Để rừng không còn "chảy máu" - Bài 2: Giữ rừng theo hướng bền vững

  • 08:02 | Thứ Bảy, 22/04/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trước thực trạng rừng còn “chảy máu”, Quảng Bình đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt nhằm giữ rừng theo hướng bền vững. Trong đó, tập trung nâng cao năng lực của lực lượng bảo vệ rừng (BVR), có chế độ đãi ngộ phù hợp cho người giữ rừng, giao rừng cho người dân bảo vệ, đặc biệt là hỗ trợ xây dựng các mô hình sinh kế cho bà con sống phụ thuộc vào rừng là những giải pháp trọng tâm...
 
Ông Nguyễn Văn Duẫn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho hay: “Để BVR theo hướng bền vững, tỉnh đã chỉ đạo các chủ rừng, địa phương kiện toàn, tổ chức lại lực lượng BVR, trong đó phải tổ chức, sắp xếp lại các trạm một cách khoa học. Cần quan tâm, giải quyết chế độ, chính sách cho lực lượng BVR, làm tốt công tác tư tưởng để họ yên tâm công tác. Các cấp chính quyền cần phải sớm triển khai chương trình, dự án (nếu có) để bảo đảm nguồn kinh phí BVR”...
 
Song song với đó, các lực lượng chức năng cũng phải chốt chặn những đầu mối giao thông quan trọng và một số khu vực cửa rừng; kiểm soát lâm sản trên các tuyến đường sông, đường bộ để ngăn chặn tình trạng vận chuyển lâm sản trái phép; kiểm tra tình hình BVR và sử dụng rừng của chủ rừng; giám sát nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào của cơ sở cưa xẻ gỗ, truy xuất nguồn gốc lâm sản theo quy định; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp vi phạm về BVR, vi phạm về quản lý lâm sản...
 
Để giảm áp lực cho lực lượng BVR, Nhà nước và các chủ rừng cũng đang thực hiện chương trình giao, khoán rừng cho người dân chăm sóc, bảo vệ... Ông Nguyễn Văn Duẫn chia sẻ thêm: Việc giao, khoán rừng cho cộng đồng, người dân bảo vệ là một chủ trương đúng đắn, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho bà con cũng như công tác BVR. Hiện, đã có nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh được hưởng lợi khi tham gia BVR từ các nghị quyết, chương trình BVR… của Chính phủ. 
Mô hình trồng cây lá khôi dưới tán rừng cộng đồng ở bản Phú Minh, xã Thượng Hóa (Minh Hóa) sẽ giúp cho bà con phát triển kinh tế, giảm phụ thuộc vào rừng.
Mô hình trồng cây lá khôi dưới tán rừng cộng đồng ở bản Phú Minh, xã Thượng Hóa (Minh Hóa) sẽ giúp cho bà con phát triển kinh tế, giảm phụ thuộc vào rừng.
Quảng Bình đang triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Thực hiện chương trình, các địa phương đang lập hồ sơ để chuẩn bị khoán rừng cho người dân. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quảng Ninh Nguyễn Xuân Quế cho biết: “Theo kế hoạch, huyện Quảng Ninh đang thực hiện khoán 11.419ha rừng tự nhiên trong chương trình cho người dân xã Trường Sơn và xã Trường Xuân. Trong đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) huyện Quảng Ninh sẽ khoán 9.000ha, Lâm trường Trường Sơn 1.700ha, Lâm trường Khe Giữa 719ha rừng tự nhiên cho người dân quản lý, bảo vệ. Trung bình mỗi hộ dân được nhận 30ha rừng, mỗi ha được hỗ trợ 400.000 đồng/năm”.
 
Hiện nay, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn đã được triển khai với diện tích khoảng 7.000ha do các đơn vị khai thác du lịch, thủy điện, nước sạch từ rừng chi trả cho những đơn vị, gồm: Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, BQLRPH huyện Minh Hóa, BQLRPH huyện Tuyên Hóa, BQLRPH TP. Đồng Hới và ven biển tỉnh Quảng Bình… với số tiền mỗi năm khoảng 7,5 tỷ đồng. Chính sách đã góp phần tăng thêm thu nhập cho lực lượng BVR, cải thiện sinh kế và giúp người dân gắn bó với rừng. Với nguồn kinh phí từ chi trả dịch vụ môi trường rừng, nhiều chủ rừng đã đầu tư tái tạo rừng, sử dụng vào hoạt động hỗ trợ công tác tuần tra BVR... Dự kiến từ năm 2023-2025, Quảng Bình sẽ nhận thêm 12,1 triệu USD từ chương trình này.
 
Để xây dựng mô hình sinh kế dưới tán rừng cho bà con, Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp với Viện Nông nghiệp và Môi trường, Trường đại học Quảng Bình hỗ trợ cho 10 hộ dân bản Phú Minh, xã Thượng Hóa (Minh Hóa) trồng 7ha cây lá khôi. Triển khai mô hình, hai đơn vị đã khảo sát, tư vấn kỹ thuật, thiết kế, liên kết bao tiêu sản phẩm… Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Thượng Hóa Trần An Chung (Hạt Kiểm lâm Minh Hóa) chia sẻ: “Cây lá khôi từ khi trồng đến thu hoạch khoảng 6 tháng. Hiện, giá bán mỗi kg lá khôi khô từ 180-200.000 đồng. Tuy mới trồng được 3 tháng nhưng cây đã bén rễ và phát triển xanh tốt, tỷ lệ sống đạt trên 90%. Để bảo vệ vườn dược liệu, trạm đã hướng dẫn bà con làm hàng rào bảo vệ, tuần tra, chăm sóc, bón phân cho cây”.
 
Theo bà con bản Phú Minh, khu rừng cộng đồng này vốn là môi trường sống của cây lá khôi. Nhờ lấy lá khôi từ rừng về bán đã giúp cho nhiều hộ dân có nguồn thu nhập khá. Chị Cao Thị Anh, một người dân bản Phú Minh tâm sự: “Từ khi trồng lá khôi đến nay, tôi thường xuyên vào rừng chăm sóc cây kết hợp với BVR luôn. Mong thời gian tới, các cấp có thẩm quyền tiếp tục mở rộng thêm diện tích trồng lá khôi và cây dược liệu khác để bà con trong bản phát triển kinh tế”.
 
Ngày 12/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 809/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025. Chương trình này đã ưu tiên cho đầu tư bảo vệ và phát triển rừng bền vững đối với diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên… Tổng vốn thực hiện chương trình dự kiến là 78.585 tỷ đồng và tỉnh Quảng Bình mỗi năm được hưởng lợi từ chương trình gần 50 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa Đinh Văn Giáo cho biết: “Để giữ rừng hiệu quả, ngoài việc phối hợp với các lực lượng chức năng tuần tra kiểm soát rừng, lập chốt tại “điểm nóng”, hoặc vị trí xung yếu có nguy cơ xảy ra phá rừng, xã cũng đang nỗ lực để giải quyết việc làm cho bà con, như: Vận động người dân đi xuất khẩu lao động, đi làm tại các tỉnh phía Nam, sớm giải ngân nguồn kinh phí hỗ trợ công tác BVR, hỗ trợ phát triển chăn nuôi, trồng rừng... Nhưng về lâu dài, xã cũng mong các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm để xây dựng thêm nhiều mô hình sinh kế, giúp bà con vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ rừng hiệu quả”…
 
Đến nay, lực lượng Kiểm lâm cùng các chương trình, dự án đã xây dựng được nhiều mô hình sinh kế cho người dân sống gần rừng, như: Mô hình du lịch sinh thái tại bản HoRum, xã Kim Thủy (Lệ Thủy); trồng lạc, nuôi ong lấy mật tại xã Hóa Sơn (Minh Hóa); mô hình trồng măng tại xã Thượng Trạch, nuôi ong, trồng lạc tại xã Phúc Trạch (Bố Trạch); mô hình trồng 70ha cây trẩu dưới tán rừng ở xã Trường Sơn (Quảng Ninh), trồng trên 14ha cây lá khôi, ba kích dưới tán rừng các huyện: Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh… Các mô hình này đã và đang phát huy hiệu quả trong việc giúp bà con sống gần rừng phát triển kinh tế, hạn chế phụ thuộc vào rừng…
 
Tại hội nghị công tác quản lý, BVR và phòng cháy chữa cháy rừng mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đoàn Ngọc Lâm đã chỉ đạo, để BVR theo hướng bền vững, các cấp chính quyền, lực lượng chức năng cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, BVR tận gốc. Chú trọng phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời những hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý, BVR. Đối với các chủ rừng, cần phải nêu cao vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác quản lý, BVR, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và lực lượng chức năng để xử lý những tình huống làm tổn hại đến rừng…
 
Xuân Vương
 
Để rừng không còn "chảy máu" - Bài 1

tin liên quan

Bắt đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt gần 10 tỷ đồng của các nạn nhân ở Quảng Bình, Hà Tĩnh

(QBĐT) - Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Quảng Bình bắt giữ đối tượng Trương Thị Lan Anh (SN 1988, trú tại phường Bắc Nghĩa, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và nghi làm giả, sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức.
 

Để rừng không còn "chảy máu"

(QBĐT) - Thời gian qua, công tác bảo vệ rừng (BVR) luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, chủ rừng trên địa bàn tỉnh quan tâm. Tuy nhiên, tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật vẫn còn xảy ra. Trước thực trạng này, nhiều giải pháp quyết liệt đang được đồng bộ triển khai để rừng không còn "chảy máu".

Bị lừa 15 tỷ đồng sau cuộc gọi video với "Cục trưởng" Bộ Công an

Đối tượng tự xưng là Thiếu tướng, Cục trưởng Công an gọi video call và nói ông L. dính vào một vụ án, yêu cầu ông L. chuyển số tiền gần 15 tỷ đồng vào tài khoản mà đối tượng này cung cấp.