Phát huy nguồn vốn tín dụng chính sách

  • 07:18 | Thứ Hai, 28/02/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Năm 2021, nhờ nguồn vốn vay tín dụng chính sách xã hội (CSXH), nhiều khách hàng trên địa bàn tỉnh được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp. Nhờ đó, nhiều hộ đã đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh để phát triển kinh tế và vươn lên làm giàu chính đáng.
 
Sau nhiều năm vất vả mưu sinh ở miền Nam, anh Cao Sông Danh (xã Quảng Phương, Quảng Trạch) trở về quê hương để lập nghiệp. Nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH huyện, anh Danh đã mạnh dạn đầu tư vào mô hình trang trại tổng hợp và cho hiệu quả kinh tế cao. 
 
Anh Danh tâm sự: "Mặc dù nhiều năm đi làm xa nhưng nguồn vốn tiết kiệm không được là bao nên tôi quyết định trở về quê để phát triển kinh tế. Với số vốn ít ỏi, ban đầu, tôi chỉ đầu tư nuôi lợn, nhưng việc chăn nuôi cũng gặp khó khăn do dịch bệnh. Nhờ được Ngân hàng CSXH tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng, tôi đã bắt tay khôi phục và mở rộng mô hình chăn nuôi của mình...".
 
Có vốn, anh Danh đầu tư cải tạo lại hệ thống chuồng trại và mua lợn rừng để chăn nuôi. Việc chăn nuôi lợn rừng thuận lợi, anh tiếp tục nuôi thêm 20 con lợn thịt và đào ao nuôi hơn 1.000 con cá trắm. Ngoài nuôi lợn rừng, lợn thịt và cá, anh Danh còn đầu tư trồng thêm nhiều loại cây ăn quả cho giá trị kinh tế như: Vải thiều, cam, bưởi... Với mô hình chăn nuôi, trồng trọt của mình, mỗi năm, trang trại của anh thu lợi nhuận hơn 250 triệu đồng.  
 
Cũng nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng CSXH, nhiều hộ gia đình đã bắt tay vào kinh doanh để phát triển kinh tế. Anh Đặng Thanh Hải (xã Đức Ninh, TP. Đồng Hới) chia sẻ: “Ấp ủ dự định sẽ tự mình mở một xưởng may gia công để phát triển kinh tế và tạo việc làm cho nhiều lao động của tôi đã trở thành hiện thực khi có sự giúp sức của các cấp chính quyền và nhất là sự hỗ trợ về nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH TP. Đồng Hới. Với số tiền vay 50 triệu đồng tôi đã đầu tư xây dựng xưởng, mua sắm máy móc, thiết bị và thuê công nhân. Hiện tại, xưởng may của tôi có 20 lao động, trung bình mỗi tháng sản xuất được hơn 20.000 sản phẩm áo quần các loại”.
Nhờ nguồn vốn vay tín dụng CSXH, nhiều hộ dân đã thực hiện được giấc mơ kinh doanh, làm giàu.
Nhờ nguồn vốn vay tín dụng CSXH, nhiều hộ dân đã thực hiện được giấc mơ kinh doanh, làm giàu.

Có thể nói, nguồn vốn vay tín dụng CSXH đã trở thành bệ đỡ để nhiều hộ gia đình, cá nhân được hiện thực hóa dự định phát triển kinh tế và làm giàu chính đáng của mình.

Theo thống kê của Ngân hàng CSXH tỉnh, năm 2021, từ nguồn vốn tín dụng CSXH của Ngân hàng CSXH tỉnh đã góp phần giúp cho 2.810 hộ thoát nghèo, 3.033 hộ thoát cận nghèo; tạo việc làm cho 52.248 lao động, trong đó riêng chương trình cho vay giải quyết việc làm đã giúp 4.367 lao động có việc làm và phát triển kinh tế.

Ông Trần Văn Tài, Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: Thời gian qua, hoạt động tín dụng CSXH của Ngân hàng CSXH tỉnh và các phòng giao dịch cơ sở đã phát huy được vai trò trong việc giúp nhiều trường hợp được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để thoát nghèo và phát triển kinh tế.
 
Để có được kết quả đó, Ngân hàng CSXH tỉnh đã duy trì tốt việc phối hợp với các tổ chức hội, địa phương trong việc thực hiện hiệu quả công tác ủy thác cho vay. Qua các tổ chức hội và các địa phương, việc bình xét, rà soát các đối tượng vay vốn tín dụng CSXH được thực hiện công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Bên cạnh đó, công tác đôn đốc, giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi theo đúng quy định cũng được các tổ chức hội thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.    
 
Đặc biệt, năm 2021, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Để bảo đảm an toàn cho cán bộ, người lao động và khách hàng khi tham gia hoạt động giao dịch, 151/151 điểm giao dịch xã đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Nhờ đó, hoạt động giao dịch của Ngân hàng CSXH tỉnh và các địa phương vẫn diễn ra an toàn, không bị gián đoạn.
 
Thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục duy trì các biện pháp phòng, chống dịch, Ngân hàng CSXH tỉnh sẽ phối hợp với các tổ chức hội tiếp tục bình xét, rà soát các đối tượng được vay vốn tín dụng CSXH, qua đó, giúp họ có nguồn vốn để kinh doanh, phát triển kinh tế.
 

Năm 2021, doanh số cho vay các chương trình ủy thác của Ngân hàng CSXH tỉnh đạt 1.150,2 tỷ đồng, với hơn 24.000 lượt khách hàng vay, bình quân cho vay 47,3 triệu đồng/khách hàng.

Doanh số thu nợ các chương trình ủy thác đạt 943,2 tỷ đồng; tính đến cuối năm 2021, tổng dư nợ đạt 3.693,9 tỷ đồng, tăng 219,2 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 99,9% kế hoạch tăng trưởng.

Đoàn Nguyệt

 
 

tin liên quan

Khi cây lúa… thực hiện SRI

(QBĐT) - Mấy năm trở lại đây, việc thực hiện kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI) trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã được triển khai trên diện rộng, đưa lại hiệu quả cao hơn về năng suất, sản lượng so với kỹ thuật canh tác lúa truyền thống. Nhưng, việc áp dụng kỹ thuật này vẫn còn những khó khăn, trở ngại bởi thói quen canh tác lúa truyền thống của người dân và chất lượng các giống lúa đang áp dụng chưa được thay thế…

"Khoác áo mới", đón đầu làn sóng du lịch

(QBĐT) - Suốt 2 năm "đóng băng" vì dịch Covid-19, mở cửa đón khách quốc tế là cơ hội để du lịch Quảng Bình nhanh chóng phục hồi và phát triển. Không đi lại trên lối mòn cũ, nhiều doanh nghiệp du lịch tích cực thay đổi, sáng tạo và làm mới các sản phẩm du lịch sẵn có. "Khoác áo mới" cho du lịch chính là sẵn sàng đón đầu các làn sóng du lịch phía trước.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi

(QBĐT) - Thời gian qua, trên địa bàn Quảng Bình, dịch bệnh ở đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp. Đáng chú ý, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại xã Phú Thủy (Lệ Thủy) và có nguy cơ lây lan ra các vùng lân cận. Ðể chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, hạn chế thấp nhất dịch bệnh phát sinh, ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương đang tích cực triển khai nhiều giải pháp.