Đất cằn "nở hoa"…

  • 06:57 | Thứ Ba, 03/05/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trường Thủy trước đây được biết đến là địa phương còn nhiều khó khăn của huyện Lệ Thủy. Và bây giờ, hiện hữu ở mảnh đất khô cằn, khó khăn chồng chất năm xưa ấy là sự khởi sắc từ quyết tâm dám nghĩ, dám làm của chính quyền và người dân địa phương để vươn lên thoát nghèo...
 
Những “triệu phú” vùng đồi
 
Vượt qua những con đường rừng gập ghềnh, đi giữa màu xanh của bạt ngàn rừng cao su đang mùa thay lá, chỉ tay về phía chân đồi, Bí thư Đảng ủy xã Trường Thủy Phạm Văn Tư bảo: “Vườn rừng của “triệu phú” vùng đồi đấy, lão ấy cũng gàn lắm!, giàu rồi mà việc gì cũng ham, đến giờ vẫn chưa nghỉ ngơi chân tay, toàn bận bịu với công việc đến tối mặt mới xong…”.
 
“Lão gàn” mà Bí thư Đảng ủy xã Trường Thủy nói đến là ông Trần Minh Trầm, thôn Văn Minh. Ông Trầm được giới thiệu là nông dân điển hình, dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế, bởi, trước đây gia cảnh của ông được xem là khó khăn nhất, nhì của địa phương. Giờ, ông Trầm đã trở thành “triệu phú” của vùng đồi phía tây Trường Thủy.
 
“Sau khi xuất ngủ trở về địa phương năm 1983, gia đình lại đông con, cơm cháo lo từng bữa vẫn không đủ ăn. Tôi bàn với vợ đi khai hoang đất rừng để kiếm kế sinh nhai cho đỡ cực. Vậy rồi, tay cuốc, tay rạ vợ chồng tôi lên vùng rừng Ba Trạng khai khẩn đất rừng. Mãi đến cuối những năm 90, những vườn cây cao su, keo lai bắt đầu mọc lên từ rừng cây cỏ mọc um tùm ở đây…”, ông Trầm thổ lộ.
 
Chuyện làm giàu từ rừng lúc đó gia đình ông Trầm chưa nghĩ tới, chỉ mong có việc làm hàng ngày, lo cơm cháo cho các con. Vậy mà ngoảnh mặt lại cũng ngót hơn 20 năm ông bám trụ vùng đất Ba Trạng. Giờ ông Trầm có cơ ngơi là 5ha cây cao su đang cho thu hoạch và 40ha rừng trồng kinh tế. Ông bảo, mỗi năm gia đình có nguồn thu hơn 400 triệu đồng…
 
“20ha rừng kinh tế chuẩn bị thu hoạch, có người trả gần 1 tỷ đồng nhưng tôi chưa bán, đang đợi giá cao hơn nữa. Vườn cây cao su, mỗi ngày cũng cho thu nhập 2 triệu đồng. Giờ, người dân bảo tôi là triệu phú chắc cũng không ngoa!”, ông Trầm cười nói.
Kinh tế rừng ở Trường Thủy đã giúp người dân thoát nghèo.
Kinh tế rừng ở Trường Thủy đã giúp người dân thoát nghèo.

Khác với ông Trầm, ông Đỗ Văn Tuận, thôn Hương Thi không chọn con đường trở thành “triệu phú” của vùng đất Trường Thủy bằng những cánh rừng kinh tế mà chọn hướng phát triển vùng đồi với cây trồng bản địa.

Ông Tuận chia sẻ rằng, gia đình ông bám vùng rừng Động Ngang từ những năm 90 của thế kỷ trước với mong muốn phủ xanh đất trống, đồi trọc để phát triển kinh tế hộ. Trăn trở lớn nhất khi đó là việc lựa chọn giữa rừng kinh tế và cây ăn quả để thoát nghèo. Sau nhiều đêm suy nghĩ và tính toán, ông đã quyết định rẽ sang phát triển vườn cây ăn quả, hướng đi mà tại thời điểm lúc bấy giờ ít người dân ở Trường Thủy lựa chọn.

“Vườn của gia đình tôi được quy hoạch bài bản. Ngoài trồng cam, gia đình tôi còn trồng bưởi da xanh, chè, ổi, tiêu… Vụ cam vừa rồi, với diện tích trồng gần 0,5ha cam đã cho thu hoạch 5 tấn quả và bán được 100 triệu đồng. Hiện, vườn cây ăn quả của gia đình tôi được công nhận là vườn mẫu nông thôn mới của huyện Lệ Thủy…”, ông Tuận cho hay.
 
Bí thư Đảng ủy xã Trường Thủy Phạm Văn Tư cho rằng, người dân ở đây có mơ cũng không thể hình dung ra cuộc sống lại thay đổi nhanh như vậy. Hiện nay, đa phần các hộ dân ở Trường Thủy đều gắn bó với kinh tế rừng, vườn đồi để phát triển kinh tế. Nhiều hộ dân ở địa phương có thu nhập từ 100 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/năm…
 
Hiện hữu giấc mơ thoát nghèo...
 
Đầu năm 2020, xã Trường Thủy và Văn Thủy được sáp nhập, lấy tên gọi chung là xã Trường Thủy. Dù còn bộn bề bao khó khăn, trăn trở chưa được giải quyết, nhưng với thế và lực sẵn có của vùng kinh tế gò đồi cùng với sự năng động sáng tạo, chịu thương, chịu khó trong cung cách làm ăn mới của người dân, Trường Thủy hôm nay đã thực sự vươn lên.
 
Chủ tịch UBND xã Trường Thủy Phan Hữu Tình cho rằng, sau sáp nhập, địa phương có địa bàn rộng, dân cư phân bố rải rác, đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, tình hình phát triển sản xuất nông-lâm nghiệp theo hướng hàng hóa còn chậm, kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ…
 
"Có thể nói, để Trường Thủy có được sự khởi sắc như hôm nay là sự chung sức, chung lòng, đoàn kết của người dân, chính quyền địa phương. Từ đó, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong phát triển kinh tế-xã hội.Trường Thủy đang phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt 75 triệu đồng/năm…”, Bí thư Đảng ủy xã Trường Thủy Phạm Văn Tư cho hay.
“Trước thực trạng và bao lo toan như vậy, địa phương cũng rất lúng túng trong tìm hướng phát triển kinh tế. Loay hoay tìm hướng đi thích hợp, cuối cùng Trường Thủy vẫn chọn khâu đột phá là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chú trọng đầu tư thâm canh tăng năng suất, nhân rộng một số mô hình có hiệu quả, như: Nuôi ong lấy mật, gà đồi, cây ăn quả; chuyển một số diện tích rừng trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, như: Hồ tiêu, nén, nghệ, gừng, cây công nghiệp ngắn ngày; trồng rừng kinh tế, rừng gỗ lớn…”, ông Tình cho hay.
 
Điều làm nên sự thay đổi vượt bậc ở Trường Thủy hiện nay đó là địa phương đã xác định rõ nâng cao chất lượng đời sống cho người dân là ưu tiên hàng đầu. Việc huy động nội lực, nâng cao ý thức trong phát triển kinh tế ở nhân dân là đòn bẩy mà địa phương đã lựa chọn để vượt lên. Vì vậy, năm 2021, dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh, 18 chỉ tiêu phát triển kinh tế của địa phương đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới còn 3,54%; bình quân thu nhập đầu người đạt gần 55 triệu đồng/năm.
 
Chủ tịch UBND xã Trường Thủy Phan Hữu Tình phấn khởi trải lòng, điều làm cho người dân vui nhất đó là phong trào xây dựng nông thôn mới đã mang lại nhiều đổi thay cho quê hương, kinh tế đang từng ngày phát triển, đời sống bà con được cải thiện rõ rệt. Bây giờ, vùng đất cằn cỗi, khó khăn năm xưa đã có nhiều hộ dân có "của ăn, của để" cho con cái học hành đến nơi đến chốn, chứ không còn cám cảnh chuyện đói nghèo.
Ngọc Hải

tin liên quan

Đổi thay Bắc Trạch

(QBĐT) - Trải qua những năm tháng cách mạng hào hùng, Bắc Trạch hôm nay đang đổi thay từng ngày với nhiều gam màu tươi sáng trong phát triển kinh tế-xã hội.
 

Đón đoàn tàu charter du lịch đến Quảng Bình

(QBĐT) - Ngày 30/4, đoàn farmtrip với hơn 360 du khách đến từ Hà Nội đã đặt chân đến Quảng Bình đúng vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 trên đoàn tàu charter mang số hiệu SE17.

 

Cùng doanh nghiệp gỡ khó

(QBĐT) - Trước những khó khăn mà doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp phải do ảnh hưởng của dịch Covid-19, gói vay hỗ trợ doanh nghiệp đã được Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) triển khai đến các địa phương. Nhờ gói vay ưu đãi này, nhiều doanh nghiệp đã "vực dậy" để ổn định sản xuất, kinh doanh.