Ứng phó với "giặc lửa" trên vùng cát

  • 10:58 | Thứ Năm, 04/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Do thời tiết nắng nóng kết hợp với gió phơn tây nam (gió Lào), lớp thực bì trong rừng ken dày nên hàng chục nghìn ha rừng ven biển do Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Đồng Hới và ven biển tỉnh Quảng Bình có nguy cơ cháy cao. Trước thực trạng trên, đơn vị đã xây dựng và triển khai thực hiện nhiều phương án ứng phó với “giặc lửa” trên vùng cát.
 
Quảng Bình có 24.365ha rừng và đất lâm nghiệp ven biển. Trong đó, BQLRPH Đồng Hới và ven biển tỉnh Quảng Bình quản lý 13.800ha, nằm trên địa bàn 15 xã, phường từ TP. Đồng Hới đến huyện Lệ Thủy. Đặc thù của rừng là phân bổ tại các đồi cát ven biển, gần đường giao thông, khu dân cư, lăng mộ nên lượng người qua lại rất nhiều. Tuy không có giá trị nhiều về mặt kinh tế nhưng rừng có vai trò rất quan trọng trong bảo vệ môi trường, cung cấp nguồn nước sinh hoạt, sản xuất, củng cố quốc phòng, an ninh...
 
Rừng ven biển do BQLRPH Đồng Hới và ven biển tỉnh Quảng Bình quản lý chủ yếu là cây thấp, phân cành sớm, thực bì và cỏ rười kết hợp với cành, lá khô rụng xuống tạo thành lớp vật liệu cháy rất dày nên nhiều nơi không thể áp dụng biện pháp vệ sinh rừng bằng phương pháp đốt trước. Các hồ nước, khe suối trong rừng vào mùa khô cũng cạn kiệt nên nguy cơ cháy rừng rất cao. Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn đã xảy ra hàng chục vụ cháy rừng, làm thiệt hại trên hàng trăm ha rừng các loại.
 
Trước tình hình trên, BQLRPH Đồng Hới và ven biển tỉnh Quảng Bình xác định công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) là nhiệm vụ rất quan trọng, cấp bách nên đã xây dựng và triển khai thực hiện nghiêm túc các phương án ứng phó với “giặc lửa” trên cát.
 
Phó Giám đốc phụ trách BQLRPH Đồng Hới và ven biển tỉnh Quảng Bình Đinh Thanh Quang cho biết: “Triển khai công tác PCCCR, những ngày nắng nóng, đơn vị tăng cường tuần tra, trực tại rừng, đặc biệt là những khu vực có nguy cơ xảy ra cháy cao, như: Khu vực rừng phòng hộ (RPH) tại tiểu khu (TK) 353B phường Hải Thành, TK NTK phường Đồng Phú, RPH và sản xuất tại TK 359 và TK 360 xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới), khu vực rừng thuộc TK 373A xã Hải Ninh (Quảng Ninh), TK 396A xã Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy)... Đồng thời, đơn vị chuẩn bị các điều kiện, bảo đảm phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra cháy”. 
Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Hới và ven biển tỉnh Quảng Bình vệ sinh rừng bằng phương pháp đốt trước.
Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Hới và ven biển tỉnh Quảng Bình vệ sinh rừng bằng phương pháp đốt trước.
Với phương châm phòng là chính, đơn vị đã kiện toàn lại Ban Chỉ đạo phát triển lâm nghiệp bền vững, chỉ đạo lực lượng tham mưu cho các ban PCCCR cấp xã, tổ cấp thôn trên địa bàn có rừng để xử lý khi có cháy xảy ra. Trước mùa nắng nóng, BQL đã xử lý thực bì bằng phương pháp đốt trước trên 120ha tại những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao; tu sửa lại 8 chòi canh lửa, trang bị một xe ô tô bán tải chuyên để chữa cháy, 2 ống nhòm, gắn thêm 18 bảng tuyên truyền bảo vệ rừng (BVR) và nhiều phương tiện sẵn sàng xử lý khi có cháy rừng xảy ra.
 
Lực lượng PCCCR trực tiếp của đơn vị có 27 người tại 5 trạm BVR từ TP. Đồng Hới đến huyện Lệ Thủy. Trong những tháng cao điểm nắng nóng, lực lượng này phải luôn trực 100% quân số, phân công người trực 24/24 giờ trong ngày tại các chòi canh lửa. Khi phát hiện điểm phát lửa, lực lượng tại chỗ sẽ tiến hành chữa cháy và thông báo cho chính quyền địa phương sở tại để huy động thêm lực lượng tham gia chữa cháy. Trường hợp cháy quá lớn không thể khống chế được thì báo cáo về Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững của huyện, thành phố, hoặc tỉnh để xin hỗ trợ thêm lực lượng.
 
Trạm BVR Dinh Mười (thuộc BQLRPH Đồng Hới và ven biển tỉnh Quảng Bình) hiện đang quản lý, bảo vệ 4.000ha rừng thuộc các xã Võ Ninh, Hải Ninh, Gia Ninh (Quảng Ninh) và Hồng Thủy (Lệ Thủy). Trong những ngày nắng nóng, cán bộ, nhân viên của trạm được chia thành hai nhóm phụ trách chòi canh lửa và tuần tra, dọn thực bì những nơi có nguy cơ cháy cao. Trạm trưởng Trạm BVR Dinh Mười Trần Văn Châu cho biết: “Do rừng rất dễ cháy, nên ngày, đêm chúng tôi phải đi dọc các tuyến đường để dọn thực bì hai bên, nhắc nhở người dân hạn chế vào rừng, không hút, vứt tàn thuốc bừa bãi”.
 
Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy (Lệ Thủy) Phạm Minh Huấn chia sẻ: “Trong những ngày nắng nóng cao điểm dễ xảy ra cháy rừng, lực lượng BVR trạm Dinh Mười, Kiểm lâm cùng chính quyền địa phương, chủ rừng trực 24/24 giờ tại các chòi để canh “giặc lửa”. Lực lượng còn lại thì tăng cường kiểm tra, giám sát rừng để sớm phát hiện các điểm phát lửa và đưa ra phương án xử lý phù hợp. Trong trường hợp xảy ra cháy lớn, xã sẽ huy động toàn dân tham gia dập lửa”.
 
Nhờ xây dựng, triển khai đồng bộ các giải pháp PCCCR nên từ đầu mùa khô đến nay, trên địa bàn BQLRPH Đồng Hới và ven biển tỉnh Quảng Bình quản lý chưa xảy ra vụ cháy rừng nào. Chỉ có một điểm phát lửa tại xã Hải Ninh (Quảng Ninh) nhưng đã được khống chế, dập tắt nhanh chóng. Tình trạng người ra vào rừng các khu vực rừng dễ cháy đã được phát hiện, nhắc nhở. Các hành vi xâm hại rừng cũng được các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương phát hiện, xử lý kịp thời…
 
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nguyễn Văn Long cho biết: Để chủ động PCCCR, Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ rừng, trong đó có BQLRPH Đồng Hới và ven biển tỉnh Quảng Bình tiếp tục triển khai vệ sinh rừng, hoàn thành tu bổ các công trình PCCCR, kiện toàn các ban chỉ đạo cấp huyện và cấp cơ sở. Trong những ngày nắng nóng, các lực lượng BVR phải trực cháy, tuần tra, tuyên truyền cảnh báo cháy rừng, quản lý chặt chẽ nguồn lửa và nguồn nhiệt trong rừng, ven rừng dễ cháy và hướng dẫn người dân sử dụng lửa an toàn. Các lực lượng BVR cũng phải chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, dụng cụ và hậu cần sẵn sàng chữa cháy khi có “giặc lửa” xảy ra.
 
 
Xuân Vương

tin liên quan

Xây dựng Quảng Bình trở thành nền kinh tế năng động của miền Trung

(QBĐT) - Đó là mục tiêu giai đoạn 2021-2030 của tỉnh Quảng Bình vừa được Chính phủ phê duyệt tại Quy hoạch tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch). Cùng với các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn tạo đột phá phát triển, Quy hoạch đã xác định những giải pháp và nguồn lực thực hiện, danh mục các dự án lớn và thứ tự ưu tiên… Việc Quy hoạch được thông qua là tiền đề, cơ sở quan trọng để Quảng Bình vững tin trên lộ trình mới.

Mở hướng kinh tế với mô hình nuôi hươu lấy nhung

(QBĐT) - Sau một thời gian nghiên cứu, học hỏi, ông Bùi Thái Dương, xã Quảng Hợp (Quảng Trạch) đã quyết định phát triển mô hình nuôi hươu lấy nhung. Đây là mô hình kinh tế còn mới lạ với người dân trong vùng, cho hiệu quả bước đầu và mở ra hướng phát triển nông nghiệp mới cho người dân địa phương.

Chủ động ứng phó với mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh

(QBĐT) - Ngày 26/4, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai kiêm Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh ban hành Công văn số 25/VPTT về việc chủ động ứng phó với mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.