Chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu

  • 06:42 | Thứ Bảy, 06/05/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn ra theo chiều hướng ngày càng cực đoan, khó lường, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, huyện Quảng Ninh đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng gò đồi, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây phù hợp, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên từng đơn vị diện tích, tăng năng suất và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Hiệu quả từ những mô hình chuyển đổi
 
Theo chân Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Xuân Trần Đại Nghĩa, chúng tôi đến thăm vườn cây ăn quả của ông Trần Văn Thuận ở thôn Kim Sen, xã Trường Xuân. Trước mắt chúng tôi là vườn cây ăn quả rộng lớn với đủ các loại cây từ mít Thái, chanh đào, cam… và vườn hồ tiêu xanh ngát. Đưa chúng tôi đi tham quan khu vườn, ông Thuận kể về những ngày đầu lập nghiệp trên vùng đồi khô cằn. Trên 1,2ha đất đồi, ông Thuận đã bắt tay vào trồng keo. Sau nhiều năm, nhận thấy cây keo không còn hiệu quả, đầu năm 2016, gia đình ông đã mạnh dạn phá bỏ để chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả, như: Mít Thái, nhãn, bưởi da xanh, cam, chanh đào…
 
“Những ngày đầu bắt tay vào thực hiện mô hình, tôi chưa có kinh nghiệm nên khâu chọn giống và khâu tiêu thụ gặp khá nhiều khó khăn. Nhưng hiện tại, vườn cây ăn quả của gia đình tôi đã có lượng khách ổn định, nhiều thương lái đến thu mua tận vườn. Từ mô hình cây ăn quả, gia đình tôi thu về từ 100-150 triệu đồng/năm”.
 
Trước đây người dân thôn Long Đại, xã Hiền Ninh không mấy mặn mà với việc sản xuất vụ hè-thu, bởi thường xuyên thiếu nước tưới nên năng suất lúa đạt thấp. Thế nhưng, từ khi địa phương có chủ trương chuyển đổi cây trồng, một số hộ gia đình đã mạnh dạn chuyển sang trồng thử nghiệm mướp đắng, dưa chuột. Bước đầu hiệu quả mang lại khá cao, đến nay, toàn thôn có hơn 40 hộ tham gia trồng rau màu với diện tích chuyển đổi từ 10-14ha. 
Nông dân thôn Long Đại (xã Hiền Ninh) chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng mướp đắng đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Nông dân thôn Long Đại (xã Hiền Ninh) chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng mướp đắng đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Phan Văn Thông, Trưởng thôn Long Đại cho biết: “So với trồng lúa thì trồng mướp đắng, dưa chuột... đem lại thu nhập cao hơn rất nhiều lần. Những năm trước, trồng lúa vụ hè-thu cao lắm 1 sào chỉ được 2 tạ, bán ra được 1,2-1,4 triệu đồng; trong khi đó trồng dưa thấp nhất 1 sào cũng được 5-6 triệu trồng, còn trồng mướp đa công hơn nhưng một sào cũng được 10-15 triệu đồng. Từ hiệu quả của các mô hình chuyển đổi, nhiều hộ dân trong thôn đã mở rộng diện tích trồng rau màu đem lại thu nhập cao như gia đình các ông: Nguyễn Thanh Tám, Trần Đức Thuận, Trần Hữu Tân, Nguyễn Văn Hiền…”.
 
Những ngày này trên cánh đồng xã Hàm Ninh, người dân đang tích cực thu hoạch dưa hấu. Trên diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, người dân xã Hàm Ninh đã chuyển đổi sang trồng dưa hấu đem lại thu nhập cao.
 
Ông Võ Hữu Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Ninh cho biết, năm nay, xã dự kiến trồng 40ha dưa hấu, riêng vụ hè-thu, toàn xã làm hơn 15ha với các giống chủ lực như: Hoàng Châu, An Tiêm... Năm nay, dưa hấu được mùa, năng suất trung bình đạt 220 tạ/ha, cho thu nhập cao gấp 3-4 lần trồng lúa. Dưa Hàm Ninh đã có thương hiệu từ lâu và được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP nên được người dân trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Ngay từ đầu vụ, các thương lái đã đến thu mua tại vườn với giá bán bình quân từ 10.000-15.000 đồng/kg.
 
Hướng đến sản xuất bền vững
 
Để thực hiện có hiệu quả công tác chuyển đổi cây trồng trên đất vùng gò đồi, đất trồng lúa kém hiệu quả, những năm qua, UBND huyện Quảng Ninh đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị và các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách liên quan đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho người dân.
 
Hàng năm, UBND huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp với các địa phương rà soát những diện tích đất lúa, đất gò đồi kém hiệu quả để xây dựng kế hoạch chuyển đổi sang cây trồng khác.
 
UBND xã, thị trấn căn cứ vào kế hoạch của huyện để xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi chi tiết đến người dân trên địa bàn, bảo đảm đúng quy hoạch, đúng mục đích sử dụng đất và lựa chọn cây trồng phù hợp vào sản xuất đạt hiệu quả.
 
Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Xuân Trần Đại Nghĩa cho biết, thực hiện kế hoạch chuyển đổi cây trồng trên đất vườn đồi, xã Trường Xuân đã khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích đất trồng cây keo lai, đất vườn tạp sang trồng một số loại cây khác, như: Cam, bưởi, mít, cây dược liệu… Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp đã giúp người dân địa phương ổn định đời sống, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững. Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục vận động hội viên mạnh dạn mở rộng diện tích chuyển đổi, đưa những giống cây mới, năng suất cao vào sản xuất.
 
Năm 2023, huyện Quảng Ninh dự kiến chuyển đổi 60ha đất lúa thiếu nước, đất lúa năng suất thấp sang trồng các loại cây khác, như: Dưa hấu, mướp đắng, dưa leo, ngô, đậu các loại...; chuyển đổi 20ha đất vùng gò đồi sang trồng cây ăn quả, dược liệu.
Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quảng Ninh Trần Đức Thuận cho biết, trước tình hình BĐKH ngày càng khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, trên những vùng ruộng không đủ nước tưới, sản xuất lúa kém hiệu quả, UBND huyện Quảng Ninh đã chỉ đạo các địa phương mạnh dạn chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng cạn, như: Dưa hấu, mướp đắng, ngô, đậu xanh... có nhu cầu nước tưới thấp, phù hợp với điều kiện đất đai của từng vùng và có thị trường ổn định. Đối với diện tích vùng gò đồi kém hiệu quả, chuyển sang trồng cây dược liệu, cây ăn quả…
 
Nhìn chung, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, đất gò đồi đã và đang góp phần tăng hiệu quả kinh tế, giúp nông dân nâng cao thu nhập trên từng đơn vị diện tích. Các cây trồng chuyển đổi cho thu nhập bình quân từ 140-180 triệu đồng/ha. Quý I/2023, diện tích chuyển đổi cây trồng trên đất lúa và vùng gò đồi sang trồng dưa hấu là 62,7ha; trong đó có 15ha trên đất lúa ở xã Hàm Ninh, 47,7ha đất màu và gò đồi ở xã Vĩnh Ninh và Hiền Ninh.
 
Để ứng phó với BĐKH, huyện Quảng Ninh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, như: Điều chỉnh cơ cấu giống cây trồng kết hợp với bố trí lịch thời vụ hợp lý để tránh những bất lợi của thời tiết; ưu tiên sử dụng bộ giống ngắn ngày và cực ngắn ngày có khả năng chịu hạn, chống chịu sâu bệnh tốt, giống có khả năng thích ứng với BĐKH.
 
Thời gian tới, huyện sẽ tập trung chỉ đạo các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ nông sản. Đặc biệt, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi cây trồng trên các diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, diện tích có khả năng bị hạn nhằm hạn chế tối đa diện tích đất bỏ hoang; chuyển đổi diện tích đất vùng gò đồi kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác, trong đó, tập trung phát triển các loại cây đặc sản có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ rộng.
 
Lan Chi

tin liên quan

Xây dựng Quảng Bình trở thành nền kinh tế năng động của miền Trung

(QBĐT) - Đó là mục tiêu giai đoạn 2021-2030 của tỉnh Quảng Bình vừa được Chính phủ phê duyệt tại Quy hoạch tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch). Cùng với các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn tạo đột phá phát triển, Quy hoạch đã xác định những giải pháp và nguồn lực thực hiện, danh mục các dự án lớn và thứ tự ưu tiên… Việc Quy hoạch được thông qua là tiền đề, cơ sở quan trọng để Quảng Bình vững tin trên lộ trình mới.

Danh sách người nộp thuế nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước

(QBĐT) - Cục Thuế tỉnh vừa có Thông báo số1298/TB-CTQBI về việc công khai danh sách người nộp thuế nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước.

Mở hướng kinh tế với mô hình nuôi hươu lấy nhung

(QBĐT) - Sau một thời gian nghiên cứu, học hỏi, ông Bùi Thái Dương, xã Quảng Hợp (Quảng Trạch) đã quyết định phát triển mô hình nuôi hươu lấy nhung. Đây là mô hình kinh tế còn mới lạ với người dân trong vùng, cho hiệu quả bước đầu và mở ra hướng phát triển nông nghiệp mới cho người dân địa phương.