Khi cây lúa… thực hiện SRI

  • 08:03 | Chủ Nhật, 27/02/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mấy năm trở lại đây, việc thực hiện kỹ thuật canh tác lúa cải tiến (SRI) trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã được triển khai trên diện rộng, đưa lại hiệu quả cao hơn về năng suất, sản lượng so với kỹ thuật canh tác lúa truyền thống. Nhưng, việc áp dụng kỹ thuật này vẫn còn những khó khăn, trở ngại bởi thói quen canh tác lúa truyền thống của người dân và chất lượng các giống lúa đang áp dụng chưa được thay thế…
 
Hiệu quả SRI
 
Kỹ thuật canh tác lúa cải tiến là một tiến bộ kỹ thuật đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) công nhận từ năm 2007 và được giải thưởng “Bông lúa vàng” năm 2012. SRI được nông dân đón nhận bởi đây là một hệ thống sản xuất lúa gạo tiên tiến, hiệu quả, thân thiện với môi trường, có khả năng nâng cao sản lượng lúa canh tác, giảm thiểu lượng nước tưới, giống, phân bón, thuốc trừ dịch hại và công lao động, đồng thời, giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính so với phương pháp sản xuất lúa truyền thống.
 
Tại huyện Lệ Thủy, năm 2013, được sự hỗ trợ kinh phí từ Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV), người nông dân trên địa bàn đã bắt đầu áp dụng kỹ thuật này nhằm thay đổi dần phương pháp sản xuất lúa truyền thống. Qua gần 10 năm triển khai, năng suất, sản lượng lúa trên địa bàn không ngừng tăng lên qua hàng năm. Năm 2021, năng suất lúa bình quân cả năm của huyện Lệ Thủy đạt 49,43 tạ/ha (tăng 2,74 tạ/ha); sản lượng lúa cả năm 96.566 tấn (tăng 5.333 tấn so với năm 2020).
 
Ông Võ Thanh Đạt, Ủy viên Hội đồng quản trị Hợp tác xã (HTX) Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lộc Thượng (An Thủy) cho biết: Năm 2013, HTX là đơn vị đầu tiên ở huyện Lệ Thủy áp dụng kỹ thuật canh tác SRI vào đồng ruộng. Lúc mới triển khai, HTX gặp rất nhiều khó khăn, do thói quen canh tác lúa truyền thống của bà con. Vì thế, HTX đã tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ kỹ thuật, làm mẫu để bà con thực hiện theo.
 
“Thực tế ở HTX cho thấy, những diện tích áp dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến năng suất, sản lượng đều tăng trong khi chi phí đầu tư của người dân giảm một cách rõ rệt. Hoạch toán từ áp dụng kỹ thuật SRI đã đưa năng suất lúa tăng từ 5-7%, giảm chi phí đầu vào cho bà con khoảng 15%. Từ chỗ e ngại ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, nay, HTX đã vận động bà con thực hiện được 268ha lúa theo SRI…”, ông Đạt chia sẻ.
Nông dân Lệ Thủy kiểm tra việc thực hiện kỹ thuật canh tác lúa cải tiến.
Nông dân Lệ Thủy kiểm tra việc thực hiện kỹ thuật canh tác lúa cải tiến.
Bà Võ Thị Nga (đội 1, thôn Lộc Thượng, xã An Thủy), người có gần 10 năm thực hiện kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến cho rằng: Canh tác lúa theo SRI giúp người nông dân tiết kiệm được nhiều thứ. Trước hết là khâu giống, từ chỗ trước đây, 1 sào gieo hết khoảng 6-7kg lúa giống, nay chỉ mất khoảng 3kg. Thêm nữa là giảm được khoảng 15% lượng phân bón, giảm lượng nước bơm và công chăm sóc. Mặt khác, vì gieo thưa, lại sử dụng guồng sạ hàng nên ruộng lúa thông thoáng, sâu bệnh ít hơn, do vậy, chất lượng hạt lúa được nâng lên, an toàn với người tiêu dùng…
 
“Ban đầu khi bắt tay vào thực hiện SRI, gia đình tôi cũng rất lo lắng vì sử dụng lượng giống quá ít, chỉ 3kg lúa giống/sào. Nhưng khi thu hoạch lúa, gia đình rất bất ngờ vì năng suất lúa cao. Từ chỗ, canh tác lúa theo kỹ thuật truyền thống cho thu hoạch khoảng 3,5 tạ/sào, nay, thực hiện SRI đã cho năng suất 4 tạ/sào. Vụ lúa này, gia đình tôi thực hiện 15 sào theo kỹ thuật SRI, chủ yếu là giống P6, toàn bộ lúa thực hiện SRI đều được Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Quảng Bình thu mua với giá khá cao…”, bà Nga chia sẻ.
 
Ông Lê Quý Tùng, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Quy Hậu (Liên Thủy) khẳng định tính hiệu quả của kỹ thuật canh tác lúa cải tiến: "Trước đây bà con nông dân Quy Hậu không đồng tình và còn lưỡng lự khi thực hiện SRI với lý do được đưa ra là sản xuất lúa mà cây lúa không có nhiều nước, như thế không hợp lý. Tuy nhiên, sau một thời gian tuyên truyền, vận động, nhìn cách làm hiệu quả của các địa phương khác, đến năm 2018, HTX Quy Hậu bắt đầu thực hiện kỹ thuật SRI. Đến nay, bà con nông dân ở Quy Hậu đã thực hiện được khoảng 90ha. Vì cây lúa sử dụng ít thuốc trừ sâu, nên hạt lúa an toàn, người dân yên tâm hơn khi sử dụng...”.
 
Cần những bộ giống mới…
 
Giải đáp những băn khoăn của bà con, HTX về các giống lúa có nguy cơ thoái hóa sau một thời gian dài sử dụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Nguyễn Hữu Hán cho rằng: Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, việc sử dụng kỹ thuật canh tác SRI là rất hợp lý, nhằm giảm chi phí sản xuất lúa cho bà con. Đối với các giống lúa, hiện nay, chính quyền địa phương đang tích cực chỉ đạo các ngành chức năng tìm kiếm giống mới để thay thế…
Tính hiệu quả của việc thực hiện kỹ thuật canh tác lúa cải tiến mấy năm qua trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã được minh chứng. Tuy nhiên, theo đánh giá của một số bà con, HTX, chính quyền địa phương cần chủ động thay đổi các bộ giống cũ, tìm kiếm và thay thế các bộ giống mới để cho năng suất, hiệu quả kinh tế hơn.
 
Ông Võ Thanh Đạt cho rằng, để nâng cao hơn nữa năng suất, sản lượng và người dân có thu nhập cao trên đồng ruộng cần phải cải tạo lại các bộ giống cũ đang được đưa vào sản xuất. Theo lý giải của ông Đạt, như giống lúa P6 đang được trồng nhiều tại HTX Mỹ Lộc Thượng được bà con nông dân đánh giá là “giống an toàn”. Tuy nhiên, giống lúa này đã có gần 10 năm đưa vào sản xuất, vì vậy, có nguy cơ bị thoái hóa, dễ sinh sâu bệnh, năng suất thấp, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất lúa của bà con. Biết được điều đó, HTX đã dần chủ động thay đổi, vận động bà con đưa giống lúa mới như ST24 vào trồng khảo nghiệm trên những cánh đồng với diện tích khoảng 15ha.
 
Nông dân Võ Xuân Văn (đội 1, thôn Lộc Thượng, xã An Thủy) làm hơn 25 sào lúa theo kỹ thuật SRI, chủ yếu các giống lúa, như: P6, Nhị ưu 838. Qua gần 10 năm thực hiện kỹ thuật SRI trên đồng ruộng, ông chưa dám mạnh dạn đưa một số giống mới vào thay thế. Ông Văn cũng lo ngại các giống lúa cũ sau một thời gian dài sản xuất sẽ dần thoái hóa…
 
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Lệ Thủy về cơ cấu các bộ giống cho quy trình thực hiện kỹ thuật canh tác lúa cải tiến, được biết, năm 2021, ngành Nông nghiệp địa phương đã rất quan tâm đến công tác sản xuất thử nghiệm và trình diễn các giống lúa mới. Trong năm, đã khảo nghiệm, sản xuất thử trên 20 giống lúa mới, kết quả thăm đồng đánh giá một số giống mới đưa vào thử nghiệm có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh khá tốt, như: P6, PC6, HN6, Hà Phát 3, VNR20. Nhiều loại giống có triển vọng, đang được ngành Nông nghiệp tiếp tục khảo nghiệm đánh giá trong vụ mùa tới gồm: TBR279, DT80, Thụy Hương 308, VT404, GH12, BT09…
 
Cũng theo ông Vương, năm 2022, theo kế hoạch, huyện Lệ Thủy sẽ thực hiện hơn 2.900ha lúa theo kỹ thuật canh tác lúa cải tiến, đồng thời, tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các địa phương tiếp tục thực hiện kỹ thuật này trong các năm tiếp theo nhằm góp phần đổi mới và hướng đến một nền nông nghiệp an toàn, hiệu quả, phát triển bền vững.
 
Ngọc Hải

tin liên quan

Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi

(QBĐT) - Thời gian qua, trên địa bàn Quảng Bình, dịch bệnh ở đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp. Đáng chú ý, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại xã Phú Thủy (Lệ Thủy) và có nguy cơ lây lan ra các vùng lân cận. Ðể chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, hạn chế thấp nhất dịch bệnh phát sinh, ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương đang tích cực triển khai nhiều giải pháp.

Bàn tròn du lịch

(QBĐT) - Du lịch Việt Nam đã sẵn sàng và chuẩn bị tốt nhất để từ ngày 15/3/2022 sẽ chính thức mở cửa lại trong điều kiện bình thường mới. Du lịch Quảng Bình cũng đã sẵn sàng cho những cơ hội bứt phá mạnh mẽ, trong đó, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 là yếu tố tiên quyết. Để làm được điều này, những người làm du lịch Quảng Bình đang nỗ lực giải bài toán về nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ, đổi mới sản phẩm du lịch, tăng cường quảng bá, xúc tiến…

Người dân, doanh nghiệp khó khăn trong "bão giá" xăng dầu

(QBĐT) - Giá các mặt hàng xăng, dầu tăng cao trong thời gian gần đây khiến người dân, doanh nghiệp (DN) vốn đã rất khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 nay càng khó khăn hơn. Trong cơn "bão giá" xăng dầu, người dân buộc phải hạn chế đi lại để tiết kiệm chi phí; các DN đau đầu tính toán trong muôn vàn khốn khó do chi phí sản xuất, cước phí vận chuyển tăng cao nhưng không thể tăng giá thành sản phẩm.