhiên của tổ tiên, cha ông. Với tất cả người dân ở bản làng, chúng được coi như bảo vật, là biểu tượng văn hóa của người Bru-Vân Kiều. Không chỉ vậy, trang phục còn góp một phần nhỏ bé vào việc làm phong phú thêm nền văn hóa đa sắc tộc Việt Nam.
Trước đây, trang phục được coi là phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh và những ngày lễ hội: Mừng lúa mới, lễ đập chay…, gắn bó với vòng đời của mỗi người từ khi sinh ra và lớn lên. Dù già hay trẻ, trai hay gái, giàu hay nghèo hễ là người Bru-Vân Kiều đều coi trang phục là vật thiêng liêng, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Hiện tại, Trường PTDTBT TH và THCS Lâm Thủy quy định, vào ngày thứ 2 và thứ 4 hàng tuần, học sinh ở điểm trường trung tâm bản Xà Khía cùng các điểm lẻ (Eo Bù-Chút Mút, Bạch Đàn, Tân Ly) đều mặc đồng phục. Theo đó, giáo viên cũng có trang phục để hòa đồng cùng các em. Bức tranh đẹp đẽ này đã lan truyền rất nhanh đến phụ huynh học sinh và giới trẻ ở các bản làng. Từ đó, phụ huynh đến trường đón con đã mặc trang phục của đồng bào, tại các hội nghị, các cuộc họp ở xã, bà con đã vui mừng mặc bộ áo quần rực rỡ mang đậm bản sắc quê hương.
Trao đổi với chúng tôi, chị Hồ Xay, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lâm Thủy cho biết: “Tôi lớn lên trong trang phục của đồng bào mình nên những năm gần đây thấy nét văn hóa này bị mai một dần, tôi rất buồn. Cảm ơn các thầy cô giáo đã truyền lửa đến học trò. Đây là một trong những giải pháp hiệu quả để bảo tồn văn hóa. Từ học sinh, bố mẹ các em đã gom nhặt để mua xấn (váy) và áo. Bây giờ mỗi lần tổ chức lễ hội hoặc hội họp, bà con tự giác mặc trang phục truyền thống”.
Giữ gìn bản sắc văn hóa là công việc lâu dài
Theo ông Hoàng Kim, Bí thư Đảng ủy xã Lâm Thủy, sự khác biệt trong trang phục đàn ông ở đặc điểm chiếc khố. Khố của người Bru-Vân Kiều là có hai giải trước, sau thả dài quá đầu gối. Khố nam người Bru-Vân Kiều chỉ có 2 màu đỏ, đen là chủ đạo. Đây là điểm khác biệt với đồng bào các dân tộc thiểu số trên đất nước ta. Trước đây, đàn ông người Bru-Vân Kiều ở trần, đóng khố. Khố có màu đỏ nhạt và thường có 3 đến 5 sọc nhỏ màu đen chạy dọc. Ở các ngày lễ, Tết, cưới hỏi, hội làng…, đàn ông mặc thêm áo có màu sắc chủ đạo là đỏ và đen tương ứng với màu âm và dương. Phụ nữ người Bru-Vân Kiều sử dụng trang phục chủ yếu là váy, áo xẻ ngực, màu chàm cổ. Váy phụ nữ Bru-Vân Kiều cũng chỉ có 2 màu đỏ, đen.
Hiện tại, Trường PTDTBT TH và THCS Lâm Thủy đã có kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Bru-Vân Kiều ở địa bàn biên giới xã Lâm Thủy. Theo đó, UBND xã và các bản trên địa bàn đã khuyến khích người dân, cán bộ công chức, sử dụng trang phục truyền thống vào các kỳ hội họp và lễ hội. Đây là hoạt động vừa giữ gìn bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào, vừa là cách quảng bá, thu hút khách du lịch để trải nghiệm văn hóa đặc trưng của người Bru-Vân Kiều.
Theo ông Lê Đình Tới, nguyên Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Lệ Thủy, việc phục dựng và đưa trang phục truyền thống của đồng bào Bru-Vân Kiều vào trường học là một việc làm căn cơ, cốt lõi trong giai đoạn hiện nay nhằm nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống cho giới trẻ, nhất là các em học sinh.
Rồi đây, cùng với trang phục truyền thống, Trường PTDTBT TH và THCS Lâm Thủy sẽ phục dựng di sản cồng-chiêng dưới hình thức câu lạc bộ trong trường học. Thầy và trò sẽ mời các nghệ nhân hiếm hoi còn lại của núi rừng đến truyền nghề, biểu diễn. Và lúc đó, trong âm điệu tiếng cồng chiêng vang vang, những bộ trang phục nam-nữ người Bru-Vân Kiều sẽ xuất hiện lấp lánh. Hơn bao giờ hết, chúng tôi thầm nghĩ, mùa xuân sẽ về sớm với các bản làng xã Lâm Thủy.
Ngô Mậu Tình