Nuôi trồng thủy sản trên biển: Cơ hội và thách thức

  • 06:53 | Thứ Năm, 27/04/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Là địa phương có vịnh Hòn La, có Đảo Yến, diện tích mặt nước rộng, nước biển êm, thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản trên biển (nuôi biển), những năm gần đây, người dân xã Quảng Đông (Quảng Trạch) đang tập trung phát triển các mô hình nuôi cá bớp, cá mú và các loài nhuyễn thể có giá trị kinh tế cao. Qua đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho cư dân ven biển, giảm áp lực khai thác nguồn lợi thủy sản ven bờ, bảo vệ môi trường sinh thái.
 
Đa dạng các loài nuôi biển
 
Nghề nuôi biển ở Quảng Đông được người dân nuôi tự phát từ năm 2017 với đối tượng nuôi đầu tiên là cá bớp.
 
Anh Tưởng Văn Diện, thôn Vịnh Sơn, người tiên phong nuôi cá bớp tại xã Quảng Đông cho biết: Trước đây, khi còn là thanh niên, anh đã vào TP. Nha Trang (Khánh Hòa) để phụ nuôi cá bớp cho một người quen thân. Sau nhiều năm phụ giúp, anh Diện đã thành thạo với nghề và quyết định về vùng biển Quảng Đông để nuôi thử nghiệm. Ban đầu, do vốn ít nên anh đã nuôi thử một lồng với khoảng 500 con giống.
 
Thời gian nuôi thử nghiệm, anh nhận thấy cá sinh trưởng và phát triển tốt ở vùng biển Quảng Đông, tỷ lệ sống đạt 90%. Sau 7 tháng nuôi, cá có thể đạt trọng lượng từ 4-6kg/con; với giá bán 250 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí cũng đã thu về cho gia đình anh hơn một trăm triệu đồng tiền lãi.
 
Mô hình nuôi cá bớp trên biển đem lại hiệu quả kinh tế cao ở Quảng Đông.
Mô hình nuôi cá bớp trên biển đem lại hiệu quả kinh tế cao ở Quảng Đông.
Sau 3 năm triển khai, nhận thấy mô hình nuôi cá bớp hiệu quả, thị trường tiêu thụ ổn định, cho thu nhập cao nên nhiều hộ dân tại địa phương cũng đã mạnh dạn đầu tư thực hiện mô hình. Hiện, toàn xã có khoảng 10 hộ liên kết nuôi cá bớp trên biển với gần 15 lồng nuôi, mỗi lồng khoảng 500 con. Theo những hộ nuôi thì cá bớp có thể nuôi được quanh năm, kỹ thuật đơn giản, ít bị bệnh. Thức ăn của cá bớp là những loại cá tạp, giá rẻ và rất dồi dào trên vùng biển Quảng Bình nên lợi nhuận thu được từ cá bớp cao hơn các loài nuôi khác.
 
Đặc biệt, năm 2022, Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai hỗ trợ sau đầu tư mô hình nuôi cá biển bằng lồng nhựa HDPE. Qua đó đã giải quyết được nhiều vấn đề người nuôi trồng thủy sản trên biển gặp phải như tỷ lệ sống và khả năng chống chịu với gió bão cao hơn lồng nuôi truyền thống.
 
Bên cạnh mô hình nuôi cá bớp, mô hình nuôi nhuyễn thể (đối tượng chính là ốc hương và sò lụa) trên biển cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo nhiều việc làm cho lao động ở địa phương. Trong đó, mô hình nuôi sò lụa đang được người dân địa phương áp dụng với diện tích nuôi trồng hơn 10ha.
Người dân khai thác sò lụa đầu mùa để tiêu thụ.
Người dân khai thác sò lụa đầu mùa để tiêu thụ.
Sò lụa được người dân xã Quảng Đông nuôi thử nghiệm từ năm 2021, giống được mua của ngư dân khai thác từ biển về sau đó khoanh vùng, thả xuống biển để sò lớn, sinh sôi, nảy nở và thu hoạch. Từ tháng 3 âm lịch, người dân bắt đầu thả giống và sau 1 năm thì cho thu hoạch.
 
Anh Cao Minh Thái, thôn 19/5 cho biết: Thấy mô hình nuôi sò lụa cho hiệu quả kinh tế cao nên năm 2022, anh đã liên kết với một số hộ dân khác mạnh dạn mua 10 tấn sò giống với trọng lượng 400 con/kg để thả nuôi trên diện tích khoảng 2ha. Sau 1 năm thả nuôi đến nay sò đã lớn, có trọng lượng khoảng 150 con/kg, tỷ lệ sống khoảng 75%. Sò lụa được nhập bán chủ yếu tại thị trường Trung Quốc với giá dao động từ 65-90 nghìn đồng/kg, nếu thuận lợi thì mỗi gia đình cũng có hơn trăm triệu đồng.
 
Ngoài ra, mô hình ốc hương cũng được người dân địa phương nuôi thử nghiệm và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình được Chi cục Thủy sản hỗ trợ cho 5 hộ dân nuôi thử nghiệm bằng hình thức vây lưới với diện tích 9.000m2 trên vùng biển ven bờ. Sau thời gian thử nghiệm, ốc hương sinh trưởng và phát triển tốt, cho lợi nhuận tương đối cao. Tuy nhiên, năm 2022, thị trường Trung Quốc tiêu thụ kém, nguồn giống không chất lượng nên ốc hương bị chết nhiều, hiện một số hộ dân đang ngừng nuôi để chờ nguồn giống chất lượng.
 
Vẫn còn lắm khó khăn
Hệ thống lồng bè nuôi cá bớp ở xã Quảng Đông (Quảng Trạch) còn thô sơ, chưa đáp ứng được yêu cầu chống chịu với bão, lũ.
Hệ thống lồng bè nuôi cá bớp ở xã Quảng Đông (Quảng Trạch) còn thô sơ, chưa đáp ứng được yêu cầu chống chịu với bão, lũ.
Nuôi biển đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân cũng như tái tạo nguồn lợi thủy sản ven bờ. Tuy nhiên, nghề nuôi biển tại xã Quảng Đông hiện vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và rất cần những giải pháp đồng bộ để phát triển ổn định, an toàn, bền vững và hiệu quả. 
 
Trong đó, khó khăn lớn nhất khiến người nuôi biển lo lắng là tình trạng biến đổi khí hậu gây thiên tai, mưa bão và nước biển dâng đang ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường; kèm theo đó là dịch bệnh gây hại, ảnh hưởng lớn đến năng suất của vụ nuôi, thậm chí gây chết trắng các loài vật nuôi mà người dân không thể lường trước được. Cùng với đó là tình trạng xả thải, xả rác ra biển gây ô nhiễm môi trường sống của hải sản, chất lượng hải sản chưa được kiểm soát; thiếu máy móc và công cụ kiểm tra chất lượng nước khu vực nuôi...
Bến đỗ âu, thuyền chưa có nên ngư dân rất khó khăn trong việc vận chuyển thức ăn và sản phẩm lên bờ để tiêu thụ
Bến đỗ âu, thuyền chưa có nên ngư dân rất khó khăn trong việc vận chuyển thức ăn và sản phẩm lên bờ để tiêu thụ
Đối với mô hình nuôi cá bớp, hiện nay phần lớn các hộ dân ở Quảng Đông đều nuôi bằng lồng bè thủ công, chưa đáp ứng được yêu cầu chống chịu với bão lũ; trong khi đó việc chuyển đổi đầu tư hệ thống lồng bè hiện đại, hệ thống nuôi bằng vật liệu HDPE chịu được sóng, gió đòi hỏi vốn đầu tư lớn, người dân không đủ điều kiện thực hiện. Hiện, địa phương mới có 2 lồng nuôi bằng vật liệu HDPE do Chi cục Thủy sản hỗ trợ.
 
Để phát triển nghề nuôi biển ở Quảng Đông, năm 2023 Chi cục Thủy sản sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá bớp và nhuyễn thể cho người dân, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết khó khăn, vướng mắc nhằm khuyến khích người dân tiếp tục nhân rộng và phát triển nuôi biển bởi đây là mô hình có hiệu quả kinh tế cao.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng để vận chuyển thức ăn cũng như sản phẩm vào bờ tiêu thụ chưa có nên rất khó khăn đối với người nuôi biển.
 
Theo ghi nhận của phóng viên, mỗi lần đưa thức ăn xuống cho cá, người dân bốc lên thuyền thúng chèo ra khoảng 100m rồi bốc tiếp lên ca nô mới ra được lồng bè. Điều này không chỉ tốn công sức mà còn nguy hiểm bởi mỗi lần biển động, sóng lớn, thuyền thúng chở thức ăn, sản phẩm bị lật úp là chuyện "bình thường" của người nuôi biển nơi đây.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Đông Nguyễn Hải Hằng cho biết: Để phát triển bền vững nghề nuôi biển ở Quảng Đông, chính quyền địa phương cũng như người dân mong muốn UBND tỉnh, huyện, các sở, ban, ngành quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng giúp người dân thuận tiện trong việc đi lại vận chuyển thức ăn cũng như tiêu thụ thành phẩm, giảm chi phí thuê nhân công lao động.
 
Cùng với đó, địa phương cũng mong muốn các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất nuôi biển theo chuỗi giá trị từ cung ứng vật tư, con giống đến sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị sản xuất, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.
 
Đặc biệt, đối với vấn đề thị trường tiêu thụ các loài nhuyễn thể, người dân vẫn còn dựa vào thị trường Trung Quốc nên rất bấp bênh, bị động nên mong muốn các ngành chức năng hướng dẫn, hỗ trợ tìm kiếm thị trường xuất khẩu cũng như thị trường nội địa. 
Thanh Hoa

tin liên quan

Tập huấn công tác Thi đua-Khen thưởng cho các thành viên

(QBĐT) - Ngày 26/4, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức lớp tập huấn về công tác Thi đua-Khen thưởng và các vấn đề liên quan cho 69 học viên đến từ các HTX, Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh.  

Bố Trạch: Người trồng ớt kém vui vì năng suất giảm

(QBĐT) - Những ngày này, người trồng ớt trên địa bàn huyện Bố Trạch đang tất bật bước vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên, năng suất giảm, giá cả không ổn định khiến người trồng ớt kém vui.

Khởi động dự án "Quảng bá du lịch Quảng Bình mùa đông-xuân"

(QBĐT) - Chiều 25/4, CLB Du lịch Quảng Bình tổ chức lễ khởi động dự án "Quảng bá du lịch Quảng Bình mùa đông-xuân".