Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi

  • 08:09 | Thứ Bảy, 26/02/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, trên địa bàn Quảng Bình, dịch bệnh ở đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp. Đáng chú ý, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại xã Phú Thủy (Lệ Thủy) và có nguy cơ lây lan ra các vùng lân cận. Ðể chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, hạn chế thấp nhất dịch bệnh phát sinh, ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương đang tích cực triển khai nhiều giải pháp.
 
Nguy cơ phát sinh dịch bệnh
 
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT), từ ngày 1/1/2022 đến 18/2/2022, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi (DTNCP) ở 2 xã tại huyện Tuyên Hóa và Quảng Trạch, làm 42 con lợn mắc bệnh, phải tiêu hủy với trọng lượng hơn 2.695kg. Hiện, còn xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa) chưa qua 21 ngày. Từ ngày 31/1 đến 18/2/2022, bệnh cúm gia cầm (CGC) A/H5N1 đã xảy ra ở 1 hộ chăn nuôi tại xã Phú Thủy (Lệ Thủy) làm 4.100 con gà mắc bệnh, chết và tiêu hủy.
 
Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò và tai xanh trên lợn. Tuy nhiên, những bệnh này đã xuất hiện trên nhiều tỉnh, thành trong cả nước nên nguy cơ lây nhiễm là rất lớn. 
Việc phun tiêu độc khử trùng chuồng trại tại các địa bàn có dịch được ngành chức năng và các địa phương thực hiện nghiêm túc.
Việc phun tiêu độc khử trùng chuồng trại tại các địa bàn có dịch được ngành chức năng và các địa phương thực hiện nghiêm túc.
Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, công tác phòng, chống dịch cho đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Chăn nuôi trâu, bò ở các địa phương chủ yếu nhỏ lẻ, theo hình thức chăn thả; tỷ lệ tiêm phòng các loại vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm trong năm 2021 đạt thấp (lở mồm long móng đạt 36,9% so với kế hoạch; tụ huyết trùng trâu, bò đạt 54,6%; dịch tả lợn đạt 25,8%; CGC đạt 8%; dại chó đạt 37,4%) nên chưa đạt miễn dịch bảo hộ theo quy định.
 
Riêng với DTLCP hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh, thuốc điều trị đặc hiệu; vắc-xin phòng bệnh VDNC chủ yếu là nhập khẩu, giá thành cao... Mặt khác, kinh phí hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh trong năm 2021 chưa có; hệ thống thú y cấp xã ở nhiều địa phương không còn nên việc giám sát, phát hiện, báo cáo dịch bệnh chậm, chưa kịp thời.
 
Cùng với đó, việc quản lý hoạt động giết mổ ở nhiều địa phương chưa chặt chẽ, nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chưa bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn cố tình hoạt động gây khó khăn cho quá trình thực hiện, xử lý.
 
Dự báo nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh, lây lan trong thời gian tới là rất lớn. Đặc biệt là dịch CGC đang xảy ra trên địa bàn tỉnh, DTLCP còn một số ổ dịch nhỏ lẻ phát sinh kéo dài từ cuối năm 2021 sang năm 2022 và thời gian bảo bộ miễn dịch sau tiêm phòng vắc-xin VDNC năm 2021 đã gần hết.
 
Ông Trần Văn Cần, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuyên Hóa cho biết, từ ngày 1/1 đến 18/2/2022, DTLCP đã xảy ra ở 5 hộ trên địa bàn xã Lâm Hóa làm 40 con lợn mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy với trọng lượng 2.458kg. Nguy cơ DTLCP tiếp tục lây lan là rất cao do chưa có vắc-xin phòng bệnh; việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi trên địa bàn còn hạn chế, đặc biệt là sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt; hoạt động giết mổ chủ yếu là nhỏ lẻ…
 
Triển khai nhiều giải pháp
 
Năm 2022, việc tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm được thực hiện 2 đợt. Trong đó, đợt 1 là từ cuối tháng 2-3; đợt 2 từ tháng 8-9. Các loại vắc-xin được tiêm chủ yếu là: CGC, lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả lợn...
Lệ Thủy là huyện có tổng đàn gia cầm lớn với hơn 1,9 triệu con tại thời điểm cuối năm 2021, trong đó, đàn gà hơn 1,5 triệu con. Ngay sau khi dịch CGC xuất hiện tại thôn Phú Xuân, xã Phú Thủy, UBND huyện Lệ Thủy đã phối hợp với các ngành, đơn vị chuyên môn khoanh vùng dập dịch, không để dịch lây lan diện rộng.
 
Ông Nguyễn Hữu Hán, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết, nhận được tin báo trên địa bàn xã Phú Thủy xảy ra dịch CGC, UBND huyện đã lập tức tổ chức họp, giao nhiệm vụ cho các đơn vị chức năng, địa phương bao vây dịch và khống chế dịch bằng cách phát hiện kịp thời, nhanh chóng lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.
 
Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã phối hợp với các ngành chức năng tiến hành tiêu hủy toàn bộ số lượng gia cầm nhiễm bệnh, phun tiêu độc khử trùng, xét nghiệm tầm soát các trang trại xung quanh.
 
UBND huyện cũng có công điện, công văn chỉ đạo toàn huyện, yêu cầu các địa phương thông báo tình hình dịch bệnh và truyên truyền trên các loa truyền thanh để người dân chủ động phòng tránh. Đến thời điển hiện tại, dịch CGC trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã được kiểm soát, khống chế, không phát sinh thêm ổ dịch mới.
Chăn nuôi an toàn-biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả đang được các trang trại trên địa bàn tỉnh nhân rộng.
Chăn nuôi an toàn-biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả đang được các trang trại trên địa bàn tỉnh nhân rộng.
Tại Tuyên Hóa, bên cạnh việc tích cực triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch, ngăn chặn dịch bệnh, huyện cũng chỉ đạo các cơ quan liên quan tập trung tuyên truyền các dấu hiệu nhận biết và biện pháp giúp người dân nâng cao nhận thức, hiểu biết để phòng, chống bệnh DTLCP hiệu quả.
 
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, toàn tỉnh có 31.900 con trâu, 104.588 con bò, 241.105 con lợn và gần 4,7 triệu con gia cầm. Để phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, UBND tỉnh, Sở NN-PTNT đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện phòng, chống dịch bệnh. Sở NN-PTNT đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; tổ chức phun tiêu độc khử trùng; tiêm phòng vắc-xin; tăng cường công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển qua lại trên địa bàn…
 
Để công tác phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các địa phương khẩn trương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi theo chỉ đạo của UBND tỉnh, hướng dẫn của Sở NN-PTNT…
 
Lan Chi

tin liên quan

Chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi

(QBĐT) - Do ảnh hưởng của không khí lạnh nên những ngày qua, trên địa bàn tỉnh trời chuyển rét đậm, nhiều địa phương nhiệt độ xuống thấp từ 7-10 độ C vào ban đêm. Để phòng, chống rét cho vật nuôi, ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm chủ động ứng phó, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm.

Triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội

(QBĐT) - Chiều ngày 25/2, đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Quảng Bình sẽ có cơ hội bứt phá mạnh mẽ

(QBĐT) - Chính phủ đã đồng ý với đề xuất mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới kể từ ngày 15/3/2022. Đây được xem là nỗ lực nhằm sớm phục hồi ngành du lịch Việt Nam sau một khoảng thời gian dài "đóng băng" vì dịch Covid-19. Du lịch Quảng Bình sẽ phải làm gì để đáp ứng xu thế, "thích ứng linh hoạt" trong tình hình mới? Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam.