Gìn giữ nghề nón lá truyền thống

  • 06:32 | Thứ Sáu, 05/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trải qua bao thăng trầm của thời gian, dù nhiều ngành nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị mai một nhưng nghề làm nón lá ở TX. Ba Đồn vẫn được duy trì và phát triển, mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
 
Đến xã Quảng Hải (TX. Ba Đồn) không khó để bắt gặp hình ảnh trong nhà, ngoài sân, các chị, các cô và cả các em nhỏ đang thoăn thoắt làm nón lá. Người rập nón, người làm vành, người chằm lá, tiếng nói cười rộn rã làng trên, xóm dưới.
 
Làng nghề nón lá Vân Lôi, xã Quảng Hải là một trong 4 làng nghề nón lá truyền thống có lịch sử lâu đời nhất trên địa bàn TX. Ba Đồn. Từ bao đời nay, người dân nơi đây vẫn luôn giữ nghề làm nón lá thủ công, vừa để kiếm thêm thu nhập trong lúc nông nhàn, vừa nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống mà người xưa để lại.
 
Bà Cao Thị Nga, thôn Vân Trung, xã Quảng Hải-người gắn bó với nghề làm nón gần 40 năm-chia sẻ, lên 10 tuổi bà đã được học làm nón, nghề này đòi hỏi khéo tay, tỉ mỉ. Sau khi hoàn thành công việc đồng áng, người dân sẽ tranh thủ thời gian nông nhàn để làm nón. Thường những hộ gia đình gần nhau sẽ tập trung lại một địa điểm để vừa làm, vừa trò chuyện. Làm nón vừa có thêm thu nhập, lại tạo được sự đoàn kết, tình làng nghĩa xóm.
 
Cũng theo bà Nga, mới nhìn qua, việc sản xuất một chiếc nón lá tưởng chừng đơn giản. Tuy nhiên, để làm được một chiếc nón đẹp, bền, đòi hỏi sự khéo tay, đam mê của những người làm nón. Quan trọng nhất vẫn là công đoạn chọn nguyên liệu. Để nón đẹp thì loại lá được chọn phải có độ xanh vừa, không quá non, không quá già. Những công đoạn gia công nón, làm khung, đến đường kim may cũng phải được thực hiện cẩn thận và kỳ công.
Nghề nón lá mang lại thu nhập ổn định cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn TX. Ba Đồn.
Nghề nón lá mang lại thu nhập ổn định cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn TX. Ba Đồn.
Theo thống kê, toàn xã Quảng Hải hiện có gần 500 hộ gia đình với hơn 1.200 lao động làm nón lá. Với giá bán hiện nay 1 chiếc nón loại tốt khoảng 50.000-60.000 đồng, loại trung bình từ 30.000-40.000 đồng, mỗi năm toàn xã thu khoảng 6 tỷ đồng. Đây là nguồn thu nhập giúp nhiều hộ dân của xã vươn lên thoát nghèo. Không chỉ giữ gìn nghề nón lá, xã Quảng Hải đã xây dựng được thương hiệu riêng cho sản phẩm, được UBND thị xã công nhận là sản phẩm 3 sao cấp huyện và đang tiến tới xây dựng sản phẩm 3 sao cấp tỉnh.
 
Bên cạnh làng nghề nón lá truyền thống Vân Lôi, xã Quảng Hải, TX. Ba Đồn còn có các làng nghề nón lá truyền thống: Hạ Thôn (xã Quảng Tân), Thổ Ngọa (phường Quảng Thuận), La Hà (xã Quảng Văn).
 
Cũng như người dân xã Quảng Hải, là một làng quê thuần nông, người dân xã Quảng Tân vẫn giữ gìn và phát triển nghề truyền thống của địa phương. Bởi nghề này đã tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động, đặc biệt là phụ nữ, vừa lo việc đồng áng, quán xuyến tốt việc nhà, lại có nguồn thu nhập hàng ngày.Trong khoảng sân nhỏ của mình, mặc dù tay không thoăn thoắt nhanh nhẹn do tuổi đã cao, nhưng bà Nguyễn Thị Tâm (67 tuổi) vẫn đang chỉ dạy đứa cháu của mình thực hiện các công đoạn của việc làm nón lá.
 
Bà Tâm cho hay, tôi sợ sau này người ta sẽ quên dần cái nghề truyền thống của ông bà xưa để lại nên hàng ngày vẫn dặn con cháu, nếu có thời gian rảnh thì học cách làm nón, không chỉ có thêm thu nhập mà còn giữ được cái nghề truyền thống của làng. Để tạo ra nhiều sản phẩm nón lá đẹp mắt, thu hút được nhiều du khách mua làm quà tặng, những người làm nón lá ở TX. Ba Đồn đã học thêm công đoạn thêu ren trên nón. Với những cuộn len đủ màu sắc, các bà, các chị đã tạo nên những mẫu hoa văn ấn tượng được thêu thủ công bằng tay lên mặt nón. Nhờ sự đổi mới, sáng tạo đó mà giá mỗi chiếc nón cũng cao hơn, người mua hàng cũng đặt ngày càng nhiều hơn.
 
Chủ tịch UBND TX. Ba Đồn Đoàn Minh Thọ cho biết, việc duy trì, gìn giữ các làng nghề không chỉ góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho lao động nông thôn mà còn góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của từng địa phương. Để nghề làm nón lá phát triển bền vững, sản phẩm có cơ hội tiếp cận những thị trường tiềm năng mới, UBND thị xã đã và đang có những chính sách khuyến khích người dân giữ gìn nghề truyền thống, nhất là nghề làm nón lá, đẩy mạnh việc quảng bá thương hiệu nón lá của địa phương, tìm đầu ra ổn định, mở các lớp dạy nghề để thu hút nhiều người dân tham gia sản xuất.
 
X.Phú

tin liên quan

Xây dựng Quảng Bình trở thành nền kinh tế năng động của miền Trung

(QBĐT) - Đó là mục tiêu giai đoạn 2021-2030 của tỉnh Quảng Bình vừa được Chính phủ phê duyệt tại Quy hoạch tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch). Cùng với các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn tạo đột phá phát triển, Quy hoạch đã xác định những giải pháp và nguồn lực thực hiện, danh mục các dự án lớn và thứ tự ưu tiên… Việc Quy hoạch được thông qua là tiền đề, cơ sở quan trọng để Quảng Bình vững tin trên lộ trình mới.

Mở hướng kinh tế với mô hình nuôi hươu lấy nhung

(QBĐT) - Sau một thời gian nghiên cứu, học hỏi, ông Bùi Thái Dương, xã Quảng Hợp (Quảng Trạch) đã quyết định phát triển mô hình nuôi hươu lấy nhung. Đây là mô hình kinh tế còn mới lạ với người dân trong vùng, cho hiệu quả bước đầu và mở ra hướng phát triển nông nghiệp mới cho người dân địa phương.

Đa dạng sản phẩm phiên chợ quê

(QBĐT) - Sáng 28/4, tại thị trấn Phong Nha, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bố Trạch tổ chức khai mạc phiên chợ quê.