Người dân, doanh nghiệp khó khăn trong "bão giá" xăng dầu

  • 18:59 | Thứ Sáu, 25/02/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Giá các mặt hàng xăng, dầu tăng cao trong thời gian gần đây khiến người dân, doanh nghiệp (DN) vốn đã rất khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 nay càng khó khăn hơn. Trong cơn “bão giá” xăng dầu, người dân buộc phải hạn chế đi lại để tiết kiệm chi phí; các DN đau đầu tính toán trong muôn vàn khốn khó do chi phí sản xuất, cước phí vận chuyển tăng cao nhưng không thể tăng giá thành sản phẩm.
 
Ông Phan Trung Thành, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần (CP) Việt Trung Quảng Bình chia sẻ: Từ trước Tết Nguyên đán, chi phí đầu vào, đầu ra của công ty liên tục tăng cao do các mặt hàng thiết yếu, vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu tăng giá. Trong khi đó, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) cũng như việc phát triển thị phần của đơn vị trong thời gian dài.
 
Đặc biệt, giá xăng dầu tăng cao trong những ngày qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động SXKD của công ty. Lâu nay, công ty chủ yếu sử dụng xăng dầu cho việc đốt lò sấy mủ cao su, xe vận chuyển mủ cao su và vận chuyển gỗ…
Các tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh hoạt động cầm chừng do lượng khách ít và giá xăng dầu tăng cao.
Các tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh hoạt động cầm chừng do lượng khách ít và giá xăng dầu tăng cao.
Tuy nhiên, trong lúc giá bán các sản phẩm của đơn vị trên thị trường không tăng thì giá các mặt hàng xăng, dầu lại tăng ở mức rất cao khiến DN vô cùng khó khăn. Thực tế đáng buồn là mặc dù doanh thu của đơn vị tăng lên, nhưng lợi nhuận ít hoặc thậm chí có thời điểm thua lỗ.
 
Trong khó khăn ấy, Công ty CP Việt Trung Quảng Bình đã tập trung truyên truyền, động viên người lao động (NLĐ) tích cực thi đua sản xuất, nêu cao ý thức trách nhiệm, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch được giao; đồng thời nghiêm túc thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm hoàn thành “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa duy trì phát triển SXKD.
 
“Để giảm áp lực chi phí xăng dầu, chúng tôi chú trọng đổi mới công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất bằng việc đầu tư thay thế hệ thống lò sấy mủ cao su bằng lò sấy hơi nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường; đồng thời thay thế hình thức đốt lò bằng nhiên liệu dầu Diezen hiện nay sang tận dụng dăm bào, mùn cưa, củi”…, ông Phan Trung Thành cho biết.
Doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách đang gặp nhiều khó khăn khi xăng dầu tăng giá.
Doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách đang gặp nhiều khó khăn khi xăng dầu tăng giá.
Công ty TNHH Mai Linh Quảng Bình là một trong những đơn vị kinh doanh vận tải hành khách có thị phần khá lớn trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã khiến lượng khách sử dụng taxi sụt giảm mạnh, làm giảm doanh thu của công ty cũng như thu nhập của lái xe và NLĐ. Nhiều lái xe không chịu được áp lực thu nhập thấp đã xin nghỉ việc để chuyển đổi nghề nghiệp dẫn đến tình trạng thiếu lái xe.
 
Đặc biệt, giá xăng dầu luôn biến động và tăng cao sau các kỳ điều chỉnh của liên Bộ Công thương-Tài chính thời gian qua khiến DN đã khó khăn nay càng khó khăn hơn. “Doanh thu không bù đắp được chi phí.
 
Tuy nhiên, chúng tôi không thể tăng giá cước trên đồng hồ tính tiền liên tục theo giá xăng được, vì mỗi lần điều chỉnh giá cước đồng hồ tính tiền tốn kém quá nhiều chi phí”, đại diện công ty cho biết.
Các hãng taxi có thị phàn hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đang gặp khó khăn do xăng, dầu tăng giá.
Các hãng taxi có thị phàn hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đang gặp khó khăn do xăng, dầu tăng giá.
Công ty TNHH Mai Linh Quảng Bình hiện có 134 phương tiện kinh doanh vận tải hành khách. Trong tháng 1/2022, đơn vị đã thực hiện hơn 21.350 lượt xe vận chuyển gần 50.000 lượt khách di chuyển nội, ngoại tỉnh.
 
Đây là con số khá cao trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thể hiện sự cố gắng của DN nhằm duy trì hoạt động SX, KD nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ đi lại của người dân. Và khó khăn mà Taxi Mai Linh gặp phải cũng là những khó khăn mà các doanh nghiệp taxi khác đang phải đối mặt. 
Phó Giám đốc Công ty CP Vận tải Phú Hoàng (Taxi Tiên Sa), ông Ngô Trí Vinh cho biết: Công ty hiện có 110 đầu xe đang hoạt động. Suốt 2 năm qua, đối mặt với đại dịch, tình hình tài chính của đơn vị đã hết sức khó khăn, nay xăng dầu lại liên tục tăng giá. Thời điểm hiện tại, xăng dầu tăng cao nhưng lượng khách thì quá ít, mỗi ngày 1 xe taxi chỉ đạt doanh thu khoảng 250-300 nghìn đồng, trừ chi phí nhiên liệu, khấu hao tài sản, lãi suất ngân hàng, nghĩa vụ thuế và sinh hoạt phí của lái xe thì coi như hết, không có lương cho lao động.
 
"Nhiều lao động đã xin thôi việc để tìm công việc khác nuôi sống gia đình. Chúng tôi đang động viên anh em cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này,"chung lưng đấu cật" với doanh nghiệp rồi sẽ tìm cách để hỗ trợ anh em, nhưng nói thật là cũng chưa biết tìm cách gì để hỗ trợ cho NLĐ đây. Dịch bệnh kéo dài, người dân đều gặp khó khăn, giờ mình tăng giá dịch vụ thì càng ít người đi taxi", ông Vinh chia sẻ.

“Giá cước taxi vẫn chưa tăng dù các mặt hàng xăng dầu đã qua nhiều lần điều chỉnh tăng giá. Thêm vào đó, diễn biến dịch Covid-19 vẫn đang hết sức phức tạp. Điều này khiến áp lực công việc, thu nhập đối với cánh tài xế là rất lớn, nhưng nếu tăng giá cước thì khách hàng sẽ ngại sử dụng dịch vụ hơn. Lúc ấy, cánh tài xế chúng tôi chỉ còn cách bỏ việc”, một tài xế taxi tâm sự.

Rõ ràng, giá xăng dầu tăng cao liên tục qua các kỳ điều chỉnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động SXKD của các DN trên địa bàn tỉnh. Riêng các DN kinh doanh vận tải hành khách, để vượt qua cơ “bĩ cực” này, không còn cách nào khác ngoài tăng giá cước.
 
Trong một văn bản báo cáo tình hình hoạt động vận tải hành khách gửi Sở Giao thông vận tải mới đây, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Quảng Bình cho biết: Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến lượng khách sử dụng dịch vụ taxi giảm đáng kể. Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng cao khiến các DN buộc phải bù lỗ để duy trì phương án kinh doanh đã đề ra.
 
Để bảo đảm việc làm, đời sống của NLĐ, các DN kinh doanh vận tải nói chung đang xem xét việc tăng giá vé. Cụ thể, dịch vụ vận tải hành khách nội tỉnh sẽ tăng từ 10-15% giá vé, ngoại tỉnh sẽ tăng từ 15-20%. Riêng các hãng taxi trên địa bàn tỉnh đang chờ xin ý kiến của các tổng công ty để điều chỉnh mức giá phù hợp.
 
Không chỉ có DN, người dân cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn khi xăng dầu tăng giá. Anh Nguyễn Quang Tuệ ở phường Đồng Phú (TP. Đồng Hới) chia sẻ: “Nếu như trước đây, mỗi lần đổ đầy xăng cho chiếc ô tô, tôi chỉ mất khoảng 800 nghìn đồng thì nay phải chi phí hơn 1 triệu đồng. Do điều kiện công việc phải di chuyển nhiều (khoảng 100km/ngày-PV) nên việc giá xăng tăng cao đã trở thành áp lực không nhỏ đối với cá nhân tôi và gia đình. Dẫu vậy, hết xăng thì phải đổ chứ không có cách nào khác”.
Giá xăng tăng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.
Giá xăng tăng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.
Mặc dù giá các mặt hàng xăng dầu tăng cao trong những ngày qua, trong khi nhu cầu tiêu thụ của người dân không giảm nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, trên địa bàn tỉnh chưa có tình trạng các cửa hàng kinh doanh, bán lẻ xăng dầu găm hàng, tự ý tăng giá. Tất cả các điểm bán lẻ xăng dầu đều mở cửa phục vụ nhu cầu của người dân 24/24 giờ trong ngày.
 
Thông tin tổng hợp của Cục Thống kê cho biết: Trong tháng 2/2022, chỉ số giá tiêu dùng thuộc nhóm giao thông tăng 1,97% so với tháng 1. Nguyên nhân do chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 5,53% từ 2 đợt điều chỉnh giá xăng, dầu vào ngày 11 và 21/2/2022. Cụ thể, giá xăng tăng 5,77%, dầu Diezen tăng 8,25% so với tháng 1/2022.
 
Cũng trong tháng 2-2022, chỉ số giá tiêu dùng nhóm dịch vụ giao thông công cộng tăng 4,68%; trong đó, vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 10,44%, vận tải hành khách bằng đường sắt tăng 7,95% và vận tải hành khách bằng đường bộ tăng 2,43%.
 
Nguyễn Hoàng
 
 

tin liên quan

Hội nghị quốc tế về thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm

(QBĐT) - Ngày 25/2/2022, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức hội nghị quốc tế về thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm: Bài học từ kinh nghiệm quốc tế.

Chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi

(QBĐT) - Do ảnh hưởng của không khí lạnh nên những ngày qua, trên địa bàn tỉnh trời chuyển rét đậm, nhiều địa phương nhiệt độ xuống thấp từ 7-10 độ C vào ban đêm. Để phòng, chống rét cho vật nuôi, ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm chủ động ứng phó, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm.

Triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội

(QBĐT) - Chiều ngày 25/2, đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.