Để rừng thật sự là "vàng" - Bài 2: Trên hành trình mới

  • 07:05 | Thứ Năm, 11/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những kết quả tích cực sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 13 của Ban Bí thư về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (QL,BV và PTR) là tiền đề quan trọng để Quảng Bình tiếp tục sử dụng tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp hiệu quả. Trước nhiều cơ hội và thách thức, tỉnh đã và đang đề ra các nhiệm vụ giải pháp phù hợp trong giai đoạn mới, để rừng thật sự là “vàng”! 
 
Chủ động dự báo
 
Bên cạnh phát huy những kết quả tích cực từ việc thực hiện Chỉ thị13 của Ban Bí thư, với tinh thần không chủ quan, Quảng Bình đã dự báo bối cảnh tình hình mới để từ đó tiếp tục đề ra các quyết sách phù hợp.
 
Những năm gần đây, biến đổi khí hậu tác động lớn đến tình hình thời tiết, nắng nóng gắt, khô hạn kéo dài là nguy cơ dẫn đến cháy rừng với những hậu quả nặng nề. Bên cạnh đó, đời sống của một bộ phận người dân gần rừng còn nhiều khó khăn nên tình trạng khai thác lâm sản trái phép vẫn còn xảy ra. Nhu cầu sử dụng đất lâm nghiệp, sử dụng gỗ ngày càng tăng, đặc biệt trong bối cảnh đóng cửa rừng đã gây áp lực lớn lên rừng tự nhiên.
 
Lực lượng bảo vệ rừng còn mỏng, các chính sách, chế độ đãi ngộ còn hạn chế; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ công tác QL,BV và PTR còn thiếu, xuống cấp, lạc hậu… cũng là những rào cản lớn trong thời gian tới. 
Lực lượng chức năng kiểm tra thực địa rừng
Lực lượng chức năng kiểm tra thực địa rừng
Trong giai đoạn mới, công tác QL,BV và PTR bền vững đòi hỏi phải hoàn thành các mục tiêu lớn như cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050; phát triển thị trường tín chỉ các bon; đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ mới trong QL,BV và PTR trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 và chuyển đổi số; bảo đảm an sinh, tạo việc làm bền vững cho người dân khu vực có rừng… Đây là những bài toán khó đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với sự đồng bộ, quyết tâm lớn, tinh thần trách nhiệm cao.
 
Bên cạnh những khó khăn, thách thức đó, giai đoạn mới cũng mở ra cho Quảng Bình nhiều cơ hội. Đó là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhu cầu của các doanh nghiệp về sử dụng nguồn gỗ lớn có nguồn gốc hợp pháp, gỗ có chứng chỉ rừng để chế biến lâm sản tăng đột biến. Với những tiềm năng thế mạnh sẵn có và hướng đi đúng, người trồng rừng Quảng Bình đã từng bước thay đổi tư duy sản xuất, tập trung vào những sản phẩm thị trường có nhu cầu cao, mở ra những cơ hội lớn, đặc biệt là cơ hội đầu tư phát triển rừng trồng của các thành phần kinh tế.
 
Vững tin no ấm nhờ rừng
 
Chỉ thị 13 của Ban Bí thư đã đi vào cuộc sống một cách thiết thực bởi những tác động tích cực của nó gắn chặt với sự phát triển của rừng Quảng Bình cũng như doanh thu, lợi ích và đời sống của tổ chức, cá nhân tham gia trồng và BV, PTR. Trên cơ sở những kết quả đạt được, các dự báo về nguy cơ, khó khăn và thuận lợi trong giai đoạn mới, Quảng Bình đang và sẽ tiếp tục kiên định hướng đi bền vững. 
Dự án
Năm 2023, nghị định mới về chính sách đầu tư BV và PTR, chế biến và thương mại lâm sản trong lâm nghiệp đang được trình Chính phủ kỳ vọng sẽ giải quyết được những bất cập của nghị định cũ, nhất là các chính sách hỗ trợ chủ rừng. Cùng với việc thực hiện hiệu quả những chính sách về QL,BV và PTR, công tác tuyền, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là vai trò người đứng đầu luôn được chú trọng.
 
Trồng rừng gỗ lớn theo tiêu chuẩn FSC là một trong những hướng đi chủ lực trong những năm tới. Không chỉ bảo đảm môi trường sinh thái, sản xuất gỗ “sạch” FSC sẽ là tấm vé thông hành quan trọng để gỗ rừng trồng Quảng Bình từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước. Dự kiến đến năm 2025, tỉnh sẽ có khoảng 7.000ha rừng được cấp chứng chỉ FSC.
 
Bên cạnh đó là trồng xen các loại cây ngắn hạn, có giá trị kinh tế cao nhằm “lấy ngắn nuôi dài”. Năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ 5 mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng. Hiện, các mô hình đang phát triển và được theo dõi, chăm sóc hiệu quả. Năm 2023, sở tiếp tục đầu tư trồng nấm linh chi dưới tán rừng keo tại khu vực rừng Động Châu-Khe Nước Trong thuộc huyện Lệ Thủy.
 
Tại danh mục các dự án tiềm năng để thu hút đầu tư do UBND tỉnh ban hành, phát triển cây dược liệu là 1 trong 6 nhóm dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao được kêu gọi đầu tư. Đây là tiền đề thuận lợi để cây dược liệu phát triển, trong đó có dược liệu dưới tán rừng.
 
Nhiều hộ trồng rừng cũng chủ động trong đầu tư, sản xuất. Trồng sim, các loại dược liệu, trồng trám để khai thác nhựa, quả… đã góp phần giúp bà con nâng cao thu nhập, thực hiện đúng phương châm “nuôi rừng để rừng nuôi”. Nhiều hộ dân đã được đầu tư “tiếp sức” để rừng ngày càng xanh tốt và mang lại lợi ích bền vững.
 
Khai thác dịch vụ môi trường rừng, trong đó có du lịch sinh thái dưới tán rừng đang từng bước khẳng định hiệu quả về nhiều mặt. Tại nhiều địa phương có rừng, các mô hình du lịch đang phát triển mạnh, vừa khai thác được giá trị của rừng, vừa mang lại thu nhập ổn định, nâng cao đời sống cho người dân.
Người dân xã Kim Thủy được tập huấn nghiệp vụ du lịch cộng đồng
Người dân xã Kim Thủy được tập huấn nghiệp vụ du lịch cộng đồng
Mới đây nhất, tại Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong, tỉnh đã cấp phép cho doanh nghiệp thí điểm mô hình du lịch sinh thái dưới tán rừng có sự tham gia của cộng đồng người dân trong khu vực. Sau gần hai năm triển khai, mô hình thí điểm đã khẳng định được “mục tiêu kép” là phát huy, quảng bá được những giá trị to lớn của rừng Quảng Bình nói chung, Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong nói riêng và từng bước nâng cao đời sống người dân trong khu vực thông qua việc xây dựng chuỗi du lịch có sự tham gia của đồng bào trong từng mắt xích.
 
Đặc biệt, phát triển tín chỉ các bon là hướng đi lâu dài, bền vững nhằm hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 theo cam kết của nước ta tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Là địa phương có độ che phủ rừng đứng thứ hai toàn quốc, đây chính là cơ hội lớn cho Quảng Bình, nhất là khi tỉnh được tham gia thực hiện thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải nhà kính với kinh phí dự kiến từ năm 2023-2025 là trên 12 triệu USD.
 
Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, những tồn tại cần tháo gỡ, nhưng với hướng đi đúng, quyết tâm cao, nhiều thuận lợi cơ bản, đặc biệt là sự đổi thay tích cực trong tư duy của người trồng rừng, trên hành trình mới, Quảng Bình tự tin hướng tới những mục tiêu lớn, phù hợp với thực tiễn địa phương và định hướng của đất nước.
 
Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 13 của khu vực Bắc Trung bộ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh,Ban Tổ chức hội nghị sẽ tổng hợp, chắt lọc, rà soát, tiếp thu tối đa những nội dung để đề xuất với Trung ương xem xét ban hành những văn bản ở tầm cao hơn về công tác QL,BV và PTR đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm góp phần phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực Bắc Trung bộ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
 
 Ngọc Mai
 
Để rừng thật sự là "vàng" - Bài 1

tin liên quan

Để rừng thật sự là "vàng"

(QBĐT) - Với Quảng Bình, sau hành trình 5 năm bền bỉ, đã có những con số biết nói, những sự kiện vui và kỳ vọng mới, từ rừng!

Tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025

(QBĐT) - Ngày 8/5, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 847/KH-UBND về thực hiện Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

TX. Ba Đồn: Sản lượng lúa đông xuân ước đạt hơn 15.000 tấn

(QBĐT) - Để đề phòng diễn biến bất lợi của thời tiết, TX. Ba Đồn đang tích cực chỉ đạo các địa phương và bà con nông dân chủ động thu hoạch lúa vụ đông xuân 2022-2023 theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng".