Nông dân khóc vì lúa ngã đổ

  • 07:03 | Thứ Ba, 09/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trận mưa lớn kèm theo gió mạnh xảy ra đêm ngày 7 và rạng sáng 8/5/2023 ở khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh đã khiến cho hàng nghìn ha lúa đông-xuân đang bước vào thời kỳ trổ và chuẩn bị thu hoạch bị ngã đổ. Chứng kiến thành quả lao động bị thiệt hại chỉ sau 1 đêm mưa gió, nhiều nông dân chỉ biết than thở “trời cho chộ (thấy) chứ không cho ăn”…
 
Cánh đồng lúa vụ đông-xuân ở thôn 2, xã Nghĩa Ninh (TP. Đồng Hới) xác xơ, tiêu điều bởi hàng chục ha lúa bị ngã đổ do ảnh hưởng của trận mưa lớn và gió mạnh rạng sáng 8/5. Sau trận mưa gió, bà Đặng Thị Nguyệt cùng một số bà con nông dân trong thôn đang đi kiểm tra những thiệt hại trên ruộng lúa của gia đình.
Bà Đặng Thị Nguyệt (thôn 2, xã Nghĩa Ninh, TP. Đồng Hới) xót xa khi 12 sào lúa của gia đình gãy đổ, ngã rạp xuống mặt ruộng.
Bà Đặng Thị Nguyệt (thôn 2, xã Nghĩa Ninh, TP. Đồng Hới) xót xa khi 12 sào lúa của gia đình gãy đổ, ngã rạp xuống mặt ruộng.
Bà Nguyệt xót xa cho biết, chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là lúa ở cánh đồng này có thể thu hoạch được. Tuy nhiên, trận mưa kèm theo gió mạnh đã làm 12 sào lúa của gia đình gãy đổ, ngã rạp xuống mặt ruộng. Hơn 5 sào lúa sắp chín đổ ngã hoàn toàn, khả năng vớt vát được 50%; còn 7 sào lúa do cơ cấu giống dài ngày, mới bước vào thời kỳ trổ bông bị mưa gió quật ngã rạp, chắc cứu vãn không được là bao…
 
Cùng cảnh ngộ như bà Nguyệt, 7 sào lúa của gia đình bà Đặng Thị Hóa (thôn 6, xã Nghĩa Ninh) cũng bị mưa gió làm cho đổ, ngã. Bà Hóa buồn bã cho biết, chưa có năm nào như năm nay, lúa chuẩn bị gặt lại gặp mưa cùng với gió mạnh nên bị thiệt hại nặng. Do lúa sắp chín nên giờ việc tiêu úng cũng chỉ hạn chế thiệt hại chứ không thể cứu lúa được nữa…
 
"Vụ đông-xuân năm nay, gia đình tôi có thể mất trắng khoảng 50% sản lượng. Vụ này các năm trước, gia đình tôi thu hoạch hơn 1,5 tấn thóc. Nhưng năm nay, chắc chỉ được khoảng 7 tạ thóc thôi. Mấy ngày trước gia đình còn phấn khởi, vì năm nay nhìn lúa được mùa, sản lượng cao, nhưng chỉ sau 1 đêm mưa gió, người nông dân mất trắng. Đúng là “trời cho chộ chứ không cho ăn…”, bà Hóa rơm rớm nước mắt. 
Hàng nghìn ha lúa ở Lệ Thủy bị đổ ngã.
Hàng nghìn ha lúa ở Lệ Thủy bị đổ ngã.
Xã Hồng Thủy (Lệ Thủy) là một trong những địa phương có nhiều diện tích lúa bị ngã đổ do trận mưa gió xảy ra rạng sáng 8/5. Hiện hữu, lo lắng về một vụ mùa năng suất và sản lượng thấp đang xảy ra.
 
Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy Phạm Minh Huấn cho biết, vụ đông-xuân năm nay, địa phương gieo cấy 750ha lúa. Cơ cấu chủ yếu các loại giống: Nhị ưu 838, Hà Phát 3, VT 404… Trận mưa lớn kèm theo gió mạnh xảy ra trên địa bàn đã khiến cho gần 150ha lúa của địa phương bị ngã đổ, gây thiệt hại nặng nề cho bà con nông dân…
 
“Do một số điều kiện khách quan, nên vụ đông-xuân năm nay địa phương gieo cấy muộn hơn so với các địa phương khác trong toàn huyện. Hiện, cây lúa một số đã bắt đầu chín, trổ. Gần 150ha lúa đổ ngã chắc chắn khiến cho năng suất và sản lượng giảm. Chính quyền địa phương đang tích cực động viên bà con nông dân khắc phục thiệt hại; chủ động tiêu nước để bảo vệ cây lúa…”, Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy cho hay.
Nông dân huyện Quảng Ninh tranh thủ ra đồng khắc phục diện tích lúa bị ngã đổ. Ảnh: Lan Chi
Nông dân huyện Quảng Ninh tranh thủ ra đồng khắc phục diện tích lúa bị ngã đổ. Ảnh: Lan Chi
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Lệ Thủy Lê Văn Tân cho biết, vụ đông-xuân năm nay, địa phương gieo cấy gần 11.000ha lúa. Hiện, lúa đông-xuân trên địa bàn đã bắt đầu bước vào thời kỳ thu hoạch. Qua thống kê bước đầu, do ảnh hưởng của trận mưa gió rạng sáng 8/5, toàn huyện có từ 10-20% lúa bị đổ ngã, các địa phương bị thiệt hại nặng là: Hoa Thủy, Hồng Thủy, Sơn Thủy…
 
“Để khắc phục bước đầu thiệt hại do mưa lớn và gió làm lúa ngã đổ, Phòng NN-PTNT huyện Lệ Thủy đã chỉ đạo các địa phương tranh thủ thời tiết khẩn trương thu hoạch những diện tích lúa đã chín; đối với những vùng lúa đang còn xanh thì tranh thủ bơm nước tiêu úng cho đồng ruộng….”, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lệ Thủy thông tin.
 
Được biết, vụ đông-xuân năm nay, toàn tỉnh gieo cấy hơn 29.300ha lúa. Hiện nay, lúa trà đầu, trà chính vụ đang ở giai đoạn thu hoạch; lúa trà muộn giai đoạn chín sữa, chín sáp. Trận mưa giông, lốc kèm mưa lớn vừa qua đã làm đổ ngã, ngập úng hơn 5.500ha lúa đông-xuân, trong đó huyện Quảng Ninh là 2.560ha, Lệ Thủy 2.000ha, TP. Đồng Hới 257ha, Bố Trạch 200ha…
 
Để hạn chế thiệt hại đối với lúa vụ đông-xuân do giông, lốc và mưa lớn, UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương triển khai thực hiện một số nội dung: Đối với diện tích lúa đổ ngã đã đến kỳ thu hoạch thì khẩn trương thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; đối với diện tích lúa đổ ngã chưa đến kỳ thu hoạch thì huy động nhân lực buộc, dựng lúa lên để hạn chế thiệt hại; tổ chức tiêu úng kịp thời cho các diện tích lúa đang trổ, chín sữa, chín sáp, các vùng ruộng sâu, trũng đang bị đổ ngã, ngập úng…
 
Ngọc Hải

tin liên quan

Xây dựng Quảng Bình trở thành nền kinh tế năng động của miền Trung

(QBĐT) - Đó là mục tiêu giai đoạn 2021-2030 của tỉnh Quảng Bình vừa được Chính phủ phê duyệt tại Quy hoạch tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch). Cùng với các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn tạo đột phá phát triển, Quy hoạch đã xác định những giải pháp và nguồn lực thực hiện, danh mục các dự án lớn và thứ tự ưu tiên… Việc Quy hoạch được thông qua là tiền đề, cơ sở quan trọng để Quảng Bình vững tin trên lộ trình mới.

Danh sách người nộp thuế nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước

(QBĐT) - Cục Thuế tỉnh vừa có Thông báo số1298/TB-CTQBI về việc công khai danh sách người nộp thuế nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước.

Mở hướng kinh tế với mô hình nuôi hươu lấy nhung

(QBĐT) - Sau một thời gian nghiên cứu, học hỏi, ông Bùi Thái Dương, xã Quảng Hợp (Quảng Trạch) đã quyết định phát triển mô hình nuôi hươu lấy nhung. Đây là mô hình kinh tế còn mới lạ với người dân trong vùng, cho hiệu quả bước đầu và mở ra hướng phát triển nông nghiệp mới cho người dân địa phương.