Những chuyến du xuân

  • 07:15 | Thứ Hai, 29/01/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mùa xuân đến và luôn mang lại nhiều cảm xúc, năng lượng sáng tạo cho những người sáng tác văn học-nghệ thuật. Một ánh nắng hồng hay làn mưa xuân, một cành hoa, lộc biếc trên cành cũng trở thành “cái cớ” để người nghệ sĩ cảm tác để gửi gắm những tâm tư và hy vọng về cuộc sống.
 
Khi không khí mùa xuân đã tràn ngập, họa sĩ trên khắp ba miền đất nước tạm gác lại những câu chuyện riêng đang dang dở trên những “mặt toan” để hẹn hò nhau cùng lên đường đến với mọi nẻo đường Tổ quốc, rong ruổi cùng mùa xuân qua đường nét, màu sắc. Có lẽ, hầu như tất cả những người theo nghiệp vẽ đều thích thú khi đứng trước một vùng đất mới lạ. Những không gian, khung cảnh đẹp luôn mang đến những cảm hứng bất tận để người họa sĩ tung tẩy những vết cọ đong đầy sắc màu.
 
Phong trào vẽ trực tiếp ngoài trời bắt nguồn từ hội họa ấn tượng (tại Pháp-khoảng năm 1862), các nghệ sĩ trẻ mong muốn tạo sự thay đổi tươi mới, với tuyên ngôn khước từ những quy tắc thẩm mỹ đã xơ cứng được tạo ra trong không gian phòng vẽ. Họ đã mạnh dạn bước ra ánh sáng tràn ngập của thiên nhiên rực rỡ để bắt lấy những chuyển động của ánh sáng, màu sắc thiên nhiên và cuộc sống sinh động của con người vào các sáng tác mới của mình.
 
Hội họa hiện đại Việt Nam cơ bản ảnh hưởng trường phái ấn tượng (Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được thành lập năm 1925 do họa sĩ Victor Tardieu làm hiệu trưởng-một họa sĩ ấn tượng, cùng nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc người Pháp, Việt Nam giảng dạy), vì vậy, các họa sĩ thời Đông Dương và các thế hệ sau này vẫn tiếp tục khuynh hướng sáng tác đó. Nhiều tác phẩm tiêu biểu của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam được ra đời trên hành trình đi vẽ trực tiếp trước cuộc sống, thiên nhiên, lao động sản xuất, chiến đấu... Thuật ngữ “trực họa” (vẽ trực tiếp ngoài trời) trở thành thông dụng và trở thành phương thức thực hành mỹ thuật phát triển rộng rãi trong giới mỹ thuật cho đến ngày nay.
 
Nhiều năm trở lại đây, khi đời sống mỹ thuật trở nên khá sôi động, phong trào họa sĩ mang giá vẽ lên đường đến với vùng cao, biển đảo hay xuống phố phường rất phổ biến trên cả nước, đặc biệt vào thời gian trước và sau Tết Nguyên đán. Tại Thủ đô Hà Nội có nhiều nhóm, như: Hiện thực, Đa diện, Sơn Tây… xuống đường vẽ về phố, làng cổ. Khi hoa đào bắt đầu khoe sắc, nhiều họa sĩ ở phía Bắc thường đến với những vùng cao, bản làng xa xôi để vẽ về sắc hồng hoa đào, vàng hoa cải hay chân dung của những em bé má đỏ hây hây trong cái lạnh của tiết trời xuân vùng Tây Bắc…, như họa sĩ: Bùi Văn Tuất, Lê Thế Anh, Đặng Hiệp...
 
Hoạ sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn (giảng viên Trường đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội) là người yêu thích trải nghiệm, những chuyến đi khắp đất nước của anh đã tạo nên hai triển lãm cá nhân “Dọc đường” về các tác phẩm vẽ trực tiếp tại những vùng đất anh đi qua, trong đó có tác phẩm “Cửa Đông-Đồng Hới-Quảng Bình” được vẽ tại TP. Đồng Hới. Liên tiếp nhiều năm, cứ đến dịp xuân anh lại lên đường vào Huế, Hội An để sáng tác và triển lãm.
Nhóm họa sĩ phía Bắc trực họa tại Mèo Vạc, Hà Giang những ngày giáp Tết gây quỹ ủng hộ các điểm trường vùng cao.
Nhóm họa sĩ phía Bắc "trực họa" tại Mèo Vạc, Hà Giang những ngày giáp Tết gây quỹ ủng hộ các điểm trường vùng cao.
Qua các tác phẩm của anh, thấy được cảnh sắc mùa xuân rực rỡ, nồng nàn trên bảng màu ấm áp, rực rỡ. Ở miền Trung, tại TP. Huế có các nhóm họa sĩ vẽ về các di sản, phong cảnh Huế…, như: Phan Quang Tân, Đặng Thị Thu An, Nguyễn Trung Kiên, Lê Hữu Long, Trần Hữu Nhật… Tranh phong cảnh vẽ trực tiếp của các họa sĩ Huế khoáng đạt, mang nhiều hoài niệm về một thời xa vắng của đất kinh đô xưa. 
 
TP. Hồ Chí Minh có các họa sĩ cùng thực hiện những hành trình vẽ xuyên Việt, tiêu biểu có họa sĩ: Hồ Hưng, Trần Thế Vĩnh. Những tỉnh, thành phố khác đều có các câu lạc bộ họa sĩ trẻ hoạt động sôi nổi, như: Thái Bình, Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Thanh Hóa, Hải Phòng, Cần Thơ…, thường xuyên tổ chức các chuyến thực tế sáng tác trong và ngoài tỉnh, thành phố. Tác phẩm trong những lần lên đường vẽ như vậy thường được tổ chức các triển lãm nhóm hay cá nhân… tạo nên sự sinh động trong đời sống mỹ thuật hiện nay.
 
Điểm chung của phong trào rộng khắp này đều là các họa sĩ trẻ, nhiều năng lượng và có tư duy cởi mở trong việc tiếp cận các khuynh hướng đương đại. Họ thực hiện những chuyến đi để trải nghiệm, bồi đắp cảm xúc cũng như giao lưu, kết nối với các nghệ sĩ tại các miền đất đi qua. Từ đó hình thành nên những nhóm họa sĩ ở nhiều tỉnh, thành phố thực hiện chung các dự án, triển lãm nghệ thuật, có thể kể đến như nhóm: Kết nối, Hành trình, Anh em ba miền,…
 
Ở Quảng Bình, dù phong trào mỹ thuật chưa thực sự phát triển, tuy nhiên một số họa sĩ trẻ cũng đã bắt nhịp với đời sống mỹ thuật chung. Các tác giả trẻ trong Ban sáng trẻ Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh đã tổ chức các chuyến vẽ trực tiếp ngoài thiên nhiên mỗi dịp chào đón năm mới. Những góc cảnh thân quen của cánh đồng lúa, hoa xoan tháng giêng, mai vàng và nếp nhà xưa, đào hồng trên phố cùng những sinh hoạt đời sống được các họa sĩ mang vào trong tranh của mình đầy sinh động.
 
Những tác phẩm thực hiện trong những “chuyến đi” như thế của họa sĩ trẻ Quảng Bình cũng đã tham gia các hoạt động, triển lãm mỹ thuật tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, như: Triển lãm chào năm mới hàng năm tại TP. Huế, “Kết nối” tại Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, “Non nước xứ Thanh” tại Thanh Hóa… Dù số lượng tác phẩm còn khiêm tốn và chỉ tập trung ở một số ít tác giả, tuy nhiên đây cũng là tín hiệu tích cực trong nỗ lực tiếp cận với mỹ thuật cả nước trong thời gian qua. Mong muốn chung của giới mỹ thuật Quảng Bình là ngày càng tạo được nhiều hoạt động nghệ thuật trên quê hương, như: Trưng bày, triển lãm, đặc biệt là về các tác phẩm trực họa nhằm tạo sự tương tác giữa họa sĩ, tác phẩm và công chúng.
 
Vẽ du xuân nói riêng, hay trực họa nói chung thường có nội dung, đề tài đơn giản, tốc độ vẽ nhanh, bút pháp khoáng đạt để lưu giữ cảm xúc trước ánh sáng, màu sắc thiên nhiên và sự xao động của cuộc sống. Khi thực hiện, không nhất thiết phải vẽ thật giống, sao chép những gì thấy trước mắt, mà tùy theo cách nhìn và ngôn ngữ tạo hình riêng của mỗi nghệ sĩ, từ đó, họ có thể lược bỏ hay thêm vào các chi tiết, hình tượng tạo nên một tác phẩm có phong cách riêng. Bên cạnh thực hiện những tác phẩm hoàn chỉnh, trong các dịp như vậy, họa sĩ thường ký họa nhanh để tạo nguồn tư liệu cho hoạt động sáng tác lâu dài.
 
Mỗi họa sĩ đều có những đề tài sáng tác với ngôn ngữ biểu đạt, phương thức biểu đạt riêng trên hành trình sáng tạo nghệ thuật của mình. Họ không ngừng tìm đến thiên nhiên và sự sinh động của cuộc sống để bồi đắp cảm xúc và tư liệu cho hành trình sáng tạo riêng ấy. Và mùa xuân là cuộc hẹn lý tưởng để họ lên đường khởi đầu hành trình tìm kiếm cái đẹp cho một năm sáng tạo.
         Nguyễn Lương Sáng

tin liên quan

Như một sự tri ân

(QBĐT) - Quảng Bình vùng đất "Gió Lào cát trắng", điều kiện khí hậu khắc nghiệt nhưng được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều danh lam, thắng cảnh, là xứ sở của những hang động đẹp nổi tiếng trên bản đồ du lịch trong nước, quốc tế. 

Bờ sông mãi nhớ

(QBĐT) - Nếu hỏi rằng ở TP. Đồng Hới con đường nào không có nhà số chẵn, thì trong đấy có đường Trương Pháp. 

Ký ức mùa xuân

(QBĐT) - Tháng giêng về mang theo chút nắng mỏng manh. Ánh nắng cựa quậy, nghiêng chao trong hơi thở của gió.